Ký ức Trường Sơn (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp "Ký ức Trường Sơn" nhiều kỳ của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nọi.

8. Bãi khách: Bộ đội đã hành quân trên dãy Trường Sơn, nhất là bộ đội đi B2 thì không ai là không biết Bãi khách, khi nhắc đến Bãi khách thì chắc chắn các kỷ niệm sẽ ùa về với mỗi người. Nếu khéo gợi chuyện thì bạn sẽ được nghe từ những anh bộ đội ấy 1001 câu chuyện thú vị về những Bãi khách trên dãy Trường Sơn.

        Bãi khách là một cánh rừng làm trạm trú quân qua đêm cho một đơn vị bộ đội sau một ngày hành quân, đơn vị bộ đội đó có thể là vài chục người, nhưng cũng có thể là cả nghìn người hoặc nhiều hơn thế. Đơn vị bộ đội đó có thể đang hành quân vào Nam (B2; B3; …) để chiến đấu, những đơn vị này thường đông (1; 2… tiểu đoàn) hoặc đang hành quân ra Bắc để nghỉ dưỡng, để đi học, để phục viên (những đơn vị này thường ít người, một vài chục người). 

        Gọi là Bãi khách chứ không phải Trạm khách là vì không có nhà, có trạm ở những nơi ấy, chỉ có những rừng cây có thể mắc võng trú quân cho cả nghìn người (tôi đang nói những Bãi khách lớn dành cho các đơn vị hành quân vào Nam). Bãi khách phải gần nguồn nước (nhưng không được gần quá để tránh máy bay ném bom theo tọa độ), phải cách xa đường xe tải (tránh B52 rải thảm), không gần trạm Giao liên (để tránh bộ đội vào quậy phá, xin gạo, xin rau vì bộ đội quá đông). Những Bãi khách mà các đơn vị được nghỉ lại hai, ba ngày thì điều kiện về nguồn nước phải tốt hơn những Bãi khách chỉ trú chân một đêm. Mỗi một Bãi khách cách nhau một ngày hành quân nên vị trí các Bãi khách gần như cố định.  Đơn vị đo quãng đường khi hành quân trên Trường Sơn không còn là cây số, km nữa mà thay vào đó là phút là giờ.

  - Hôm nay chúng ta sẽ hành quân khoảng 6 tiếng (giờ) - chỉ huy thông báo qua liên lạc.

- Còn bao xa nữa thì đến Bãi Khách hả anh? - bộ đội hỏi Giao liên;

 - Còn 30 phút nữa - Giao liên trả lời.

Mỗi Bãi khách có hàng trăm; hàng nghìn vị trí mắc vóc khác nhau, các vị trí mắc võng đó cũng từng đón hàng trăm lượt bộ đội mắc võng ngủ qua đêm. Nếu không thích mắc võng tại vị trí cũ thì anh bộ đội sẽ phải tạo cho mình một chỗ mắc võng mới. Đa phần bộ đội, sau một ngày hành quân thấm mệt, thường chọn những vị trí mắc võng của người đi trước tạo ra để đỡ mất công; sớm được nghỉ ngơi. Một vài người thì gia cố lại dây rừng buộc cọc phụ; thay cọc phụ nếu nó bị ải, bị mối xông; chỉnh trang giá để ba lô rồi mắc võng; căng tăng; hoàn thành ngôi nhà mới trên nền đất cũ. Những vùng hành quân có nguy cơ B52 thả bom thì dưới chỗ mắc võng hoặc bên cạnh thường có một hố tránh bom sâu khoảng 50 – 70cm; vừa 1 người nằm. Tôi cũng đã từng một lần lăn khỏi võng xuống nằm trong một cái hố như vậy trong đêm; ở một Bãi khách vì B52 rải thảm. Thật may trận bom ấy chỉ rải phía ngoài Bãi khách; bộ đội trong Bãi khách đều an toàn.

