Thổi kèn a map (Dân tộc Cor- Trà Phong, Trà Bồng
Cũng như các dân tộc anh em láng giềng sống trên địa bàn miền Tây Quảng Nam – Quảng Ngãi (Hrê, Cadong, Càtu, Giẻ triêng,...) và hầu hết các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, người Cor chưa có chữ viết, nên văn học dân gian (Foklore ngôn từ) với phương thức sáng tác, truyền đạt, phô diễn bằng lời nói (parole) và bảo lưu trong trí nhớ, ký ức cộng đồng, là thể loại văn học duy nhất, thậm chí cho đến hiện nay.
Hai bộ phận quan trọng hợp thành văn học dân gian dân tộc Cor là truyện kể dân gian (ta bol tamé) và dân ca.
Về hình thức chuyển tải, tabol tamé của người Cor và truyện cổ của người Việt có điểm khác biệt: Nếu tuyệt đại bộ phận truyện cổ người Việt được chuyển tải bằng lời kể không vần, tập trung truyền đạt một cách sinh động nội dung câu chuyện, thì ở tabol tamé của người Cor, câu chuyện được diễn đạt bằng câu nói có vần điệu và vì thế lời nói của người kể chuyện phần nào mang nhạc tính với giọng điệu khi lên bổng, lúc xuống trầm, hòa trong ánh lửa bập bùng, đưa người kể và người nghe vào một thế giới chập chờn giữa đời thực và thế thời siêu nhiên.
Trong kho tàng tabol tamé, nhóm truyện kể có môtip những người nghèo khổ (những chàng trai mồ côi, những cậu em út, …) chịu nhiều nghịch cảnh nhưng kiên trì, dũng cảm, lanh lợi, yêu đồng loại, chiếm một số lượng không nhỏ
Những truyện kể thuộc nhóm này phản ánh cuộc đấu tranh chống thiên nhiên vô cùng gian khổ của người Cor trong bối cảnh đời sống hàng ngày phải đối mặt với núi rừng, thú dữ, vực sâu, thác lớn (Tapooc, Giết con quỷ bảy miệng, Chàng câu cá, Chàng Pọt Thây, …). Để tồn tại trong một môi trường thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt đó, con người cần có sức mạnh, ý chí can trường đặc biệt là trí khôn, mưu mẹo. Chàng Pọt thây (Truyện Pọt thây) lần lượt thắng được con cọp phản trắc, con voi hung ác, con quỹ dữ Chơraman và ông vua tham lam vì anh là người lương thiện, chia xẻ nỗi khổ sở của mọi người cũng như loài vật, vì anh biết kiên trì, biết bày mưu tính kế để giành được ưu thế khi phải đối mặt với kẻ thù khỏe mạnh hơn mình. Trong chuyện “Giết con qủy bảy miệng”, để thắng được con ác qủy, cứu mình và cứu dân làng, hai chị em Alăng, Ali phải nghĩ ra cách đánh lừa hắn, làm cho hắn mất cảnh giác, uống nhằm thuốc độc mà ngỡ là rượu.
Ở đây, các hiện tượng tự nhiên thường gây hại cho con người (sấm sét, lũ lụt…) những con thú hoang hung hãn (hổ, rắn, voi …) được hình tượng hóa thành những con người, hoặc con vật, con quỷ mang tính cách con người. Con cọp biết nói, biết uống rượu, con chim hung ác muốn lấy 2 vợ; con qủy biết chửi rủa, hát ca… Nhìn chung, những con vật, con quỷ này đều mang những thói xấu đáng ghét, hung ác, hại người và cần phải bị diệt trừ. Người diệt trừ được chúng là những con người được cộng đồng ngợi khen, ủng hộ, được tưởng thưởng xứng đáng với công lao của mình: chàng Noon trong chuyện Lấy vợ tiên cưới con gái thần mặt trời; chàng Don trong chuyện Đánh thần mây lấy được vợ tiên; vợ chồng Nàng Bia trong truyện Nàng Bia và người chị độc ác, cuối cùng được sống trong một gia đình đầm ấm, yên vui.
