“Lá đỏ” - Một hồn thơ đa cảm, tài hoa

Bài thơ “Lá đỏ” đã được lựa chọn và đưa vào học trong sách Ngữ văn lớp 7

lado-1698756160.jpg
Hình ảnh minh họa

Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nhà cách mạng, một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX. Đánh giá về Nguyễn Đình Thi trong bài điếu văn tiễn ông rời cõi tạm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: Nguyễn Đình Thi là một “nhà văn hóa lớn, một nghệ sĩ tiêu biểu nhiều tài năng, một cây đại thụ của nền văn nghệ Việt Nam …”. Đương thời - với tư cách là nhà văn ông sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, phê bình văn học, viết kịch, làm thơ; với tư cách là nhạc sĩ ông soạn nhạc, sáng tác bài hát … Ở địa hạt nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc; tiêu biểu như: “Vỡ bờ” (tiểu thuyết), “Cái tết của mèo con” (truyện ngắn), “Đất nước”, “Bài thơ Hắc Hải” (thơ), “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” (bài hát), “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (Kịch) … Riêng với thơ, ông có phong cách tự do, phóng khoáng, hàm súc, giàu chất suy tư, dạt dào cảm hứng yêu nước.

Bài thơ “Lá đỏ” đã được lựa chọn và đưa vào học trong sách Ngữ văn lớp 7, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, trong chủ đề “Tin yêu và ước vọng” nhằm giúp cho học sinh “hiểu hơn về tình yêu thương, niềm tin và khát vọng của con người giữa những năm tháng chiến tranh gian khổ, hi sinh nhưng rất đỗi anh dũng, hào hùng” để từ đó “góp phần thắp lên ánh sáng của niềm tin yêu và ước vọng cao cả”. Phải nói rằng, với sự xuất hiện này, chúng tôi rất mừng cho tác phẩm - đứa con tinh thần của nhà thơ đã có một chỗ đứng xứng đáng trong văn học nhà trường. Vẫn biết, bài thơ tuy chưa phải là bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi nhưng nó là một bài thơ độc đáo; khơi gợi được những cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc. Đặc biệt, với hơi thở nóng hổi, trực tiếp từ những trải nghiệm chiến trường đầy ấn tượng, thú vị và cũng phần nào thể hiện được sự tìm tòi cách tân về nghệ thuật thơ ca của nhà thơ, tác phẩm không chỉ thể hiện được ý định của người làm sách giáo khoa mà còn cho người đọc thấy được tâm hồn đa cảm và tài năng của người nghệ sĩ rất mực tài hoa Nguyễn Đình Thi:

     Lá đỏ  

“Gặp em trên cao lộng gió

  Rừng lạ ào ào lá đỏ

  Em đứng bên đường

                        như quê hương

  Vai áo bạc quàng súng trường

  Đoàn quân vẫn đi vội vã

  Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa.

  Chào em em gái tiền phương

  Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn …”.

    (“Ngữ văn lớp 7 - Kết nối tri thức với

    cuộc sống”, Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ

      biên, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2023)

Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Lá đỏ” Nguyễn Đình Thi đã từng tâm sự như sau: mùa thu năm 1974, ông cùng nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định cùng vào Trường Sơn trên một chiếc xe. Xe đang chạy trên đường bỗng thấy một anh bộ đội cứ giơ hai tay ra hiệu cho xe dừng lại và chỉ lên trời. Thấy vậy, bốn người vội rời khỏi xe, tìm vào một hẻm núi trú ẩn. Bỗng một tiếng nổ vang trời, chiếc xe tan tành. Thật may mắn tất cả đều sống sót. Sau đó bốn người lại tiếp tục đi bộ. Trên đường đi nhà thơ thấy nhiều bộ đội kéo pháo; xe tải và người đi nườm nượp, vội vã, hối hả. Nguyễn Đình Thi đoán biết là sắp có một trận đánh lớn. Tuy nhiên điều làm nhà thơ ngạc nhiên là thấy rất nhiều phụ nữ, nhiều những em gái trẻ trung, mảnh mai đứng ở những nơi nguy hiểm để dẫn đường cho xe đi (vượt qua suối hoặc qua những đoạn đường khó). Ông nhớ lại, hồi kháng chiến chống Pháp cũng thấy vậy. Dân công trở gạo; mang vũ khí, tải đạn; rồi làm y tá. Đa phần là phụ nữ. Họ ra tận chiến hào cùng bộ đội đánh giặc. Nguyễn Đình Thi chưa thấy ở đâu trong cuộc chiến tranh vệ quốc, phụ nữ lại tham gia đông đảo, hồn nhiên, dũng cảm và lạc quan như ở Việt Nam. Cứ thế, nghĩ và đi, cuối cùng nhà thơ và đồng đội đã vượt qua nhiều chặng đường nguy hiểm. Và một lần đến những cánh rừng giáp Lào, Nguyễn Đình Thi thấy mùa thu ở đây rừng chuyển màu toàn lá đỏ. Rất lạ và rất đẹp. Nhà thơ đã nhặt một chiếc lá ép vào cuốn sổ. Tối đó, cảm xúc về những cô gái trên chiến trường ác liệt, cảm xúc về rừng lá mùa thu đã tạo nên thi hứng để bài thơ “Lá đỏ” ra đời. Bài thơ viết xong và được đọc lần đầu tại Cục Chính trị Tây Nguyên do chính Nguyễn Đình Thi thể hiện. Rồi không lâu, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Bài hát trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người yêu thích và trở thành ca khúc bất hủ, đi cùng năm tháng. Bài thơ ban đầu ghi sáng tác ngày 16 tháng 12 năm 1974 và nguyên văn như sau:

               Em gái Trường Sơn

“Gặp em giữa rừng lộng gió

  Quân đi ào ào lá đỏ.


             Em đứng bên đường - như quê hương

                                   Vai áo bạc quàng súng trường.

                         Đồi núi ngút ngàn nắng lóa

                                          Quân đi bụi mờ trời lửa.

                                                  - Chào em – Chiến sĩ Trường Sơn

  Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn.

                                                  Em đứng vẫy cười, đôi mắt trong.

                                                (Theo “Thơ Việt Nam 1945 – 1985”, Nguyễn Đức Nam

                                                             chủ biên, NXB Giáo Dục, 1987)

Sau này, lần cuối cùng, bài thơ được chọn đưa “Tuyển tập Nguyễn Đình Thi” do Nhà xuất bản Văn học in năm 1994, tác giả đã sửa chữa một số câu chữ và cấu trúc lại bài thơ. Đối chiếu bài thơ ở bản in ban đầu và bản in cuối cùng, như trong sách giáo khoa đã dẫn trên, chúng tôi thấy cảm hứng, hình ảnh, cấu tứ cơ bản của bài thơ không có gì khác nhau. Phải chăng, sau một thời gian không ngừng tìm tòi cách tân, nhà thơ đã gọt tỉa bớt câu chữ và tái tạo lại cấu trúc của bài thơ. Nếu đúng như vậy thì đây quả là một hành trình sáng tạo đầy vất vả, không ngừng không nghỉ của “phu chữ”. Thật đáng trân trọng!

Sở dĩ, chúng ta phải nói kỹ về bối cảnh ra đời của tác phẩm để mọi người hiểu rõ hơn về nguồn cảm hứng và những tìm tòi sáng tạo của nhà thơ khi phân tích để có thể tiếp cận tinh thần bài thơ một cách phù hợp và nhằm tránh những suy diễn, áp đặt dẫn đến những cách hiểu khiên cưỡng, xa rời với việc cảm thụ nghệ thuật (thơ ca).