      Cọc phụ là nét đặc biệt trong cách mắc võng của bộ đội tại các Bãi khách. Nếu dây võng mắc thẳng vào cây rừng thì khi trời mưa, nước mưa sẽ theo thân cây rừng chảy vào dây võng làm ướt đầu võng, nếu mưa lâu có thể ướt cả võng. Cọc phụ mắc võng để tránh mưa làm ướt dây võng, cọc phụ được kết nối với thân cây bằng dây rừng, dây võng được thắt vào cọc phụ ở vị trí cao hơn vị trí dây rừng kết nối cọc phụ với thân cây rừng. Nếu nước mưa có theo dây rừng chảy đến cọc phụ thì cũng chảy theo cọc phụ xuống đất và nhờ đó dây võng và võng không bị ướt dù trời mưa cả đêm. Tăng là mái che mưa được vắt qua sợi dây dù mắc giữa hai thân cây (đã được kết nối với hai cọc phụ). Bốn đầu tăng có khuyết nhựa, được lồng dây chăng ra bốn phía để tạo cho tăng có hình mái nhà trên chiếc võng. Giá để ba lô được làm cao hơn mặt đất khoảng 15 – 20cm bằng các cành cây, để ba lô trên giá thì mới không sợ mối xông ba lô, không sợ ba lô bị nước mưa ngấm từ đất lên, tránh côn trùng; chuột sóc… Giá để ba lô nằm ở đầu võng, dưới tán tăng. Cách buộc dây võng của bộ đội hành quân trên Trường sơn cũng đơn giản, không thắt nút dây võng, dây võng được quấn quanh cọc phụ chỉ một vòng sau đó cài một phần dây thừa vào giữa vòng dây và cọc phụ. Khi nằm vào võng; trọng lượng người nằm sẽ làm cho vòng dây xiết mạnh vào cọc phụ; giữ chặt luôn đoạn dây được cài vào; võng càng đong đưa thì nút thắt càng chặt. Bộ đội tự học nhau cách mắc võng và rồi ai cũng thuần thục. Buổi sáng, sau khi rời khỏi võng; chỉ cần kéo nhẹ đầu dây võng là dây võng đã rời khỏi cọc phụ; tiếp tục tháo tăng, gấp mọi thứ cho vào ba lô là xong. Một chặng đường hành quân mới; một Bãi khách mới đang chờ bộ đội ở phía trước.

          Mỗi vị trí mắc võng được sử dụng lại tại các Bãi Khách giống như một cái móng nhà được xây sẵn; những người đến sau chỉ việc xây nhà (căng tăng) và đặt giường (mắc võng) là có được một ngôi nhà mới. Có ai đó đã từng nói, từng viết “người ta chỉ khen một ngôi nhà đẹp chứ có ai khen một cái móng nhà đẹp”. Tuy nhiên; móng nhà có chắc thì ngôi nhà mới thực sự đẹp; những móng nhà ở Bãi Khách còn chứa đựng những điều đẹp hơn những móng nhà bình thường khác. Mỗi móng nhà ở các Bãi khách trên dải Trường Sơn từng có hàng trăm mái nhà được xây dựng trên nó. Khi được thả mình trên võng sau một ngày hành quân mệt nhọc; tôi thường tưởng tượng những đồng đội đã từng mắc võng đúng chỗ “móng nhà” tôi đang nằm. Biết đâu trong nhiều bộ đội từng mắc võng ở vị trí này có thể là bố con; là anh em; là bạn cùng quê, cùng lớp… Nhà tôi có bốn anh em đã hành quân trên dãy Trường Sơn; nếu tôi được nằm ngủ cùng chỗ với một trong các anh tôi thì thật tuyệt vời. Ước gì có cuốn phim tua lại để biết thực, hư.

