Chuyện cánh đồng

Thằng Hùng quyết tâm đi học kĩ sư nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ. Học xong, với tấm bằng loại giỏi nó được trường giữ lại làm giảng viên. Ở lại trường, một tương lai tươi sáng đang mở rộng chào đón nó ở phía trước nhưng nó đã khước từ, trở về để đem sức trẻ, kiến thức của mình phục vụ quê hương.

mua-gat-2-1621130690.jpg
 

Trời nắng đẹp. Những ngọn gió Tây -  Nam duyên dáng, sôi nổi và nhí nhảnh như những cô gái thôn quê nền nã trong chiếc áo bà ba khăn rằn quàng cổ đi thăm khu di tích Cạnh Đền. Chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm chở tôi và anh băng băng xé sóng trên con rạch Ngang Dừa, một con rạch dài và hẹp xanh biêng biếc, lấp loáng mây trời, đôi bờ bao phủ những cánh rừng tràm đưa hương thơm ngát, rập rờn cánh cò bay trong ráng chiều lộng gió. Nắm lấy bàn tay mềm mại nuột nà trắng trẻo của tôi, anh bảo, con rạch này đẹp, lạ bởi dòng nước thay đổi theo mùa, thời gian. Mùa mưa, nước sông màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm từ các con kênh rạch đổ ra, điểm xuyến là những nhánh bông lục bình xanh biếc trôi theo dòng. Mùa khô nước sông màu trắng đục, hai bên có nhiều cây gừa, loài cây cùng họ với sộp, si… cao lớn, gốc năm bảy người ôm, rễ treo tua tủa kỳ dị biếc xanh. Xa xa, từng đàn chim nào là cồng cộc, cốc đen, giang sen, bồ nông, cò trắng, cò bợ, cò ma... nhiều con to bằng vốc tay bình thản đậu trên cây, lội trên bờ, dưới nước mò bắt cá tôm trong cảnh thanh bình của làng quê yên ả.

Sau bữa cơm chiều, mẹ anh chậm rãi kể cho tôi nghe về một miền quê một thời khốn khó. Bà là người phụ nữ đẹp lão có mái tóc bạc phơ, khuôn mặt đầy đặn, hiền từ và phúc hậu. Đôi mắt không còn tinh anh nữa nhưng thật dịu hiền đầy yêu thương, trìu mến. Lưng hơi còng nhưng bà đi lại rất nhanh nhẹn. Đôi bàn tay chai sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương vất vả buôn thúng bán bưng, bươn trải ruộng đồng để nuôi anh khôn lớn,

Thời triều Nguyễn, Vĩnh Phong là vùng đất xa xôi, hẻo lánh chỉ có đồng trống hoang vu, mùa mưa cỏ dại mọc lút đầu người; tháng nắng đồng khô, cỏ cháy chết rạp xuống, người dân đốt đồng cỏ này để lấy tro, nếu bất cẩn chỉ cần một ngọn lửa thì đồng hoang sẽ trở thành biển lửa khủng khiếp. Thời Pháp thuộc, tràm bị khai thác hết, cánh đồng hoang bạt ngàn chỉ toàn cỏ năn và lác, rộng lớn đến mức không người nào có thể đi từ bờ này qua bờ bên kia một lần nổi, nếu mà đi hết cánh đồng cũng phải lè lưỡi chết khát. Chó là loài vật rất giỏi chạy cũng không đi qua nổi cánh đồng. Con nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải... lè lưỡi thở dốc rồi mệt mỏi ngáp ngắn, ngáp dài. Nếu bị lạc trong đồng, không biết tìm đường ra, chỉ đứng tru, ngáp chờ chết. Nhiều người đi đánh cá, len (thả) trâu ở giữa đồng cỏ hoang dại đã phát hiện nhiều con chó lè lưỡi, thở phì phò, ngáp ngắn ngáp dài mà không biết đường về nhà. Thậm chí, có nhiều con chết mục xương vì đi lạc vào vùng người dân vây đốt giữa chiến lũy cỏ năn. Đây là vùng hoang sơ, đáng sợ vô cùng bởi thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, vì thế, mới gọi nơi đây là “Cánh đồng chó ngáp”. Nhưng cái tên “chó ngáp” còn thể hiện sự bất lực của nông dân trước thiên nhiên khắc nghiệt kéo theo đời sống người dân lâm vào cảnh nghèo khổ. 

