Chương trình được Vụ Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương Lào, Cục Nghệ thuật văn hóa - Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ Ngoại giao Lào, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Đến dự chương trình có các lãnh đạo Bà Tiến sĩ Bua Khảy Phêng Phạ Chẳn - Cục trưởng Cục Nghệ thuật - Văn hóa - Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, Bà Mạ Ni Phăn Luông Sỉ Sổng Kham - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế, Bà Văn Sỉ Xúc Chạ Lơn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật - Văn hóa, Bà Vắt Đả Văn Đuông Đa La - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật - Văn hóa, Bà Phongsaly XAYAVONG - Phó Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Ngài Tiến sĩ Viêng Phon Sủ Khạ Vông - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quốc gia Lào, Ngài Vông Xay Bủa Phạ Chẳn - Trưởng đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào, Bà Mi li văn Sổng khăm chẳn - Trưởng phòng, Cục Nghệ thuật- Văn hóa, Ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Nhà báo Phạm Thị Yến - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Đại tá - Nhà báo Trần Đình Đích - Tổng biên tập Tạp chí Da Cam Việt Nam, Giám đốc Đoàn xiếc quốc gia Lào, Trưởng đoàn Văn công Bộ Công an, Trưởng Đoàn Văn công Quân đội, Giám đốc Nhà văn hóa Quốc gia. Cùng đại diện các ban, ngành đoàn thể tại Trung ương và địa phương, Các cơ quan báo chí, truyền hình…
Đây là hoạt động giao lưu thường niên, nhằm tăng cường sâu rộng hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt thuỷ chung Việt - Lào, đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Chương trình được tổ chức sẽ là cầu nối để các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hoạt động văn hoá xã hội tiêu biểu của Việt Nam gặp gỡ, tìm hiểu giao lưu văn hoá - Du lịch - Thương mại, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tăng cường giao thương ngoại giao Nhân dân giữa hai nước Việt - Lào phát triển hội nhập cộng đồng kinh tế trong khu vực cũng như ngoài Châu lục.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2022 đạt giá trị 1,703 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2021. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,197 tỷ USD, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam sang Lào có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, năm 2022, tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt trên 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 04 dự án cấp mới và 02 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 26,3 triệu USD, tiếp tục là nước có đầu tư lớn thứ 3 tại Lào.
Hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch tiếp tục được tăng cường, nhất là sau khi hai nước kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa trở lại. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào 1.100 suất học bổng sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người. Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt về xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội cũng như đối mặt với khó khăn và thách thức đan xen, nhưng với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam - Lào dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục được củng cố và nâng lên tầm cao mới, phát triển tự chủ, phồn vinh vì Nhân dân hai nước.
Trong sự kiện giao lưu văn hóa lần này các nghệ sĩ, nghệ nhân hai nước cũng biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm giao lưu nhân dân, học tập và quảng bá văn hóa nghệ thuật dân gian của Việt Nam - Lào trong khu vực.
Về Phía Lào: Là các nghệ sỹ đến từ các Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào biểu diễn những tiết mục đặc sắc như: Múa Lăm Vông, Múa tình hữu nghị Việt Lào, ca sỹ thể hiện bài hát Sợi nhớ sợi thương…
Phần đặc sắc nhất trong sự kiện là màn trình diễn các giá chầu văn ấn tượng của đoàn nghệ nhân Việt Nam như Chầu Bát, Chầu Đệ Nhị, Chúa Bói Nguyệt Hồ, Quan Hoàng Mười, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Chín Sòng Sơn.
Hình thức lễ nhạc chầu văn gắn liền với nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam vốn mang nhiều giá trị cơ bản về nhân sinh quan và thế giới quan. Tục thờ Mẫu - hầu đồng - chầu văn được nhà nước công nhận là di sản quốc gia và UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự kiện lần này thực sự có ý nghĩa khi hai nước cùng kỷ niệm một cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển chung của quan hệ song phương.
Viết Tuấn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dien-dan-giao-luu-ket-noi-van-hoa-du-lich-thuong-mai-viet-nam-lao-a21466.html