Nâng cao hiệu quả quản lý thực hành  tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh*

Trong cuộc trao đổi, tọa đàm ngày hôm nay, chúng tôi trao đổi 3 vấn đề chính:  1. Thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh; 2. Một số tồn tại hạn chế trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh; 3. Định hướng quản lý thực hành tín ngưỡng trong thời gian tới.

1-1700539067. Nguyen Van Dap
 

Bắc Ninh được coi là một trong những nôi hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Nhiều truyền thuyết về tín ngưỡng thờ mẫu xuất hiện sớm như: truyền thuyết thờ mẫu Man Nương ở vùng Dâu, truyền thuyết mẫu Âu Cơ vùng đất Thuận Thành, truyền thuyết Bà chúa Kho... từ các truyền thuyết cụ thể góp phần hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Những vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là hiện thân của các nhân vật có thật trong lịch sử, những vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong giai đoạn hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh.

Với hình thành và phát triển của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là kết quả của quá trình phát triển nội sinh và ngoại sinh. Nhân tố bản địa nội sinh ở đây chính là từ tục thờ Nữ thần có từ xa xưa thời nguyên thuỷ, mà Mẹ Âu Cơ là một biểu trưng tiêu biểu của cư dân nông nghiệp. Rồi các vị Tiên Thiên Thánh mẫu: Bà Tồ Cô (Phật Tích, Tiên Du); bà Đổng Mẫu (Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); mẫu Tam Phủ (Nguyệt Bàn, Gia Bình); Thánh mẫu Liễu Hạnh (Mẫu nghi thiên hạ) được thờ ở các đền, phủ hoặc các chùa; các nữ thần nông nghiệp ở vùng Dâu (Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) gồm Thánh mẫu Man Nương, Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hóa thân thành các bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn, bà Tướng); bà chúa Dâu Tằm (vùng Yên Phong), bà Chúa Kho (Cổ Mễ, Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); các thần mẫu hóa thân thành con gái các vua Hùng như Thánh Tiên - Ngọc Dung (bà chúa Giếng ở Diềm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh)…;

Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ sản sinh ra hình thức Lên đồng độc đáo, một hình thức diễn xướng nghi lễ, mà ở đó kết hợp hài hoà các yếu tố diễn xướng của các thanh đồng với âm nhạc, múa, hát, ánh sáng, màu sắc... tạo nên không gian tâm linh huyền ảo, mê hoặc, lôi cuốn con người

Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESSCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã dành sự quan tâm cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Trong cuộc trao đổi, tọa đàm ngày hôm nay, chúng tôi trao đổi 3 vấn đề chính:  1. Thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh; 2. Một số tồn tại hạn chế trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh; 3. Định hướng quản lý thực hành tín ngưỡng trong thời gian tới.

1. Thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là địa phương đánh giá là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn, năm 2022, trên toàn tỉnh có 720 di tích thờ Mẫu, trong đó có 598 ban thờ Mẫu trong chùa; 84 ngôi đền, miếu của cộng đồng; 423 am, điện, ban… thờ Mẫu trong các tư gia. Gắn liền với các di tích thờ Mẫu là trên 200 lễ hội với nhiều nghi thức đặc sắc. Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.  Các nghi lễ gắn với thờ Mẫu chủ yếu là nghi lễ hầu đồng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 1.153 buổi hầu đồng điều đó chứng tỏ việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tâm linh của dân Bắc Ninh. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của tỉnh Bắc Ninh ở một số mặt:

(1) Tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò xây dựng, củng cố và tạo ra sự gắn kết thành viên trong cộng đồng:

Từ những kết quả khảo sát thực tế, có thể khẳng định vai trò của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống cộng đồng người dân Bắc Ninh hiện nay: nơi con người tìm kiếm an toàn sức khoẻ, chữa bệnh; an toàn sinh kế, vận may trong làm ăn buôn bán; hoá giải căn số, tìm kiếm an toàn giới, bản sắc, giới tính; điểm tựa tinh thần trong đời sống hiện thực, tìm kiếm an toàn hiện sinh nơi thế giới bên kia.  

(2) Tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò trong việc bảo tồn lưu giữ các nghi thức truyền thống:

Từ việc khảo sát thực trạng của tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã cho thấy vai trò của phần “lễ” và phần “hội” trong xã hội ngày nay là rất to lớn. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh tập trung vào các hoạt động thờ cúng, tế lễ trong dịp lễ hội gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hát chầu văn hoặc hầu đồng. Các vị thần hiện lên qua sự nhập vai của các thanh đồng với xiêm y, vũ đạo, âm nhạc, lời ca phong phú sắc màu, khắc họa cuộc đời, công lao của các vị thần. Vai trò nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân ở Bắc Ninh thể hiện qua những bài chầu văn, câu chuyện lịch sử lồng vào những điệu múa, lời ca, trang phục, cách thức bài trí đền đài.