        Biển chỉ đường đến Bãi khách trên đường Trường Sơn mới đặc biệt làm sao. Nó không giống biển chỉ đường mà chúng ta nhìn thấy trên các đường giao thông hiện nay; nó không được nhận biết bằng mắt mà phải nhận biết bằng khứu giác. Thật không ai có biểu cảm giống bộ đội hành quân trên Trường Sơn khi ngửi thấy mùi xú uế; khi ai đó ở đầu đoàn quân kêu lên “thối quá” là nét mặt mọi người như giãn ra; tất cả đều vui vẻ, cười nói nhiều hơn; sắp đến Bãi khách, sắp được nghỉ ngơi. Ai cũng muốn đi nhanh hơn; muốn được ngửi thấy "mùi đặc trưng" ấy để khẳng định đó là Biển chỉ đường đến Bãi khách; hầu như chẳng ai bịt mũi, nhăn mặt. Mùi xú uế ấy là do các đoàn khách nghỉ tại Bãi khách đi đại tiện xung quanh Bãi khách không mang xẻng hoặc lấp đất không kỹ các bãi phóng uế do mình thải ra (quy định là phải đào sâu chôn chặt; vậy mà có mấy người làm theo). Sau này khi trở lại học ở các trường; các bạn gái học cùng lớp rất ngạc nhiên và thán phục các anh bộ đội về học về khả năng chịu đựng mùi xú uế; nhiều cô vì thế mà yêu mấy chú bộ đội cùng lớp.

     Người ta hay nói Tăng là nhà; võng là giường của bộ đội đi B; tuy nhiên hai vật bất ly thân ấy (nằm trong những vật bất ly thân) của mỗi anh bộ đội lại còn hơn một mái nhà hay một chiếc giường. Mỗi một chiến sỹ khi hy sinh thường được nằm trong chiếc võng của mình; chiếc võng trở thành tấm vải liệm màu xanh. Bên ngoài võng là mảnh tăng vốn là mái nhà nay bao bọc thay cho chiếc áo quan; những sợi dây dù dùng để mắc tăng, mắc võng nay cũng thay cho đinh, cho cá bó chặt áo quan làm bằng mảnh tăng. Tăng; võng sẽ cùng các liệt sỹ đi xuống lòng đất cho đến khi các hài cốt của các liệt sỹ được quy tụ về các Nghĩa trang thì tăng võng mới hết nhiệm vụ. Cũng nhờ các mảnh Tăng “trường tồn” với thời gian mà vài chục năm sau chiến tranh; nhiều hài cốt các liệt sỹ vẫn còn nguyên vẹn khi được tìm thấy, khi được phát hiện. Còn nhiều lắm những mảnh tăng; những chiếc võng những hài cốt của các liệt sỹ đang nằm khắp dải Trường Sơn; trên nhiều cánh rừng của miền Nam. Rất có thể các liệt sỹ đó sẽ phải nằm lại vĩnh viễn ở những nơi ấy với hai vật dụng bất ly thân của mình - Tăng và Võng thủy chung.

9. Đoàn vào; đoàn ra: Các đơn vị bộ đội hành quân đi B (vào Nam chiến đấu) thường được gọi là Đoàn thay cho phiên hiệu tiểu đoàn. Tiểu đoàn 495; E 568 của tôi được gọi là Đoàn 2004; và là đoàn vào. Các đoàn thương bệnh binh; cán bộ chiến sỹ được ra Bắc điều dưỡng, học tập được gọi là Đoàn ra.

    Các Đoàn vào và các Đoàn ra thường ít gặp nhau trên đường đi và không ngủ đêm cùng một Bãi Khách. Chắc Giao liên bố trí họ đi lệch giờ nhau hoặc bằng những lối mòn khác nhau để hình ảnh những anh thương bệnh binh không ảnh hưởng đến tinh thần của bộ đội đang hành quân vào chiến trường. Khi mới vào những trạm đầu của Trường Sơn; đoàn chúng tôi cũng đã gặp vài nhóm thương bệnh binh trên đường ra Bắc. Đa phần các anh thương bệnh binh trên đường quay ra Bắc trông ốm yếu; mắt trắng môi thâm vì sốt rét; quần áo đủ màu đủ kiểu; chiếc bồng thay cho ba lô (bồng là một cái túi bằng vải hoặc vinilon dung tích khoảng 30 – 40 dm3 ; hai góc dưới của bao được nhét hai hòn sỏi bằng hai viên bi ve để thắt nút cho quai bồng. sau khi nhét tất cả quần áo; tư trang vào bồng, lấy dây giữ hai quai ba lô buộc túm miệng bồng là được một chiếc ba lô để đeo lên vai.

