Kỳ 16
Chế độ phong kiến Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam có bộ máy nhà nước hoàn chỉnh, có pháp luật hoàn thiện, kết hợp nhân trị với pháp trị, kết hợp lễ với hình, có tư tưởng chính trị hoàn thiện với học thuyết Khổng Nho, tất cả tạo nên sức mạnh quyền lực, sức mạnh tư tưởng, sức mạnh chính trị, sức mạnh pháp luật ràng buộc con người, đè bẹp mọi ý chí phản kháng, mọi cuộc khởi nghĩa của nông dân. Việc dựa vào công xã nông thôn, những tế bào cơ cở ít biến động, bảo thủ duy trì bởi nền kinh tế tự nhiên cũng làm cho chế độ phong kiến châu Á tồn tai lâu dài như chính bản thân công xã.
Chế độ phong kiến châu Á là một là một hình thái kinh tế xã hội bao gồm thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Thượng tầng kiến trúc bao gồm các hệ tư tưởng văn hoá nhgệ thuật, khoa học, pháp luật... nhưng chủ yếu là nhà nước. Hạ tầng cơ sở mà trên đó xây dựng nên kiến trúc thượng tầng bao gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tức là phương thức sản xuất. Có mối quan hệ biện chứng giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở là nền tảng trên đó xây dựng nên một thượng tầng kiến trúc tương ứng. Khi đã ra đời thượng tầng kiến trúc lại tác động lại hạ tầng cơ sở. Nếu như thượng tầng kiến trúc tiến bộ sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho hạ tầng cơ sở xã hội phát triển. Ngược lại khi thượng tầng kiến trúc phản động sẽ kìm hãm hạ tầng cơ sở.
Nhà nước phong kiến châu Á từ khi ra đời đến thế kỷ XV còn mang tính chất tiến bộ nên đã có tác dụng thúc đẩy kinh tế văn hoá xã hội phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn. Nhưng bước sang nửa sau thế kỷ XVI các quốc gia phong kiến châu Á bắt đầu suy thoái, các nhà nước phong kiến châu Á trở nên phản động vì giai cấp phong kiến nắm quyền đã mất tính chất tiến bộ. Chúng bước sang giai đoạn phản động, kìm hãm các quốc gia đi vào con đường suy yếu. Dấu hiệu của cuộc khủng hoảng triền miên kéo dài của xã hội phong kiến châu Á biểu hiện ở sự sa đọa, hủ bại, tham nhũng, hối lộ, đục khoét nhân dân vô hạn độ của bộ máy công quyền chóp bu từ trung ương đến các cấp địa phương, ở sưu cao thuế nặng và nhiều thứ thuế phi lý buộc nhân dân phải chịu đựng, ở nạn hoành hành không kiêng dè của cường hào ác bá địa phương, ở nạn cướp đoạt ruộng đất làm nông dân phá sản phiêu tán gia đình tan nát, ở những nạn đói kinh hoàng người chết ngổn ngang, ở vỡ đê lụt lội liên tục làm ruộng đồng phì nhiêu hoang hoá. Những tập đoàn phong kiến hình thành và lao vào cuộc chiến tranh giành quyền lực vì lợi ích của tập đoàn, dòng họ hơn là vì lợi ích dân tộc, phá vỡ sự thống nhất quốc gia. Tất cả làm cho lực lượng bảo vệ quốc gia suy kiệt. Thế nước suy yếu, quốc phòng không được chăm lo. Binh lính không được chu cấp đầy đủ vật chất, bị áp bức về mặt tinh thần, trang thiết bị vũ khí cực kỳ thiếu thốn và lạc hậu.
