Triển lãm trưng bày 31 tác phẩm, tất cả đều được vẽ bằng sơn dầu. Các tác phẩm đều là trừu tượng liền mạch theo phong cách “tình huống” mà Bùi Chát theo đuổi ngay từ lúc mới cầm cọ cách đây hàng chục năm.
Với phong cách “tình huống”, mỗi tác phẩm của Bùi Chát, là một chuỗi liên tục của những tương tác, va động, chuyển động của những mảng màu, vệt màu luôn luôn là bất định hình, bất khả đoán...
Bằng cách sử dụng một vốn ngôn ngữ tạo hình hết sức tằn tiện, và có cấu trúc trải rộng theo không gian hai chiều bình dị, mỗi tác phẩm trừu tượng của Bùi Chát đều là những khoảng sáng tối lúc lung linh, mơ hồ, lúc âm u, vật vã như là những khoảnh khắc, những trạng thái khác nhau của hiện hữu...
Điểm đặc biệt ở loạt 31 tác phẩm trưng bày lần này Bùi Chát đã không vẽ trên những khung vải bình thường. Tất cả, được vẽ trên mặt vải của những chiếc giường xếp tạm bợ.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Tôi không biết ý đồ của Bùi Chát khi lựa chọn “chất liệu” như vậy. “Chất liệu”, tôi phải bỏ trong ngoặc kép, bởi với Bùi Chát, chiếc giường xếp, có thể đơn giản, chỉ là vật liệu hay phương tiện thể hiện. Riêng tôi, vẫn muốn dùng “chất liệu”, bởi chiếc giường xếp, theo như tôi thấy, cũng là yếu tố tạo ý, tạo nghĩa, khiến các tác phẩm này của Bùi Chát, trở thành những “tình huống mới”- tình huống tương tác của những tượng trưng. Những bức tranh trừu tượng “tình huống” trên bề mặt giường xếp là những tượng trưng. Và những chiếc giường xếp cũng là những tượng trưng. Sự tương tác của những tượng trưng này là những “tình huống mới” vừa bình thường, vừa hết sức khác thường... Phải chăng, qua những tác phẩm này, Bùi Chát muốn thể hiện tình cảnh tạm bợ, nghèo khó và cô đơn trong các quan hệ và trình hiện nghệ thuật?
Tôi không muốn dẫn dắt người xem vào những cảm nhận hay suy tưởng có thể đi quá xa theo chiều thi ca hay triết lý của mình...
Với nhiều người xem, những bức tranh vẽ trên những chiếc giường xếp này, có thể, khiến nhớ lại tình cảnh con người trong các trại cách li dã chiến vì dịch hai năm trước...? Do triển lãm chưa khai mạc, tôi chưa biết Bùi Chát sẽ trưng bày những tác phẩm này như thế nào. Tôi nghĩ, cách trưng bày, hay sắp đặt tác phẩm, cũng có thể, tạo ra một tầng “tình huống mới” nữa...!”
Còn Tiến sĩ Mỹ thuật Nguyễn Thị Từ Huy nói về phong cách của Bùi Chát: “Bùi Chát đã tự vạch cho mình một con đường riêng, một thử nghiệm về ý niệm ứng biến và tình huống. Và như ta thấy trong phần lập ngôn của họa sĩ: anh đang ở giai đoạn đầu tiên đầy đam mê của một người khám phá nghệ thuật và khám phá chính mình thông qua nghệ thuật”.
Nhà thơ Trần Tuấn lại có cảm nhận đặc biệt về tranh của Bùi Chát: “Bùi Chát không màng gì đến các thứ trường phái/chủ nghĩa đương đại... Mà ông, nội thân, bằng sự va đập dữ dội với đời sống cá thể/xã hội, đã tự động mang vác và ngụp lặn với tư duy và cảm thức đương đại ấy từ bao giờ. Cũng như bản thân ông từ hơn hai thập niên trước, khi mới bước vào chặng đường nghệ thuật đầu tiên với tư cách thi sĩ, đã “Mở miệng” và hậu hiện đại đến tột cùng. Đó là minh chứng cho những lối đi nghệ thuật đặc dị và khó lường của Bùi Chát”.
Nói về tranh của Bùi Chát, họa sĩ Hà Hùng phải thốt lên: “Làm nghệ thuật quan trọng nhất là hướng đi phải phù hợp với thời đại, và đúng theo tâm cảm của mình. Về tổng thể thì Bùi Chát đã làm được điều này!”
Thanh Nguyễn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ok-fine-trien-lam-tranh-cua-hoa-si-bui-chat-a21111.html