Chợ Gò thuộc thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Chợ nằm trên khu đất rộng bằng phẳng dưới bóng mát của những cây cổ thụ vài trăm tuổi. Chợ có một Đình và năm quán chợ còn lưu dấu năm xây dựng 1931 nổi bật ba chữ "PHÚ T HỊ CẢNG" như một lời khẳng định tầm cỡ Chợ Gò.
Trục đường chính có hai dãy Cụ Đa, Cụ Đề ngót hai trăm năm tỏa bóng mát vào mùa hè và xua tan cái rét lạnh thấu xương mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về dưới tán cây cổ thụ hiển hiện sự phong lưu “Phi thương bất phú“ của đất và người nơi đây.
Từ thế kỷ 17-18, chợ Gò song hành cùng "Phú Thị Cảng Phố Hiến", một thời “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến“ nổi tiếng khắp Đằng ngoài. Còn lưu danh sử sách với các nhà buôn hải ngoại đi theo đường hàng hải đến từ các nước, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Hoa...
Chợ Gò phiên cuối năm ngày 29 tháng chạp, từ các ngả đường, người dân quanh vùng đổ về chợ đông nghịt để đi chợ sắm sanh, nghỉ ngơi mấy ngày tết cổ truyền sau cả năm trời lao động vất vả. Người người, nhà nhà, dù giàu dù nghèo cũng nô nức kéo nhau đi chợ sắm tết, nhất là đám học trò choai choai được nghỉ tết háo hức rủ nhau đi chợ chầu gẫu hàng kẹo kéo, tò he đánh gậy, quên cả đường về dù có bị la dày roi vọt của ông bố nghiêm khắc, chúng cũng quên béng luôn vì sức hấp dẫn của “Chợ Gò Tết“ phiên cuối cùng trong năm.
Nào ta đi chợ Tết một vòng quanh chợ cũng mỏi chân đây. Trước hết, hãy nêu cao cảnh giác với bọn kẻ cắp chợ Gò. Nó trà trộn trong đám đông và từ tứ xứ cũng mò đến đây vì tiếng tăm chợ Gò Lục Tỉnh. Thì kẻ cắp chợ Gò cũng chả khác gì kẻ cắp chợ Đồng Xuân Hà Nội, với câu cửa miệng “Chợ chưa họp, kẻ cắp đã đến“, vì thế chớ coi thường kẻ dấu mặt này, kẻo mất Tết như bỡn!
“Có thực mới vực được đạo“, mời khách đường xa ghé quán ẩm thực chợ Gò, thưởng thức món quà dân dã nơi đây. Nào là bánh hú, bánh trôi, bánh chay mịn mướt bột lọc, bánh tày gù, bánh chưng rán vàng rộm trên bếp than hồng, bánh nắm vàng rượm lăn vừng rang lấm tấm. Rồi chõ xôi ngô nếp, xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen, chõ bánh khúc nếp, bánh mật, bánh gai ngào ngạt hương thơm. Rồi bắp ngô, củ khoai, củ sắn dây luộc, được trưng lên mẹt nứa quà quê dân dã hiền như hạt lúa củ khoai. Kề ngay bên cạnh là hàng bánh đa quạt cong cớn trở mình trên chậu than hoa đỏ rực. Cô gái thoăn thoắt vừa quạt vừa trở đều hai mặt bánh đa ròn thơm rau ráu vừa đi vừa ăn cho ấm cái bụng, thơm sực nức mùi vừng mùi lạc rang thơm hương gạo lúa mới vừa gặt vụ tháng 10, giống lúa bao thai hồng dài ngày thơm ngon tinh khiết.
Trong quán chợ rêu phong ngót trăm tuổi lợp ngói lá đề hảo hạng, được nung bằng rơm của làng nghề nổi tiếng gốm sứ Bát Tràng. Mùi cháo cá rô đồng thơm ngây ngất, những chú cá rô bắt từ đầm sen béo vàng bụng căng phồng, những trứng cứ phải là còn giãy đành đạch mới lựa cho nồi cháo cá chợ Gò được nấu bằng quả cầu bột lọc gạo Tám xoan cấy trên thửa ruộng cây đa “Đìa Đôi” của làng. Với chút hành răm rắc hạt tiêu tán nhỏ mới đủ mùi đủ vị, thơm lừng nhức cả mũi người lại qua bước đi không đành mà ghé mà thăm cô bán cháo rực hồng đôi má niềm mở chào mời. Để rồi đi đâu về đâu cũng không quên cháo cá rô đồng chợ Gò của Cụ Tỉnh ngày nào nay đã truyền nghề cho cô con gái Rượu.