(3) Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, là chỗ dựa tâm linh cho một bộ phận dân cư, phản ánh tình cảm, sự ngưỡng mộ về vai trò của con người:

  Tin rằng các Thánh Mẫu có sự yêu thương, che chở và bảo vệ, phù hộ cho những đứa con của mình tránh được những bất trắc, rủi ro trong cuộc sống, người ta tìm thấy được sự cân bằng trong tâm hồn của mình sau những bộn bề của cuộc sống thường nhật.

(4) Tín ngưỡng thờ Mẫu có chức năng giáo dục đạo đức, định hướng cho thế hệ trẻ một nhân cách sống cao đẹp.

Xuất phát từ điểm này mà tín đồ đến với những cơ sở thờ Mẫu sẽ luôn nhớ và tự hào về những công lao, sự cống hiến của những vị thần đã “sống khôn, thác thiêng”, cho đến những nhân vật đã được lịch sử hóa, tín ngưỡng hóa.

2. Một số tồn tại hạn chế trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh

          Qua thực hiện quản lý về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có một số tồn tại hạn chế như:

          - Hiện nay, tại Bắc Ninh xuất hiện một số cá nhân coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân, tức là “thương mại hoá” di sản, làm sai lệch giá trị Chân - Thiện - Mỹ của di sản.

- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có chiều hướng khó kiểm soát  cá biệt do thiếu hiểu biết một số người, trong đó có cả thanh đồng Đạo Mẫu đã tự biến một số đền, miếu, am thờ và những thiết chế thờ các vị nhân thần - anh hùng dân tộc có công với dân với nước thành thờ Tứ phủ. Điều nguy hiểm là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không được diễn ra tại không gian văn hoá linh thiêng vốn gắn chặt với Đạo Mẫu. Mặt khác còn góp phần làm sai lệch bản chất cũng như giá trị văn hoá của các tín ngưỡng tôn giáo khác. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng quyền văn hoá theo quy định của Hiến pháp và phát luật của Nhà nước, trái với tinh thần Công ước 2003 của UNESCO. Tiêu biểu trong thời gian qua xuất hiện tại đền Vân Mẫu, phường Vân Dương. Năm 2018, một số cá nhân tự ý đưa tượng Tam phủ vào đền thờ Đức thánh Mẫu của thánh Tam Giang. Quá trình đưa hiện vật, bổ sung nhân vật thờ vào đền khong được cơ quan chức năng cho phép, không có sự thống nhất của địa phương. Việc làm gây bức xúc dư luận, buộc cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xử lý. Toàn bộ các bức tượng thờ Tam phủ đều phải di chuyển về Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để lưu giữ.

- Xuất hiện tình trạng một số tổ chức phi chính phủ cũng lợi dụng việc xã hội hoá các hoạt động bảo tồn DSVHPVT, tổ chức diễn đàn trao tặng các “danh hiệu”, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ không đúng chức năng để huy động nguồn lực, kể cả kinh phí từ các bản hội và các thanh đồng gây rối loạn, bức xúc và hiểu lầm lớn trong cộng đồng.

 - Có một người thực hành một buổi hầu đồng lên đến hàng trăm triệu với số lượng vàng mã lớn gây lãng phí, tốn kém... Bên cạnh đó, chưa có những quy chuẩn cho giới trẻ thực hành tín ngưỡng dẫn đến tình trạng không nắm được các tiến trình, không đư ợc rèn luyện một cách bài bản, làm sai lệch nhiều lời bài hát, vần điệu, đưa cả âm nhạc hiện đại vào hát văn, mục đích là hiện đại hóa để thu hút giới trẻ làm mất đi nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh cộng đồng.

- Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng để xem bói, phán truyền, hay cũng chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học gây bức xúc đối với xã hội và ảnh hưởng tới nhân dân. Những hành vi trên đã vi phạm pháp luật. Thực trạng một số người dân sinh hoạt tín ngưỡng với số lượng ngày lớn, đã dẫn tới ảnh hưởng công việc làm ăn, hạnh phúc gia đình.