Tính chất phản động của chính quyền phong kiến thể hiện ở chính sách trọng nông ức thương. Chính quyền chuyên chế bóp nghẹt không cho sản xuất thủ công nghiệp thương nghiệp phát triển. Nhà nước độc quyền kinh doanh hoặc đánh thuế hàng hoá rất nặng, bóp chết tất cả những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa vừa mới ra đời. Sản phẩm thủ công nghiệp không thể chuyển dịch thành sản xuất hàng hoá. Những nhà thủ công nghiệp, thương nghiệp có vốn không thể mở rộng tái sản xuất hàng hoá lại trở về mua đất đai trở thành địa chủ và bóc lột theo kiểu phong kiến lạc hậu. Sự bóp nghẹt của chế độ chuyên chế làm cho châu Á không thể ra đời phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng xã hội phong kiến. Kết quả châuÁ không có sự chuyển biến đột phá xã hội, không ra đời những giai cấp, tầng lớp mới là giai cấp tư sản và thị dân. Do đó châu Á cho đến thế kỷ XIX vẫn không có tiền đề kinh tế chính trị xã hội, tư tưởng để bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản để giải thể chế độ phong kiến lỗi thời.
Chính quyền phong kiến các nước châu Á hết thảy đều thi hành chính sách bế quan toả cảng, cự tuyệt không mở cửa buôn bán giao lưu với các nước phương Tây khi đó đến gõ cửa. Họ bỏ qua thời cơ tiếp nhận yếu tố thời đại để phát triển đất nước. Các đề nghị cải cách của các trí thức phong kiến thức thời mong cứu vãn tình hình đất nước đều bị bác bỏ, thậm chí còn bị đàn áp giết tróc, truy nã. Phái bảo thủ Từ Hi Thái Hậu ở Trung Quốc đã tàn sát phái cải cách của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, giết hại hàng nghìn người chủ trương duy tân. Vua Quang Tự, người tán thành cải cách cũng bị tống giam vào ngục. Hành động như vậy vì giai cấp phong kiến châu Á mơ hồ về chính trị, bảo thủ, kiêu ngạo và thoả mãn với địa vị thực tại, sợ sự thay đổi đổi mới sẽ đe doạ đến địa vị quyền lợi của chúng. Ở khu vực Trung Cận Đông, dưới ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một đế quốc phong kiến chỉ dựa trên sức mạnh quân sự để đàn áp và cướp bóc thì tình hình càng tăm tối hơn. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày càng suy yếu và lạc hậu dưới ách thống trị của một chính quyền hủ bại già nua và tàn ác.
Suy yếu của các quốc gia phong kiến châu Á diễn ra cùng thời điểm mà ở phương Tây chủ nghĩa tư bản ra đời. Giai cấp tư sản Tây Âu và Bắc Mỹ lãnh đạo nhân dân tiến hành những cuộc cách mạng tư sản long trời lở đất, lật đổ chế độ phong kiến. Từ năm 1640 đến năm 1870 chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chế độ phong kiến, xác lập thành một hệ thống kinh tế, chính trị thế giới. Các cường quốc tư bản Âu-Mỹ đua nhau đi xâm lược thị trường thuộc địa. Châu Á giàu có rộng lớn suy yếu lạc hậu trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là hai quốc gia phong kiến lớn ở Tây Âu hậu kỳ trung đại đi tiên phong mở đường cho chủ nghĩa thực dân xâm nhập vào châu Á. Những chuyến đi của Vát Scô đa Ga Ma tới Ấn Độ, chuyến đi vòng quanh thế giới của Ma Gien Lăng và thuỷ thủ đoàn năm 1519-1521 đã tới được Phi líp pin và vùng biển Đông Nam Châu Á. Tiếp theo những cuộc phát kiến địa lý thăm dò đường đất là những bước chân của các cố đạo Thiên Chúa giáo với nhiệt tình muốn truyền bá giáo lý Ki Tô sang một châu lục mới. Các cố đạo Thiên Chúa giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi họ truyền đạo thu hút tín đồ, gây dựng cơ sở, cung cấp tình hình các quốc gia châu Á cho các chính phủ của họ để chuẩn bị hành động quân sự.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-16-a21684.html