Tác giả sử dụng lối viết giản dị, dễ hiểu, gần gũi, thân thuộc nhưng cũng đầy nhiệt huyết, sắc sảo của một nhà báo từng trải. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tác giả là phóng viên chiến trường của TTXVN từng gắn bó với “Miền Đông gian lao mà anh dũng” được thể hiện trong truyện “Nhớ Mã Đà sơn cước – Chiến khu D” (tr 57). Bằng sự am tường về lịch sử đất nước, tác giả Quân Yên đã đưa tôi đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong 15 truyện ký trong “Ứng nghiệm thành đạt” mà ông muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Có thể vì tôi yêu lịch sử hay chịu ảnh hưởng bởi thân phụ tôi là người học sử khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) cùng với tác giả Quân Yên nhưng thân phụ tôi đã về với tiên tổ từ năm 2009 mà những trang tác giả viết khiến tôi liên tưởng như những thước phim lịch sử dân tộc được tái hiện trong Truyện ký “Ứng nghiệp thành đạt”. Điều đó khiến tôi thích thú khi nghiền ngẫm cuốn sách chính là những chi tiết, minh chứng cho những truyện ký được trích dẫn, chính xác đến từng ngày, từng tháng, từng năm và có dẫn tư liệu nguồn mạch lạc, chi tiết. Tôi thầm thán phục khối óc, trí tuệ mẫn tiệp của tác giả và sau mỗi truyện ký, tính thời sự, những bài học xương máu của cha ông để lại vẫn còn giá trị cho đến hôm nay, mãi mãi về sau.
Ngay truyện ký đầu tiên "Ứng nghiệm Sấm Tràng Trình", tác giả đề cập đến chủ quyền Biển Đông mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền dặn cách nay hơn 500 năm vẫn còn nguyên giá trị: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình" mang tính thời sự ứng nghiệm sâu sắc mà toàn quân dân ta đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả đó.
Tôi đặc biệt thích câu chuyện “Bài học lịch sử - Chết thảm vì con rể” của hai vị vua An Dương vương Triệu Việt Vương (tr 31). Điều mà tôi thấm thía, cho đến hậu thế hôm nay, “Câu chuyện về cái chết của hai vị vua tiền bối (An Dương Vương và Triệu Việt Vương) đan xen giữ hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước. Cả hai tấn bi kịch của An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều từ mất cảnh giác, không nghe lời khuyên giải, can dán của các bậc trung thần để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân, đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích quốc gia, dẫn đến kết cục bi thảm” (tr 33).
Truyện ký của Quân Yên cũng cho tôi hiểu sâu sắc thêm được những giá trị của cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc; biết được thêm ý nghĩa màu đỏ của loài hoa gạo (hay còn có cái tên rất đẹp và dịu dàng là mộc miên) (tr 199) trong “Báu vật của làng" (tr 199); hiểu thêm về bối cảnh ra đời của bài thơ “Gửi nắng cho em” của tác giả Bùi Văn Dung sáng tác năm 1975, được Phạm Tuyên phổ nhạc trở thành tuyệt phẩm đi cùng năm tháng. Qua truyện ký “Một thoáng với thi sĩ Bùi Văn Dung” (tr 81) tôi mới biết được số phận “nổi chìm” của bài thơ và bản nhạc trong một quãng thời gian dài không được phát sóng trên đài Tiếng nói Việt Nam…
Triết lý “nhân quả” trong “Ứng nghiệm thành đạt” được tác giả khắc họa đậm nét sự gian xảo và những sai phạm đối với nhân vật Phụng Tơm và những người tiến hành tố tụng vụ án “Trang trại Đồng Cạn”. Tuy nhân vật này “hạ cánh” về hưu nhưng vẫn chưa chắc được an toàn mà sẽ có lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ công lý để lập lại trật tự kỷ cương xã hội, gây dựng lại lòng tin của nhân dân” trong truyện “Khó thoát” (tr 155). Chính vì vây “Những kẻ lộng hành như Phụng Tơm, Phụng Thạch Nơ, Đào Phó… dân chúng nơi đây đều biết cả. Các bị cáo trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn” như Ngọc Quý, Lâm Lai… đều được người dân thương cảm, biết bị oan nhưng chưa cứu được. Còn không ít những vị tham gia tố tụng nhân danh này nọ, hai tay đều “nhúng chàm”… như Phụng Tơm, Phụng Thạch Nơ, Hoàng Quấn, Đậu Bí… đều bị dư luận xã hội, “toà án lương tâm” dày vò, là những kẻ vô cảm, thất nhân tâm đều bị dân chúng xa lánh, trở nên cô độc... Những người có lương tâm đều trăn trở, day dứt chưa giải cứu được những cán bộ bị oan sai…! Nhưng ‘Luật nhân quả’ đang giáng xuống đầu những kẻ gây ra những bức xúc xã hội nơi đây” (tr 178). Phụng Tơm “về nghỉ hưu, hắn ta không dám vác mặt đi đâu. Có lần hắn bày tỏ lo xa với thân hữu “có khi chết cũng không được yên”, sợ sẽ bị đào mồ cuốc mả vì làm quá nhiều việc thất đức” (tr 182).
