Con cái cúi đầu tiễn đưa cha mẹ âu cũng là sự chấp nhận quy luật tạo hóa, nhưng mỗi lần nhớ lại hình bóng cha già, con người ta không tránh được cảm giác nhung nhớ và xót thương. Bài thơ “Thương cha” được nhà thơ Nguyễn Đăng Độ viết từ mạch nguồn xúc cảm ấy – một tiếng lòng da diết, quặn thắt mà thấm thía nỗi người, nỗi đời.
Bài thơ được mở đầu bằng những câu từ nặng trĩu tâm tư:“Giọt nước mắt chảy theo năm tháng/ Mồ hôi cha thấm ướt một đời người”. Người ta vẫn thường nói: không có sứ mệnh nào cao cả và nhọc nhằn như làm cha mẹ. Không giây phút nào ngơi nghỉ, và chẳng ai tính nổi tuổi… về hưu. Nuôi dưỡng con cái nên người, cha mẹ đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt, cần mẫn sớm hôm để đàn con thơ không phải chịu cảnh đói rét, nghèo túng... Riêng về tình cha, hình tượng người cha luôn được ví với “vầng thái dương”, với “núi Thái Sơn” đủ để ai nấy đều thấy cảm trọng trách chèo lái cả gia đình, nghĩa vụ với quê hương, Tổ quốc trong những năm tháng khó khăn, cơ cực.
Con cái có ngày lớn khôn, trưởng thành, đong đếm sao nổi công ơn người cha hiền lành, chịu thương chịu khó; gom sao nổi bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống như mưa trên những thửa ruộng cằn. Miền Trung – mảnh đất nghèo cơm nghèo gạo, mùa hè bỏng rát gió Lào, mùa đông rét buốt như cắt thịt da… cứ thế những đứa con lớn khôn từ dằng dặc yêu thương, thấm đẫm vất vả ấy, nên suốt đời người sao có thể phôi pha?
“Mồ hôi cha thấm ướt một đời người”, câu thơ vang lên giản dị, chân tình, ý lồng trong ý. Vừa như thước phim quay chậm về cuộc đời cha lam lũ sớm hôm, vừa là sự tiếp nối đầy ánh sáng đến cuộc đời của những đứa con lớn lên trong những cơ hàn cực nhọc để rồi một mai như đàn chim tung cánh bốn phương, như đàn cá thỏa sức mình vẫy vùng sông biển. Dù đã khôn lớn, nhưng đạo làm con vẫn mãi khắc ghi công ơn của cha mẹ, bởi mồ hôi cha đã thấm ướt cả đời mình bằng đẫm vị mặn mòi sương gió của đời cha.
Người cha hiện lên trong hai câu thơ tiếp theo với thi ảnh mang tính biểu trưng, vững chãi như ngọn núi Thái Sơn, sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn thử thách để các con được lớn lên trong yên bình: “Dáng cha đứng ngược chiều gió táp/ Che chắn đàn con sớm tối ngược xuôi”. Cơn “gió táp” kia chính là ẩn dụ về nỗi gian truân suốt một kiếp người mà cha đã âm thầm gánh vác để gia đình ấm êm, để góp chút sức mình cho quê hương, đất nước.
Ngược dòng thời gian về bao năm tháng đã đi qua, khi đất nước còn chiến tranh, nghèo khổ… thấm thía sao hết nỗi cơ hàn, nhất là ở mảnh đất miền Trung nắng mưa rát mặt. Gian lao đời cha không chỉ ở chuyện mưu sinh, nuôi đàn con thơ với công việc của người nông dân nghèo thuở ấy mà những người cha cũng là người lính, đổ xương máu cho hòa bình độc lập, hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư cho ước mộng ngày mai. Chỉ cần nơi xóm nghèo đó, các con đủ bữa rau, bữa cháo qua ngày, được hàng xóm láng giềng che chở trong hầm trú ẩn… thì bao gian lao cha cũng cam lòng. Hai câu thơ trong mạch hồi tưởng ấy vốn không phải là câu chuyện của riêng ai, đó là ký ức chung của cả một thế hệ người miền Trung nói riêng và người Việt nói chung, đầy yêu thương, đầy khát vọng.
Như một quy luật của cuộc đời, người ta thêm yêu quê hương khi đã cách xa, thêm ơn cha mẹ khi đã khôn lớn trưởng thành. Rốt cuộc, rồi cũng đến một ngày những đứa con thấu tỏ thêm nỗi mênh mông, bất tận của tấm lòng cha mẹ: “Nặng nhọc âu lo đeo bám khôn nguôi /Cha lặng lẽ giấu vào tâm khảm /Nước mắt rơi ngày ba tháng tám/ Cha một mình một bóng vượt bão dông”. Khổ thơ đã cất lên nỗi lòng sâu rộng, không biên giới của người cha. Dẫu vất vả tới đâu, cũng không dám oán than nửa lời, lặng lẽ chịu đựng một mình, giấu những tâm sự vào thăm thẳm niềm riêng....