Đối diện quán bên kia hàng cháo cá rô đồng, cũng chả kém cạnh là nồi bánh đúc riêu cua nổi từng mảng gạch cua ngầy ngậy của giống cua đồng tự nhiên từ cánh đồng quanh vùng được bắt ra từ hang cua đùn đất phủ bọt cua nơi cửa hang sâu ngập cánh tay của người bắt cua đồng. Mới làm nên hương vị tinh tế bát bánh đúc riêu cua ăn rồi còn muốn quay trở lại thêm nhiều lần nữa. Thưởng thức bát chiết yêu bánh đúc riêu cua được hoà quện cùng hoa chuối non, rau mùi hành lá, bánh đúc lạc nhân dẻo dai thái mỏng nổi váng gạch cua đồng, hấp dẫn thực khách đường xa lục tỉnh về đây họp chợ để gật đầu khen ngon, đúng điệu đúng mùi vị hấp dẫn ngay từ cái ngửi đầu tiên để mà tìm đến quán bán riêu cua đồng trứ danh ẩm thực đồng quê dân dã nơi đây, chợ Gò làng Thanh Cù xã Ngọc Thanh. Cũng thật bất ngờ chủ quán bánh đúc riêu cua hiện nay lại chính là cậu bạn cùng học lớp 5c Chùa Gò năm xưa cùng với mình nữa chứ, vợ chồng bạn Lâu Dung gặp tôi tay bắt mặt mừng chào hỏi và tôi cũng không quên tự thưởng cho mình bát bánh đúc riêu cua chợ Gò từ tay người bạn học thời niên thiếu khăn quàng đỏ năm xưa 1967-1968 niên học lớp 5c Chùa Gò ngay về phía cuối chợ.
Rồi thì hàng bún vịt, bún ngan nghi ngút khói, điểm sợi măng giang mềm vàng nhạt ong óng kén chọn từ núi rừng Yên Bái ngon thơm khó cưỡng nổi. Cái chân ta ghé vào làm một tô nóng sốt để ăn một lại muốn ăn hai.
Cuối dãy quán ẩm thực là nồi cháo lòng tiết canh cũng đang sôi sùng sục, được vớt ra mâm đồng. Nào là lòng già, lòng non, cổ hũ dạ dày, tim gan phèo phổi, của giống lợn ỉ Móng Cái cùng hành lá rau răm thái nhỏ, rắc hạt tiêu xay làm nên hương vị đặc trưng của nồi cháo lòng. Cũng vòng trong, vòng ngoài, người chờ bát cháo lòng với đủ lục phủ ngũ tạng ngon lịm tim với chén rượu trắng nút lá chuối được nấu chưng cất ngay trong làng Gò bằng nếp cái hoa vàng phơi được nắng thì chỉ có mà nhất chứ chẳng chịu thứ nhì thứ ba đâu nhé!
Bụng đã ấm, nào ta rảo bước chân một vòng chợ Tết mà trong lòng phấn chấn. Chợ Gò phiên cuối cùng trong năm, người dân thổ cư quanh vùng Tổng Thanh Cù cùng khách Lục Tỉnh về đây họp chợ nườm nượp náo nức. Trên là trời, dưới là nông sản, là tinh hoa làng nghề, là quà quê hạt lúa củ khoai. Là tà áo em màu mỡ gà lụa Vạn Phúc, quần đen lụa Mỹ Á, để rồi tay xách đầu đội mua sắm hàng Tết trong tiết mưa xuân hoa xoan phơi phới bay. Mà cảm giác Tết đã về gần tới dốc chợ Gò!
“Còn tiếp” 25/3/2021 PTL
Chuyện làng quê
Phạm Thị Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-go-mot-thang-sau-phien-3-a21052.html