Sự xuất hiện những câu chuyện kể về cuộc đối đầu giữa người anh tham lam và người em út; người chị độc ác và cô em nhân từ; cuộc sống nghèo khó của những người mồ côi … cho thấy trong xã hội Cor đã bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt, phân hóa giàu nghèo, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, người có thế lực lấn át kẻ bơ vơ … Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là: nếu trong truyện cổ người Hrê, người Việt và nhiều dân tộc khác, kết thúc những chuyện theo dạng này hầu như lúc nào người anh tham lam, người chị độc ác cũng bị trả giá: hoặc phải mất mạng, đền mạng, hoặc phải chịu cảnh cơ hàn, hóa kiếp làm súc vật, đồ vật; nhưng trong chuyện kể người Cor, bên cạnh những kết thúc như vậy còn có kiểu kết thúc bỏ qua nhân vật kẻ ác, tuy không nhiều. Trong chuyện Nàng Bia và người chị độc ác, tuyến kể của câu chuyện chỉ lần theo số phận của người em – Nàng Bia mà không lưu ý đến thân phận người chị. Người mẹ trong chuyện Chim chốc chốc phải chịu hình phạt mất đi người con dâu hiền thảo. Cũng như chuyện Nàng Bia và người chị độc ác, trong truyện Đánh thần mây, Giành nàng tiên sóc làm vợ, thân phận người anh (Dun) tham lam, ác độc, giết em ruột (Don) để mong cưỡng đoạt em dâu (Nàng tiên), cũng bị “bỏ quên” khi người em “tái sinh” và bước vào cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc cho mình. Người kể chuyện chỉ lưu ý đến những nhọc nhằn, gian truân mà người em phải trải qua để rồi lấy được vợ, trở về làng, sinh con đàn, cháu đống; còn người anh thì không còn được nhắc đến một lời.
Mặt khác, ở những chuyện mà kẻ ác phải chịu cái chết, thì người kể chỉ nhắc đến mà không miêu tả quá nhiều. Hơn nữa, hầu như không tìm thấy cái chết của nhân vật thủ ác ở quá mức khắc nghiệt. Ở đây, sự trừng phạt không được đặt nặng mà chỉ đơn giản là kẻ ác phải chết hoặc bỏ đi để nhường chỗ cho người lành, người lương thiện.
Cũng có những khác biệt trong truyện cổ Cor khi đề cập đến số phận của người nghèo khổ, cơ hàn nhưng sống nhân hậu, dũng cảm, mưu trí, biết vượt qua gian khó. Không giống như truyện dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới, kết thúc câu chuyện, người lương thiện rồi sẽ giành được những vị trí cao vời (vua, phò mã, tù trưởng, tộc trưởng đầy quyền quy), trong truyện kể Cor, “phần thưởng” theo cách này là rất hiếm, ngay cả vị trí khiêm tốn là chủ làng cũng không mấy khi được trao cho người thiện. Hầu hết các nhân vật này đều có một kết thúc có – hậu – hiền – hòa, đó là trở về với cuộc sống yên bình, làm ăn no đủ, sum vầy cùng với dân làng. Chàng “Noon” trong chuyện Lấy vợ tiên, sau bao nhiêu gian khỏ, cuối cùng đã đưa người vợ – con gái thần Mặt Ngây, và con trai về sống hạnh phúc ở cõi trần gian, nơi có ngôi làng thân yêu quen thuộc của mình. “Trở về làng xưa”, cũng là kết thúc có hậu của người em cùng với cô vợ “tiên sóc” trong chuyện Đánh thần mây giành nàng tiên sóc làm vợ. Ở chuyện Người anh độc ác, ta gặp người em, sau khi giành lại vợ mình đã trở về mái nhà sàn và bếp lửa ấm êm. Câu chuyện kết thúc bằng một hình ảnh rất đẹp mà cũng rất thân thương, gần gũi:
“Vậy là Dứt trở về sống với làng cũ, với người vợ xưa. Lại ngủ chung chiếu, ăn chung nồi và lên rẫy, vào rừng với nhau như trước.
Bếp lửa nhà Dứt reo vui mãi. Cái bụng lũ làng cũng vui với vợ chồng chàng Dứt chăm chỉ, hiền lành”.
Nhìn lại “hồi kết” của hai loại nhân vật “người hiền và kẻ ác”, chúng ta có thể thấy xã hội người Cor, chưa có sự phân hóa sâu sắc kẻ giàu – người nghèo, kẻ có thế lực – người cô thế. Mặt khác, điều này cũng cho thấy bản tính hiền hòa, chấp phát của người Cor: không chì chiết, uất hận, căm thù, cũng chẳng ham muốn tột cùng quyền uy, phú quý. Cuộc sống yên bình, hạnh phúc trong quan hệ bộ tộc tương thân, làng bản chan hòa mới chính là khát vọng sâu xa nhất của tộc người này.
.
Lê Hồng Khánh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nguoi-ngheo-kho-trong-truyen-co-cor-a2132.html