13. Những trang bị “bất ly thân”: Đối với các đơn vị bộ đội hành quân “Xẻ dọc Trường Sơn” để vào B2, B3 thì biên chế cấp tiểu đội có lẽ là biên chế cấp thấp nhất, do đó trang bị “bất ly thân” cho cấp tiểu đội là chiếc tăng đựng nước và hai chiếc nồi quân dụng. Tăng đựng nước được làm bằng nhựa màu ghi sáng khá dày, hình vuông với cạnh khoảng 2m. Nếu vô tình bị cành cây hoặc vật nhọn đâm thủng một vài lỗ ở giữa thì cực khổ, phải vá nóng hoặc dùng dây cao su buộc túm lại để đựng nước chứ đâu được cấp bổ sung. Hai chiếc nồi quân dụng được làm bằng hợp kim nhôm (nhẹ, cứng và bền); chiếc to để nấu cơm và nước uống, chiếc nhỏ để nấu canh, nắp chiếc nồi nhỏ có dập sống nổi tạo cứng và chia nắp nồi thành ba ngăn đựng thức ăn mặn (nếu có). Tuy nhiên, hình như chẳng tiểu đội nào được sử dụng ba ngăn của vung nồi nhỏ để đựng thức ăn mặn cả vì ở Trường Sơn thì lấy đâu ra. Thi thoảng ở các trạm nghỉ, một vài tiểu đội nhờ đi săn được gà rừng, Cheo, Chũi, Nhím… thì chiếc vung nồi ấy mới được sử dụng một đến hai ngăn (hiếm lắm). Chiếc nồi to được phân cho hai người mang (người mang nồi, người mang vung), chiếc nồi nhỏ thường được giao cho một người mang. Tiểu đội tôi có anh Phạm Văn Hợp, vốn là công nhân cơ khí, xí nghiệp may 10 (Bắc Ninh) được phân công mang chiếc nồi nhỏ. Anh hay dùng chiếc nắp nồi làm đạo cụ (vô lăng xe ô tô), hai tay thì xoay đi xoay lại chiếc nắp nồi, chân anh vẫn hành quân theo đội hình, miệng hát “xe tôi bon bon trên dặm đường…” mắt thì mơ màng như đang ngồi sau tay lái thật. Anh Hợp mê lái xe đến độ chúng tôi cũng thuộc bài hát mà anh hát và lái xe bằng cái vung nồi trên đường hành quân bộ suốt dãy Trường Sơn “Chào em cô gái Lam Hồng”. Sau 30 tháng 4 năm 1975, anh Hợp đi dự tuyển lái xe mấy lần mà không được vì anh bị quáng gà nặng, anh lại trở lại với cái nghề “sửa chữa máy khâu" ở Công ty may 10 cho đến khi nghỉ hưu. Mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi lại “say sưa” cùng anh hát “…Hồng Lĩnh ơi, đỉnh cao mây vờn…”, ngắm ánh mắt đang ngồi sau tay lái “Phạm Tiến Duật” của anh, đôi khi tôi cũng tưởng mình đang ngồi trên thùng xe do anh Hợp lái; đúng là ước mơ cả đời anh.
