Người thầy giáo về hưu tâm huyết với mô hình kinh tế tổng hợp

  Sau khi nghỉ hưu và được Ủy ban nhân dân xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa giao cho thuê 9 ha đất rừng nghèo, vợ chồng thầy giáo Trần Tấn Phương mới bắt đầu xác định hướng xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn rừng tổng hợp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu vợ chồng thầy đã phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đề có thêm thu nhập, làm tiền đề xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp bền vững.

1-nguoi-thay-1700474647.jpg
 

          Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa phát động, tổ chức thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực. Thầy giáo về hưu Trần Tấn Phương, đã 75 tuổi, nguyên Huyện ủy viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa, là một trong những đảng viên tiêu biểu, đi đầu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực bằng việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” xây dựng trang trạng kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập cao cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuổi cao nên chí càng cao

          Vừa hướng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng mô hình trang trại tổng hợp của gia đình, thầy giáo về hưu, đảng viên gần 30 năm tuổi Đảng Trần Tấn Phương, ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa vừa say sưa kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian đầu gia đình thầy mới bắt đầu khởi nghiệp với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của mình.

          Sau gần 40 năm của quãng đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người” hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do ngành giáo dục và đào tạo giao cho, cách đây gần 20 năm, thầy giáo Trần Tấn Phương đã được Nhà nước cho về nghỉ chế độ hưu trí. Thông thường, đối với nhiều khác cùng lứa tuổi với thầy, về nghỉ hưu là thời gian để họ được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già sau suốt cả một cuộc đời lao động, công tác và cống hiến. Nhưng với vợ chồng thầy giáo Trần Tấn Phương thì lại khác. Thời gian được về nghỉ hưu cũng chính là thời gian để họ bắt đầu khởi nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình.

          Vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Phú, một thôn vùng bán sơn địa thuộc diện khó khăn nhất nhì của xã Đồng Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, do nằm cách biệt ở phía bên kia bờ sông Gianh, chưa có cầu đề đi lại, nhưng diện tích đất rừng, đất canh tác còn nhiều, cho nên từ lâu thầy Trần Tấn Phương đã luôn đau đáu nghĩ đến việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại để cải thiện thu nhập cho gia đình cũng như tạo thêm việc làm cho các lao động nghèo trong vùng. Nhưng với cương vị Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa, lúc còn công tác, thầy không thể có được nhiều quỹ thời gian để thực hiện ước mơ của mình.

01-nguoi-thay-1700478377.jpg

Rừng trầm gió gần 20 năm tuổi của gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương

 

          Sau khi nghỉ hưu và được Ủy ban nhân dân xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa giao cho thuê 9 ha đất rừng nghèo, vợ chồng thầy giáo Trần Tấn Phương mới bắt đầu xác định hướng xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn rừng tổng hợp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu vợ chồng thầy đã phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đề có thêm thu nhập, làm tiền đề xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp bền vững. Vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm, mặc dù tuổi đã khá cao, nhưng vợ chồng thầy Phương vẫn kiên trì và quyết tâm cải tạo lại toàn bộ diện tích đất rừng được giao, tự mở các tuyến đường nhỏ chạy quanh tất cả các diện tích đất để bắt đầu cho công việc trồng cây trầm gió sau này.

          Vừa cải tại khu đất rừng, trồng cây trầm gió từ những năm 2000, đến nay, mô hình kinh tế của thầy giáo Trần Tấn Phương đã có gần 7 ha cây trầm gió, với 3.200 cây loại gần 20 tuổi. Mặc dù thầy hết sức khiêm tốn, không kể ra cụ thể, nhưng nhiều người dân trong vùng cho biết, khu rừng trầm gió của gia đình thầy được giới doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này định giá khoảng trên 10 tỷ đồng. Nếu thực sự đúng như những thông tin mà người dân ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa cho biết, thì đây một trong những mô hình kinh tế có giá trị lớn nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện nay.

