Trường PTTH Đồng Lộc (Hà Tĩnh): Thắp sáng truyền thống hiếu học ở quê hương anh hùng

Ngày 27/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1285/Đ-CTN tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Trung học phổ thông Đồng Lộc vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo. Đó là ghi nhận hành trình phấn đấu 50 năm vì sự nghiệp trồng người của mái trường phổ thông trên đất Đồng Lộc anh hùng.

1-1698828198.jpg

Hiệu trưởng, ThS. Nguyễn Huy Tuấn phát biểu tại cuộc gặp mặt các cựu học sinh Nhà trường hiện sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Nửa thế kỷtrồng người

Cách đây vừa tròn 50 năm (1973 – 2023), trên miền đất thiêng có Ngã ba huyền thoại, nơi vốn là “tọa độ lửa” – nơi an nghỉ của nhiều liệt sỹ TNXP và nhân dân trên mặt trận bảo đảm GTVT, tiêu biểu là 10 nữ TNXP anh hùng, Trường Phổ thông cấp III (nay là Trường Trung học phổ thông) Đồng Lộc được thành lập.

Đó là thời điểm Hiệp định Pari về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, miền Bắc hết “bom rơi, đạn nổ”; cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối cùng.

Hà Tĩnh nói chung, Can Lộc nói riêng vừa trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế của nhân dân khó khăn, thiếu thốn.

Sự ra đời của Trường Phổ thông cấp 3 Đồng Lộc trên trọng điểm đánh phá quyết liệt, dai dẳng của không quân Mỹ là sự kiện thể hiện tầm nhìn về sự nghiệp giáo dục của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng như Bộ Giáo dục lúc ấy.

Theo Hồi ký của cố Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Quang Đạt, đầu năm 1973, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên vào kiểm tra Hà Tĩnh. Khi làm việc với Bộ trưởng, thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND, ông Trần Quang Đạt đề nghị Bộ trưởng cho đặc cách mở Trường Phổ thông cấp 3 Đồng Lộc; tạo điều kiện cho con em miền núi Can Lộc, các xã dọc tuyến quốc lộ 15 vốn chịu nhiều hy sinh mất mát có điều kiện học. Nghe báo cáo xong, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đồng ý ngay, dù lúc bấy giờ có chủ trương không mở thêm trường.

Sau mấy tháng chuẩn bị, với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Giáo dục, Huyện ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc, Vĩnh Lộc, Mỹ Lộc vượt lên bao khó khăn, những ngôi nhà tranh tre nứa lá được dựng lên trên đồi Khiêm Ích để làm lớp học, nhà điều hành. Đây là “Địa chỉ Đỏ” trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931; cũng là một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ qua hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai (1965 – 1972).

          Ngày 05/9/1973, tiếng trống khai giảng năm học đầu tiên của Trường Phổ thông cấp 3 đầu tiên trên vùng bán sơn địa Trà Sơn vang lên trong niềm vui vỡ òa của phụ huynh, học sinh và nhân dân các xã trên địa bàn. “Học trò Trà Sơn hội tụ về đây / Nghèn, Xuân, Quang, Thượng, Sơn, Nhân, Trung, Vĩnh, Mỹ.../ những buổi đầu tranh, tre, nứa, lá / phấn trắng tóc thầy bài giảng mê say”, (Ươm nắng nở hoa, thơ Ngô Đức Hành).

Năm học đầu tiên (1973 – 1974) Trường có 9 lớp (4 lớp 8, 3 lớp 9 và 2 lớp 10). Học sinh dần dần tăng lên, đến niên khóa thứ 2 (1974 – 1977) mỗi khối 8, 9, 10 đều có 4 lớp.

 

nam-truc2-1698842578.jpg
Trường THPT Đồng Lộc đã được công nhận là “Trường chuẩn quốc gia”.

Thi đua dạy tốt học tốt

Tháng 10/1973, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã về thăm Trường. Bộ trưởng ân cần thăm hỏi động viên cán bộ, giáo viên Nhà trường, nhắc lại nhiều lần lời căn dặn của Bác Hồ với ngành Giáo dục: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt”.

Nhà giáo Thân Văn Tình, nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường 1989 - 2001 nhớ lại: “Trong khó khăn, gian khổ thiếu thốn vật chất tình đồng chí, đồng nghiệp càng được nâng cao tạo nên sức sống cho việc xây dựng các tập thể điển hình, các cá nhân tiên tiến, xuất sắc. Tấm gương vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các đồng chí Nguyễn Đăng Ái, Bùi Ngạn, Lê Văn Ngọ, Trần Đình Tài, Mai Thị Hạnh, Trần Thị Việt... đã có tác dụng to lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, gắn việc học tập văn hóa với rèn luyện đạo đức tác phong con người mới XHCN cho học sinh”.

Sau 13 năm phát triển đến năm 1986, Trường Phổ thông cấp III Đồng Lộc đã trở thành một trường có quy mô lớn trong tỉnh Hà Tĩnh. Nhà trường có 36 lớp, gần 2.000 học sinh, hơn 100 giáo viên, cán bộ công nhân viên, cơ sở trường lớp, thư viện, trang thiết bị thí nghiệm... từng bước được củng cố đáp ứng yêu cầu.