Mỗi tiểu đội trước khi đi B còn được trang bị súng AK, B40, B41…; nhưng tất cả vũ khí đó khi mang vào đến B2 chắc đều phải bảo dưỡng lại mới dùng được vì rỉ sét bởi mưa rừng và bụi đường. Tôi được phân công mang một khẩu sung B40 (đạn người khác mang), nhưng tôi lại hay dùng súng AK do đồng đội mang để đi săn ở mỗi trạm nghỉ. Chúng tôi thường được dừng tại các trạm nghỉ một hai ngày, hoặc một vài tuần, có khi cả tháng trời (để dưỡng sức bộ đội, do dồn quân, chờ phân bổ quân cho chiến trường…). Đi săn ngoài mục đích cải thiện bữa ăn cho tiểu đội còn để cơ thể đỡ trì trệ, để thư giãn. Tôi và Vũ Đức Thành (Thành đã là Liệt Sỹ) thường hay đi săn với nhau. Tôi cầm súng đi trước, Thành tay không đi sau cách khoảng 10 – 15m; hầu như chúng tôi không nói chuyện với nhau trong cả buổi đi săn. Tôi chăm chú tìm con mồi để bắn, Thành thì vừa đi vừa suy ngẫm phía sau. Cả hai reo lên khi tôi bắn được con mồi, cả hai hò nhau lùng sục con mồi bị thương đang trốn chạy, cả hai rất hãnh diện khi mang được thành quả đi săn về cho tiểu đội hoặc lẳng lặng lên võng nếu cuộc săn ngày ấy không được như ý. Tôi đã bắn hết cơ số đạn (30 viên) trên suốt dải Trường Sơn và bị phê bình nhẹ khi tiểu đội bàn giao vũ khí cho bên kho quân nhu ở B2.
Với mỗi anh bộ đội hành quân đi B thì những vật “bất ly thân” phải kể đến là Bi đông đựng nước, Ăng gô đựng cơm (và để nấu cơm), dao găm, bật lửa. Quần áo chỉ cần “bộ nghiêm, bộ nghỉ”, còn lại có thể đổi gà, đổi sắn, đổi rau với đồng bào Lào. Màn tuyn, chăn xé nửa có thể dùng để đổi lợn về ăn tươi cho cả tiểu đội; mũ cối có thể tặng cho các Bọ hoặc thương binh đang trên đường ra Bắc nhưng bốn thứ kể trên là bất ly thân, là sống còn. Ăng gô luôn nằm trong túi sau của ba lô, bật lửa luôn trong túi áo cài khuy, bi đông đựng nước và dao găm luôn đeo bên mình. Ăng gô ngoài việc đựng cơm bữa trưa dọc đường hành quân còn rất hữu dụng khi phải hành quân một mình (do sốt rét, lạc đơn vị, đi bệnh viện…); dùng để nấu nước uống, nấu cơm cho một hoặc hai người. Chỉ một chạc cây bắc ngang, treo ăng gô lên, dưới đốt lửa là xong một bếp nấu. Bi dông đựng được 1,2 lít nước, vừa đủ cho một ngày hành quân, to hơn thì mang nặng, nhỏ hơn thì thiếu nước uống cho một ngày. Một đồng đội trên trang Trái tim người lính, khi đọc được bài viết “Kỷ niệm Trường Sơn” của tôi đã thông tin, anh ấy bị mất bi đông ngay trạm đầu tiên vào Trường Sơn, vậy là anh ấy đã phải dùng một ống tre đựng nước suốt mấy tháng hành quân trên dãy Trường Sơn, chắc lỉnh kỉnh lắm, thật tội cho anh ấy. Dao găm thì dược đựng trong một bao da bền chắc. Dao đủ sắc, đủ nặng để chặt cây làm cáng, làm củi, làm cọc phụ và để phòng thân. Cũng có anh bộ đội dám liều mang cả dao găm đi đổi thực phẩm với đồng bào (có thực mới vực được đạo mà), khi ấy thì đành phải chờ đồng đội dùng xong rồi mượn vậy. Bật lửa trang bị cho bộ đội vào chiến trường thường là bật lửa Trung Quốc, nắp rời được sơn màu xanh hoặc đỏ bên ngoài. Bật lửa Trung Quốc không được sành điệu như Zipo của Mỹ, không có tiếng va đập kim loại khi mở nắp, không có bộ phận che gió như Zipo nhưng độ nhạy và độ bền không thua kém là bao. Bộ đội khi nghỉ ở các trạm có trò thách đố bật lửa “trăm phát, trăm cháy”. Hai anh cầm trên tay mỗi người một chiếc bật lửa, thứ tự người trước người sau bật, ai bật mà bấc không bắt lửa là thua; vậy mà có cái bật lửa bật được cả trăm phát đều bắt lửa. Giải thưởng cho người thắng cuộc là những cái búng tai, được bôi nhọ nồi lên mặt người thua cuộc và những tiếng cười tán thưởng của đồng đội dành cho cả người thắng lẫn người thua - Lính là vậy.