          Ngoài cây trầm gió, hiện nay mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình thầy Phương còn chăn nuôi từ 5-7 con bò, khoảng 200 con lợn rừng, trên 200 con gà thả vườn, thả nuôi 300 con cá lăng và đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống lò nấu, bề ngâm để sản xuất rượu ngâm chuối rừng cung cấp cho thị trường. Hiện nay, sản phẩm “Rượu chuối rừng Đồng Hóa” của gia đình thầy đang hoàn chỉnh các loại hồ sơ, thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP của huyện Tuyên Hóa.

Mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu

          Không chỉ xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với quy mô rất lớn, đưa lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm thời vụ cho từ 5 – 7 lao động trên địa bàn, mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả này của gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương còn được Ban Dân vận Huyện ủy Tuyên Hóa hướng dẫn xây dựng thành mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế, được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận, đánh giá cao.

02-nguoi-thay-1700478607.jpgĐại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đang tìm hiểu, trao đổi về mô hình “Dân vận khéo” của thầy giáo Trần Tấn Phương
 

 

          Điểm nổi bật đầu tiên trong việc xây dựng “Dân vận khéo” kinh tế kinh tế tổng hợp của gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương trở thành mô hình tiêu biểu của huyện Tuyên Hóa, đó là việc Ban Dân vận Huyện ủy, các ngành chức năng của huyện Tuyên Hóa, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Hội Nông dân xã Đồng Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể “khéo” tuyên truyền, vận động, tác động và có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ để gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương xác định, lựa chọn hướng phát triển mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Việc xác định hướng đi của mô hình kinh tế (nuôi con gì, trồng cây gì, việc thực hiện các phương pháp, giải pháp bảo phòng, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, việc tư vấn, hướng dẫn tìm đầu ra cho các sản phẩm,…) ngoài sự nỗ lực của chính gia đình chủ nhận, còn có sự hướng dẫn, tư vấn sát sao, thường xuyên và hiệu quả của các cấp, các ngành trên địa bàn xã Đồng Hóa nói riêng và ở huyện Tuyên Hóa nói chung…

          Một trong những giải pháp tiêu biểu, hiệu quả rõ nét mà các ngành chức năng của xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023 là đã tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn để gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm “Rượu chuối rừng Đồng Hóa” là sản phẩm OCOP của huyện Tuyên Hóa.

          Ngoài ra, việc vợ chồng thầy giáo Trần Tấn Phương chủ trì và vận động, đứng ra thành lập Hợp tác xã Sản xuất, dịch vụ nông - Lâm nghiệp Hương Rừng Vĩnh Lợi, đóng tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, đến nay có 07 thành viên tham gia, hằng năm mang lại thu nhập khá và tại thêm nhiều việc làm cho các lao động nhàn rỗi trong vùng… cũng chính là cách “Dân vận khéo” hết sức hiệu quả mà thầy giáo Trần Tấn Phương đã thực hiện không ngừng nghỉ và hết sức tâm huyết trong thời gian qua…

 

Thầy giáo Trần Tấn Phương (thứ 6 từ phải sang) được khen thưởng thành tích phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023 của huyện Tuyên Hóa

          Với những kết quả nổi bật đã đạt được trong việc xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp  và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu giai đoạn 2021-2023, vừa qua tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và sơ kết 03 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Huyện ủy Tuyên Hóa tổ chức, mô hình “Dân vận khéo” xây dựng trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình thầy giáo Trần Tấn Phương đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa công nhận và khen thưởng là mô hình tiêu biểu trên địa bàn huyện.

          Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023), với tư cách là một cán bộ trực tiếp tham mưu công tác dân vận của Đảng, người viết xin kính chúc thầy giáo về hưu Trần Tấn Phương dồi dào sức khỏe, để tiếp tục tâm huyết, gắn bó và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình, cũng như làm lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương Tuyên Hóa ngày càng khởi sắc…

 

 

 

 

 

Trương Văn Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-thay-giao-ve-huu-tam-huyet-voi-mo-hinh-kinh-te-tong-hop-a21834.html