6. Nằm võng không dễ, khó quên: Trước khi nhập ngũ, có lần về thăm nhà (Thổ Hà, Việt Yên, Hà Bắc) với một số bạn cùng lớp ĐH (lớp Lý 1, ĐH Tổng hợp Hà Nội, khi đó đang sơ tán về Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Hà Bắc cũ, nay là tỉnh Bắc Giang); Tôi ngạc nhiên vì thấy mấy ông giải phóng quân - khách của gia đình tôi (quê tôi ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế nên thỉnh thoảng có mấy anh bộ đội trong quê nhân dịp ra Bắc an dưỡng đến thăm ba mẹ tôi) mắc võng giữa các cột chùa để nằm nghỉ. Tại sao nhà có giường đàng hoàng mà mấy anh không nằm lại thích nằm võng giữa chùa, chắc ra vẻ lấy nê mọi người đây mà? Lúc đó tôi nghĩ vậy nhưng sau 6 tháng hành quân trên dãy Trường Sơn và gần 3 năm mắc võng ở rừng Quảng Đức, Tây Ninh, Bình Phước tôi đã hiểu vì sao các anh ấy thích nằm võng hơn nằm giường
Phải nói thật là những ngày đầu tiên nằm võng thật là khốn khổ cho các chàng trai 18 - 20 dù đang tuổi ăn tuổi ngủ. Chiếc võng bó chặt đôi vai, bẻ cong xương sống, không dễ dàng thay đổi tư thế nằm đã hành hạ các anh bộ đội khi mới vào Trường Sơn. Không ngủ được, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, sáng dậy mỏi khắp người chẳng còn muốn hành quân tiếp. Một số chiến sỹ còn nghĩ ra sáng kiến tìm một đoạn cành cây ngáng hai đầu võng (giống kiểu võng xếp Duy Lợi bây giờ), có anh còn lấy cả quả đạn B40 hoặc súng B40 để ngáng (vì vũ khí luôn có sẵn bên mình chứ tìm cành cây thích hợp đâu có dễ). Nhiều anh còn cảm thấy nôn nao vì sự đung đưa của võng.
Khoảng 1 tháng sau thì bắt đầu thích nghi với việc nằm võng. Cánh võng ôm lấy thân mình như vòng tay của mẹ ôm con. Vải kaki khá dày của võng thay tấm đệm, ga giường chống cái rét về đêm của rừng Trường Sơn. Sự đung đưa của võng như ru đưa ta vào giấc ngủ. Trên võng là tấm tăng che mưa, nằm trên võng không còn cảm giác nằm ở giữa rừng nữa mà như ở một chỗ nào đó thân quen. Những ngày đầu đất nước thống nhất, khi xuống đồng bằng được vào nghỉ trong nhà dân, được các má các chị chuẩn bị phản, giường cho bộ đội ngủ thì lại cảm thấy ngủ ở phản, giường sao mà khó thế (đau lưng, trống trải, trằn trọc mất ngủ). Cũng phải mất cả tháng sau bộ đội mới quen được với cảm giác nằm giường, mới đỡ nhớ võng.
Với mấy ông nhà thơ, nhà văn quân Giải phóng thì thói quen nằm võng còn khó bỏ hơn (hoặc các ông ấy muốn lấy le với các bạn cùng lớp khi trở về học lại). Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thường mắc võng ngủ ở mái hiên khu nhà của nữ ở khu Mễ Trì và hình như nhờ thế mà đã tìm được tình yêu đích thực của mình cũng từng là một nhà báo Giải phóng (đã vì yêu chất lính, yêu cánh võng mà quyết tâm chia tay chồng - một nhiếp ảnh gia nổi tiếng để đến với HNC) - Cánh võng kỳ diệu đến vậy?