Dù có thể suốt một đời người luôn phải khóc thầm, nhưng không người cha nào nỡ rơi nước mắt trước mặt các con. Dù cơ cực tới đâu, cha vẫn luôn tỏ ra bình thản, mong con cái không bận tâm, để chúng lớn lên hồn nhiên, trong trẻo như mầm chồi buổi sớm. Giá trị đẹp đẽ của sự hy sinh cao cả đó làm nên nét cứng cỏi, can trường của người cha, người chồng, người trụ cột gia đình. Dẫu trong lòng có trăm ngàn con sóng cả, nhưng trên môi cha vẫn luôn nở nụ cười bình thản để làm chỗ dựa cho các con. Dẫu phải một mình đương đầu với sóng gió gian nan, nhưng cha biết mình không côn đơn, bởi phía sau lưng mỗi người cha có một gia đình, đó là điểm tựa bình yên để cha có thêm sức mạnh.
“Chúng con lớn lên như những dòng sông/ Chảy trong suốt giữa đôi bờ xanh biếc”. Trong nhịp thơ trầm ngâm, chiêm nghiệm chợt sáng lên hai câu thơ mang sắc thái trong trẻo, đem lại cho người đọc cảm thật dịu lòng với những hình ảnh rất quen thuộc nhưng không kém phần thi vị. Thời gian qua đi, những đứa con bé bỏng ngày nào giờ đã lớn khôn. Câu thơ mang âm điệu nhịp nhàng, uyển chuyển với thanh bằng và thanh trắc đan xen, gợi lại những kỷ niệm về một thời niên thiếu vô ưu, đàn con cứ thế lớn lên trong sự bao bọc, chở che của cha mẹ. Quê hương Thạch Tiến, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là miền quê nghèo nhưng phong cảnh hữu tình, non xanh thủy tú hun đúc tâm hồn, ý chí của bao thế hệ con người. Đó dường như cũng là nguyên do khiến hình ảnh dòng sông xuất hiện thường xuyên trong thơ anh. Những dòng sông lững lờ trôi là một phép ẩn dụ giàu sức gợi để nói về tuổi thơ hồn nhiên, tuổi thanh xuân đẹp đẽ và nỗi niềm bất tận của con người chảy trôi theo tháng năm, theo cồn cào nhịp sóng.
Lúc con cái cứ thế vô ưu khôn lớn, cũng là lúc cha oằn lưng gánh nặng nuôi cả gia đình. “Con đâu biết đời cha muôn trùng bão xiết/Nỗi đắng cay cơm áo cọc còi”. Giông tố cuộc đời cha chủ động gánh chịu một mình, để các con được hồn nhiên vẫy vùng sức trẻ. Bên đời, cha vẫn lặng lẽ bươn chải, góp nhặt từng nụ cười cho những đứa con, cho mái ấm gia đình. Có lẽ đối với những người làm cha, chỉ cần nhìn thấy con cái được bình an, vui vẻ thì những nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật sẽ tan biến như cơn gió thoảng.
Nhưng nếu nhịp sống cứ chảy trôi vô định thế có lẽ sẽ tồn tại những khoảng trống. Điều đáng ngẫm ở chỗ, trưởng thành, phải tự mình đối mặt với những thử thách của cuộc đời, con cái thường mới thấu cảm ơn cho nỗi vất vả của cha: “Con lớn lên ngày tháng đưa thoi/ Những va vấp dập bầm nỗi người tím tái/ Chợt nhận ra đời cha từng trải/ Bao bão giông đắng chát phận người”. Từ cậu bé ngày xưa vô tư còn mải mê đánh đáo, bắn chim ngày nào giờ đã trưởng thành, bước tiếp con đường mà cha mình đã đi, đó là trở thành một người lính cống hiến cho Tổ quốc, một người cha gồng gánh gia đình với những bước ngoặt, ngã rẽ nhiều cung bậc.
Khi con cảm thấy mình vững vàng để đương đầu với giông tố cuộc đời cũng là lúc cha không con bên cạnh để chở che, sớt chia như ngày thơ bé. Dầu mạnh mẽ, can trường, song trước những thử thách mà cuộc sống mang lại, sao tránh khỏi những giây phút chông chênh, mông lung, bào mòn. Không khoảnh khắc nào khác, chính vào lúc ấy, lòng con càng thấm thía tình cha sâu rộng biết bao nhiêu.
Trong quá khứ, làm sao biết cha thực sự trải qua bao vất vả để nuôi dưỡng các con nên người? Nhưng điều quan trọng là đời sống hiện thực trăm phương ngàn mối đang bủa vây con người, con chợt nhận ra vượt qua những điều đó một cách thản nhiên, ấm áp như cha đã từng, thì không hề đơn giản. Thấy thương cha biết mấy, thấy không cách nào bù đắ được, thấy mọi niềm thương đôi khi thành ra quá muộn màng… Đọng lại sau cuối, như đôi bờ phù sa, tình cha nghĩa mẹ vốn bao dung và vỗ về ta cả khi người đã ra đi, chỉ còn hiện hữu trong tâm tưởng.
