Cứ đi học về là thả cửa chơi đùa, nếu như đủ sức. Việc học nhẹ nhàng, không học thêm, không nặng nề lên lớp hay ở lại. Đúp lại, cũng chẳng sao vì thầy cô thời đó không bị áp lực chất lượng, không bị giao chỉ tiêu đến chóng mặt như bây giờ. Lúc học lớp 2, có thằng bạn ngồi cạnh, hơn tôi những 3 tuổi; cứ nhìn tôi viết để chép lại. Nhưng rồi, năm sau khi tôi lên lớp 3 nó vẫn lớp 2. Đúp đến chai mông, mòn đũng quần lớp 2 tới 3 năm nó bỏ học. Thầy u nó bảo: ngu thì ở nhà chăn trâu. Mà cũng đúng thôi, học đến lớp 2 mặt chữ cũng chưa thuộc. Ai đời chữ C thì nói: chữ O mổ bụng quay ra sân, chữ D thì bảo chữ O bị dính móc câu.... Nghe nó cắt nghĩa ngô nghê, đến cô giáo cũng ôm bụng cười. Bọn nhóc chúng tôi thì lăn lộn xô đẩy đổ cả ghế, chỉ đến khi có đứa bị ghế đè vào chân mới hết cười. Học thì dốt như bò, ấy thế mà trò chơi nào nó cũng thạo. Đánh đáo – trò chơi chỉ được diễn ra khi Tết đến, lúc ấy bọn nhóc đều được mừng tuổi, mỗi đứa cũng có đến mấy hào (theo cách gọi bây giờ là: lì xì). Cứ vào cuộc là thằng cu ấy liên tiếp chọi trúng đồng xu của chúng tôi, khiến cho thằng nào cũng méo mặt; tất nhiên kết quả là những đồng hào mừng tuổi hầu hết chui vào túi nó. Đã thua, nhiều thằng muốn gỡ; nhưng nó tưng tửng lấy cớ về chăn trâu mà chuồn để cho cả lũ nhìn theo tức tối. Đánh nhau ư? Còn khuya! Nó to hơn, chấp hết!
Đến chọi cỏ gà, nó cũng quái. Nó chọn “gà” là những cọng cỏ có nốt sần do những bẹ lá tạo thành thật dày mà không cần to, ngắt lấy giấu kỹ từ hôm trước. Đến hôm sau, cọng cỏ đó hơi héo, nhưng rất dai để chọi với “ gà” của chúng tôi. Và kết quả, nó lại chiến thắng. Cứ chơi mà thua mãi, cũng chán. Lại tìm trò mới: đánh khăng. Thằng cu Khoái (tên nó), cứ chọn những đoạn khăng ngắn, thật già; quật bay thật xa; khó đỡ. Đỡ không khéo, có khi bươu đầu, sứt trán. Nhiều đứa chúng tôi ăn quả đắng vì thằng Khoái này cứ cố tình vụt khăng cho bay vào đầu, vào tay; mấy ngày sau vẫn còn ê ẩm. Bực tức nhiều, tích tụ lại; chúng tôi bàn nhau: rủ nó chơi, nếu thua thì tập trung lại, bụp cho nó một mẻ. Nhưng cũng có thằng bàn lùi: nó to thế, đấm mình một phát cũng tím mặt, sưng môi; chả dại! Tôi là thằng có thân hình nhỏ bé nhất bọn, bị nó bắt nạt nhiều nên gắt: thằng nào hèn, thì tránh ra xa! Để tao ôm chân nó, thằng nào dám thì nhảy vào mà quại cho nó một mẻ. Và, chúng tôi được một lần thắng thế. Nhưng rồi cả lũ chẳng đấu lại thằng Khoái vì nó quái hơn nhiều. Nó chọn lúc bọn tôi đi riêng lẻ, là tẩn cho thật đau. Nhưng, gặp cả bọn thì chuồn. Nếu không may bị quây là nó gào lên, lập tức thằng anh trai nó - lớn hơn hàng gần chục tuổi; lừng lững xuất hiện... Dù có dàn xếp: là người lớn, không được dính vào chuyện trẻ con; nhưng mỗi lần thằng anh trai nó thò mặt ra thì cả đám nhóc co cẳng, không dám ngoái lại...
Sợ thì sợ thật. Thằng Khẩn anh thằng Khoái to như voi, nó mà đấm cho cái có khi ốm cả tháng. Nhưng, chả lẽ cứ bị anh em nó đè đầu cưỡi cổ, rồi thích đánh đứa nào là đánh? Bọn nhóc tì chúng tôi cũng quái quỷ, quyết tâm trả thù. Biết Khẩn thường ngủ trên cổng làng, bọn quỷ sứ rón rén tiếp cận. Thấy hắn ngủ say, lấy dây đay dài tầm 3 mét, một đầu buộc vào cuống chổi cùn, đầu kia buộc thắt ngõng trước rồi luồn vào ngã ba đông dương của hắn, thắt chặt cái cần câu lại. Xong xuôi, đặt cái chổi sát mặt hắn rồi chuồn thật xa và nghe ngóng. Chỉ mấy phút sau đã nghe thấy tiếng kêu la oai oái. Vì, khi hắn xoay người thì cái chổi cọ vào mặt, thức dậy tức tối ném đi, dây đay thít vào cần câu đau như hoạn. Bọn nhóc tì thấy thế, hi ha cười sung sướng, rón rén chuồn về nhà ngủ. Sau cú đó, Khẩn tức lắm. Hắn thề khi tìm ra thằng nào, dù là con nhà ai cũng đánh vỡ mặt! Bố thằng Lộc biết chuyện mới đe: Nếu đánh con ông và bạn nó, ông đánh cả bố! Khẩn nghe được, chả dám ho he; dọa ai, chứ dọa bố thằng Lộc thì chỉ có mà toi. Ông ấy là thương binh chống Pháp đấy! Từ đó, bọn oắt con chúng tôi không bị anh em nhà Khẩn đe dọa nữa, nhưng tất cả đều bị bố mẹ tặng cho mỗi đứa mấy cái roi vào mông...
Trò trẻ trâu qua đi đến 50 năm, giờ sắp đến tuổi “bất nhập đình trung” và cũng đã là ông nội rồi; ngồi nhớ lại chuyện cũ cứ tủm tỉm một mình: Sao thời gian trôi nhanh đến thế!
Vĩnh Nguyên Nguyễn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-thoi-tre-trau-a21595.html