Đường về giảng đường... không dễ dàng

 Tháng 9 năm 1972, sau khi nhận giấy báo trúng tuyển nhập ngũ, tôi đưa 5 anh bạn cùng lớp Lý 1, ĐH Tổng hợp Hà Nội về thăm nhà ở Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang).

Trong 5 bạn ấy, có 3 bạn cùng nhập ngũ với tôi, nhà các bạn ấy đều ở Hà Nội nên buổi chiều hôm ấy các bạn cũng về Hà Nội luôn để gặp gỡ người thân trong gia đình trước khi trở thành anh bộ đội. Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm 1972 sơ tán về Bình Đà, Thanh Lương (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) sau đó lại chuyển lên Hiệp Hòa (Hà Bắc, nay là Bắc Giang). Khoa Vật Lý đóng đô ở Đông Lỗ, Hiệp Hòa, cũng là nơi chúng tôi nhập ngũ.

b1noihn1-1698635031.jpg

Tác giả tháng 5/1975, chụp tại Sài Gòn;

 

 

     Mẹ tôi thấy tôi báo tin chuẩn bị nhập ngũ và nhà có khách nên ra chợ mua một con gà về thịt để cho con trai tiếp các bạn. Món gà luộc và nước suýt gà là món chính nhưng đấy là một bữa xa xỉ với một gia đình công nhân như gia đình tôi hồi đó. Chỉ có 6 đứa bọn tôi ngồi mâm vì bố mẹ tôi muốn dành không gian cho bọn tôi và chắc cũng vì muốn dành thức ăn cho mấy đứa sắp vào sinh ra tử. Anh trai tôi, khi ấy cũng mới ở chiến trường ra, mắt trũng, môi thâm, người còn da bọc xương vì sốt rét Trường Sơn mới về thăm nhà mấy hôm. Chắc thấy tôi và các bạn vô tư quá nên nhắc nhỏ tôi trong giọng nói xót xa “sắp vất vả và khổ lắm đấy em”. Tôi trả lời anh “anh yên tâm đi, em như cục cao su ấy mà, nén mấy cũng chịu được”. Sau này mới thấy sự xót xa của anh tôi là có lý và cũng vì coi mình là “cục cao su” nên tôi đã phải cố gắng để vượt qua những gian lao, vất vả, cái chết luôn rình rập và hoàn thành nghĩa vụ anh Giải phóng quân.

b1anoi2-1698635125.jpg

Tác giả sau khi tái ngũ, công tác tại Viện 481, Tổng cục kỹ thuật

 

 

      Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tôi đóng quân ở Đồng Xoài (Bình Phước). Tôi tham gia chiến dịch HCM từ hướng Đông Bắc Sài Gòn. Tôi là pháo thủ số 3 trong một tổ cối 60 ly của bộ đội địa phương. Tuy nhiên vì chiến dịch đang có những bước tiến thần tốc nên cối 60 ly của chúng tôi không có cơ hội được sử dụng. Tôi được bổ sung hỗ trợ bốc vác vũ khí cho quân chủ lực, lần đầu tiên tôi thấy đạn cối 160 ly và đạn pháo 130ly của quân đội ta, rất ấn tượng và tự hào. Đạn pháo 130 ly được tách đầu đạn và cát tút riêng, cả hai được để trong một thùng gỗ. Cả thùng gỗ chứa quả đạn và cát tút nặng khoảng 65 kg. Bình thường, những người lính bốc hàng trên xe tải xuống phải tách riêng đầu đạn, cát tút, thùng đựng thành 3 chuyến. Tôi cứ vác cả thùng (65kg) từ xe đến kho tạm giữa rừng (khoảng 25-30m); chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại khỏe như vậy. Thật ra là tôi ngại tách đầu đạn và cát tút vì lách cách quá nên mới khổ vậy chứ có ai bắt mình hay khen mình khi làm vậy đâu (chiến trường mà). Đồng Xoài khi đó chỉ toàn rừng và vài con đường đất ngang dọc chứ đâu có xầm uất như bây giờ. Chiều 28 tháng 4 năm 1975, vừa bốc xong một chuyến xe chở cối 160ly thì chúng tôi nghe nhiều tiếng động cơ máy bay rất thấp trên bầu trời Đồng Xoài. Lúc đầu tôi tưởng máy bay địch phát hiện kho đạn chiến lược của quân chủ lực ở trong rừng Đồng Xoài nên bay tới bắn phá, tuy nhiên không thấy tiếng bom đạn và đến tối thì biết tin đó là các máy bay A-37 của Phi đội Quyết Thắng do phi công Nguyễn Thành Trung bay dẫn đường vừa ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến thắng đang cận kề rồi, mừng nhất là cả kho đạn khổng lồ trong rừng Đồng Xoài không được sử dụng.     

