Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 5

 4:Thời kỳ cận đại - Xã hội tư bản chủ nghĩa (1640-1917): Nhìn chung chế độ phong kiến thế giới suy tàn vào thế kỷ XV-XVI. Năm 1506-1609 cuộc cách mạng tư sản Hà Lan thắng lợi lật đổ ách thống trị của ngoại bang Tây Ban Nha, thành lập nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Hà Lan đã báo hiệu một thời đại mới, thời đại của các cuộc cách mạng tư sản.

Năm 1640 cách mạng tư sản Anh thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ lịch sử cận đại toàn thế giới, tức là mở đầu cho một thời đại mới mà nội dung là thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới giữa phong kiến và tư sản xem ai thắng ai, thời đại giai cấp tư sản lật đổ chính quyền phong kiến, giành lấy quyền thống trị chính trị, thiết lập những nhà nước tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Cuối cùng vào những năm 80 của thế kỷ XIX chế độ phong kiến bị lật đổ ở châu Âu, Bắc Mỹ, ở Nhật Bản (châu Á), chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi rộng lớn, trở thành một hệ thống chính trị, kinh tế trên thế giới. Các cường quốc tư bản phương Tây đã tiến hành xâm lược các nước Á, Phi, thiết lập nên hệ thống thuộc địa rộng lớn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Toàn thế giới bị lôi cuốn vào quỹ đạo kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản.

Tư bản tức là chế độ tư hữu tư liệu sản xuất vốn có từ xã hội nô lệ, phong kiến, bây giờ được đẩy đến cao độ. Quyền tư hữu tài sản dưới chế độ tư bản chủ nghĩa được pháp luật và hiến pháp tư sản xác nhận là một quyền tối thiêng liêng bất khả xâm phạm. Tất cả các đạo luật của nhà nước đều không được làm tổn hại đến quyền này. Thế nhưng, nét khác biệt của chủ nghĩa tư bản với chế độ nô lệ và phong kiến là ở bản chất kinh tế và hình thức bóc lột. Chế độ nô lệ dựa trên sự cưỡng bức lao động đối với nô lệ để bóc lột. Chế độ phong kiến dựa trên nền kinh tế nông nghiệp tự túc tự cấp, địa phương cục bộ đóng kín trong các lãnh địa, trong các điền trang thái ấp để bóc lột kiểu siêu kinh tế, bóc lột địa tô. Ngược lại kinh tế tư bản chủ nghĩa dựa trên sự phát triển công thương nghiệp. Các sản phẩm thủ công nghiệp sau này là công nghiệp cơ giới, kể cả sản phẩm nông nghiệp đều trở thành hàng hoá mua bán luân chuyển trên toàn quốc, trên toàn khu vực, châu lục và thậm chí trên toàn thế giới. Chủ nghĩa tư bản đã nối kết toàn quốc gia, các khu vực, các châu lục và thế giới thành một thị trường thống nhất. Thực ra chủ nghĩa tư bản không phải là tác giả của nền kinh tế hàng hoá. Bản quyền của nó thuộc về chế độ nô lệ Hi Lạp - La Mã và của nhà nước Cáctagiơ (Bắc Phi). Những quốc gia này, chế độ chính trị là nô lệ nhưng có nền kinh tế hàng hoá thị trường. Như vậy kinh tế hàng hoá thị trường là sản phẩm của lịch sử, của xã hội loài người do nhu cầu khách quan của cuộc sống phải trao đổi, mua bán. Đến chủ nghĩa tư bản, kinh tế hàng hoá thị trường được đẩy sang một giai đoạn mới cao hơn, rộng lớn hơn. Kinh tế hàng hoá thị trường bây giờ mới đúng bản chất thực sự của nó.

