Ca dao Việt Nam xưa có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu ca dao ca ngợi hương sắc hoa nhài, một loài hoa với hương thơm nhẹ nhàng mà ngan ngát, cũng như người Hà Nội có nếp thanh lịch độc đáo mà những nơi khác không dễ gì sánh được. Chẳng phải ngẫu nhiên câu ca dao ấy được truyền tải đến ngày nay, mà bởi nó đã được kiểm nghiệm qua cái nhìn và sự đánh giá khắt khe của biết bao thế hệ người dân đất Việt.
Hoa nhài còn được gọi với nhiều tên khác như: hoa lài, hoa mạt lỵ, hoa mạt lợi và chia thành nhài đơn, nhài kép. Nó còn có tên tiếng Anh là Arabian Jasmine và tên khoa học là Jasminum sambac Ait, có mặt ở hầu khắp các nơi trên thế giới. Chính vì vậy bản thân hoa nhài cũng có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau tuỳ theo phong tục, tập quán của các quốc gia. Ở Vương quốc Thái Lan, hoa nhài được coi là biểu tượng của người mẹ, thể hiện tình yêu thương và chở che cho con. Tại nước Mỹ, người ta trân trọng hoa nhài như một biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn. Cây hoa nhài là cây thuộc loại thân thảo, sống lâu năm và mọc thành bụi lớn; có chiều cao lên đến tới 2 mét, có nhiều cành xum xuê. Lá cây có hình bầu dục, sắc xanh bóng mượt và rất hiếm khi rụng. Hoa nở quanh năm, nhưng nhiều nhất là trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 và trong thời gian này kích thước của từng bông hoa sẽ lớn hơn. Nụ hoa nhài có màu trắng xanh, nhỏ, mọc ra ở nách lá hoặc trên ngọn cây. Khi nụ hoa nở, hoa nhài có cánh màu trắng muốt hình bầu dục xếp xoáy từ tâm hoa ra ngoài; những cánh hoa trắng muốt như thể hiện sự thuần khiết, ngây thơ và trong trắng của người con gái đẹp. Hoa tỏa ra mùi thơm rất đặc biệt làm cho mỗi người cảm thấy thư thái nhẹ lòng, giảm lo lắng mệt mỏi. Hoa nhài sấy khô còn mang ý nghĩa tịnh hoá, thanh tẩy nên người ta hay dùng cho trong tang lễ. Có nhà khoa học sau khi nghiên cứu còn đánh giá hoa nhài là loài hoa thơm thứ 2 trên thế giới.
Cây hoa nhài là loại cây gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt trên hầu khắp các miền Tổ quốc từ xa xưa đến nay. Cây hoa nhài mang đến cho con người một không gian nhẹ nhàng, dễ chịu cho những nơi mà nó có mặt. Nó âm thầm, lặng lẽ dâng hiến cho đời vẻ đẹp và mùi hương mà không cần biết đến khen chê. Nhiều người khen hoa nhài, ví mùi hương hoa nhài với phẩm chất thanh lịch của con người, hoặc lấy mùi thơm thoang thoảng của loài hoa này để truyền tải kinh nghiệm quan hệ bạn bè trong xã hội: “đừng thắm mà cũng chớ phai/thoang thoảng hương nhài mà lại thơm lâu”. Thậm chí họ còn lấy hoa nhài để so sánh với nỗi đau của người phụ nữ khi gặp phải bất hạnh trong tình duyên: “con vợ khôn lấy thằng chồng dại/như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”… Nhưng, cũng có người khắt khe khi thấy hoa nhài toả mùi thơm nhất khi đã về đêm thì cho rằng đây là loài hoa đỏng đảnh và coi nó giống như người phụ nữ thiếu thuần khiết, trong sạch. Có lẽ, sự đánh giá này vừa thiếu khách quan vừa thiếu khoa học; bởi ban ngày, giữa trời nắng nóng mùi thơm của hoa bị khuếch tán quá nhiều, khó có thể cảm nhận hết được. Chỉ đến khi đêm xuống, mùi hương ấy mới khiến ta ngất ngây và tạo cho ta một cảm giác an toàn thư thái.
Không chỉ làm đẹp cho đời, cây hoa nhài còn có tác dụng đặc biệt về phong thuỷ bởi người ta quan niệm nó bài trừ xú uế; thu hút năng lượng tích cực và mang lại tài lộc cho gia chủ. Người ta chiết xuất tinh dầu trong hoa nhài để làm nước hoa, làm mỹ phẩm, hoặc ướp trà bằng hoa nhài; thậm chí sấy khô để làm trà hoa nhài. Trà nhài có tác dụng thanh nhiệt, an thần; hoạt huyết, tiêu thũng. Hoa nhài giúp cho con người trở nên thanh thản hơn sau những ngày vất vả lo toan. Thậm chí rễ cây cũng có tác dụng gây mê, gợi ra một phương án mới cho liệu pháp gây tê, gây mê trong y học mà không phải dùng đến các loại thuốc có khả năng gây nghiện cao. Cây hoa nhài cứ lặng lẽ song hành cùng nhân thế để làm đẹp cho đời, giúp cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. Chợt nhớ những câu thơ thật đắm đuối của một chàng trai si tình nào đó: “Hương hoa theo gió mây trôi/Làm sao để nói là tôi yêu nàng?/Lá non đùa gió huy hoàng/Sắc hoa e ấp giữa vàng tím xanh/ Hương nhài xao xuyến lòng anh/ Muốn đi mà dạ chẳng đành… Em ơi!”
Tản văn của Nguyễn Hoàng Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thoang-thoang-hoa-nhai-a21620.html