Trong khoảng 8 tháng từ khi lên tàu tại ga Thường Tín (khoảng 5-6/1/1973 đến khi trở về Việt Nam (Cà Tum; Tây Ninh), sau khi “sẻ dọc Trường Sơn” (qua Lào, Campuchia bằng đôi chân mang dép đúc và một ba lô khoảng 20 kg trên vai (với tôi còn thêm khẩu B40 và ruột tượng gạo khoảng 5-7kg chưa kịp hết đã đầy (tôi đánh mất cuốn nhật ký viết từ những năm tháng ấy; những dòng viết này chỉ viết theo trí nhớ nên rất có thể chưa được chi tiết và có sai sót). Mỗi người lính chúng tôi đều phải mang một ruột tượng gạo, tuy nhiên những người yếu thường được lấy gạo nấu trước, tôi thuộc loại khỏe nên được lấy gạo sau. Mỗi tiểu đội là một đơn vị nấu cơm).
Thời gian hành quân trên Trường Sơn khoảng 6 tháng, đi 5-6 ngày thì được nghỉ 1-2 ngày. Mỗi tối mắc võng ngủ một nơi, chưa kịp quen kịp nhớ đã lại chia tay, tuy nhiên kỷ niệm vẫn đầy ắp và sẽ theo mỗi anh bộ đội đã từng hành quân trên dãy Trường Sơn cho đến cuối cuộc đời. Tôi đã lục tìm trên mạng những bức ảnh về các trạm giao liên, những nơi mắc võng, những cảnh sinh hoạt của cánh bộ binh trên những cung đường Trường Sơn mà hầu như chẳng có. Có nhiều phóng viên nhiếp ảnh đi cùng đường với chúng tôi vậy mà chẳng có mấy ảnh về chúng tôi. Họ thường đi đoàn lẻ và phim ảnh chắc phải dành cho chiến trận nên các binh trạm Trường Sơn rất ít ảnh. Thôi đành viết vài kỷ niệm để vơi đi nỗi nhớ, để đồng đội cùng chia sẻ và lớp hậu bối đỡ mơ hồ về Trường Sơn do phim ảnh, truyền thông mang lại. Văn của một anh làm nghề Vật Lý hạt nhân chắc không thể cuốn hút như mấy anh chị nhà văn nhưng nó thật vì được viết ra từ tâm can người viết.
1. Tết Trường Sơn: Hơn 3 năm vào chiến trường, với 3 cái Tết xa nhà, tuy nhiên chỉ có Tết năm 1973 là lũ lính SV chúng tôi được đón ở Trường Sơn (hình như ở Trạm 9 thì phải). Tiêu chuẩn Tết cho mỗi anh bộ đội là nửa cái bánh chưng, khoảng 5-7 cái kẹo cà phê và vài điếu thuốc Điện Biên bao bạc. Tôi không hút thuốc nên tặng thuốc cho đồng đội. Đêm 30 Tết ở rừng Trường Sơn tối hơn đêm 30 Tết ở nơi khác vì không đèn đóm, không tụ tập ca hát. Tôi và Phú ở cạnh nhau bên cánh võng đêm 30 Tết đáng nhớ ấy, kể cho nhau những kỷ niệm học trò, chẳng thèm nghĩ đến tương lai vì chiến tranh đâu tính được ngày về. Ngày hôm sau (mồng Một Tết) lại tiếp tục hành quân.
2. Cơm trộn nòng nọc vẫn hết bay: Ngày hôm đó đoàn chúng tôi phải hành quân vượt trạm vì B52 ném bom dọc đường Trường Sơn nên đến nơi nghỉ đêm khá muộn. Hôm ấy đến lượt V.A.N. và V.Đ.T. (V.Đ.T. đã hy sinh) nấu cơm cho tiểu đội tôi (cứ hai người một nhóm nấu cơm mỗi ngày cho tiểu đội). Nơi đóng quân hôm ấy lại khá xa nguồn nước nên hai ông giời lấy nước ở một vũng nào đó gần hơn để nấu cơm cho tiểu đội. Sáng hôm sau, cả tiểu đội phải dậy sớm để hành quân tiếp nên ăn cơm từ lúc chưa rõ mặt người. Trời sáng dần và một người rồi cả tiểu đội phát hiện trong cơm lẫn rất nhiều nòng nọc đã được nấu chín. Ăn rồi còn trách ai, đành gạt những con nòng nọc còn sót lại để cho cơm vào ăng gô mang theo ăn trưa. Cả tiểu đội hôm ấy có vẻ khỏe hơn nhờ có nòng nọc trong khẩu phần ăn.