Những nhân vật mà tác giả mô tả đã dùng mánh lới “lọt lưới” nhân sự khoá trước như “Quan mượn” (tr 191), hại vị “con nuôi” làng Lạc Y bên bờ sông Cái trong truyện “Thành đạt” (tr 97) để có “quyền cao, chức trọng” đã sớm tha hoá, biến chất mà dân chúng nơi đây đểu biết, nhất là nhân vật Lý Tân, tức Lý Thông thời @ gắn bó mật thiết với các đại gia “Quỳ Ráy”, “Pháo Nổ” tìm mọi cách thâu tóm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác nông nghiệp sang làm các dự án bất động sản, trở thành giàu có bất chính. Đã thế Lý Tân còn hay “rao giảng” đạo đức trong sáng “liêm, chính” …Tuy có chức quyền cấp tỉnh nhưng Lý Tân đang lo ngay ngáy vì “chỉ sau một tháng ba ngày được Lý Tân và bộ sậu trao quyết định trúng thầu béo bở (Dự án khu đô thị The Blue Sky “Trời xanh” gần 50 ha) cho đại gia “Quỳ Ráy” thì đại gia này bị khởi tố bắt tạm giam về tội “thao túng thị trường”, rồi tiếp đó là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Không biết được vì những gì mà họ (Lý Tân và bộ sậu) vẫn ‘liều minh’ như chẳng có, vẫn cố trao quyết định phê duyệt trúng thầu đầu tư Khu đô thị The Blue Sky cho ‘Quỳ Ráy’ ?” (tr 108).
Trong khi Lý Tân và bộ sậu tỉnh nọ lo lắng sốt vó thì “Dân làng Lạc Y đã giết mổ lợn ăn mừng ba ngày liền sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt loan tin bắt giam tên ‘đại gia Quỳ Ráy’ gian manh, đứng đầu tập đoàn ‘Cô ty lưa’ từng lừa gạt khắp nơi mà Lý Tân vẫn đặt niềm tin, giao cho cả mấy chục héc - ta chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ canh tác hai vụ lúa thuộc diện ‘bờ xôi ruộng mật’ sang làm đất xây dựng đô thị, giá trị sẽ gia tăng cả hàng trăm lần cho kẻ lừa đảo làm giàu? Dân làng hả hê, càng tin vào sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước “nói đi đôi với làm”, thể hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm” và “ngoại lệ” (tr 104).
Tập truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” viết về người thật, việc thật có tính thời sự đương đại, với những chất liệu lịch sử, lối dẫn chuyện hấp dẫn, thực sự bổ ích. Không những vây, thông qua các truyện “Thành đạt” “Quan mượn”, “Khó thoát”, tác giả đã phản ánh về tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng quyền lực là những chủ đề “hot” hiện nay. Dù bận nhiều việc, tôi vẫn dành thời gian tranh thủ đọc, nghiền ngẫm trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, internet đang xâm chiếm phần lớn thời gian của giới trẻ hiện nay, khiến văn hóa đọc đang dần bị mai một nhưng Tập Truyện ký của tác giả Quân Yên vẫn cuốn hút công chúng quan tâm tìm đọc. Đó là tín hiệu đáng mừng cho văn hóa đọc!
Trân trọng cảm ơn tác giả Quân Yên (Vũ Xuân Bân) đã cho tôi và bạn đọc thêm tri thức qua từng trang sách và mong muốn những cuốn sách có ý nghĩa như ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT cần được nâng niu, lan tỏa trong cộng đồng xã hội, để những giá trị tốt đẹp về lòng yêu nước, yêu lịch sử, những bài học giá trị và hồn cốt văn hóa của dân tộc được lưu giữ và phát huy, đồng thời cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” để đất nước phát triển lành mạnh, bền vững theo tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá 13 bế mạc ngày 8/10/2023 về giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 không để lọt lưới những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất vào bộ máy của Đảng, Nhà nước.
TS. Trần Thị Minh Châu, - Văn phòng Bộ Nội vụ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-ung-nghiem-thanh-dat-tham-thia-bai-hoc-lich-su-va-triet-ly-nhan-qua-a21732.html