Tự hào Tiểu đoàn K200

Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Hoàng Kim Quế và các cựu chiến binh Tiểu đoàn K200

Ngày 9/4/1967, tại Sở chỉ huy Trung đoàn 1, Sư đoàn 250 (F250) Quân khu Việt Bắc, Trung đoàn trưởng, Trung tá Hồ Nhĩ Quang xúc động nhận lá cờ giải phóng từ tay Thiếu tướng Bằng Giang- Phó Tư lệnh Quân khu, nhận lệnh lên đường ra trận.

anh-1696513990.jpg
Cựu chiến binh Hoàng Kim Quế

Sau thời gian huấn luyện, hai trăm chiến sĩ của quê hương Lục Yên, Yên Bái chính thức được biến chế vào Tiểu đoàn d2b. Đoàn quân đi bộ từ Phủ Lý hành quân vào Nam (đi bộ, vượt đèo, lội suối, trải qua bao gian nan vất vả). Đến tháng 7 năm 1967, đơn vị vượt sông Bến Hải đi sâu vào Quảng Trị. Sau đó đến Bình Trị Thiên. Và từ đây, Tiểu đoàn d2b trở thành đơn vị của Quân giải phóng miền Nam mang tên K200.

Các chiến sĩ hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số thật thà, cần cù, có tính kỉ luật cao rất cần cho chiến trường, đặc biệt làm nhiệm vụ “Bám trụ” có nhiều hy sinh gian khổ nhất. Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ tại T11.

Công việc chính là gùi hàng chi viện cho các hướng của chiến trường Trị Thiên. T11 nằm trên đèo Ba Đính (Quân Giải phóng gọi là Dốc bà Định). Đó là nơi đầu nguồn của con sông Hinh. K200 cùng với một số Tiểu đoàn của Trị Thiên – Huế được chia thành các trạm theo số lẻ từ T1 đến T19.

Địa bàn hoạt động của K200 rộng, luôn bị pháo địch ở các cứ điểm Đầu Mầu, Dốc Miến, Cồn Tiên, Cam Lộ, Gio Linh bắn chặn. Máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá, rải chất độc hoá học. Mặt khác, địch do thám, biệt kích chặn quân ta ở các ngả đường. Hễ phát hiện ra quân giải phóng là chúng phát tín hiệu gọi máy bay oanh tạc, đổ quân vây bắt..

Cán bộ, chiến sĩ K200 âm thầm, lặng lẽ, bí mật bám sát các trọng điểm đường số 9 để vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men cho Mặt trận Trị Thiên. Quân địch đông hơn ta gấp nhiều lần. Có những lần quân ta vấp phải sự phục kích của địch.

Tiểu đội của đồng chí Hứa Kim.Bích thuộc T15, gồm 8 chiến sĩ người Lục Yên, hai chiến sĩ người Nghệ An, một chiến sĩ là người dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế) đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị quân địch phát hiện. Quân ta đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt được một Tiểu đội của địch.

Cay cú, quân địch cho máy bay đánh bom. B52 thẳng vào vị trí của Tiểu đội hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Đơn vị rút sâu vào hang đá. Quân địch bắn như vãi đạn cối xuống hang. Các chiến sĩ của ta.đánh trả quyết liệt. Mỹ điên cuồng thả hàng chục quả bom lấp hang. Mười một chiến sĩ thuộc Tiểu đội của đồng chí Hứa Kim Bích đã hy sinh anh dũng.

Các anh đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Cả Tiểu đoàn hạ quyết tâm tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu, trả thù cho đồng đội. Dẫu vẫn biết cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, mọi gian khổ, hy sinh vẫn còn ở phía trước.

Sau chiến dịch Mùa xuân 1968, địch tăng cường phản công xuống khu vực đường 559, chúng sử dụng nhiều Sư đoàn với hoả lực (pháo hạm, máy bay của Hải- Lục- Không quân trên đảo Guy Am). Trận chiến ác liệt nhất, tập trung nhất là Binh tramh 42, 44 Trị Thiên- Huế.

Ngày 28/4/1968, máy bay B52 liên tục ném bom rải thảm các khu vực dốc Con Mèo, A Sầu, A Lưới dọn bãi cho cuộc đổ bộ lớn.

Ngày 19/4/1968, địch mở các cuộc hành quân lớn. Sư đoàn Kị binh số 1 của Mỹ và Lữ đoàn số 3 dồn dập đổ quân xuống A Sầu, A Lưới, Đông Sơn.

Ngày 28/4/1968, địch tiếp tục đổ thêm 12 Tiểu đoàn xuống Pa Đu, A Lưới. Ngã ba Tà Lương đi Hà Tua nhằm phá kho tàng của ta hòng cắt đứt đường chi viện cho chiến trường Trị Thiên - Huế.

Những ngày đầu vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men của ta vào hướng Trị Thiên và Bắc Khu V bị tắc 26 ngày. Hơn một ngàn cán bộ chiến sĩ bị thương và hy sinh, 4O ô tô bị hỏng, một số khẩu pháo và 1.000 tấn hàng hoá bị phá hủy.

Đứng trước tình thế cấp bách đó, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập Binh trạm 43 do đồng chí Hoàng Điều làm Binh trạm trưởng, đồng chí Hồ Anh làm Chính ủy, tổ chức gùi thồ từ Xưởng Giấy vào Bù Lạch. K200 được điều về Binh trạm 43 làm nhiệm vụ. Các đồng chí không quản ngại ngày đêm, trời mưa như thác đổ, nước lũ đục ngầu hung dữ, gùi gạo, thuốc men chuyển tới thương binh. Họ đã vượt qua bao dốc cao, trơn, tay bám dây dá đỏ máu, ăn củ chuối rau rừng dành gạo cho thương binh. Mỗi đồng chí gùi trên lưng là 40 kg đến các cứ điểm: Cồn Tiên, Động Ong Do, Cô Ca Ác, Hang Dơi...

Trong 15 ngày đó có hơn 100 chiến sĩ bị thương và hy sinh. Trong đó có 20 chiến sĩ quê hương đất Ngọc như Tăng Văn Thắng, Lý Hồng miên, Vi Văn Thường, Nông Trung Đoàn, Đoàn Văn Tầm, Nguyễn Quang Thớ, Hà Xuân Phát … Tất cả đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Mấy chục năm đã qua đi, những chiến sĩ K200 nằm lại trên tuyến đường trường Sơn, có đồng chí mang thương tật trở về địa phương...Họ đã làm rạng danh lịch sử Yên Bái với những chiến công mà năm tháng không thể nào quên…

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-hao-tieu-doan-k200-a21085.html