Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 67

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 67

CHƯƠNG VI.

NHÀ LÊ SƠ SAU THỜI LÊ THÁNH TÔNG

    Lê Thánh Tông là vị vua tài giỏi anh minh nhất trong các vị vua thời Lê Sơ, đã đưa nước Đại Việt nói chung và thời Lê Sơ lên đỉnh cao, hưng thịnh, hùng cường nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Đại Việt thời kỳ này phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, quân sự, chính trị với những cải cách đúng đắn, triệt để của Lê Thánh Tông về pháp luật, hành chính, quân sự. Lê Thánh Tông đã hoàn thiện nhà nước Quân chủ chuyên chế tập quyền. Lê Thánh Tông cũng đã kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, dân tộc. Ông răn dạy quan lại và tướng sĩ rằng kẻ nào dám đem một tấc đất xương máu của ông cha làm mồi cho giặc thì sẽ bị tru di tam tộc. 30 tháng 1 năm 1497 Lê Thánh Tông qua đời, thọ 55 tuổi, ở ngôi 37 năm. Con trưởng của Lê Thánh Tông là Lê Tranh lên ngôi, đế hiệu là Lê Hiến Tông (1497-1504), cai trị được 7 năm và mất ngày 24 tháng 5 năm 1504. Thái tử Lê Thuần kế vị là Lê Túc Tông. Hai vị vua này là minh quân, có thể nối được chí của Lê Thánh Tông. Tuy vậy, chỉ mấy tháng sau Lê Túc Tông qua đời ngày 30-12-1504, ở ngôi được 6 tháng. Anh trai của Túc Tông là Lê Tuấn lên kế vị, gọi là Lê Uy Mục (1504-1510). Sự tàn bạo và ăn chơi sa đọa dâm dật của vị vua này đã mở đầu cho thời kỳ suy sụp của triều Lê Sơ. Những người xưa không đồng ý đưa Lê Uy Mục lên ngôi bị trả thù và bị giết một cách thảm khốc. Lê Uy Mục còn giết cả bà nội là Thái hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằng. Tháng 6 năm 1505, Lê Uy Mục cách chức và giết chết Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ, Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật, sau đó giết chết Nhữ Vi, kẻ đã giết hai đại thần trên để bịt đầu mối. Đêm nào Lê Uy Mục cũng uống rượu dâm dật với cung nhân, sau đó sai giết chết họ. Quyền hành trong triều rơi vào tay bọn hoạn quan và dòng họ ngoại của vua. Phía Đông thì làng Hoa Lăng, quê của Nguyễn Kính Phi, phía Tây là làng Nhân Mục, quê của Trần Hoàng hậu, phía Bắc thì làng Phù Chẩn, quê của Chiêu Nhân thái hậu. Bọn này cậy thế ra sức cướp bóc của cải vàng bạc, bức hại bách tính và quan viên chống lại. Các thân vương dòng họ Lê bị dò xét và bị giết bất cứ lúc nào. Kinh Vương Lê Kiện là chú của Lê Uy Mục chạy trốn biệt tích. Giản Tu công Lê Oanh, con của Kiến Vương bị giam vào ngục may trốn thoát. Ai cũng nơm nớp thấy rằng bản thân nguy cấp đến nơi. Tháng 11 năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh từ Lam Kinh đem quân về Đông Kinh, chiếm kinh thành, buộc Lê Uy Mục tự sát ngày 1-12-1510.

Sau khi bắt được Lê Uy Mục, Lê Oanh lên ngôi vào năm 1509, niên hiệu Hồng Thuận. Bấy giờ bách tính đói khổ nổi dậy chống lại triều đình. Năm 1511 có người ở làng Quang Bị, Bất Bạt, Sơn Tây là Trần Tuân nổi dậy gây chấn động và chiếm cứ Sơn Tây. Lê Tương Dực sai Mỹ Huệ Hầu Trịnh Duy Sản đánh dẹp, diệt được Trần Tuân. Trịnh Duy Sản nhờ công lao đó được phong Nguyên Quận Công.

Nhưng rồi Lê Tương Dực lại sa vào vết xe đổ của Lê Uy Mục, lao vào ăn chơi sa đọa dâm dật. Để ăn chơi, Lê Tương Dực sai Vũ Như Tô xây dựng điện 100 nóc, xây Cửu trùng đài hao tốn tiền của, chết không biết bao nhiêu sinh mạng. Lê Tương Dực bỏ bê việc nước, suốt ngày du ngoạn Hồ Tây. Bách tính khổ cực lại nổi lên theo Trần Cảo phản loạn. Thanh thế Trần Cao bao trùm cả một vùng Hải Dương, Đông Triều, Thủy Đường, Thủy Nguyên. Trần Cảo xưng là Đế Thích, quân số hàng vạn. Lê Tương Dực thân chinh cầm quân nhưng không dẹp được. Trần Cảo vẫn ngang nhiên đóng tổng hành dinh ở Vạn Kiếp. Trịnh Duy Sản can ngăn sự sa đọa của Lê Tương Dực, Dực không nghe còn bắt Sản ra đánh bằng roi. Trịnh Duy Sản căm hận, cùng Thái sư Lê Quảng Độ lật đổ và giết chết Lê Tương Dực ngày 7 tháng 4 năm 1516. Trịnh Duy Sản đưa Lê Y lên ngôi, đó là Lê Chiêu Tông.

