Xứ chè Long Cốc

Đến xứ chè Tân Sơn, ta thấy vẻ đẹp của những đồi chè ở Long Cốc quả là một vẻ hoàn mỹ của tự nhiên ban tặng cùng đôi bàn tay cần cù, khéo léo của người dân bản địa vùng đất Tổ mà làm thành. Cái không gian xanh mát của hàng trăm đồi chè san sát như bát úp cứ nhấp nhô, nối tiếp nhau cùng các lối nhỏ ngang dọc trên các luống chè để tạo thành những lát cắt xinh xắn đầy quyến rũ như thể những lời mời gọi khiến người ta khó cưỡng.

nhung-doi-che-trap-trung-o-long-coc-tua-nhu-nhung-hoa-tay-khong-lo-cua-tao-hoa-1700582335.JPGNhững đồi chè trập trùng ở Long Cốc tựa như những hoa tay khổng lồ của tạo hóa

                              

Một ngày đầu đông, những tia nắng mơ màng, dịu êm thả mình nhẹ nhàng trên những ô cửa của những ngôi nhà mái ngói thâm nâu trên phố với muôn sợi vàng tơ mong manh giữa tiết trời đã bắt đầu se lạnh nhưng còn vương vấn mùa thu bởi heo may vẫn thấp thoáng như thể đang chần chừ chưa muốn dời đi hẳn khiến cho đất trời trở nên trầm mặc bâng khuâng nhưng cũng không kém phần kiêu sa, quyến rũ khiến cho lòng người không khỏi thổn thức, chộn rộn mà lâng lâng, xao xuyến. Cái khí trời như thế bỗng làm ta rạo rực nhớ về xứ Mường chốn đất Tổ với những ốc đảo trập trùng xanh biếc hương chè, bồng bềnh trong sương mây và rồi không khỏi thôi thúc, giục giã đôi bàn chân ngồi yên một chỗ. Phải bước ra khỏi nhà, xách ba lô lên và đi… Nhanh nhanh, kẻo mùa đi không trở lại.

Gác lại những bộn bề của công việc, rủ thêm mấy đồng nghiệp cùng đi, chúng tôi dành một ngày cuối tuần để đến vãng cảnh Long Cốc, đất Mường ở huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ. Chẳng là, trước đó tôi được nghe mấy ông bạn phượt bảo rằng chỗ đó có những đồi chè trập trùng nối đuôi nhau đẹp mê hồn, tựa chốn bồng lai tiên cảnh và được ví von như vịnh Hạ Long của vùng trung du nên rất náo nức. Cả đêm lục đục tìm kiếm thông tin đường đi, nạp pin và xem lại máy ảnh, nghe ngóng thời tiết …; sáng sớm, í ới gọi nhau, rồi theo đại lộ Thăng Long, mấy anh em nhanh chóng đi qua vùng núi Tổ Ba Vì, vượt cầu Đồng Quang bắc qua sông Đà, cắt ngang Thanh Thủy, Thanh Sơn bỏ lại sau lưng những phố với phường cùng bao ồn ào, bùi bặm để tiến về Long Cốc. Khi xe đi qua điểm cuối của tuyến đường cao tốc, đi hết đất Thạch Thất và chạy trên đất Ba Vì, qua cửa kính của xe ô tô, chúng tôi thấy hiện dần ra trước mắt một không gian bao la yên tĩnh với những cỏ cây mướt mát cùng với dòng nước trong xanh của mùa thu để lại trên các con suối và dòng sông. Một cảm giác thanh bình và trong lành của bầu sinh thái vùng bán sơn địa chợt dâng lên trong lòng làm cho ai nấy khoan khoái, thích thú. Chẳng ai nói ra nhưng dường như ai đấy đều quá chán ngán với những cái ngột ngạt của nhà kính, của đường tắc, của khí trời ô nhiễm, của âm thanh hỗn tạp … nên thoáng thấy cái an lành của đất trời bỗng trở nên hân hoan và thèm khát. Thì ra, ở những nơi có dãy nhà chọc trời, trên những con phố lấp lánh ánh điện, dập dìu tàu xe … người ta vẫn đói khát. Đó là cái đói khát dưỡng khí trong lành. Bởi thế bảo sao người ta cứ thích kéo nhau lên rừng, xuống biển; tìm về những chỗ đồi xanh, núi tĩnh, hồ trong … để bổ sung dưỡng khí mà hồi sinh, bảo dưỡng, thanh lọc cho thân tâm. Cứ thế, mải mê trong những nghĩ suy về việc tìm kiếm sự thư thái, an lạc cho tâm hồn và bổ sung nguồn dưỡng chất tinh khiết cho tâm hồn mà xe đi vào xứ chè đất Mường lúc nào chẳng rõ.