- Một số nghi lễ, kiêng kỵ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh do những biến đổi về nhận thức đã có sự thay đổi làm ảnh hưởng tới phần nào giá trị, nhận thức của nhân dân về giá trị di sản.

toa-dam1-1700539770.jpg
 

3. Định hướng quản lý thực hành tín ngưỡng trong thời gian tới

Từ thực trạng bất cập trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong thời gian tới các cấp ngành cần quan tâm nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

- Ban hành văn bản quy phạm về Quản lý phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh cho phù hợp với điều kiện của tỉnh

Việc quản lý hoạt động sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng đã được quy định tại Luật tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016. Trong đó đã quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Ngoài ra, còn có các nghị định hướng dẫn cụ thể quá tình thực thi Luật. Ngoài ra, Luật Di sản văn hóa cũng quan tâm điều chỉnh về bảo vệ di tích, về di sản văn hóa phi vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, để việc thực hành tín ngưỡng đảm bảo phù hợp với thực tế cần nghiên cứu ban hành quy định ứng xử thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích; quy định trách nhiệm của các thanh đồng, nghệ nhân trong việc quản lý di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. Những quy định cụ thể giúp cho các địa phương, cơ quan chuyên môn và người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nắm được quyền và những trách nhiệm của bản thân trong thực hành tín ngưỡng.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý tín ngưỡng tôn giáo của tỉnh Bắc Ninh đáp ứng nhu cầu quản lý trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu: Hiện nay, cơ quan chuyên theo dõi các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu là Ban Tôn giáo tỉnh thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh và các Phòng Nội vụ của các huyện thị xã, thành phố. Tuy nhiên số lượng biên chế, người làm công tác chuyên môn ít, quản lý lĩnh vực rất rộng. Do đó việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu đôi khi chưa nắm bắt được những hoạt động chưa phù hợp. Trên cơ sở thực trạng bộ máy, cần thiết có sự bổ sung nhân lực nhất là nhân lực cấp Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố với những cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng để nắm bắt, quản lý các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cấp ngành trong quản lý, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu như: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội Vụ, Công an các địa để bảo vệ và xử lý những tình huống phát sinh trong thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Nghiên cứu xây dựng chương trình hành động về bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Theo quy định của UNESCO các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau khi được vinh danh các địa phương cần xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện nay, một số địa phương đã xây dựng chương trình hành động như: Nam Định, Hà Nam, Hà Nội… Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh chưa thực hiện. Đề xuất chương trình hành động thực hiện giai đoạn 2024 -2030 tập trung vào các nội dung bao gồm:

 Do đó UBND tỉnh xem xét ban hành chương trình hành động bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người việt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nội dung chương trình quan tâm công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản thông qua các cuộc thống kê, kiểm kê di tích theo định kỳ. Những di tích có giá trị cần được lập Hồ sơ xếp hạng để bảo vệ và phát huy giá trị như: Di tích đền Cùng, Giếng Ngọc; di tích đền Chợ Con phường Ninh Xá, di tích đền Cô Bơ, phường Vạn An, di tích đền cùng Giếng Ngọc… để lập Hồ sơ xếp hạng.

-  Phát huy vai trò các nghệ nhân tín ngưỡng thờ Mẫu

Những nghệ nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu là người nắm giữ những tư liệu, những kỹ năng, bí quyết của di sản. Họ chính là người có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong những năm vừa qua, tỉnh Bắc Ninh có một số chính sách gắn với nghệ nhân trong đó có lĩnh vực về tín ngưỡng thờ Mẫu. Thực hiện Quyết định số 40/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện bình xét cho 02 nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng thờ Mẫu gồm: Nghệ nhân Trần Thị The và Nghệ nhân Nguyễn Duy Tuấn. Các nghệ nhân được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng bằng mức lương cơ sở. Cho phép thành lập các Hội thanh đồng để tập hợp những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Những hội là nơi đoàn kết các thanh đồng trong định hướng chung về bảo vệ tín ngưỡng. Các hội cũng tuyên truyền về những quy định của Đảng, Pháp luật của nhà nước về di sản văn hóa cũng như quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nghệ nhân Trần Thị The 

Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Kiên quyết xử lý cá nhân vi phạm theo văn bản quản lý số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 19/7/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Sở VHTT/VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để chấn chỉnh hoạt động Lên đồng. Những cá nhân vị phạm cần được xử lý nghiêm để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hoạt động lành mạnh phát huy vai trò trong đời sống đương đại.

________________

*Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

*Tham luận tại tọa đàm Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn huyện Lương Tài”

 

 

Ts. Nguyễn Văn Đáp*

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-tren-dia-ban-tinh-bac-ninh-a21843.html