Ở làng quê này trước kia đa số người dân nghèo khổ lắm con ạ. Nhà cửa làm bằng cây, cột được chôn sâu xuống đất, vài ba năm phải thay cột hoặc làm nhà mới. Mùa mưa, “cánh đồng chó ngáp” ngập lênh láng, rắn, rùa, chuột nhiều vô kể, bò vào nhà ngủ chung với người. Nhiều hộ chịu không nổi bỏ nhà đi xứ khác làm ăn. Có thời điểm, cả vùng này rộng hàng trăm ki lô mét vuông chỉ có khoảng mười hộ dân. Cánh đồng năn, đất nhiễm phèn, hiếm nước ngọt, đời sống chủ yếu dựa vào nghề cắm câu, giăng lưới. Mùa mưa quay sang “hành nghề” giữ trâu mướn, khổ cực trăm bề…

***

Giật mình thức giấc. Có lẽ do đi đường xa mệt cộng với cái không khí trong lành mét mẻ của miền quê khiến tôi ngủ quên trời đất. Nắng đã lên cao. Sương bắt đầu tan. Bầu trời xanh trong và cao vút. Những đám mây trắng xoá tựa như bông, lặng lẽ trôi trên bầu trời rộng mênh mông. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong anh dẫn tôi ra ruộng nhà mình nơi đầu kênh. Hiện ra trước mắt tôi toàn bộ cánh đồng được bao phủ bởi một màu vàng xuộm của lúa chín, lác đác một vài ruộng lúa cấy muộn vẫn còn màu xanh. Những bông lúa trĩu nặng hạt đều tăm tắp, chắc và mẩy uốn cong mềm mại, ngả vào nhau thì thầm trò chuyện. Mỗi khi có gió, những sóng lúa lại nhấp nhô, xô đuổi nhau chạy mãi vào bờ. Một mùi hương thơm dịu dàng, thoang thoảng bay xa, hoà lẫn trong không khí làm người ta có cảm giác mát mẻ, dễ chịu lạ thường. Trên ruộng, một vài con trâu đang miệt mài cộ lúa lên bờ. Anh bảo, trước đây, cánh đồng này toàn loài cỏ năn vốn dĩ không dùng được vào việc gì, ngoại trừ làm thức ăn cho trâu. Với cánh đồng năn, trâu của nhà nội ăn mấy đời cũng không hết, huống hồ gì vài ngàn con. Gia đình nội ngày xưa không có cục đất chọi chim, cả nhà sáu miệng ăn chỉ trông chờ vào sức của ông bà nội làm thuê quốc mướn. Rồi nội sống bằng nghề chăn trâu, mỗi năm ông nhận từ mỗi gia đình 2, 3 con trâu để chăm sóc với hơn bốn trăm con. Con trâu là đầu cơ nghiệp nên người nông dân rất “cưng” trâu, chăm lo từng tý một và không hề tiếc số tiền khá lớn để thuê người về chăm sóc. Cứ sau ba tháng chăn dắt, trâu được trả cho chủ và nhận phần công của mình mười giạ lúa cho một cặp, mỗi giạ khoảng hai mươi ki lô gam. Tổng số lúa mà gia đình nội nhận được mỗi mùa hơn hai nghìn giạ. Khi đó, sản lượng lúa còn thấp, gia đình không có công ruộng nào mà mỗi năm đều dư dả gạo ăn. Thu nhập này tương đương với những nhà có cả trăm công ruộng. Quan chức cấp tỉnh thời đó lương mỗi năm còn chưa đến mức này. Gia đình nội phất lên từ đó.

Nói vậy, chăn trâu dễ lắm hả anh? Dâu có dễ ăn vậy em! Nếu trâu của người ta bị thất lạc hoặc ốm nhom thì phải đền, rồi năm sau họ không gửi mình nữa. Nội hay lắm, khi len trâu ông chọn con khỏe mạnh, cưỡi lên con đầu đàn là cả đàn hàng trăm con theo sau. Ông luyện cho trâu nghe và làm theo hiệu lệnh tiếng tù và, vì thế chẳng bao giờ để trâu đi lạc. Nhiều lần, chủ trâu lên bắt trâu bất ngờ, thấy nội lẩn vào giữa đàn mấy phút sau dắt ra cặp trâu giao cho chủ mà người ta trợn mắt nhìn, không dám tin vào mắt mình nữa bởi nội nhớ mặt từng con trâu một. Mỗi buổi chiều, hàng trăm con trâu được nội lùa trên đường làng khiến bà con tấm tắc, khen ngợi không ngớt rằng chỉ mấy cha con thôi mà chăn cả đàn trâu đông như kiến cỏ.