babnoi3-1698635193.jpg

Tác giả (ngoài cung bên trái) và đồng đội gặp mặt nhân dịp chiến thắng 30/4.

 

   

        Sau 30 tháng 4 năm 1975, trong khi nhiều lứa sinh viên-chiến sỹ được trở ra Bắc để tiếp tục bút nghiên thì tôi lại được điều động tham gia chiến dịch "cải tạo tư sản mại bản” tại TP. HCM, có lẽ vì tôi là bộ đội miền và có “trình độ văn hóa cao” so với các đồng đội cùng đơn vị. Bảy tháng ở TP. HCM (từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1975) đã cho tôi biết nhiều về “Hòn ngọc viễn đông” khi đó; đã cho tôi hiểu về văn hóa sống, cư sử, giao tiếp rất đáng ngưỡng mộ của người dân Tp HCM. Bảy tháng ở Tp HCM đã tạo nên một chuyện tình tuyệt đẹp của một anh lính giải phóng người miền Bắc với cô nữ sinh trong tà áo dài trắng dịu dàng của Sài Gòn mà tôi là anh lính đó. Tuy nhiên cũng vì bảy tháng đầy ắp kỷ niệm đó mà hành trình trở về trường đại học của tôi cũng gặp đầy trắc trở.

    Tháng 12 năm 1975, sau khi kết thúc “chiến dịch cải tạo tư sản mại bản”, tôi nhận được quyết định ra Bắc để có cơ hội trở về trường ĐH học tiếp. Hồi đó chúng tôi được hành quân ra Bắc bằng xe tải; tôi nhớ cảm giác gió thổi vù vù bên tai khi xe tải chạy nhanh trên xa lộ Hà Nội (Sài Gòn – Biên Hòa); lần đầu tiên thấy một đại lộ to đẹp, êm ái đến vậy. Tôi nhớ đến trạm nghỉ Phan Rang, chúng tôi được ngủ trong nhà vòm để máy bay ở sân bay, một căn phòng ngủ lớn nhất mà tôi từng biết. Tôi nhớ đến ánh đèn vàng yếu ớt rọi trên đường Nam Bộ (Hà Nội) đầy bụi than, những con người lam lũ với những trang phục màu xanh tím than hoặc màu cỏ úa gập người trên những chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ. Tôi thương Hà Nội quá, tôi thương miền Bắc quá, tất cả cho chiến trường để rồi luôn phải thắt lưng buộc bụng.

