Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 17)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 17

 Sau bước chân của các cố đạo không lâu, các chiến hạm của các Công ti độc quyền: Công ti Đông Ấn Độ của Anh, Công ti Đông Ấn Độ của Pháp, Công ti Đông Ấn Độ Hà Lan được các chính phủ các nước đó cho phép độc quyền buôn bán ở Châu Á. Các công ti có lực lượng vũ trang vừa buôn bán vừa cướp bóc vừa sẵn sàng nổ súng xâm lược khi có điều kiện. Các công ti này đã chiếm đất đai thành lập các cứ điểm, thương điếm từ đó xâm nhập vào nội địa. Chính các công ti này là kẻ đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa tư bản Tây Âu vào các quốc gia châu Á. Công ti Đông Ấn của Anh đã đánh chiếm Ấn Độ, Công ti Đông Ấn của Hà Lan xâm lược In đô nê xi a, Công ti Đông Ấn của Pháp đã khởi đầu cho việc Pháp đánh chiếm ba nước Đông Dương: Việt Nam, Cam pu chia và Lào.

           Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới bước sang giai đoạn độc quyền-đế quốc chủ nghĩa, vấn đề thuộc địa càng trở thành vấn đề sinh tử, không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hoá, cung cấp nguyên liệu nhân công rẻ mạt cho chính quốc mà còn là nơi đầu tư xuất khẩu tư bản cho vay nặng lãi để bóc lột đem lại lợi nhuận khổng lồ cho tư bản độc quyền. Do đó các cường quốc tư bản Âu-Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược thuộc địa lên một bước. Châu Á thành nơi xâu xé dữ dội của các nước tư bản phương Tây, xâm lược châu Á trở thành một trong các chính sách lớn của các chính phủ, trở thành một cuộc chạy đua nước rút.

           Giai cấp phong kiến cầm quyền châu Á đứng trước thảm họa dân tộc rất mơ hồ về chính trị, hèn nhát trong ý chí, trong tổ chức hành động kháng chiến. Đầu tiên là ngăn cấm việc truyền bá đạo Ki Tô, sau đó đến khiếp sợ trước tàu chiến và họng súng đại bác của các Công ti đã mở cửa cho chúng thông thương, ký các hiệp ước bất bình đẳng, cắt đất đai cho chúng lập thương điếm, ban cho chúng hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Đến khi các nước tư bản Anh , Pháp, Hà Lan... chính thức phát động chiến tranh xâm lược, triều đình các nước châu Á run sợ hèn nhát không quyết tâm kháng chiến, không dám phát động nhân dân kháng chiến cứu nước. Trong thời điểm vận nước cực kỳ nguy nan đó chỉ có nhân dân được phát động, được tổ chức chiến đấu thì mới cứu vãn được tình thế. Nhưng giai cấp phong kiến chọn con đường nhượng bộ từng bước và cuối cùng đầu hàng quân xâm lược. Một giai cấp phản động hủ bại cầm quyền, khi phải lựa chọn quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp, thậm chí quyền lợi của một tầng lớp thì chúng sẵn sàng hi sinh quyền lợi dân tộc để bảo vệ quyền lợi của một giai cấp, của một tầng lớp. Giai cấp phong kiến châu Á đã tạo ra khả năng mất nước từ thế kỷ XVI. Từ khả năng biến thành hiện thực còn phụ thuộc nhiều yếu tố và có thể không biến thành hiện thực. Nhưng với chính sách hèn nhát, phản bội đầu hàng các triều đình châu Á đã biến khả năng mất nước thành hiện thực vào cuối thế kỷ XIX.