Không chỉ nội, rất nhiều người dân ở đây bám trụ bằng nghề nuôi trâu thuê đổi lúa. Rất nhiều người ở xứ khác đến đây chăn trâu rồi ở lại lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cháu. Có lẽ vì vậy mà nhiều lão nông bảo rằng đồng chó ngáp chính là xứ sở của những người chăn trâu, còn được gọi là “xứ độn trâu”.  Đất đai của nông dân bị bọn tư sản Pháp bao chiếm lấy làm đồn điền cho nông dân mướn mỗi công 5 giạ, cho vay tới mùa lúa một lấy hai. Khi lúa chín, chúng đắp đập hai đầu kênh, cặm cờ tam sắc cho cặp rằng đứng canh gác, kiểm tra gắt gao, dân đi đâu cũng phải xin giấy tờ, không cho chở lúa đi nếu chưa nộp đủ tô tức. Nếu ai bất tuân, bị chúng bắt được thì bị bỏ tù, lấy lại đất đai rồi đuổi khỏi đồn điền. Ai tranh đấu thì chúng vu khống là làm “quốc sự”, cho là cộng sản nổi loạn bị giam cầm, tra tấn cho đến chết. Năm 1935, Vĩnh Phong có chi bộ Đảng ra đời đã giác ngộ người dân nhận rõ thân phận nô lệ, căm thù giặc Pháp, đi theo sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ để tranh đấu giành độc lập, tự do, hạnh phúc.

Kháng chiến chống Mỹ, đồng chó ngáp được xem là một chiến trường ác liệt, không giờ nào được yên. Ban ngày địch cho máy bay quần thảo, ban đêm thì bắn pháo sáng. Bọn lính ngồi trên máy bay chĩa súng xuống xả đạn như vãi trấu. Hàng trăm con trâu ngã lăn ra chết. Trâu chết quá nhiều, dân ở đây lại ít nên không thể nào xẻ thịt ăn hết, vì vậy chỉ mấy ngày sau cả cánh đồng bốc mùi thối không ai dám lại gần. Do địch càn quét trong rừng quá khốc liệt nên bộ đội, người dân và những đàn trâu phải di chuyển ra các cánh đồng cỏ năn để tránh. Nếu địch đổ quân càn vào khu căn cứ sẽ bị “trắng lưng” trên cánh đồng chó ngáp. Ngược lại, địch phát hiện người hay trâu trên đồng thì vãi đạn giết hết. Để tránh những làn đạn vô tình lẫn chủ ý của địch, nông dân ở đồng chó ngáp đã đào rất nhiều hầm ngay trên đồng, cạnh những ao nước để khi gặp máy bay địch thì có chỗ nấp. Nhờ vậy mà rất nhiều người dân đã tránh được vô số trận càn của địch.

Thời kỳ đổi mới, nhà nước đưa cơ giới vào cải tạo vùng đất hoang hóa này. Hàng chục con kênh được máy móc đào xới để đưa nước vào rửa phèn, mặn. Cánh đồng năn chó ngáp mênh mông ngày nào dần được thay bằng những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vuông tôm đầy năng suất. Cuộc sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày, nhiều gia đình có con em đi học ở các trường cao đẳng, đại học. Chó ở đây giờ không tru, không ngáp vì bị lạc đường trong rừng cỏ năn kim nữa, ngược lại, con nào cũng mập mạp, sủa sang sảng suốt ngày. Nghề chăn trâu mướn cũng không còn nữa. Đội quân chăn trâu mướn chuyển sang nghề khác kiếm sống, phổ biến là nghề đan rổ, thúng, mành dùng để quây lại thành bồ chứa lúa. Xứ này không có tre, trúc nên họ phải đi xứ khác mua đem về chẻ nhỏ ra để đan, rồi đem bán ở chợ. Những người đan được nhiều phải chất lên ghe chở đi bán ở khắp nơi. Nhưng rồi đồ dùng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều. Nghề đan tre dần dần cũng “chết”.

***

Trên bờ ruộng, những chú cò trắng muốt nghển cổ nghe ngóng những âm thanh rộn rã của ngày mùa. Những chú trâu béo mộng, bộ lông đen nhức đang chén những khóm cỏ ngon lành ở gốc ruộng mới gặt, ngửa mặt lên trời cười thích chí. Má anh run run nâng niu từng bông lúa trên tay, mắt ngắm nhìn bông lúa trĩu nặng hạt đều tăm tắp, chắc mẩy uốn cong mềm mại, bảo rằng, thưở ruộng này đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của người dân chân lấm tay bùn trong đó có ông bà nội và ba thằng Hùng. Đang mùa gặt lúa, người dân ra đồng thì bất thình lình đại bác rồi các cỡ súng lớn, nhỏ của giặc Mĩ trút xuống như mưa. Từng đám khói đen và lửa bùng lên khắp các ruộng và rừng tràm. Dân ta mạnh ai nấy chạy như vịt đàn, vô cùng hoảng loạn. Ông bà nội cùng với bác Ba, bác Tư và ba thằng Hùng đang cắt lúa thì bị trúng đạn chết, tay vẫn còn ghì chặt bó lúa. Nghe tin, lòng má đau như đứt từng khúc ruột, bỏ buổi chợ bươn bả chạy về như điên như loạn lao tới  hất tung nắp quan đã được bà con liệm vô cỗ hàng, đậy hờ nắp chờ mẹ đi chợ về. Mộ ông bà nội và cha nó được an táng trong vườn nhà.