3. Ca sỹ bất đắc dĩ: Trong 6 tháng hành quân trên dãy Trường Sơn, cứ đêm xuống, khi mỗi người đã yên vị một võng nghỉ ngơi sau một ngày hành quân mệt nhoài là tôi lại cất giọng hát để phá tan cái tĩnh lặng đến cô đơn của đêm Trường Sơn. Chỉ có mấy bài hát học lỏm qua đài (thuộc diện nhạc vàng khi ấy), tôi cũng chỉ nhớ lời chứ không biết tên bài hát (lời chỗ nào quên thì thêm vào lời của chính mình). "Quan hà xin cạn chén ly bôi..."; "Mẹ ơi Xuân này con vắng nhà"; hoặc "Lời đầu Xuân chúc non nước thanh bình.."... cứ những bài ấy tôi hát hằng đêm (khoảng 1-2 tiếng) bắt đồng đội nghe mà chẳng thấy ai phản ứng dù giọng hát của tôi ngang phè phè như đập thùng. Mọi người có lẽ quen với giọng đập thùng ấy như nghe tiếng chim hót "bắt cô trói cột...khó khăn khắc phục...". Nếu tôi dừng hát một đêm thì chắc mọi người khó ngủ? Thật hài ước là sau mấy chục năm khi gặp lại tôi nhiều đồng đội vẫn nhớ lời các bài hát tôi thường hát ngày đó và lại cùng nhau cất tiếng hát "gái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về, với em, với em. Rồi mai anh lại đi".
4. Những chàng trai kém tắm: Đó là những anh bộ đội hành quân trên dãy Trường Sơn. 6 tháng vừa đi vừa nghỉ trên dãy Trường Sơn là khoảng thời gian cần có cho những anh bộ đội vào B2 (miền Đông và miền Tây Nam Bộ), nếu đi B3 (Tây nguyên) thì thời gian ngắn hơn (khoảng 2-3 tháng, tùy khu vực). Năm ngày đến sáu ngày hành quân mỗi tuần là 5 - 6 ngày thường không được tắm vì sau một ngày hành quân mệt nhoài là hầu như anh nào cũng muốn nằm nghỉ (sau khi cơm nước), với lại Bãi khách (Nơi nghỉ đêm sau mỗi ngày hành quân) thường xa nguồn nước (chắc giao liên sợ máy bay giặc ném bom dọc theo nguồn nước). Gọi là Bãi khách nhưng thực ra đó là khu rừng được nhiều đoàn bộ đội hành quân ngủ qua đêm nên có thể tận dụng những cọc võng của nhau, chứ không có lán trại nào hết. Phải đi xa khoảng 200m đến 500m, có khi cả cây số mới gánh được tăng nước về (tăng đựng nước là tấm nilon dày buộc vào một đoạn cây giống võng cáng thương binh để hai người đi lấy nước về nấu cơm. Sáng hôm sau lại tháo ra gấp tấm nilon để lên ba lô mang đi cho những lần lấy nước tiếp theo). Vậy là các anh bộ đội hành quân trên dãy Trường Sơn thường chỉ được tắm vào những ngày nghỉ của một đợt hành quân 5 - 6 ngày như vậy. Ngày nghỉ đơn vị cũng thường được mắc võng gần nguồn nước (suối hoặc sông) nên có cơ hội tắm gội (tắm thôi chứ làm gì có xà phòng để gội. Một vài anh mang được cục xà phòng 72% của LX thì cũng chỉ 2 - 3 tháng là hết rồi, dùng chung nên càng mau hết). Quần áo trong 5 - 6 ngày hành quân liên tục cũng vì vậy mà liên tục mặc trên người, tối ngủ vẫn mặc, chẳng ai được thay quần áo ngủ như bây giờ. Những anh mồ hôi muối thì khi quần áo khô, muối của