14. Giao quân cho đơn vị chiến đấu: Bộ đội thời chiến tranh thường có hai lần được tham dự lễ giao quân. Một lần là khi nhập ngũ, do các tỉnh, thành phố (hoặc cấp quận, huyện), các trường tổ chức. Lễ giao quân này thường có những bài phát biểu đầy bi hùng của lãnh đạo, những lời hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của những tân binh, những món quà trao vội, những dòng nước mắt đầy thương cảm của người thân, của người yêu và những cái bắt tay thay cho lời tiễn biệt của bạn bè, đồng nghiệp. Lần giao quân thứ hai là lần giao quân của các đơn vị huấn luyện, dẫn quân vào đến chiến trường bàn giao quân cho các đơn vị chiến đấu. Lễ giao quân lần hai này thường không có diễn văn, không có phát biểu; nó được tiến hành lặng lẽ giữa cán bộ khung dẫn quân với cán bộ quân lực của các đơn vị chiến đấu. Sự chia tay của các cán bộ khung huấn luyện đưa quân với các chiến sỹ chuẩn bị ra trận cũng thường lặng lẽ vì tâm lý của người chuẩn bị ra Bắc (được sống) và người chuẩn bị ra trận (đối mặt với cái chết) là lẽ tự nhiên. Đoàn 2004 của chúng tôi được giao quân cho Trung đoàn 271 ở Suối Ngô (Tây Ninh) vào cuối năm 1973. Mấy ông cán bộ khung của Đoàn chúng tôi vì bị phát hiện biển thủ dao kéo cắt tóc của bộ đội để mang ra Bắc nên sự chia tay giữa cán bộ khung huấn luyện, dẫn quân và bộ đội nằm trong diện bàn giao cho Trung doàn 271 không mặn mà. Sự lưu luyến nếu có chỉ là của mấy anh liên lạc các cấp với thủ trưởng của mấy anh ấy.
Sau gần một năm rời đất Bắc, chúng tôi mới được chuyển quân bằng ô tô tải. Chúng tôi ngồi trên thùng xe mà chẳng biết xe chở mình đi đâu và cũng chẳng cần phải biết vì chắc chắn đang đi về nơi có tiếng súng. Xe chạy trên đường đất rồi chuyển sang đường nhựa, từ vùng đồng bằng lên vùng đồi núi nhấp nhô, từ Tây Ninh qua Lộc Ninh rồi chạy lên Quảng Đức (Đắc Nông ngày nay). Đường 14 ngày đó đã được rải nhựa phẳng lỳ, xe tải chạy nhanh mà không rung lắc (ngoài Bắc hồi đó không có con đường nhựa nào chất lượng tốt như vậy). Tôi vẫn nhớ những đồi cỏ (bắt đầu khô) mênh mông, dập dờn như sóng biển khi gần đến chốt Bù Bông (Quảng Đức); xen lẫn các đồi cỏ là những mảng rừng già, đẹp như tranh. Chúng tôi tập kết ở Đồi Chè, một địa danh khá nổi tiếng của Đắc Nông ngày nay bởi những cây chè cổ thụ được trồng từ đầu thế kỷ 20. Chúng tôi được chia thành từng tốp để bổ sung cho các đơn vị thuộc E271, đã bắt đầu nghe tiếng pháo ì ọp của địch bắn lúc gần lúc xa. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy các anh lính giữ chốt được lui về nghỉ “giữa ca”. Cả người mấy anh lính ấy nhuộm đỏ bởi đất đỏ của Núi Lửa (Đắc Nông); quần áo đầy bụi đỏ, khuôn mặt và hai tay được nhuộm đỏ, súng AK đỏ, nắm cơm vắt ăn dở bên lưng các anh cũng vương màu đỏ; chỉ có đôi mắt luôn sáng, tươi cười chào đón chúng tôi. Chúng tôi ngắm nhìn các anh trong sự ngưỡng mộ.