     Tôi được chuyển về Đoàn an dưỡng ở Khắc Niệm (Bắc Ninh), tôi chưa được về nhà ngay mặc dù nhà tôi chỉ cách Đoàn an dưỡng khoảng 5km. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau tất cả bộ đội mới ở phía Nam chuyển ra được báo động. Tất cả mang toàn bộ tư trang ra tập trung ở một khoảng sân rộng trong khu vực doanh trại của Đoàn. Mỗi người đứng cách nhau 2m, toàn bộ tư trang được lôi khỏi ba lô và trải ra trước mặt mỗi người. Cán bộ khung của Đoàn an dưỡng lần lượt kiểm tra tư trang của mỗi anh bộ đội mang từ miền Nam ra. Những đồ dùng, văn hóa phẩm được cho là không phù hợp bị tịch thu. Những ngày tiếp theo, chúng tôi được phát quân trang mới, khá đầy đủ (không đầy đủ bằng quân trang khi đi vào chiến trường). Sau này khi gặp lại các đồng đội tôi ở nhiều Đoàn an dưỡng khác mới biết nhiều cán bộ tha hóa ở các Đoàn an dưỡng có cách xà xẻo “rất hợp lệ” quân tư trang của những anh lính chiến khi trở về hậu phương. Mỗi người lính khi nhận quân trang mới (trước khi ra quân) thường được phát thiếu một vài thứ theo danh mục được nhận. Người thì thiếu cái vỏ chăn, người thì thiếu cái màn, đôi khi là cái quần, cái áo với lý do là kho còn thiếu và hẹn tuần sau hoặc tháng sau đến nhận tiếp nếu có. Những ngày tháng đó, giao thông đâu có thuận lợi như bây giờ, di chuyển từ tỉnh nọ đi tỉnh kia phải mất cả ngày trời vất vả. Đa phần những người lính ở xa không quay lại để nhận những quân trang còn thiếu nữa và những cán bộ khung cũng chỉ chờ có thế để mang về nhà những thứ mà lẽ ra không thuộc về họ. Một đồng đội của tôi vì bực bội với những hành vi như vậy của các cán bộ khung ở một Đoàn an dưỡng nên trên đường về nhà khi qua một dòng sông, anh đã xé bỏ những mảnh giấy nhỏ chứng nhận đeo huy chương, tham gia chiến dịch luôn mang theo trong người và thả xuống dòng sông như để đoạn tuyệt với quá khứ.

      Cuối tháng 12 năm 1975, tôi mang giấy tờ ra Trường ĐHTH HN để nhập học. Những tưởng sẽ được đón tiếp nồng hậu, nhưng không, tôi gặp phải bức tường quan liêu bao cấp. Tôi bị từ chối tiếp nhận vào học giữa năm học mà phải chờ đến tháng 8 năm 1976 nhà trường mới có thể tiếp nhận để vào học năm học mới. Tôi biết phải làm sao khi Đoàn An dưỡng của quân đội không thể cho tôi tiếp tục an dưỡng thêm 8 tháng. Tôi được khuyến cáo là phục viên về địa phương để chờ tháng 8 năm 1976 ra trường xin nhập học lại. Tôi cảm thấy buốt sống lưng khi nghĩ về cái hành trình phục viên rồi ra trường xin nhập học lại ấy. Tôi thương bố mẹ tôi nếu tôi phải về nhà ăn bám bố mẹ già thêm tám tháng, chưa nói là những khó khăn có thể có khi từ địa phương làm thủ tục ra trường nhập học lại. Để chuẩn bị tinh thần cho bố mẹ, tôi hỏi mẹ tôi:

 “Nếu con phải thi ĐH lần nữa thì mẹ nuôi con nhé?”; mẹ tôi cười trả lời:

 “Mẹ nuôi con suốt đời mà con”. 