           Cũng không thể đánh đồng kinh tế thương mại trong xã hội nô lệ Hi Lạp, La Mã, Cáctagiơ với chủ nghĩa tư bản cận, hiện đại, không chỉ ở nhiều yếu tố mà căn bản là ở cách thức bóc lột. Chế độ chiếm hữu nô lệ dù là nông nghiệp ở châu Á hay công thương nghiệp ở Hi Lạp, La Mã, Các ta giơ đều dựa trên sự cưỡng bức lao động khổ sai đối với giai cấp nô lệ. Cách thức bóc lột của chế độ phong kiến dù ở châu Âu hay châu Á đều là sự cưỡng bức siêu kinh tế , bóc lột tô tức đối với người nông dân. Còn cách thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản hoàn toàn khác, dựa trên kiểu bóc lột giá trị thặng dư, bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân. Về cách thức bóc lột này, Các Mác đã vạch ra một cách đầy đủ khoa học trong tác phẩm vĩ đại của ông:‘Tư bản”.

           Xã hộị tư bản được chia làm hai giai cấp chính, tư sản là giai cấp thống trị áp bức bóc lột. Tư sản bao gồm nhiều tầng lớp: Tư sản công nghiệp, thương nghiệp, ngân hàng, nông nghệp. Giai cấp này có được địa vị áp bức bóc lột thống trị nhờ nắm giữ được tư liệu sản xuất như ruộng đất, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng và các ngành kinh tế quan trọng khác của đất nước. Vô sản là giai cấp bị áp bức bóc lột. Nguồn gốc của giai cấp công nhân từ là từ thợ thủ công trong các công xưởng thủ công, thị dân , nông dân phá sản, có sức lao động nhưng không có tư liệu sản xuất đành phải vào xí nghiệp hầm mỏ, nhà máy bán sức lao động cho nhà tư bản để nhận lương nuôi sống gia đình. Không có tư liệu sản xuất nên công nhân còn được gọi là giai cấp vô sản. Họ bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư, có nghĩa là khi người công nhân lao động 10 giờ một ngày, tư bản chỉ trả lại tiền công cho họ 3 giờ, nhà tư bản chiếm đoạt 7 giờ công, trừ chi phí máy móc và nguyên vật liệu mất 3 giờ, nhà tư bản lãi được 4 giờ quy bằng tiền, 4 giờ tiền lãi đó chính là giá trị thặng dư mà tư bản bòn rút được ở sức lao động của người công nhân. Trên thực tế, công nhân châu Âu thời kỳ cận đại phải lao động 16-18 giờ trong ngày với dồng lương rẻ mạt. Ở các nước thuộc địa châu Á, châu phi, Mỹ La Tinh, chủ nghĩa tư bản kết hợp kiểu bóc lột tư bản với kiểu bóc lột phong kiến với kiểu bóc lột nô lệ đối với công nhân để thu được nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận là mục tiêu chủ yếu nhất, chi phối mọi hoạt động kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản không từ một thủ đoạn áp bức bóc lột nào, kể cả chiến tranh và bạo lực vì mục đích lợi nhuận. Vì thế, trong xã hội tư bản mâu thuẫn cơ bản nhất là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân dẫn tới xung đột đấu tranh giai cấp. Giai cấp công nhân đấu tranh chống chính phủ tư sản, chống chủ nghĩa tư bản là một trong những nội dung chính của xã hội tư bản. Nếu như giai cấp nô lệ hay nông nô vùng dậy chỉ với một hình thức đấu tranh bạo động khởi nghĩa vũ trang thì giai cấp vô sản cận hiện đại có thêm một hình thức đấu tranh mới mà chỉ ở giai cấp này mới có là bãi công, tổng bãi công và đỉnh cao nhất là chuyển từ tổng bãi công thành khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền tư sản. Đấu tranh của giai cấp công nhân chia thành hai thời kỳ, thời kỳ tự phát và tự giác. Thời kỳ tự phát công nhân đấu tranh mới dừng ở mức đòi quyền lợi kinh tế, đập phá máy móc, chưa hiểu được sứ mệnh lịch sử của mình là phải đoàn kết với giai cấp vô sản toàn thế giới để lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới không có ngươì áp bức bóc lột người: Xã hội cộng sản chủ nghĩa. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ đấu tranh tự giác.

           (Còn nữa)

              CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-5-a21481.html