Những vần thơ không chỉ đong đầy chiêm nghiệm của đứa con trong cương vị của một người trưởng thành mà từng câu, từng chữ thấm đẫm sự chua xót và ăn năn không dứt bởi khi thực sự bị chia cắt hai cõi âm – dương con nhận ra một cách thấm thía nhất lẽ đời, lẽ người trước tình cha cao rộng thì người cha đã đi hết một kiếp người. Bao bão giông cuộc đời, cay đắng, khổ sở cha đều gói ghém, gửi vào hư vô…
Bốn câu khép lại bài thơ là âm điệu ngân rung, thổn thức, là nỗi niềm con nghĩ về cha, về bao điều nhắn nhủ, bao bài học quý trong đời: “Thời gian đi qua nước mắt nụ cười/ Lời cha dặn con tạc lòng ghi dạ/ Cuộc đời bao dung yêu thương tất cả/ Sóng dập bão dồn phía trước phải nhìn lên…”. Sau bao giông tố đời người, đạo làm con càng nhớ lời cha dặn, phải luôn sống lạc quan và tin vào một tương lai tươi sáng hơn đang đợi mình ở phía trước; hãy yêu đời, yêu người và sống vị tha, đừng vì những đắng cay đã chịu để rồi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt ngập đầy buồn bã, chán chường.
Quy luật cuộc sống luôn chứa đựng, thường trực muôn vàn khó khăn thử thách, sao có thể mong cuộc đời này bằng phẳng và dễ dàng. Xét cho cùng, chia ly hay trắc trở cũng chính là lẽ thường mà con người phải đối diện, vượt qua. Điều quan trọng nhất chính là tình cha vẫn sáng soi, vẫn nhắn nhủ, vỗ về con phải giữ tinh thần lạc quan, vững tin ngày mai sẽ tốt đẹp.
Khi những đứa con khắc ghi lời cha dạy cũng là lúc họ nhận ra cha chưa từng rời xa mình hay rời xa cuộc đời. Cảnh cũ người xưa vẫn đó. Cha như vừa bước qua bậc cửa. Cha như nói cười căn dặn sớm khuya... Người thực sự tồn tại vĩnh hằng nếu lòng ta luôn nhớ nhung, khắc khoải và ngập tràn hy vọng. Tình cha dành cho con, không chỉ ắp đầy những bài học quý mà còn là di sản tinh thần, là bóng cả của một đại gia đình luôn cần yêu thương, nương náu trên dặm dài của cuộc đời.
“Thương cha” của Nguyễn Đăng Độ là một bài thơ hay, ý nhị và mang nhiều triết lý sống đầy nhân văn. Chất tự sự và trữ tình được hòa quyện tinh tế trong cả bốn khổ thơ. Thi phẩm thực sự trở thành một câu chuyện cảm động được kể bằng thơ khiến mỗi chúng ta luôn soi vào để thấy mình trong đó. Nỗi niềm của người cha và con trong bài cũng trở thành dòng tự sự chung, không của riêng ai. Một cảm xúc, cảm hứng quen thuộc mà chưa bao giờ vơi cạn, cũ càng… Từng câu, từng chữ thẫm đẫm tình phụ tử thiêng liêng, mà không cần tới những lời lẽ đao to búa lớn. Kết cấu vòng lặp cùng những phép tu từ như ẩn dụ, so sánh được thi sĩ miền Trung sử dụng một cách hợp lý, nhuần nhuyễn và chứa chan tình cảm. Hồn thơ mộc mạc, dung dị của tác giả đã chạm tới trái tim người đọc, để họ thổn thức cùng vần thơ mộc mạc mà sâu lắng.
Thơ Nguyễn Đăng Độ luôn hấp dẫn người đọc bởi cái tình mà thi sĩ đã gửi gắm vào từng câu chữ, âm điệu. Nhưng riêng những bài thơ viết về đấng sinh thành thì mọi cung bậc dường như được đẩy lên cao nhất, thổn thức nhất mà cũng lay động, chứa chan nhất. Chất chứa trong từng câu từ giản dị ấy là trái tim đầy yêu thương, chiêm nghiệm ngồn ngộn chất sống của một con người đã đi qua quá nửa cuộc đời, nếm trải bao thăng trầm dâu bể của kiếp người. Giá trị dung dị ấy khiến cho người đọc phải suy tư, ngẫm nghĩ và nhận ra nhiều điều đáng quý mà bấy lâu nay có thể đã vô tình lỡ nhịp, vô ưu, khỏa lấp trong đời sống. Sợi dây tình cảm diệu kỳ giữa cha mẹ và con cái là mạch nguồn xuyên suốt trong nhiều bài thơ của Nguyễn Đăng Độ và tôi tin sợi dây ấy luôn bề bỉ, luôn hiện hữu bằng giá trị yêu thương, hy vọng và sự kết nối diệu kỳ.
Thanh Khê
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bong-nui-cua-doi-con-a21036.html