Ông Đặng Công Bình, Trưởng ban Bảo vệ Di tích Lịch sử Văn hóa mộ và Đình Nguyễn Trung Trực, cho biết, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực có giá trị rất lớn về văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông.
Lễ hội là sản phẩm văn hóa truyền thống của nhân dân Kiên Giang, của cộng đồng sông nước miền Tây Nam Bộ, là tài nguyên văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự đa sắc tộc, đa tín ngưỡng và đa tôn giáo. Ở đó, mọi người đều tìm thấy sự hòa hợp nét văn hoá, tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt - Hoa - Khmer.
Lễ hội Cụ “Nguyễn” diễn ra các sự kiện: Thượng Đại kỳ, lễ phần hương, tế đàn cả, hậu phối, rước linh vị “Cụ Nguyễn”, đọc chúc văn. Phần hội được tổ chức trước, trong và sau lễ hội gồm các hoạt động sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam bộ; giải vovinam cấp tỉnh; liên hoan sân khấu thanh niên với chủ đề khí phách người anh hùng dân tộc; gian hàng hoạt động trình diễn thư pháp.
Triển lãm ảnh liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 38 năm 2023 tại Kiên Giang; hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thương mại, sản phẩm OCOP của Kiên Giang; hoạt động hội chợ; biểu diễn lân - sư - rồng; diễu hành xe hoa; hội thi chim hót và trưng bày sinh vật cảnh; hội thi cộ hoa; đêm hội hoa đăng cầu quốc thái dân an, đêm hội áo dài Việt Nam, đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”,…
Theo ban tổ chức, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh năm nay ước đón khoảng 1,2 đến 1,5 triệu lượt khách tham quan, dâng hương cụ “Nguyễn”. Khu vực quanh khuôn viên Di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực được Ban bảo vệ di tích bố trí các trại cơm, chỗ nghỉ cho người làm công quả, nơi nấu ăn phục vụ khách thập phương, trại võng phục vụ khoảng 2.000 người, ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em.
Ban Bảo vệ di tích đã tiếp nhận trên 100 tấn gạo, hơn 3,9 tấn đường, hơn 6,6 tấn đậu nành, hơn 1,3 tấn nếp và rất nhiều vật phẩm cúng tế, phục vụ cho các trại cơm, nước uống cho bà con đến dự lễ; bố trí 3 trại cơm đãi ăn, 1 trại nấu cơm, 2 trại đậu hủ, 2 trại bánh xèo sẵn sàng phục vụ bà con. Tất cả vật phẩm đều được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các đơn vị gần xa đóng góp để phục vụ lễ hội.
Chú Phạm Văn Tâm, tổ nấu cơm phục vụ lễ hội, thông tin, khách hành hương đến Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực được tiếp đãi cơm chay, nước giải khát miễn phí. Bữa ăn do người dân trong, ngoài tỉnh tự nguyện góp công, góp của, cùng nhau nấu ăn, làm lễ vật dâng cúng. Người đến làm công quả phục vụ lễ hội từ 2.000 - 3.000 lượt người, phục vụ trung bình khoảng 1 triệu suất ăn miễn phí.
Không chỉ có chú tham gia phục vụ Lễ hội Cụ “Nguyễn”, vợ chú cũng tham gia Lễ hội. Mỗi sáng vợ chú phát 2.000 ổ bánh mì chay cho bà con về dự lễ hội. Anh Nguyễn Quốc Doanh, quê Châu Đốc (An Giang), chia sẻ, năm nào tôi và gia đình cũng đến lễ hội Cụ “Nguyễn” làm công quả với tinh thần thiện nguyện. Ở tổ phục vụ nguyên liệu nấu ăn cung cấp cho nhà bếp có hàng ngàn lượt người tham gia với nhiệm vụ sơ chế rau, củ, quả phục vụ bếp ăn.
Có thể nói, Lễ hội truyền thống Cụ “Nguyễn” là một lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, nét đẹp văn hoá độc đáo, đặc trưng sông nước miền Tây Nam Bộ khi mọi người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong lễ hội và khi ốm đau được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sau lễ giỗ, những sản vật dâng cúng của nhân dân còn lại đều được sử dụng để cứu tế cho dân nghèo,các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023. Đây sẽ là động lực cho chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đồng bào Miền Tây Nam bộ và cả nước.
Trương Anh Sáng