       Ân tình cha mẹ lớn quá làm tôi thêm chạnh lòng, thương bố mẹ nhiều hơn. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan thì thật may, các lãnh đạo của Đoàn an dưỡng Khắc Niệm đã cho tôi một lối thoát. Tôi được các anh lãnh đạo Đoàn an dưỡng đồng ý cho ở lại quân đội với điều kiện là không được hưởng chế độ an dưỡng, mà phải làm anh nuôi cho một đại đội khung của Đoàn an dưỡng Khắc Niệm và đương nhiên không phải là biên chế cứng trong đại đội khung ấy. Đại đội khung trong một Đoàn an dưỡng có khoảng 15 người, có nghĩa là mình tôi phải nấu cơm phục vụ 15 người ấy ngày 3 bữa. Tôi chấp nhận đề xuất của lãnh đạo Đoàn an dưỡng không một chút đắn đo, mặc dù tôi chưa từng học, chưa từng làm anh nuôi. Trên đường hành quân dọc Trường Sơn, tôi cũng từng nấu cơm cho tiểu đội ăn khi đến lượt; nhưng là hai người một ngày, sáu ngày mới đến lượt và chỉ có nồi cơm và nồi canh rau tàu bay… đơn giản vô cùng. Một khó khăn nữa là phải nấu bằng bếp trấu, những ai đã từng sử dụng bếp trấu để nấu ăn thì chắc sẽ hiểu được nấu bằng bếp trấu khổ như thế nào, còn khó hơn cả nấu bằng rơm, rạ; luôn tay phải tiếp trấu, luôn tay phài cời tro. Lửa lúc to lúc nhỏ sẽ dễ làm cơm bị khê, sống, thức ăn bị nồng. Tôi phải mất vài tuần đầu như đánh vật với những bữa cơm phục vụ những đồng đội ở hậu phương, rồi cũng quen, đã có những lời khen cho những món ăn thấm đẫm mồ hôi, công sức của tôi. Nhưng chưa hết khổ, mỗi tuần tôi phải kéo xe cải tiến đến nhà máy xay xát ở Thị Cầu (gần cầu Đáp Cầu) cách Đoàn an dưỡng khoảng 5 km để chở trấu về đun bếp. Mỗi xe cải tiến chở được khoảng 200kg trấu đóng bao, mất hơn nửa buổi tôi và một em gái (bộ đội nghĩa vụ) mới kéo được xe trấu về đến bếp nấu.

     Em gái (bộ đội nghĩa vụ) ấy cũng là một kỷ niệm với tôi trong giai đoạn đó. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, em thường xuống bếp gọt mướp, nhặt rau hỗ trợ tôi. Sự chịu đựng không ta thán, sự chấp nhận mọi thử thách để hướng tới tương lai của tôi đã làm rung động trái tim em. Có lần chúng tôi đi ngồi xem phim bãi buổi tối ở Khắc Niệm, em ngả đầu tựa vai tôi và chắc hy vọng tay tôi sẽ quàng vai em. Nhưng không, tôi bó gối ngồi im nhưng cũng vẫn để em tựa đầu vào vai mình. Tôi đang có một tà áo dài ở Sài Gòn luôn nhớ tới tôi và tôi cũng luôn nhớ tới tà áo trắng đó nên tôi không thể làm khác được. Em gái đã khóc khi tôi tâm sự về tình yêu của tôi với cô nữ sinh Sài Gòn; em vẫn quý tôi và vẫn giúp tôi vì biết tôi luôn tôn trọng em.

     Tôi không dám kể cho mẹ tôi về công việc tôi làm trong những ngày tháng ấy sợ mẹ tôi thương tôi khổ và lo cho tôi. Sau một ngày mệt nhọc vì bếp trấu, tôi lại ngả người với niềm vui nho nhỏ là đã không làm cho mẹ khổ thêm. Tôi đếm từng ngày, mong đến ngày trở lại giảng đường ĐH. Ngày tháng rồi cũng dần trôi qua, khi tôi đã thành thạo với bếp trấu, với nghề anh nuôi cũng là đến thời khắc tôi được trở lại trường. Tôi cám ơn Lãnh đạo Đoàn an dưỡng, cám ơn cán bộ, chiến sỹ khung đại đội đã cho tôi phục vụ; cám ơn em gái đã chia sẻ vất vả cùng tôi. Để đuổi kịp những đồng đội đã về học từ năm 1975, tôi đề nghị được học năm thứ 2 luôn (bộ đội sau khi xuất ngũ về học thường học lại năm đã học trước khi đi bộ đội). Tôi đi bộ đội tháng 9 năm 1972 khi chưa thi học kỳ hai của năm thứ nhất ĐH, tuy nhiên các thầy vẫn cho tôi điểm thi học kỳ 2 với điểm số cao toàn 4/5; 5/5 (chắc các thày dựa vào điểm thi học kỳ 1 của tôi, cũng với những điểm thi cao tương tự. Tôi là học sinh suất sắc học kỳ 1 năm thứ nhất khoa Vật Lý, ĐHTH HN) nên tôi đã được nhận vào học năm thứ hai, vậy là đỡ được một năm.

