Thực hiện chương trình này ở tỉnh Hà Giang có nhiều thuận lợi. Đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ, kịp thời, sự tạo điều kiện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh. Mặt khác, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách và cơ chế phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, như chế độ tiền lương, chương trình XĐGN, nước sạch nông thôn, tạo vốn vay giải quyết việc làm, phát triển dân trí, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo... Đó chính là nguồn động viên, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN tại địa phương. Một bộ phận lớn phụ nữ đã nỗ lực, cố gắng trong học tập nâng cao trình độ, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới. Hiện tỷ lệ lao động nữ trong tỉnh được đào tạo nghề hơn 60%, được tạo việc làm hơn 40%. Trong lĩnh vực y tế, cán bộ nữ chiếm hơn 62%, ngành giáo dục hơn 71%, học sinh nữ các cấp gần 48%, hầu hết trẻ em nữ đều được tạo điều kiện đến trường đúng độ tuổi...
Về giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực cho phụ nữ thực sự được tỉnh quan tâm, trong đó Đảng bộ tỉnh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ nữ, nhất là trong việc bồi dưỡng, sắp xếp, đề bạt, luân chuyển cán bộ, lựa chọn giới thiệu các chị có đức, có tài tham gia vào các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh có 63 đồng chí thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý; 7 đồng chí tham gia BCH Tỉnh ủy, 2 đồng chí tham gia BTV Tỉnh ủy; 3 đồng chí tham gia các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; 23 đồng chí tham gia Ban Thường vụ và 85 đồng chí tham gia BCH huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; 7 đồng chí tham gia giữ chức danh bí thư, phó bí thư, lãnh đạo HĐND và UBND huyện...
Phụ nữ trong tỉnh còn thực hiện có kết quả các chương trình, mục tiêu khác, như tạo mọi điều kiện cho con em và những người thân trong gia đình tham gia chương trình phổ cập tiểu học, xóa mù chữ, tích cực thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, hàng nghìn lượt hội viên được tham dự các lớp tập huấn về kỹ năng nuôi dạy con tốt, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đáng chú ý, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ trong tỉnh đã được vay vốn với hàng chục tỷ đồng thông qua các chương trình dự án để phát triển kinh tế gia đình, như mở rộng thương mại, dịch vụ, phát huy và giữ gìn ngành nghề truyền thống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Hà Giang cũng thành lập và duy trì hoạt động hơn 400 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế, 37 tổ phụ nữ khởi sự kinh doanh, hỗ trợ trên 130 phụ nữ khởi sự kinh doanh theo hình thức phát triển kinh tế hộ. Những dự án hỗ trợ con giống, vay vốn hay đào tạo nghề chăn nuôi đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang phát triển kinh tế hộ, tự tin làm chủ cuộc
sống. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Mới đây, tỉnh thực hiện Dự án nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, dự kiến sẽ có hơn 1.200 phụ nữ DTTS được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án này.
Tỉnh Hà Giang hiện đang quyết tâm thực hiện tốt các chương trình của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng nghĩa với chị em phụ nữ các dân tộc trong tỉnh sẽ được quan tâm về mọi mặt nhiều hơn, thiết thực hơn, vai trò và vị thế của người phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được nâng lên bước mới.
Bài và ảnh: Vũ Đăng Bút
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vi-su-tien-bo-cua-phu-nu-a21323.html