7. Quân nhu, yếu phẩm của TQ viện trợ cho bộ đội VN hồi ấy là quá đỉnh. Từ đầu cho đến chân, từ trang phục, vũ khí cho đến lương thực thực phẩm cho hàng chục nghìn bộ đội hành quân vào Nam, Lào, Campuchia. Đầu tiên là chiếc mũ cối mà như chiếc mũ sắt, ngoài việc bảo vệ cái đầu thì còn để ngồi khi giải lao giữa cuộc hành quân, để tát ao bắt cá và để đổi gà, đổi sắn chống đói chống thèm cho bộ đội. Chỉ một nhược điểm là mũ cối hơi cồng kềnh nên nó thường được bộ đội cho ra đi sớm nhất (bắt đầu là tặng cho các bọ Khu 4, sau đó là đổi hàng với nhân dân Lào). Chắc cũng biết lý do đó nên bộ đội còn được phát thêm một chiếc mũ tai bèo và đó là chiếc mũ khá hữu dụng cho Giải phóng quân và mũ tai bèo thường được theo các anh cho đến mùa xuân đẹp nhất của dân tộc. Tiếp theo là cái màn tuyn màu cỏ úa, trong khi nhân dân miền Bắc còn phải nằm màn bằng vải xô (khá ngột ngạt dù chống được muỗi bay vào) thì bộ đội vào Nam chiến đấu đã được trang bị màn tuyn bền, đẹp, nhẹ vừa để làm màn vừa để làm lưới bắt cá trên suối, sông của dãy Trường Sơn. Khi đổi hàng (lương thực, thực phẩm) với dân thì cũng có giá trị cao (có lần đổi được cả con lợn con). Mỗi anh bộ đội trước khi hành quân đi B thường được phát hai bộ quần áo dài (bằng Gabadin) và hai bộ quần áo lót (bằng vải phin Tô Châu; vừa thoáng vừa bền). Tôi muốn nói về tính ưu việt của chiếc quần đùi (lót) bộ đội hồi ấy. Quần lót bộ đội may bằng vải phin (màu cỏ úa) dài ngang đùi và khá rộng, lúc đầu mặc trông khá buồn cười nhưng sau những ngày tháng hành quân mới thấy cái giá trị dài, rộng của nó. Bộ đội hồi đó chẳng ai mặc sịp (SV hồi đó chắc cũng vậy), trong quần lót, ngoài quần dài. Áo thì hoặc áo dài hoặc áo lót, mỗi ngày đi bộ khoảng 15-20 km với hành trang khoảng 20-25 kg trên lưng, đi hết ngày này qua ngày khác mà không hề hấn gì là nhờ chiếc quần ấy.
Nhược điểm là bộ quần áo dài vì may bằng kaki nên khá nặng, một bộ quần áo đấy đã chiếm 1/3 dung tích chứa của ba lô, nên sau một thời gian hành quân trên đất Lào mỗi anh bộ đội thường chỉ còn một bộ quần áo dài và một bộ quần áo lót (có khi còn ít hơn nữa, phần còn lại đã đổi lấy sắn, rau, gà). Quần áo vải Gabadin vừa tốt lại vừa bền, nếu ít giặt và không giặt xà phòng thì màu xanh lá cây của quần áo gần như giữ nguyên. Quần áo của VAN và VĐT trong tiểu đội tôi luôn là mới nhất và đẹp nhất (vì ít giặt hay không giặt gì đó). Tiếp đó phải nói đến đôi dép đúc và hai đôi tất được trang bị cho bộ đội đi B. Bộ đội còn được phát giày vải, tuy nhiên vì nó không thuận lợi cho lội suối nên cũng bị bỏ rơi sớm như mũ cối. Đôi dép đúc thì tuyệt vời, đường bùn lầy trơn trượt, nhiều khi dép chạy lên bụng chân vậy mà chẳng mấy khi tuột quai (hai cuộn dây quai được phát sơ cua rất ít phải dùng đến cho việc thay quai dép mà chỉ rất hữu ích trong việc buộc tăng lấy nước). Tất cũng bền khủng, với một lớp tơ tằm màu vàng phía dưới nên nhiều lính không thích đi dép nữa thì chỉ cần đeo tất mà lội bộ cũng được. Ba lô phát cho bộ đội đi B thì được thiết kế khá chi tiết, phần lưng và đế có lót một lớp nilon nên chống được mồ hôi và nước. Ngăn đựng phía sau vừa khít với ăng gô được phát. Cái bi đông đựng nước (khoảng 1-1,2 lít) vừa cho một chặng đường hành quân. Thực phẩm thì phải nói đến 2÷3 kg ruốc thịt mặn (nhưng không chát vì nhiều muối và mì chính). Ruốc thịt làm tài tình, sợi dài và tơi như bông y tế, để vài tháng cũng chẳng hề hấn gì. 2÷3 kg ruốc thịt, 200 gam mì chính, 100 gam muối cho mỗi người là thực phẩm chiến lược của bộ đội suốt 6 tháng hành quân (đến bây giờ vẫn chẳng hiểu sao bộ đội có thể tồn tại với lượng chất đạm ít ỏi đó, chắc là nhờ tuổi trẻ). Lương khô (701; 702) được phát mỗi người 2 phong (dự trữ lúc sa cơ bị đói) thì ngon thôi rồi nhưng quá ít vì quá nặng. Còn nhớ khi lội nước qua sông Gianh, gói lương khô tôi mang bị ướt vậy mà phải báo cáo với cấp trên mới được xử lý.
(Còn tiếp)
N.V.N
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-truong-son-ky-2-a21429.html