Nhìn tổng thể, toàn bộ bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ độc đáo, câu chữ cô đọng (ít câu, ít chữ) – kiệm lời mô tả nhưng hàm súc bởi từ ngữ được chắt lọc nhằm khơi gợi trong lòng người đọc trí tưởng tượng phong phú và thức dậy những tình cảm mãnh liệt. Với tám câu chia làm bốn khổ, mỗi khổ có hai câu, hình thức cấu trúc này bé nhỏ, xinh xắn như chiếc lá; duyên dáng như người “em gái tiền phương” nhưng cảm xúc bên trong thì chất chứa, tràn trề tưởng như vô tận. Đồng thời với cấu trúc độc đáo ấy là nhịp thơ khá linh hoạt. Dường nhu nhà thơ dụng ý ngắt nhịp không tuân theo một quy tắc nhất định: có dòng ngắt nhịp 2/2/2 (Gặp em/ trên cao/ lộng gió - Rừng lạ/ ào ào/ lá đỏ; Đoàn quân vẫn đi vội vã), có dòng ngắt nhịp 4/3 – 3/4 (Em đứng bên đường/ như quê hương - Vai áo bạc/ quàng súng trường), có dòng lại ngắt nhịp 3/3 (Bụi Trường Sơn/ nhòa trời lửa; Hẹn gặp nhé/ giữa Sài Gòn); có dòng lại ngắt nhịp 2/4 (Chào em/ em gái tiền phương) để có thể diễn tả được cảm xúc cũng như thể hiện được đối tượng cần miêu tả một cách sâu sắc nhất. Rõ ràng nhịp điệu không câu nệ mà câu thơ vẫn mượt mà, êm du tựa như tiếng suối chảy. Lắng nghe kỹ ta sẽ thấy nhịp điệu của bài thơ không tập trung ở vần điệu, như thể được tạo nên và có sự hài hòa giữa hình ảnh và cảm xúc, giữa lời và ý. Cách ngắt nhịp đa dạng ấy cùng những yếu tố tự sự đã làm cho câu thơ mang đậm chất văn xuôi. Đây là một dụng ý, Nguyễn Đình Thi mà đã sáng tạo, vận dụng thành công trong việc cách tân thơ. Ở chỗ này dường như nhà thơ đã phá vỡ sự nhịp nhàng dễ dãi của vần chữ mà kết hợp hài hòa yếu tố nhạc trong thơ, cho nên câu thơ rất giàu nhạc điệu. Cụ thể, đi vào từng bộ phận của cấu trúc ấy ta sẽ thấy được sự sinh động của chỉnh thể cấu trúc độc đáo này.