Con biết không, một thời ở vùng này nếu không trồng được lúa hoặc năng suất lúa thấp thì chắc chắn sẽ thiếu gạo, đói nghèo bủa vây, lam lũ. Bao nhiêu giống lúa ở nơi khác được cư dân khai hoang đem về gieo xuống đất này đều chết sạch. Trước sự khó khăn đó, thằng Hùng quyết tâm đi học kĩ sư nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ. Học xong, với tấm bằng loại giỏi nó được trường giữ lại làm giảng viên. Ở lại trường, một tương lai tươi sáng đang mở rộng chào đón nó ở phía trước nhưng nó đã khước từ, trở về để đem sức trẻ, kiến thức của mình phục vụ quê hương. Sau nhiều lần nghiên cứu thất bại. Không nản lòng, sự kiên nhẫn của nó cũng được đền đáp. Một giống lúa nhú lên khỏi mặt đất, xanh um rồi trổ bông, gọi đó là giống lúa trời cho, giống một bụi đỏ Hồng Dân. Đất ở đây chỉ có giống này mới sống nổi. Giống lúa này tuyệt vời, chịu mặn giỏi, năng suất cao, thơm, dẻo, tỉ lệ xay xát đạt cao.

Không chấp nhận an phận với nghề trồng lúa đơn thuần, má đã thử nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên ruộng ngay trong mùa nước lợ bởi đặc thù của vùng này là nước nhiễm mặn bảy tháng, năm tháng còn lại thì nước lợ. Thật bất ngờ là tôm vẫn sống. Khi thu hoạch lúa cũng có tôm để bán cho nên bây giờ nông dân ở đây ai cũng theo má làm mô hình lúa – tôm bởi  nuôi tôm nhưng không cho ăn thức ăn. Tôm sống một cách tự nhiên nên nguồn nước không bị ô nhiễm, thịt tôm rất ngon. Khi thu hoạch lúa thì rải vôi trên ruộng để gốc rạ bị phân hủy làm thức ăn cho tôm. Vì không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp nên tôm chậm lớn, song điều đó không quan trọng vì nguồn thu chính trong mùa nước lợ là lúa, tôm thả nuôi ké, thu được bao nhiêu cũng tốt. Trung bình mỗi vụ thu hoạch được 120kg tôm/ha, giá tôm trung bình 200.000 đồng/kg, mỗi vụ má kiếm thêm được hơn 200 triệu đồng từ tôm. Vậy là quá sướng rồi còn gì. Con tôm không phụ lòng người. Liên tiếp nhiều năm liền tôm trúng mùa, trúng giá đã giúp những nông dân nghèo khổ trước kia đổi đời, nhà tường kiên cố mọc lên như nấm sau mưa.

***

Tôi về làm dâu nhà anh, công tác tại trường Phổ thông cơ sở Vĩnh Phong. Quê hương còn nhiều khó khăn, tôi cùng với đồng nghiệp tỏa đi khắp địa bàn vận động nhân dân đóng góp tiền, vật liệu để dựng lên những phòng học bằng cây lá. Trường học đơn sơ, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, học sinh trong lớp có nhiều độ tuổi khác nhau, giáo viên kiến thức sư phạm được trang bị đơn sơ vì đào tạo cấp tốc nhưng mọi người sống, dạy học bằng tình thương yêu, tinh thần, lý tưởng của người giáo viên nhân dân, người thầy giáo cách mạng hết lòng vì thế hệ trẻ, dù khó khăn vẫn nhìn về tương lai mà làm việc, đoàn kết, vị tha, thương yêu để làm tròn trọng trách “trồng người” của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, người “kỹ sư tâm hồn” của thế hệ trẻ.

Chiều muộn, thằng Hòa con tôi ùa vào nhà vòng tay ôm lấy cổ thủ thỉ, con đã trở về “cánh đồng chó ngáp” để làm nông nghiệp sạch đây má ơi. Con sẽ giúp người nông dân trồng lúa hữu cơ, sử dụng phân bón với công thức riêng phù hợp với vùng đất để tăng độ màu mỡ cho đất, cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, chất lượng sản phẩm cao, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Sinh ra từ làng, nhiều thanh niên như thằng Hoà đã từ bỏ chốn phồn hoa đô hội trở về quê hương lập thân, lập nghiệp.

Dõi mắt nhìn ra cánh đồng chó ngáp. Ráng chiều vàng ruộm. Cây lúa sắc xanh màu lá, con tôm cong mình bơi lội đang thầm thì những câu chuyện tương lai.

Một tương lai tươi sáng.

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-canh-dong-a2175.html