       Đoàn vào của chúng tôi toàn lính trẻ (18-20 tuổi); vừa qua 3 tháng huấn luyện; được ăn uống no đủ (anh nào cũng tăng trọng lượng; từ 3 – 7kg); huấn luyện lại vào mùa Thu nên không bị nắng cháy; quần áo trang bị lại mới tinh (toàn hàng quân nhu xịn của được viện trợ hồi đó). Bộ đội đoàn vào đều đẹp như Soái ca của các cô gái thời nay hay mê trong phim Hàn Quốc. Các anh thương bệnh binh vừa đi vừa ngoái lại nhìn bộ đội của Đoàn vào; tôi đã nghe những tiếng chép miệng “đẹp quá; tiếc quá; tiếc quá..”. Hồi ấy thì không nghĩ nhiều nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy đúng là đẹp quá; tiếc quá. Tôi cũng từng thấy những nhóm thiếu nhi (từ 8 – 14 tuổi) vô tư; ríu rít đi bộ theo các chú Giao liên trên đường ra Bắc; thật cảm phục các em.

    Nhà thơ Tố Hữu có hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Theo chân Bác” được viết năm 1970; khi ông chưa từng vào Trường Sơn đã làm náo nức thế hệ trẻ cũng chưa từng vào Trường Sơn hồi đó:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước;

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.”

    Đến mùa Hè năm 1973; sau khi đã đi qua dãy Trường Sơn; bằng những phương tiện tốt hơn nhiều lần những anh lính phải hành quân bộ như chúng tôi; chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của ông cũng khác chúng tôi nhiều. Ông đã ở những Trạm khách với những căn nhà đúng nghĩa; được lợp lá Trung Quân chứ không ở Bãi Khách như chúng tôi. Nếu nhà thơ được nằm Bãi khách thì Bãi khách có lẽ cũng đã được đưa vào thơ của ông; được đưa vào “nước non ngàn dặm”. Vậy nhưng chuyến đi đó của nhà thơ đã để lại hai câu thơ nổi tiếng không kém hai câu thơ trên trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”:

“Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa;

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.

   Tôi và nhiều đồng đội, sau khi vượt Trường Sơn thì có cảm xúc nhiều hơn với hai câu thơ dưới. Hai câu thơ trên giống như một câu khẩu hiệu; hai câu thơ dưới mới chứa đựng cảm xúc của người đã từng đặt chân đến Trường Sơn.

    Nước non ngàn dặm; nghĩa đen là khoảng 500 km (nghĩa bóng thì có thể là hơn). Nhà thơ Tố Hữu chắc mới chỉ đi quãng đường chừng ấy trên dãy Trường Sơn; nếu ông đi nhiều hơn thì có thể bài thơ sẽ dài hơn. Số lượt lính Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam từ 1964 đến 1973 được thống kê là khoảng 3.000.000 lượt người. Số Bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu trên dãy Trường Sơn có lẽ cũng cả triệu người; nếu khoảng cách hành quân giữa hai người là 1m; thì đoàn quân ấy đã điền đầy quãng đường cả vào lẫn ra là 1.000 km. 

(Còn nữa)

N.V.N

 

Ảnh được các đồng đội cung cấp (5 anh lính sinh viên khoa Sử, ĐHTHHN chụp tại Atoper, Lào năm 1973 trong ngày nghỉ giữa chặng đường hành quân)

 

 

Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-truong-son-ky-3-a21445.html