Khổ thơ thứ nhất, “nơi anh gặp em” - một điểm hẹn mang tính lịch sử. Tại sao lại bảo đây là một điểm hẹn mang tính lịnh sử? Câu hỏi tưởng như khó nhưng thực ra rất dễ nhận ra. Thử hỏi, nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công tác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy và tổng tấn công vào mùa xuân năm 1975 thì có cuộc gặp gỡ và điểm hẹn này không? Thế đấy, vận nước và ý thức trách nhiệm cao cả của công dân với Tổ quốc mà cao nguyên Trường Sơn đã trở thành nơi không hẹn mà gặp của “những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” (“Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”, Nam Hà): “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Khổ thơ rất kiệm lời. Chỉ có mười hai chữ (tiếng) gồm có ba hình ảnh, sự việc (cuộc gặp gỡ của anh chiến sĩ - người kể chuyện, người lính đang hành quân vào chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975 với “em” - cô thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn; thời gian và không gian diễn ra sự việc - mùa thu, mùa lá đỏ, cao nguyên Trường Sơn; cảnh vật nơi diễn ra cuộc gặp - gió lộng thổi ào ào khiến rừng lá đỏ trút xuống rực trời) vừa kể vừa tả rất chân thực, không một chút tô vẽ cho hoa mỹ, được nhà thơ chọn lọc đưa vào nhưng đã gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc một ấn tượng mạnh về bức tranh đại ngàn Trường Sơn. Đó là một không gian cao rộng, kỳ vĩ, nguyên sơ, khoáng đạt và đẹp đến ngỡ ngàng bởi rừng lá đỏ (cõ lẽ là rừng săng lẻ) đang ào ào thay lá. Về dụng công ngôn ngữ trong khổ thơ này đáng chú ý có hai từ “lạ” và “ào ào”. Từ “lạ” diễn tả được ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật người kể chuyện. Đến Tây Nguyên vào mùa cây rừng thay lá, lần đầu tiên người chiến sĩ được chứng kiến cảnh đại ngàn cây lá với màu đỏ rực đang thi nhau rời cành cùng từng cơn gió lộng không khác gì cơn cuồng phong sắc màu. Cảnh đó đúng là sẽ làm cho người chưa thấy bao giờ không khỏi tránh được sự sung sướng, ngạc nhiên bởi sự kỳ thú của tạo hóa. “Lạ” về sự kỳ thú, kỳ vĩ của thế giới tự nhiên nhưng cũng còn là “lạ” vì sự xuất hiện của các cô gái. Những cô gái yếu liễu đào tơ vốn quen với không gian ở mỗi gia đình, với những công việc nhẹ nhàng như nội trợ, trông con nhưng ở đây lại xuất hiện trên tuyến đường Trường Sơn bão lửa, giữa nơi trận mặc cùng với tiếng bom rơi đạn nổ ác liệt, đầy hiểm nguy. Cho nên với từ “lạ” người đọc sẽ thấy được cái cảm giác, cái tâm trạng ngỡ ngàng rất thực đúng như lời kể của nhà thơ với những gì được nhìn thấy khi đặt chân lên mảnh đất Trường Sơn hùng vĩ chứ không phải là những mỹ từ sáo rỗng. Từ “ào ào” là từ láy tượng thanh. Nó gợi lên những tiếng động mạnh, không dứt. Đó là âm thanh của gió thổi lá bay. Nhưng “Ào ào” sắp xếp đứng trước “gió lộng” nhà thơ như thể muốn nhấn mạnh tới sức mạnh của cơn gió cao nguyên. Đó là cơn mưa lá, một cơn mưa sắc màu. Cảnh như thế chẳng thú vị đến sững sờ hay sao. Bảo sao chẳng “lạ”, chẳng ngạc nhiên mà ồ lên sung sướng bởi một bữa tiệc thì giác trong đời không phải ai cũng có duyên trông thấy. Cùng với các hình ảnh thơ đầy khơi gợi thì nhịp thơ trong khổ thơ cũng góp phần thể hiện được phần nào không khí, tâm trạng của con người và cảnh vật bên rừng cây trút lá. Khổ thơ được ngắt nhịp 2/2/2. Nhịp điệu chậm, đều như thể gợi lên một trạng thái đang suy tư, cảm giác đang sững sờ của người chiến sĩ khi phát hiện ra những điều mới lạ ở vùng đất mà mình vừa mới được đặt chân đến; đồng thời cũng gợi ra cái thanh âm của gió thổi rừng cây trong mùa thay lá; của bạt ngàn tiếng lá rơi bay vang lên xào xạc; mạnh mẽ mà không ồn ào; rực rỡ mà không chói chang.  

