Kỳ 22
Nhưng nô lệ ở Hi Lạp, La Mã đóng vai trò chính trong việc sản xuất ra của cải vật chất của xã hội. Nô lệ có mặt lao động sản xuất ở khắp mọi nơi, ở hầu hết các ngành kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, ở mỗi đại điền trang có chủ nô sử dụng hàng vạn nô lệ. Nô lệ lao động sản xuất trong các xưởng thủ công nghiệp, nô lệ bị xiềng xích vào những thuyền buôn để chèo thuyền vận tải hàng hoá để chủ nô buôn bán ở các thị trường Nam Âu, Bắc Âu, Địa Trung Hải... Nô lệ bị xiềng xích vào các tàu chiến để chèo các chiến thuyền trong thuỷ binh Hi Lạp, La Mã. Nô lệ bị buộc phải giao đấu với nhau hoặc với mãnh thú cho đến chết ở các đấu trường để chủ nô La Mã tiêu khiển. Hiển nhiên cũng có một số lượng nhất định nô lệ phục dịch hầu hạ trong các gia đình quyền quý, chủ nô quan lại. Tóm lại với một nền kinh tế công nông thương nghiệp phát triển, nô lệ Hi Lạp, La Mã đóng vai trò chính trong sản xuất. Nhà nước và chủ nô bóc lột chủ yếu là bóc lột nô lệ.
Đặc điểm xã hội chiếm hữu nô lệ Hi Lạp, La Mã đã ảnh hưởng đến thiết chế chính trị nhà nước. Trong xã hội và trong giai cấp chủ nô đã diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là tầng lớp chủ nô nông nghiệp muốn thiết lập nền quân chủ với bên kia là chủ nô công thương nghiệp được bình dân ủng hộ muốn thiết lập nền cộng hòa. Trong cuộc đấu tranh đó, ở A ten, chủ nô công thương nghiệp và bình dân thu được thắng lợi triệt để nên đã thiết lập được nhà nước Cộng hoà dân chủ chủ nô. Ở thành bang Spác (Hi Lạp) cũng như ở La Mã, chủ nô công thương và bình dân thắng lợi không triệt để, chủ nô nông nghiệp vẫn nắm một số cơ quan quan trọng của bộ máy nhà nước nên chỉ thiết lập được nền Cộng hoà quí tộc chủ nô. Như vậy chế độ chiếm hữu nô lệ châu Á thiết lập được nền quân chủ chuyên chế tập quyền thì ở Nam Âu thiết chế chính trị là nhà nước cộng hòa. Mãi tới thế kỷ I trước CN, La Mã mới thiết lập được chế độ độc tài và nền quân chủ.
Chế độ nô lệ La Mã gắn liền với chủ nghĩa đế quốc bành trướng. Đế quốc La Mã dùng sức mạnh quân sự tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ, nô dịch bóc lột các dân tộc khác. Tới thế kỷ II trước CN, biên giới La Mã phía Bắc vươn tới sông Ranh, phía Nam giáp với sa mạc Sa ha ra (châu Phi), phía Đông Nam vươn tới Lưỡng Hà.
Nền kinh tế công thương nghiệp và nền chính trị dân chủ đã tạo điều kiện cho văn hoá Hi Lạp phát triển đặc sắc rực rỡ. Văn hoá Hi Lạp còn ảnh hưởng rộng lớn đến các quốc gia phương Đông theo bước chân xâm lược của quân viễn chinh Ma xê đô nia dưới thời hoàng đế Alếch xan đrơ. Sau khi xâm lược Hi Lạp vào thế kỷ II trước CN, La Mã tiếp thu và phát triển văn hoá Hi Lạp lên một đỉnh cao mới. Hi Lạp, La Mã thành hai trung tâm lớn của nền văn minh thế giới cổ đại, đặt nền tảng cho toàn bộ nền văn hoá châu Âu thời cận đại. Chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã khủng hoảng và sụp đổ vào thế kỷ V sau hơn 1.000 năm tồn tại, châu Âu bước sang xã hội phong kiến. Quá trình phong kiến hoá diễn ra từ bên trong đế quốc La Mã và sự can thiệp từ bên ngoài. Những năm đầu công nguyên chế độ này khủng hoảng trầm trọng, nô lệ khổ cực bất mãn đã ra sức phá hoại sản xuất. Chủ nô buộc phải giao ruộng đất cho họ cày cấy và thu tô. Chủ nô khi làm như vậy đã biến thành phong kiến, còn nô lệ thì biến thành nông nô. Ở bên ngoài khi đế quốc La Mã sụp đổ, các bộ tộc Giéc manh từ phía Đông và Đông Bắc của đế quốc đã tấn công vào bên trong xâm chiếm đất đai của người La Mã lập nên những vương quốc phong kiến, tiêu biểu nhất là vương quốc Phơ răng do Clôvít đứng đầu. Trong vương quốc Phơ răng, Clôvít, sau này đến Sác lơ ma nhơ là những người đã đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Tây Âu.