Trong khi triều đình Đông Kinh rối ren, thay ngôi đổi chủ thì ở miền đất phía Đông, một triều đình của quân khởi nghĩa do Trần Cảo đứng đầu ngày một lớn mạnh, phát triển. Khắp miền Hải Dương, An Bang (Quảng Ninh) tràn ngập quân được gọi là quân “Tam Đóa”, họ cạo trọc đầu nhưng vẫn để ba chỏm tóc với những lá cờ vàng chữ đỏ “Thiên Ứng” rợp trời rợp đất. Quý tộc, hào trưởng các vùng này nằm im thin thít, quan lại bỏ chạy. Thế lực nhà Lê Sơ ở các vùng này rạp xuống như cỏ trong cơn bão táp.

Một sớm, Trần Cảo cùng các tướng Công Uẩn, Đinh Bảo, Đoàn Bố dẫn đầu 5 vạn quân, cờ vàng rợp trời, nổi bật là lá cờ to nhất có chữ “Ứng Thiên” màu đỏ, dưới chữ “Ứng Thiên” là chữ “Soái”. Dưới cờ là những đoàn quân mang quân phục đen. Cung tên, gươm giáo tua tủa, lưng mang cung tên, đầu không mũ nón, đầu gần như trọc, chỉ còn ba túm tóc, một túm trước trán, hai túm hai bên thái dương nên bách tính gọi là quân “Tam Đóa”. 5 vạn quân theo đường bộ từ Vạn Kiếp tiến về Đông Kinh. Cờ bay theo gió, bụi cuốn mù đường, bước chân đi rầm rập, mặt đất như rung chuyển. Trịnh Duy Sản đem vua Lê Chiêu Tông về Tây Đô. Trần Cảo chiếm Đông Kinh. Các tướng triều đình Thiết Sơn Bá Trần Chân và các thuộc tướng Nguyễn Áng, Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc đem quân đánh nhau với quân '‘Tam Đóa”của Trần Cảo.

 Lại nói Thiết Sơn Bá Trần Chân cùng với các thuộc tướng là Nguyễn Áng, Nguyễn Kính và Hoàng Duy Nhạc cùng 5.000 quân tiếp chiến với quân của Phan Ất ở chợ Hoàng Hoa (Ngọc Hà).

Một vạn quân áo đen “Tam Đóa” vung gươm xông vào trận địa quân Lê đánh giáp lá cà, chiêng trống vang lừng, tiếng reo hò dậy đất, tiếng gươm giáo chạm nhau tóe lửa, thây đổ máu tuôn. Quân “Tam Đóa” cậy đông hình thành thế bao vây quân Lê. Trần Chân thấy vậy liền hạ lệnh lui quân tháo chạy về Sơn Tây. Quân Lê bị giết khoảng 1.000, bản thân Trần Chân cũng bị trọng thương, phía Trần Cảo cũng 1.000 quân tử trận. Trần Chân chạy về Sơn Tây chờ đợi quân Lê Chiêu Tông từ Thanh Hóa ra để thu phục lại kinh thành.

Lê Chiêu Tông sai Hùng Quốc công Lê Nghĩa viết một bài hịch kể tội bọn phiến loạn Trần Cảo và kêu gọi quan lại các trấn, đặc biệt là quan quân tam phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia cùng hội quân để khôi phục kinh thành.

Vài ngày sau khi bài hịch ban ra, quân các trấn và quân tam phủ rầm rập kéo về Tây Đô để giúp vua đánh giặc “Tam Đóa”, khôi phục kinh thành. Suốt một vùng rộng lớn quanh Tây Đô, binh mã doanh trại san sát đông như kiến cỏ, Trên dòng sông Mã đoạn làng Giàng, Tư Phố hơn 1.000 chiến thuyền của thủy quân neo đậu, cờ vàng bay rợp trời trên dòng sông. Trong cung điện của thành Tây Đô vua Lê Chiêu Tông thiết triều và ra lệnh:

-Nay phong Nguyên Quận Công Trịnh Duy Sản làm Tiết chế quân thuỷ bộ, dưới có các tướng Cần vương Trịnh Hy, Lê San, Lê Dực, Trương Huyền Linh tiến quân ra Bắc, thu phục Đông Kinh, tiêu diệt bọn giặc “Tam Đóa” Trần Cảo.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh hoàng thượng.

Từ Tây Đô, 5 vạn quân Lê hành quân ra Bắc, quân đi, cờ bay, ngựa hí, bụi cuốn mù trời. Bước chân quân lính đi qua những thôn mạc tiêu điều xơ xác nghèo đói do loạn ly và chiến tranh, xung đột liên miên khốc liệt.

Ra đến Đông Kinh, quan quân bao vây bốn mặt thành. Quân “Tam Đóa” từ trên mặt thành bắn tên đạn ra như mưa. An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ từ Thanh Hóa kéo quân ra trợ chiến cho quan quân. Trịnh Duy Sản Đánh bật Trần Cảo khỏi kinh thành, quân Lê lấy lại được Đông Kinh.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Caqo Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-67-a21143.html