Khổ thơ thứ hai, hình ảnh em gái Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Như đã biết, Nguyễn Đình Thi là một người nghệ sĩ đích thực. Tâm hồn nhà thơ rất nhạy cảm. Ông không ngừng tìm tòi để phát hiện ra những vẻ đẹp của con người và đất nước, nhất là những vẻ đẹp ẩn mình trong đau khổ, vất vả, gian lao nhưng kiên cường, quật khởi để nhiệt tình ca ngợi; chẳng hạn như: “Từ những năm đau thương chiến đấu/ đã ngời lên nét mặt quê hương”, “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật Nguyễn Đình Thi có mặt ở không ít các chiến trường từ chống Pháp đến chống Mỹ để đi tìm những vẻ đẹp đó và cổ vũ một cách say mê. Việc phát hiện ra vẻ đẹp của người em gái Trường Sơn trong bài thơ này không nằm ngoại lệ. Như trên đó nói, sự xuất hiện của những cô gái thanh niên xung phong trên chiến trường, đặc biệt là ở những nơi nguy hiểm đã làm nhà thơ không khỏi sững sờ, ngạc nhiên. Từ sự bất ngờ đó nhà thơ đã khám phá và thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến vệ quốc. Đó là vẻ đẹp của lòng dũng cảm; không sợ gian khổ, hy sinh để cứu nước. Các cô gái thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ đã nối tiếp được truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Đọc khổ thư thứ hai, chúng ta dễ dàng nhận ra, cùng với “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” của Lê Anh Xuân, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã phát hiện và cho mọi người thấy được một dáng đứng khác của Việt Nam: “Em đứng bên đường như quê hương” để làm phong phú thêm những dáng đứng bất diệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Em đứng bên đường” để phá bom, lấp hố bom, làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua những chỗ nguy hiểm, đi tải đạn tải lương … Đặc biệt trong câu thơ nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh rất độc đáo để tạo thành một biểu tượng của quê hương, đất nước. Đó là cô gái đứng bên đường (em gái tiền phương) được so sánh “như quê hương”. Cách so sánh ấy vừa làm cho các cô gái hiện lên gần gũi, thân thương với bóng dáng quê hương ngàn đời thân quen vừa thể hiện được sự ngợi ca, yêu quý, đề cao những nữ thanh niên xung phong của nhà thơ. Đồng thời cách ví von ấy cũng đã phản ánh được tính chất nhân dân của cuộc kháng chiến. Đây là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của toàn dân Việt Nam. Cho nên hình ảnh ấy cũng chính là biểu tượng của cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc; cho khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Tạo nên biểu tượng này ta thấy sự sáng tạo nghệ thuật và cảm xúc của Nguyễn Đình Thi đồng điệu với nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong bài thơ “Trở về quê nội” Lê Anh Xuân cũng từng viết: “Em là du kích, em là giao liên/ Em chính là quê hương ta đó/ Mười một năm rồi ta nhớ ta thương”.

Trong khổ thơ thứ hai ta thấy hình ảnh thơ cũng rất giản dị. Đó là những hiện thực của chiến trường được đưa vào thơ: cô gái đứng bên đường, vai áo bạc, quàng súng trường. Tuy giản dị và chân thực nhưng khơi gợi không kém phần mãnh liệt. Người đọc cảm phục yêu mến tự hào về các cô gái đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn bao nhiên thì lại thương cảm cho những nỗi vất vả nguy hiểm mà các cô phải trải qua bấy nhiêu. Vai áo bạc gợi cho ta những tháng ngày dầm mưa dãi nắng trên núi rừng Trường Sơn; khẩu súng trường quàng vai cho thấy được sự khốc liệt, hiểm nguy của công việc trên đại ngàn Trường Sơn. Các cô thanh niêm xung phong không chỉ có san lấp đường, phá bom, tải lương thực vũ khí mà còn sẵn sàng chiến đấu trực tiếp với kẻ thù. Hình ảnh cô gái quàng súng trường vô cùng đẹp. Hình ảnh ấy lại làm ta nhớ đến câu thơ ông đã từng viết: “Em/ Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em” (Chia tay trong đêm Hà Nội). Đó là một vẻ đẹp kiêu hãnh, sáng ngời, cao cả.

Ở khổ thơ thứ hai mọi thứ từ chất liệu đến ngôn ngữ, hình ảnh đều rất bình dị nhưng sự khơi gợi lại vô cùng. Nhưng để nói bằng hình ảnh dường như vẫn chưa đủ nên Nguyễn Đình Thi còn tạo hiệu ứng bổ sung bằng việt tạo ra sự khác biệt chút xíu về ngắt nhịp và kéo dài thêm một tiếng ở mỗi câu. Nếu câu thơ thứ ba ngắt nhịp 4/3 thì câu thơ thứ tư đảo ngược lại, ngắt nhịp 3/4. Còn về lượng chữ (tiếng) thì mỗi câu thơ tăng thêm một chữ (tiếng). Cách ngắt nhịp, tăng thêm chữ (tiếng) vào mỗi câu thơ như vậy có tác dụng làm nổi bật được tâm trạng xúc động của nhà thơ khi gặp lại quê hương qua hình ảnh cô gái đứng bên đường giữa rừng Trường Sơn lộng gió.