Trung đoàn 271 có 4 tiểu đoàn (các D) và nhiều đại đội trực thuộc (các C). Các đại đội trực thuộc được giao các nhiệm vụ khác nhau mà những cựu chiến binh chỉ nghe phiên hiệu là biết ngay nhiệm vụ. C19 là Công binh; C20 là Thông tin; C21 là Trinh sát; C22 là Vận tải; C23 là Phẫu (Bệnh xá)… Các anh bộ đội ở các D thường tự cho mình là lính chiến thực thụ nên kiêu lắm, các C trực thuộc thì C22 và C23 được cho là hậu phương của tuyến trước. Trạm xá của C23 nằm ở Đồi Chè, cách các D khoảng 3km; C22 thì nằm cách các D khoảng 1 km và luôn phải cử người tiếp đạn, tải thương đến các hướng tác chiến. Sau hiệp định Pari; cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam chuyển sang thế da báo. Trung đoàn 271 phải chiến đấu với địch, trong đó có Sư đoàn 23 (Biệt động quân) của chính quyền Sài Gòn giữa núi rừng Quảng Đức, không có chiến tuyến rõ ràng nên hai phía bất chợt gặp nhau giữa rừng là chuyện thường. Đồng đội tôi kể có lần bất chợt anh và mấy anh lính trinh sát vừa ló ra trảng trống thì phát hiện bên kia trảng trống mấy tên lính Việt Nam Cộng hòa; cả hai phía đều giật mình và cùng lùi lại vào rừng mà không bên nào nổ sung. Tôi và Vũ An Ninh có lần đang cáng thương binh đi theo trinh sát dẫn đường thì chợt nghe phía trước có tiếng hô to của trinh sát “có địch” rồi tiếng súng AK vang lên; chúng tôi vướng cáng thương binh nên chỉ có cách đứng im chờ may rủi.
C22 là đơn vị cung ứng lương thực, đạn dược cho cả Trung đoàn và cũng là nơi dự trữ lực lượng chiến đấu cho các đơn vị khác trong Trung đoàn. Khi mới được giao quân C22 được bổ sung khá nhiều quân, tôi cũng nằm trong số đó. Sau một vài tháng, các đơn vị chiến đấu trực tiếp giảm quân số vì bị thương vong, các đồng đội tôi ở C22 lập tức được điều đi để bù đắp sự thiếu hụt đó. Liệt sỹ đầu tiên của Đoàn 2004 chúng tôi ở mặt trận Quảng Đức lại là một chiến sỹ ở C22 chứ không phải ở D, C nào khác. Vũ Như Minh, người Thanh Hóa, là sinh viên K15, khoa Địa ĐHTH Hà Nội. Minh kéo Violon hay lắm, anh là cây văn nghệ, là nhân tố giao lưu văn hóa với các địa phương nơi trường sơ tán. Minh cưới vợ khi về phép chuẩn bị đi B. Phép có 12 ngày mà mất 4 ngày đi đường (từ Mai Sưu, Hà Bắc đi về Thanh Hóa hồi ấy phải mất hai ngày); lại còn ăn hỏi, cưới xin; chắc anh chỉ được ở bên vợ một tuần (Minh chậm phép hai ngày). Sau này, trên đường hành quân Minh tâm sự, sau hôm cưới vợ anh lại bị “đèn đỏ” nên chẳng được động phòng, đen vậy chứ.