Đặc điểm của chế độ phong kiến Tây Âu là chế độ tư hữu về ruộng đất phát triển mạnh mẽ, nhà vua không nắm được quyền sở hữu tối cao về ruộng đất trong toàn quốc. Khi đem ruộng đất phân phong ban cấp cho các tướng lĩnh hoàng thân quốc thích, các đại thần thì nhà vua không còn quyền sở hữu đối với ruộng đất đó nữa, quyền sở hữu thuộc quyền người được phân phong ruộng đất. Họ thành lập nên những lãnh địa và họ trở thành lãnh chúa phong kiến. Từ đặc điểm này dẫn đến một đặc điểm khác là thế lực, chính quyền trung ương của hoàng đế phương Tây không mạnh mẽ như chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền của châu Á. Thế lực lãnh chúa phong kiến Tây Âu vô cùng mạnh mẽ, dẫn đến một thời kỳ chia cắt đất nước (cát cứ) lâu dài suốt 6 thế kỷ, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV của Anh và Pháp, có nước như Đức, Italia bị chia cắt đến thế kỷ XIX, tức là gần 10 thế kỷ. Trong thời kỳ cát cứ, mỗi lãnh địa là một vương quốc riêng biệt với nền kinh tế nông nghiệp tự túc tự cấp, với quyền lực của lãnh chúa là vô thượng. Hoàng đế cũng chỉ là một lãnh chúa bình thường, quyền lực không vươn quá khỏi lãnh địa của mình. Khác với châu Á, tất cả đều là thần dân của hoàng đế thì ở Tây Âu, hoàng đế chỉ nắm được những bề tôi của mình, còn những vây cánh của bề tôi thì hoàng đế không thể biết, càng không thể nắm được họ. ”Bồi thần của bồi thần không phải là bồi thần của ta” là câu cửa miệng của các hoàng đế Tây Âu.
Chế độ ruộng đất tư phát triển mạnh cho nên công xã nông thôn Tây Âu bị giải thể triệt để, hầu như không còn ruộng đất công nữa. Hoàng đế không có quyền sở hữu tối cao ruộng đất công xã nên cũng không thể bóc lột được nông dân công xã. Công xã cũng không là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền trung ương để nó tồn tại lâu dài kiểu châu Á. Công xã đã nằm trong lãnh địa của lãnh chúa, quyền sở hữu ruộng đất là của lãnh chúa và nông dân công xã trong lãnh địa đã bị lãnh chúa nông nô hoá, chịu sự áp bức bóc lột tàn khốc của lãnh chúa. Như vậy ở châu Á, công xã nông thôn có quyền tự trị, có ruộng đất công, nông dân không bị nông nô hoá, dù đất đó có bị phong cấp cho công thần, trong khi đó công xã Tây Âu có tình hình hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa hoàng đế Tây Âu không được xem là thần thánh. Các hoàng đế thừa nhận thế lực Thiên Chúa giáo của Giáo Hoàng là một thế lực tinh thần tối cao ngự trị trên cả hoàng đế và thần dân. Điều này làm cho chế độ quân chủ chuyên chế Tây Âu chỉ là một lực lượng thế tục hoàn toàn không mang tính chất quyền uy thần thánh như các hoàng đế châu Á. vì thế chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền ở các nước Tây Âu càng thêm suy yếu.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-22-a21772.html