Khổ thơ thứ ba, đoàn quân ra trận: “Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Vẫn là tả thực, nhà thơ tả cảnh những binh đoàn nối nhau ra trận. Những bước chân vội vã, hối hả, dầm dập tiến về Sài Gòn làm cho bụi đường đất đỏ ba zan bay lên mù mịt “nhòa trời lửa” (làm mờ bầu trời rực lửa). Hình ảnh “nhòa trời lửa” rất hay. Nó vừa gợi lên khí thế xung thiên của đoàn quân ra trận vừa nói được sự khốc liệt của cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn. Sự khốc liệt ấy từng được một người trong cuộc, nữ nhà văn thanh niên xung phong Lê Minh Khuê có kể lại rằng: “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc” (Những ngôi sao xa xôi); còn nhà thơ Phạm Tiến Duật lại nói một cách rất hình ảnh: “Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen/
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng” (Vòng trắng).

Quan sát hai câu thơ ở khổ ba ta sẽ thấy nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi hiện lên rất độc đáo. Ông trở lại với những câu thơ sáu chữ (tiếng) nhưng ngắt nhịp 2/2/2 và 3/3, đặc biệt là dùng từ láy tượng hình “vội vã” và lựa chọn các hình ảnh “đoàn quân”, “bụi Trường Sơn”, “nhòa trời lửa” để diễn tả khí thế “thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” (Võ Nguyên Giáp) của những đoàn quân Nam tiến và sự tàn khốc của chiến tranh trên dải Trường Sơn. Nhịp thơ 2/2/2 và 3/3 khiến giai điệu thơ trở nên vút cao, gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc những bước chân quân hành nhịp nhàng, dồn dập như thể làm rung chuyển núi rừng. “Đoàn quân vẫn đi vội vã”, phó từ “vẫn” ở đây cũng được dùng rất đắc địa. Bom đạn chiến trường khốc liệt nhưng không làm chùn bước đoàn quân: “vẫn đi”. “Đoàn quân vẫn đi” và “em” vẫn đứng đó, tiếp tục làm nhiệm nơi tuyến đường ác liệt nhất để giúp bộ đội tiến nhanh về Sài Gòn (hình ảnh cô gái thanh niên xung phong không được nhà thơ nói ra trực tiếp nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra). Từ “vẫn” xem ra đầy ngạo nghễ, như một sự thách thức với kẻ thù. Những câu thơ “vừa hữu hình vừa vô hình” ấy của Nguyễn Đình Thi đã tái hiện thành công cái không khí của thời đại. Đó là hình ảnh của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu); thời kỳ của  “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/ Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu/ Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp/ Chào nhau không kịp nhớ mặt” (Chính Hữu). Và con đường ra trận ngày ấy rất vinh quang, đầy tự hào: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật)... Bởi thế, nhìn tổng thể, câu thơ của Nguyễn Đình Thi cũng đã góp phần hòa vào nhịp đập chung đó của đất nước, làm cho “Đất nước hiện lên trong dáng vóc một cuộc trường chinh lịch sử” (Chu Văn Sơn). Đó là “cuộc trường chinh không mệt mỏi, không ngừng nghỉ” của dân tộc ở thế kỷ XX, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đọc thơ Nguyễn Đình Thi ta sẽ thấy đây không phải là hình ảnh duy nhất mà ông miêu tả những đoàn quân ra trận. Thơ ông miêu tả rất nhiều. Đó là hình ảnh của những cuộc trường chinh đầy gian khổ: “Người vẫn sang sông vô tận trong đêm/ Rầm rập đi trong rừng tối”; “Chim bay rợp trời mây rộng rãi/ Quân đi rung chuyển những sông rừng”; “Đoàn dân công bước động rừng khuya”; “Nắm súng chào anh lần cuối/ Chúng tôi lạ đi mê mải” … Phải nói rằng, hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi như một cú bấm máy cao tay của một bậc thầy nhiếp ảnh, đã chớp lại và lưu giữ được cái khoảnh khắc thần thái nhất trên tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Một câu thơ giản dị mà thể hiện được những sức mạnh tiềm ẩn không ngờ về sự phi thường của cô gái Việt Nam, con người Việt Nam. Câu thơ ấy mang đậm màu sắc sử thi. Đọc và ngẫm câu thơ người ta không khỏi có xót xa ít nhiều nhưng cảm động và tự hào thì vô cùng.