Hôm ấy khoảng 4 giờ sáng, trăng sáng lạnh (Trăng đêm ở những đồi cỏ và trảng rừng Quảng Đức thường có cảm giác xanh lạnh). Minh và 3 anh nữa của C22, trong đó có anh tiểu đội trưởng nhận nhiệm vụ cáng một thương binh từ tuyến trước về bệnh xá tiền phương (Phẫu). Minh cùng một đồng đội khênh cáng thương binh, tiểu đội trưởng và người còn lại đi kế bên để thay ca sau mỗi chặng. Cả đoàn đang đi theo đường mòn trên đồi cỏ thì có tiếng pháo đì đùng, một quả đạn pháo nổ cách đoàn người khoảng 5m; một mảnh đạn văng thẳng vào trán của Minh. Minh đổ người ra phía trước như cây chuối bị chém, chiếc cáng võng cũng rơi theo; anh thương binh chỉ bị thương phần mềm ở chân đã nhanh chóng chạy về đến trạm Phẫu cách nơi quả pháo nổ 2 km. Ba đồng đội còn lại của C22 khiêng xác của Minh về để chôn cất; hôm sau đi qua chỗ Minh hy sinh tôi còn nhìn thấy vạt cỏ mà Minh cào nát trước khi qua đời, có một mẩu óc (não) còn vương trên đó. Tiểu đội trưởng cũng bị một mảnh pháo găm vào ba lô đeo ở lưng, anh luôn mang một chiếc cuốc chim cắt ngắn cán trong ba lô để phòng khi phải đào hầm, thật may cán gỗ của cuốc chim đã đỡ mảnh đạn cho anh, trong cuộc chiến có những may mắn đến lạ.
Tôi và bốn đồng đội khác cũng từng bị vấp mìn Claymo trên núi rừng Quảng Đức mà không ai bị thương. Hôm đó bọn tôi từ tuyến trước trở về cứ. Chúng tôi thường đi hàng dọc cách nhau 5 m mỗi người (đó là cách đi để giảm thiểu tổn thất khi vấp mìn Claymo). Trời đã gần tối mà cứ chỉ cách khoảng 1 km nữa nên tự nhiên chúng tôi chủ quan. Tôi đang đi cuối của năm người, đã vội đi nhanh lên thứ hai ngay sau tổ trưởng Tạ Tám (cũng là một sinh viên năm thứ 3 khoa Lý, ĐHTH HN), năm người chúng tôi dồn lại chỉ còn 8 - 10m. Chúng tôi phải xuyên qua một khoảng rừng chưa đầy 100m, phía bên kia trảng rừng là cứ của C22. Tạ Tám đi đầu trước tôi khoảng 2 m bỗng khựng lại, tôi nghe “phựt” và tôi và Tạ Tám biết đã vấp phải dây mìn Claymo buộc ngang đường. Mấy đồng đội của tôi ở phía sau cũng có cảm giác chúng tôi vấp mìn rất nhanh. Tất cả im lặng, nín thở chờ mìn nổ. 5 giây, 15 giây trôi qua mà không thấy mìn nổ, tôi quan sát qua ánh sáng chiều tà thì thấy một sợi dây kim loại bị đứt co về phía cây rừng cạnh đường mòn. Tôi đến gần hơn thì phát hiện quả mìn Claymo được đống lá cây phủ lên, tiếp điểm của kíp điện vẫn hở. Bọn thám báo đã dùng một sợi dây thép bị gỉ để căng dây mìn, khi Tạ Tám vấp mạnh chỗ bị gỉ đứt trước khi dây thép kịp kéo hai tiếp điểm chập lại. Như có quý nhân phù trợ vậy, đến bây giờ nhớ lại khoảnh khắc đó tôi vẫn toát mồ hôi.