            Những ngày chớm Đông, tiết trời giao mùa ở xứ chè hiện lên đẹp như cổ tích khiến cho Long Cốc lúc nào cũng như mời gọi và hút hồn người xem. Men theo những con đường nhỏ mà hơi sương còn đẫm trên những đám cỏ, uốn lượn bên xuống bên sườn đồi, chạy vòng vèo từ quả đồi này vắt sang quả đồi kia hoặc quấn quanh từ chân đồi theo hình trôn ốc để dẫn lên đỉnh đồi cao nhất làm cho chúng tôi không khỏi thích thú và ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Bát ngát trong tầm mắt là cả một vùng không gian mênh mông nhấp nhô đồi biếc san sát bên nhau như những chiếc bát khổng lồ úp trên mặt đất và xen kẽ dưới chân đồi là những ruộng lúa đã thu hoạch chỉ còn xâm xấp nước trên bề mặt với các gốc rạ đang nảy mầm xanh hiện lên trong màn sương huyền ảo cùng với những dải mây bàng bạc bồng bềnh khi thì ngang lưng đồi như những làn khói tản khi thì luồn xuống thung sâu quấn trên những vạt chè xanh non phía dưới chân đồi xa tít tạo thành một bức tranh vô cùng thích thú bởi những nét hoang sơ, huyền ảo kỳ diệu của đất trời.

          Người ta bảo những đồi chè ở Long Cốc đẹp nhất trong tiết trời khi cuối thu đầu đông. Khi ấy cái lạnh tràn về nhưng không giá buốt mà chỉ se se vừa đủ cho trai gái sát lại gần nhau trong một vòng tay ấm, cái nắng vẫn còn nhưng không gắt gỏng, chói chang mà lung linh, sóng sánh tơ vàng phản chiếu muôn giọt long lanh của đêm thu để lại còn li ti tựa như hơi sương trên những búp chè khiến cho cảnh sắc xứ Mường đất Tổ trở nên tinh khôi và tràn trề nhựa sống. Dường như trong những ngày này ở Long Cốc có cả vẻ đẹp của tụ hội của bốn mùa xuân hạ thu đông. Buổi sớm, khi ánh bình minh nhô trên đỉnh đồi, khí trời vẫn còn lành lạnh, hơi sương là là bay và vương trên muôn lá chè xanh làm cho đất trời ẩm ướt cứ như mơ như thực. Ấy là tiết trời khi đông qua xuân về. Gần đến giữa trưa, nhưng hôm không bị sương mù, muôn ngàn tia nắng vàng tươi như rót mật dải xuống những nương chè làm cho mênh mông xứ Mường long lanh một màu xanh ngọc bích. Những tia nắng càng trưa càng ấm lên và xua tan cái lạnh khiến cho toàn bộ khung cảnh đồi chè Long Cốc không còn mờ ảo dưới tầng mây mà bừng lên cái sắc trời ửng hồng, giữa bốn bề vô cùng thanh bình, yên tĩnh. Đó là một sớm mùa hè đầy sảng khoái. Khi quá ngọ sang chiều, ốc đảo Long Cốc mơ màng trong tiết trời mùa thu. Cả không gian bồng bềnh mây trắng, nhìn xa xa tựa như những làn sương mờ ảo bị quấy rối bởi những tia nắng xiên chéo đang len lỏi xuống những luống chè xanh mát mắt tạo thành sắc màu mơ phai vô vàn quyến rũ trong cái lạnh se se chuẩn bị đón màn đêm buông xuống mịt mùng. Đến cuối ngày, chuẩn bị bước vào đêm tối, sương vờn mây bay trên những vòng cung đang trải ra khắp mênh mang một màu xanh bát ngát cùng với vầng sáng yếu ớt cuối ngày như đang chuẩn bị lẩn khuất xuống sau đồi đã làm thành một khung hình vô cùng diệu ảo. Càng lùi về tối, trời càng lạnh hơn nhưng không giá buốt. Dường như đây là thời điểm ngắn ngủi nhưng đẹp nhất trong ngày đối với những người thích xê dịch và mê ảnh. Ở Long Cốc, đợi chờ ánh hoàng hôn rơi xuống những nương chè cũng là cơ hội duy nhất và cuối cùng trong ngày cho những tay may mê ảnh để sau đó mọi vật đều giã từ ánh sáng ban ngày và đi vào màn đêm tĩnh mịch với cái lạnh êm ái của buổi đầu đông khiến cho những đồi chè mang một vẻ đẹp rất nên thơ và cũng rất trữ tình.

tac-gia-ngoi-ngam-nhung-doi-che-o-long-coc-1700582394.JPGTác giả ngồi ngắm những đồi chè ở Long Cốc
 