Khổ thơ cuối, hẹn gặp nhé!: “Chào em em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn …”. Khổ thơ cuối là lời chào tạm biệt của người chiến sĩ với người “em gái tiền phương” nhưng cũng dự cảm một tương lai tốt đẹp đang đến. Trong đời có biết bao lần hội ngộ và chia li nhưng có lẽ đây là một cuộc hội ngộ và chia li đặc biệt. Giữa nơi trận chiến Trường Sơn đầy cam go, người chiến sĩ và cô gái thanh niên xung phong gặp nhau trong chớp nhoáng với bao nỗi niềm cảm thương yêu mến rồi lại nhanh chóng chia tay. Người chiến sĩ chia tay trong mắt đầy lưu luyến cùng với một lời hứa chắc nịch, chan chứa niềm tin: “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Đình Thi thật tuyệt vời, rất bình thường nhưng nói được bao điều. Nó là lời chia tay nhưng sau cái chia tay ấy người ta hình dung được không khí ra trận đang hừng hực, khẩn trương của các binh đoàn. Nó khẩn trương đến mức mọi người nhìn thấy nhau, mỉm cười, rồi lại chia ly. Có lẽ khi ấy người ta chỉ trao lời bằng ánh mắt là chính. Đọc hai câu thơ cuối này ta thấy cách ngắt nhịp 2/4 rồi 3/3 đã tạo cho câu thơ có âm điệu như hơi chùng xuống để diễn tả tâm trạng lưu luyến khi chia tay rồi lại bừng lên hào sảng để thể hiện cái quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” và một niềm tin chiến thắng. Đoạn thơ cuối khép lại bài thơ nhưng lại mở ra một niềm tin tươi sáng vào tương lai đất nước: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà. Đây là tinh thần lạc quan, thể hiện một niềm tin sắt đá. Nó giúp người ra trận vững tay súng quét sạch giặc thù. Như một nhà tiên tri, sau bốn tháng bài thơ ra đời, lời hẹn của của anh chiến sĩ với người em gái tiền phương đã trở thành hiện thực.  

Hình ảnh cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn sẽ không lạ với các nhà thơ và nhiều người khác. Nhưng khắc họa, thể hiện được một cách rõ ràng các cô gái ấy với một tư thế và khí thế tuyệt đẹp có lẽ chỉ có Nguyễn Đình Thi. Với thành công này Nguyễn Đình Thi đã làm được bức tượng đài nữ thanh niên xung phong trong thơ. Chắc chắn hình ảnh “em gái tiền phương” sẽ còn sống mãi trong lòng những người yêu thơ, yêu nhạc và mãi sau này vẫn sẽ còn được nhắc đến. “Lá đỏ” quả là một bài thơ thật hàm súc. Chỉ với tám câu thơ ngắn, gọn; tác giả chỉ miêu tả xoay quanh ba hình ảnh: rừng lá đỏ, em gái tiền phương, đoàn quân ra trận trên tuyến đường Trường Sơn nhưng đã gợi mở được trong lòng người đọc biết bao điều về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và khái quát lên được vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong những năm đánh Mỹ gian khổ nhưng vô cùng hào hùng. “Lá đỏ” cùng với bài hát cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ là những bài ca đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian. Nhớ lại, nhà văn I-li-a Ê-ren-bua từng nói:“Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô Viết nhận ra vẻ đẹp thanh tú của chốn quê hương. Trong bài thơ này, phải chăng qua cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Nguyễn Đình Thi cũng đã phát hiện và truyền cảm hứng về vẻ đẹp đó đến người đọc để mỗi người dân càng thêm yêu mến quê hương đất nước mình.

           

Đào Hiền (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên huyện Hoài Đức, TP Hà Nội)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/la-do-mot-hon-tho-da-cam-tai-hoa-a21526.html