Nhưng có điều khác Thái Giám bên Tàu ở chỗ phần nhiều là họ tự “tịnh thân”, tự nguyện hy sinh. Để làm gì? Là để có được sự tin tưởng tuyệt đối của vua, chúa. Hơn thế, để họ được có cơ hội thường xuyên ở bên vua, bên chúa, tham mưu cho vua, chúa những chuyện cơ mật. Đặc biệt, họ còn có cơ hội thể hiện tài năng xuất chúng của mình về mọi mặt, được cống hiến cho triều đại, cho đất nước. Cho dù, việc “tịnh thân” thì chẳng có ai muốn vậy. Cam chịu hy sinh hạnh phúc cá nhân để được cống hiến trọn đời, đó có thể xem là một quyết định cao cả trong hoàn cảnh lịch sử “một đi không trở lại” ấy.
Trong các triều đại phong kiến ở nước ta, duy nhất có một vị Thái Giám đã trở thành anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, tên tuổi lừng lẫy cùng những chiến công hiển hách. Đó chính là Thái Úy Lý Thường Kiệt. Điều này thì các Thái Giám bên Tàu không có ai làm được. Thái Giám bên Trung Quốc, dù có tài giỏi đến mấy, họ cũng chỉ đập phá, quyền biến đến mức kinh hoàng, chung quy chỉ vì quyền lợi riêng tư, thỏa mãn dục vọng cá nhân của họ mà thôi!
Triều Đinh (Đinh Tiên Hoàng Đế) và Tiền Lê (Lê Đại Hành) đều ngắn ngủi. Vua phong tới 5, 6 bà Hoàng hậu. Các vị Quốc sư thường kiêm việc tham mưu chính sự cho nhà vua. Không thấy sử sách chép gì về hành trạng quan Thái Giám nào đặc biệt cả. Đến triều Lý (Hậu Lý), vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) phong tới 7 bà Hoàng hậu. Quốc sư Lý Vạn Hạnh (triều Nguyễn thường ghi là Nguyễn Vạn Hạnh) giữ vai trò cố vấn tối cao của vương triều Hậu Lý (1009-1255). Thời kỳ này, cũng chưa thấy xuất hiện địa vị quan Thái Giám trong cung vua. Nhưng đến triều vua Lý Thái Tông, mới thấy xuất hiện trường hợp quan Thái Úy Lý Thường Kiệt.
Nhìn chung, các tài liệu viết về Lý Thường Kiệt đều thống nhất cho rằng Lý Thường Kiệt là Thái Giám. Thường Kiệt là biểu tự. Được ban quốc tính, nên mang họ Lý. Nhưng họ gốc của Lý Thường Kiệt là gì? Có hai thuyết khác nhau. Đại thể:
Theo phả hệ họ Ngô, Lý Thường Kiệt họ Ngô, tên Tuấn, con của Sùng Tiết Tướng quân Ngô An Ngữ, cháu Ngô Xương Xí, chắt Ngô Xương Ngập. Mà Xương Ngập là con Ngô Quyền. Theo các nhà nghiên cứu thì thuyết này được nhiều bài viết dùng, nhưng lại là thuyết mới, tức dựa vào tư liệu được ghi ở đời nhà Nguyễn, mới gần đây. Do vậy nó thiếu khả tín.
Việc tìm thấy một số bia ký xuất hiện từ đời Lý, cổ hơn, chép rằng Lý Thường Kiệt vốn họ Quách. Quách Tuấn. Quê làng An Xá, huyện Quảng Đức, tức làng Cơ Xá, huyện Gia Lâm Hà Nội ngày nay. Cha Quách Tuấn là Quách Thịnh Ích, làm chức Thái Úy đời vua Lý Thái Tông (Sách ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC). Sách AN NAM CHÍ LƯỢC thì chép cha Quách Tuấn là Quách Thịnh Dật, quê huyện Câu Lậu, huyện Tế Giang, nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Theo văn bia mộ Thái Úy Đỗ Anh Vũ (triều Lý), cha Anh Vũ gọi Lý Thường Kiệt là cậu ruột…Thế nên, Lý Thường Kiệt gốc họ Quách. Thuyết này có thể khả tín hơn chăng?...
Tuy nhiên, điều ghi nhận chung ở các tài liệu lịch sử chép về Thái Úy Lý Thường Kiệt, thì ông chắc chắn là Hoạn quan. Vua Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt dung mạo đẹp đẽ, muốn dùng vào chức Hành Khiển, nhưng còn ngại điều gì đó. Vua ban tiền, yêu cầu Thường Kiệt phải tự thiến. Ông nghe theo. Muốn có cơ hội thực hiện mơ ước đem tài văn võ phục vụ đất nước, Lý Thường Kiệt và em trai ông là Lý Thường Hiến phải tự “tịnh thân”, phải hy sinh cái quyền được có gia đình, con cái.
Công trạng của Thái Úy Lý Thường Kiệt ở triều nhà Lý là vô cùng lớn. Chiến công phá Tống bình Chiêm, giúp vua trẻ Lý Nhân Tông xây dựng đất nước đến cường thịnh, khiến nhà Tống ở phương Bắc cũng phải nể sợ. Không phải Lý Thường Kiệt thì còn ai nữa !
X.V
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-ra-quan-vong-loai-world-2026-dt-viet-nam-thang-dt-philippines-2-0-a21774.html