           Cho đến cuối thế kỷ XIX, trừ Nhật Bản, còn tất cả các quốc gia còn lại đều bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Trên bản đồ thuộc địa châu Á: vùng Trung Á trở thành thuộc địa của Nga Hoàng, vùng Trung Cận Đông, Đông Nam châu Á, Nam Á hầu hết trở thành thuộc địa của Anh, trong đó Ân Độ là lớn nhất và quan trọng nhất, là “Viên ngọc lấp lánh trên vương miện của nữ Hoàng Anh”. Thế lực của Pháp ở châu Á xếp thứ hai. Pháp là chủ nhân của thuộc địa ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campu chia tạo nên Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Hà Lan chiếm Inđô nê xi a, Mỹ thống trị Phi líp pin từ năm 1898, cướp lại từ tay Tây Ban Nha, Thái Lan là nước nửa thuộc địa do sự phân chia thế lực giữa Anh và Pháp. Trung Quốc nước lớn nhất châu Á cũng không thoát khỏi số phận bi thảm. Hơn một chục nước tư bản do Anh cầm đầu xâu xé Trung Quốc. Khiếp sợ dưới họng súng đại bác, nhà Mãn Thanh ký các hiệp ước bất bình đẳng với các nước tư bản phương Tây và với Nhật Bản, mở các cửa sông biển cho chúng thông thương, cắt đất, bán đất cho chúng làm tô giới, làm khu vực ảnh hưởng, bồi thường chiến phí hàng triệu lạng bạc. Các cường quốc tư bản Âu , Mỹ, Nhật Bản thả sức vơ vét bóc lột Trung Quốc. Trung Qốc bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.

           Ở châu Á chỉ có Nhật Bản là tận dụng được cơ hội của thời đại, tiếp thu được các yếu tố tư bản chủ nghĩa từ bên ngoài làm cho các yếu tố tư bản chủ nghĩa bên trong phát triển. Tuy nhiên không ai có thể làm thay được lịch sử của một dân tộc. Ở nước Nhật, công xã nguyên thuỷ giải thể rất muộn nên giải thể một cách triệt để. Do đó, chế độ tư hữu phát triển một cách mạnh mẽ tạo điều kiện cho kinh tế tư bản phát triển như các công quốc Chiu Sa, Xa mu ra, Hôn Siu, Tô Xa thức thời mở toang cánh cửa giao lưu với tư bản phương Tây, bất chấp lệnh cấm đoán của chính quyền trung ương Mạc Phủ. Tầng lớp quý tộc tư sản hoá ở các công quốc Tây Nam này rất hùng mạnh về kinh tế, có lực lượng quân sự mạnh, lại được phong trào nông dân, thị dân làm hậu thuẫn nên đã tiến hành cách mạng tư sản năm 1868. Cuộc cách mạng tư sản này đã lật đổ chính quyền phong kiến phản động Mạc Phủ, cứu nước Nhật khỏi bị biến thành thuộc địa của Pháp, thiết lập chính quyền tư sản, đưa nước Nhật tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa. Nhật Bản là nước duy nhất ở châu Á đi theo con đường của các quốc gia phương Tây ngay từ thời kỳ trung đại và cận đại. Cách mạng tư sản năm 1868 đã đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc đế quốc đi xâm lược thuộc địa. Năm 1910, Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, Nhật Bản tham gia xâu xé xâm lược Trung Quốc, mâu thuẫn gay gắt và kình địch với các quốc gia tư bản phương Tây, nhất là với đế quốc Nga. Năm 1904-1905 Nhật Bản đã đánh bại đế quốc Nga trong cuộc chiến tranh Nga -Nhật vì vấn đề quyền lợi ở Trung quốc.

           Tiếng súng xâm lược của các cường quốc tư bản phương Tây vào châu Á đã kết thúc thời kỳ trung đại, đưa các quốc gia này sang trang lịch sử cận đại mất nước đầy máu và nước mắt kéo dài hàng trăm năm. Lịch sử mất nước của các quốc gia châu Á đâù thời cận đại để lại nhiều bài học cho hậu thế.

           Chế độ cai trị của các cường quốc tư bản ở các thuộc địa châu Á có nét khác biệt, có nét tương đồng. Chung quy lại, chúng thiết lập một bộ máy độc tài mà bọn thực dân chính quốc nắm hết quyền lực. Chúng duy trì giai cấp phong kiến bản xứ làm tay sai trung thành trong bộ máy cai trị, đặc biệt ở chính quyền cấp cơ sở.

           (Còn nữa)

            CVLa

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-17-a21693.html