Từ năm 1985 - 1986, Trường cấp III Đồng Lộc chia thành hai phân hiệu, cách nhau gần 10 km. Phân hiệu một đóng ở Trường cấp III Đồng Lộc do Phó Hiệu trưởng Thái Văn Tình phụ trách; Phân hiệu 2 đóng tại Thị trấn Nghèn do Phó Hiệu trưởng Trần Huy Tiếp phụ trách. Hiệu trưởng chung cho cả 2 phân hiệu là thầy Thái Kim Qúy. Phân hiệu Nghèn chính là tiền thân của Trường Phổ thông cấp III Nghèn hiện nay.

Tuy nhiên, đó vẫn là những ngày gian nan đối với cả thầy cô và học sinh. Nhiều thầy cô buổi sáng dạy ở Đồng Lộc buổi chiều dạy ở trường Nghèn. Thư viện, Phòng thí nghiệm dù còn nhiều thiếu thốn, vẫn phải chia cho hai cơ sở. Học sinh học buổi sáng, buổi chiều lao động xây dựng trường...

truong-nam-truc-1698843040.jpg

Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả, động viên giáo viên, cán bộ công nhân viên tập trung mọi cố gắng, đoàn kết, tương trợ nhau “Tất cả vì học sinh thân yêu”, xây dựng các hoạt động sư phạm ở cả hai phân hiệu ngày càng đi vào nề nếp. Đầu năm học 1987 - 1988, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh ra quyết định thành lập Trường Phổ thông cấp III Nghèn.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền các xã bán Trà Sơn, phương án Trường Phổ thông cấp III Đồng Lộc được giữ lại, theo mô hình Trường Phổ thông cấp II, III Đồng Lộc. Sau 10 năm tồn tại mô hình, năm học 2000 - 2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định tách thành hai trường: Trường THCS Đồng Lộc và Trường THPT Đồng Lộc. Với những cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ giáo viên và học sinh, năm học 2011 – 2012 Nhà trường được công nhận “Trường chuẩn quốc gia”.

Để xây dựng môi trường sư phạm tốt, dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt, Đảng ủy Ban Giám hiệu nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”, lắng nghe, chia sẽ mọi tâm tư tình cảm của học sinh, phụ huynh, chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi, chú trọng giúp đỡ những học sinh học lực còn non, các em có hoàn cảnh khó khăn, con em thương binh, liệt sĩ, người có công.

Trong những năm qua, đã có hơn 500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được dự các lớp tập huấn của Bộ, Sở tổ chức, khả năng ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy chương trình cải cách luôn được cập nhật. Các phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đi vào chiều sâu, vững chắc. Phong trào thi đua giáo án tốt, thực nghiệm giảng dạy tốt trong giáo viên ngày càng vào nề nếp. Những cố gắng bền bỉ của thầy và trò đã được đáp đền xứng đáng.

Đảng bộ Nhà trường, từ năm 2011 đến nay liên tục đạt “Trong sạch, vững mạnh”, “Vững mạnh xuất sắc”, tập thể sư phạm nhà trường liên tục đạt “Tập thể lao động xuất sắc”. Hàng năm sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học đã được hoàn thành, ứng dụng thực tiễn có kết quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp luôn ở tốt dẫn đầu toàn tỉnh. Số học sinh giỏi của Trường tăng hằng năm qua các kỳ thi.

nam-truc3-1698842578.jpg
 
Học sinh viếng mộ 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc

Càng ngày Nhà trường càng tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng môi trường sư phạm, môi trường văn hóa học đường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh giỏi luôn nằm trong tốt đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Đội ngũ giáo viên ngày càng có nhiều bước trưởng thành mới, toàn diện.

Hằng năm, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trên 99%, số học sinh có tổng số điểm xét tuyển tổ hợp 3 môn vào Đại học ngày càng cao; đặc biệt năm học 2021  -2022 số học sinh có tổng 3 môn xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên nằm trong TOP 5 toàn tỉnh; số lượng học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh luôn xếp trong TOP 10 toàn tỉnh, năm học 2021 - 2022 xếp thứ 2, đặc biệt có 5 học sinh đạt Học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2018 - 2019 Nhà trường được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”, điển hình tiên trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020.

50 năm qua từ mái trường thân yêu đã có hàng chục ngàn học sinh tung cánh bay đến muôn phương, lập thân, lập nghiệp, nhiều em đã trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao trong Quân đội, Công an nhân dân, trở thành niềm tự hào của quê hương và làm rạng danh truyền thống Nhà trường.

Trước ngày kỷ niệm 50 năm, nhiều cựu học sinh khóa đầu tiên gặp nhau, bàn kế hoạch về “Hội trường”, không quên nhắc đến những thầy, cô đã về “miền mây trắng” bằng tình cảm ngưỡng mộ, tri ân; nhớ những bạn dù mới học lớp 9, lớp 10 nhưng đã xung phong vào chiến trường và đã hy sinh anh dũng.

Tiếng thầy cô ấm áp mỗi ngày / học trò mở thêm trang sách mới /những cánh chim xa, về đây nguồn cội / mảnh đất này ươm nắng nở hoa”, (Ươm nắng nở hoa, thơ Ngô Đức Hành). Quê hương, mái trường đã có nhiều thay đổi, nhưng quá khứ luôn là nguồn năng lượng của dòng chảy đến tương lai./.

 

 

Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/truong-ptth-dong-loc-ha-tinh-thap-sang-truyen-thong-hieu-hoc-o-que-huong-anh-hung-a21539.html