      Tôi nhớ ngày hội nhập ngũ tháng 11 năm 1971 của trường ĐHTH Hà Nội tại sân sau khu nhà Liên hợp của khu Thượng Đình. Cả một sân trường rộn ràng tiếng nói cười, cả một biển người lắng nghe bài phát biểu đầy xúc cảm của thày Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum. Tôi nhớ ngày hội nhập ngũ tháng 5 năm 1972, cũng ở sân trường, không hoành tráng bằng lần trước nhưng cũng đầy hào hùng. Tôi nhớ ngày hội nhập ngũ tháng 9 năm 1972 tại làng Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Hà Bắc), chỉ dành cho khoa Vật Lý, dẫu không hoành tráng, hào hùng nhưng cũng có nhiều thày cô, bạn bè đưa tiễn. Tôi không thấy những ngày hội tương tự để đón các học sinh cũ đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả trở về trường học tiếp, không cờ hoa, không lời chúc tụng.

     Đường trở lại giảng đường của tôi quả thật không dễ dàng. Tuy nhiên so với nhiều đồng đội của tôi từ đồng ruộng ra đi rồi khi trở về lại quay về với đồng ruộng khi sức khoe đã yếu, bệnh tật nhiều hơn thì sự gian nan vất vả của tôi chẳng thấm gì. Ngày ấy, dẫu chưa thống nhất đất nước, chúng tôi (những anh lính sinh viên) đã thích hát, đã cảm nhận được nhạc và lời của bài hát nước Nga mà tôi không nhớ tên “… Nếu bạn hiền còn thiếu một gia đình, xin bạn đừng ngại ngùng về chốn quê tôi. Miền đồng quê phì nhiêu; nông trường bài hát ca êm đềm; có nhiều cô gái đẹp như khúc ca ban chiều…”. 

    Nhờ 8 tháng làm anh nuôi ở Đoàn an dưỡng nên khi tôi ra quân để về trường tôi được hưởng chế độ chuyển ngành. Mỗi tháng tôi nhận được phụ cấp 44 đồng (tôi ra quân với cấp bậc hạ sỹ), trong khi các đồng đội của tôi chỉ được phụ cấp 24 đồng/tháng. Ba năm học tiếp của tôi vẫn được tính là năm công tác, cũng đáng cho vất vả đã trải qua đấy chứ? Thật ra tôi không biết các quyền lợi ấy khi chấp nhận làm anh nuôi đâu, chỉ sau khi về trường và ra trường rồi mới biết. Tốt nghiệp ĐH, tôi lại nhập ngũ vì được bạn bè rủ rê. Sau 8 năm làm “lính cậu” ở một viện nghiên cứu trong quân đội, tôi lại ra quân với quân hàm đại úy – quân hàm vào loại cao so với lứa cựu chiến binh sinh viên chúng tôi; và cái được nhất có lẽ là chất bộ đội đã ngấm vào trong nhân cách của tôi.

      Tôi cứ ngẫm nghĩ lan man có gì viết nấy, diễn đạt không bằng mấy  bạn học văn. Tôi cám ơn các bạn đã đọc, đã lướt qua. Tôi yêu tất cả những dòng bình yêu, ghét. Tôi yêu những gì tôi đã trải qua và nếu được lặp lại cuộc đời, tôi muốn được lặp lại nguyên như thế.

N.V.N

Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/duong-ve-giang-duong-khong-de-dang-a21493.html