15. Chuyện đi săn của Quân Giải phóng: Thực phẩm luôn là vấn đề nan giải cho lính chiến ở mặt trận Quảng Đức. Gạo lúc nào cũng có dù đôi khi còn thiếu; nhưng thực phẩm thì luôn thiếu; nhiều khi bộ đội giữ chốt phải ăn cơm nắm (cơm vắt mới đúng) với mắm kem và cá khô mà quản lý của đơn vị phải đạp xe lên cửa khẩu Thiện Ngôn, Xa mát (Tây Ninh), cách đơn vị hơn 200km để mua về, phải ăn vậy thấy tội lắm. Các trại tăng gia ở tuyến trước đã hình thành để đỡ phần nào việc cung ứng thực phẩm, rau xanh cho bộ đội tuyến trước. Bộ đội cũng tranh thủ đi săn bắn thú rừng, gà rừng; chim rừng để bổ sung đạm cho cơ thể. Rừng Quảng Đức có rất nhiều thú rừng, từ hổ, gấu, bò rừng, trâu rừng; lợn rừng đến nai, hoẵng (mễn), Cheo, Dím, Chồn, Chũi, gà rừng, chim cu… Ngon nhất và dễ săn nhất có lẽ là Cheo; gà rừng, chỉ cần dùng dây rừng buộc thành thòng lọng đặt ở lối đi rồi cài vào cành cây uốn cong. Con mồi đi qua dẫm vào thòng lọng, lẫy bật ra cành cây duỗi thẳng ra là chún bị treo lên. Thịt Mễn như thịt bê non, ăn mềm và ngọt thịt, thịt Nai dai hơn và là của hiếm. Thịt Lợn rừng thì thơm ngon nhưng không dễ bắn; Dím và Chũi cũng là những món ngon dễ kiếm của bộ đội ở mặt trận Quảng Đức. Rừng Quản Đức hồi đó còn rất nhiều Vượn; nếu không có tiếng pháo sẽ nghe tiếng chúng hú suốt ngày đêm, nhưng săn Vượn và khỉ độc không dễ vì chúng tháo chạy bằng cách chuyền cành rất nhanh. Giờ đây chuyện săn bắt thú rừng bị cấm vì bảo tồn sinh thái chứ hồi chiến tranh thì đâu có ai nghĩ đến chuyện đó. Tôi đã một lần duy nhất bắn được một con Vượn, nó to quá nên tôi phải cõng nó vào trại tăng gia để nhờ mấy anh ở trại tăng gia chế biến dùm. Chế biến xong tôi nhìn thấy đầu của con Vượn nhe răng mà không dám ăn nữa. Tôi cạch săn Vượn từ đó và ân hận với việc bắn loài linh trưởng cũng từ đó. Tôi chưa được ăn thịt gấu nhưng nghe đồng đội kể lại ăn cháo nấu với gan gấu xong, cả tiểu đội nóng quá phải nhảy xuống suối để ngâm cho mát, vui thật. Cũng từ chuyện đi săn của bộ đội trong rừng mà xảy ra việc quân ta bắn nhầm quân mình gây tử thương. Chiến tranh là thế, có những cái chết oan uổng.
Sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã quay trở lại thăm Việt Nam vì bị ám ảnh bởi chiến tranh. Tôi cũng vì bị ám ảnh bởi chiến tranh nên đã sang thăm nước Mỹ năm 2017. Tôi đã đến thăm bức tường đá ghi tên 58.000 lính Mỹ đã chết tại chiến tranh Việt Nam; Tôi đã đến thăm Lầu năm góc, Nhà trắng, nơi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ được khai sinh. Tôi đã đứng chụp ảnh trước bức tượng lớn của Mục sư Martin Luther King, tôi đã được đắm mình trong mùa hoa Anh Đào ở Washington DC.
Sau hết là tôi ước gì không có cuộc chiến tranh ấy để tôi không có loạt bài viết “Ký ức Trường Sơn”. Các bạn đọc không phải đọc những dòng kỷ niệm nhiều nước mắt, nhiều đau thương để rồi phải cám ơn, phải trân trọng…
Tôi xin khép loạt bài viết về “Ký ức Trường Sơn” ở đây. Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc các bài viết của tôi.
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-truong-son-ky-5-het-a21487.html