mồ hôi bám trắng. Chẳng hề gì với các chàng trai tuổi mười tám đôi mươi vì cái sự kém tắm ấy, chẳng thấy ai kêu khổ, kêu bẩn; chẳng thấy ai bị ghẻ lở, hắc lào (chắc mấy cái giống đó cũng không thể tồn tại trong môi trường kém tắm đó). Vì ai cũng kém tắm như nhau nên vẫn thấy sạch sẽ, thơm tho như nhau. Mãi sau này khi Sài Gòn được giải phóng, từ trong rừng các anh bộ đội được về ở với dân, khi đã khá thân quen các má các em mới nói cho cái cảm nhận của họ khi đón các anh ở rừng ra "người các chú, các anh có mùi khét là lạ - đó là mùi ớm nắng và mùi kém tắm đó mà". Bây giờ ngày nào cũng tắm với đủ loại dầu gội đầu, kem tắm (hảo hạng) mà sao luôn thấy ngứa đầu? Những ngày đó ở trong rừng Trường Sơn, cả tuần mới được tắm 1 lần mà sao chẳng thấy ngứa ngáy gì, lạ thật! Các anh bộ đội - các chàng trai kém tắm ngày ấy mới đáng yêu, đáng nhớ làm sao.
5. Kỳ phùng địch thủ: Tôi và Phú cùng lớp Lý 1 (năm thứ nhất khoa vật lý; ĐH Tổng hợp Hà Nội). Khi nhập ngũ ở Mai Sưu (Băc Giang); chúng tôi cùng tiểu đội (A10; khi đó còn có cả Phan Tự Lập và Phạm Hồng Chi cũng cùng lớp). Tuy nhiên, để phá vỡ cái kết cấu bạn cùng lớp ấy (cho dễ lãnh đạo?), mấy ông chỉ huy đã tách chúng tôi ra các tiểu đội khác nhau nên Phú, Chi được chuyển về A11; Lâp chuyển về A12 còn tôi vẫn ở A10 (tân binh các khóa khác cũng bị tách ra như vậy). Khi hành quân vào chiến trường, tôi và Phú vẫn ở hai tiểu đội khác nhau (Chi và Lập đã được điều chuyển lên trường Đại học quân sự trước khi đơn vị hành quân đến Thường Tín). Tôi và Phú đã dính với nhau như tri kỷ trên dãy Trường Sơn và cho đến bây giờ đã là tri kỉ. Cứ sau một ngày hành quân là chúng tôi lại cùng ngồi tráo đầu đuôi trên một chiếc võng để hàn huyên đủ thứ chuyện cho đến khi buồn ngủ thì ai về võng người đấy (có lần chắc cười nhiều quá nên dây võng bị đứt, hai đứa ngã ngồi xuống đất). Tôi làm một bàn cờ tướng bằng tấm bạt bằng 2 bàn tay, vì bạt mới bền khi gấp đi gấp lại nhiều lần. Quân cờ thì tôi tạo thành từ cành cây vót tròn, cắt khoanh đường kính nhỏ hơn 1cm. Cứ đến ngày nghỉ hành quân là tôi và Phú lại ngồi bên suối, mở bàn cờ ra tỷ thí. Thật may là trình độ cờ tướng của tôi và Phú tương đương nên đánh mãi không chán. Cũng vì tuổi trẻ (19 tuổi mà) nên máu ăn thua luôn trỗi dậy, còn thua là còn gỡ. Tôi nhớ có lần hai đứa tôi đánh cờ từ sáng đến chiều, mỗi bên thắng 11 ván thì mới chịu đứng dậy, khi tàn cờ cũng là lúc màn đêm đã buông xuống. Hồi ở mặt trận Quảng Đức (nay là Đắc Nông), tôi và Phú còn vừa ngồi đánh cờ vừa nghe ngóng pháo địch bắn từ Kiến Đức để liệu còn tránh. Đã lâu không được đánh cờ cùng Nguyễn Văn Phú - kỳ thủ không có hạng.
(Còn tiếp)
N.V.N
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-su-truong-son-ky-1-a21416.html