          Đến xứ chè đất Mường, muốn thu vào tầm mắt muôn trùng nước non của Long Cốc người ta đưa nhau lên đỉnh cao nhất trên đồi Bông để được mãn nhãn với những ốc đảo hàng trăm ngọn trập trùng, xanh biếc chè tươi đang tầng tầng lớp lớp san sát bên nhau nhấp nhô, uốn lượn như triều dâng, sóng cuộn. Từ trên đồi cao thả buông đôi mắt xuống ngắm nhìn người ta dễ dàng trông thấy những luống chè xanh mướt, ngay ngắn, tăm tắp như những đường vân tay trên mỗi quả đồi mà mê mẩn. Giữa bao la đất trời, cái màu xanh ngút ngàn ấy dường như đang cộng hưởng với những quầng sáng diệu kỳ của mặt trời lấp ló hay tà dương sắp tàn và sương bay bảng lảng khiến cho Long Cốc hiện ra như bức họa đồ khổng lồ, đẹp đến mê hồn. Thực sự, ốc đảo đã đem lại cho mắt nhìn một bữa tiệc thị giác thật khó quên trong cái lạnh đặc trưng của miền Trung du “rừng cọ đồi chè”; làm người ta ngỡ ngàng như đang lạc bước giữa miền cổ tích hay chốn bồng lai ở miền nhân gian.

          Mọi khoảnh khắc trên những đồi chè ở Long Cốc đều rất đẹp, đẹp cả bốn mùa, đẹp từ những cung đường đất quanh co còn rất hoang sơ cho đến cảnh sắc mây trời phiêu ru, huyền ảo. Người ta bảo Long Cốc là hang ổ của những con rồng. Phải chăng nhìn hàng trăm quả đồi lớn nhỏ như một tấm thảm màu xanh giữa đất trời thanh an, tươi mát mà người ta đã liên tưởng đến nhưng con rồng đang cuộn mình uốn lượn mà đặt tên là Long Cốc? Nếu đúng thế thì Long Cốc đâu phải chỉ có đẹp, có thể cái thế đất rồng cuộn ấy còn là một huyệt đạo tâm linh của xứ Mường trên miền đất của các vua Hùng đang dần hiển lộ? Ngược dòng thời gian trở lại những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Long Cốc đâu có như bây giờ. Tấm thảm xanh biếc tràn trề nhựa sống kia của Long Cốc chỉ là những đồi nứa, nương sắn. Phải cho đến những năm cuối của thế kỷ hai mươi Công ty chè Phú Đa được thành lập rồi lại một thập kỷ rưỡi nữa, đến năm 2015, khi Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc ra đời và khẳng định được thương hiệu thì người ta mới kéo nhau đến và phát hiện ra một Hạ Long trên cạn. Và thế là Long Cốc được người dân khắp nơi biết đến và kéo về chiêm ngưỡng, sống ảo, nhất là giới trẻ. Cứ thế ốc đảo chè Long Cốc trở thành một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời từ lúc nào chẳng rõ. Ấn tượng hơn, khi bức ảnh “Miền trung du thức giấc” của nhiếp ảnh gia Bùi Việt Đức chụp cảnh đồi chè Long Cốc khi buổi sớm đạt giải Bạc trong cuộc thi ảnh quốc tế First Half of 2021 thì giới nhiếp ảnh thi nhau về Long Cốc để chụp ảnh và cùng nam thanh nữ tú “sống ảo” như thể đang ở thiên đường trên mặt đất là có thật. Thế đấy, Long Cốc ngày càng được nhiều người biết đến và thích thú, rồi trở đi trở lại như bị nghiện. Và rồi, cái vẻ đẹp huyền diệu và dưỡng khí trong lành của ốc đảo chè Long Cốc được dân phượt và giới nhiếp ảnh phong tặng cho cái danh hiệu “Đệ nhất đồi chè”. Chẳng những thế, họ còn truyền tai nhau rằng: nếu cảnh đẹp của những đồi chè Long Cốc xếp hạng thứ hai thì ở Việt Nam sẽ không có đồi chè nào xếp hàng thứ nhất.

          Chợt nhớ, có thời, khi sự cố Formosa xả thải nhiễm độc làm cá chết nổi trắng biển miền Trung, cướp đi nghề cá của dân đi biển đồng thời cũng làm mất một miền du lịch hấp dẫn khi hè về khiến người ta phát hiện ra những đảo chè Thanh An ở Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Nhờ flycam người ta nhìn thấy khoảng trên dưới bốn mươi đảo chè lớn nhỏ đẹp như tranh vẽ giữa hồ nước mênh mông, rồi họ tung lên mạng làm người ta ngây ngất và nô nức kéo về. Nếu chỉ có thế thì bõ bèn gì với những ốc đảo ở Long Cốc. Không tính đến cảnh sắc, chỉ tính số lượng đồi chè thôi thì cũng nhiều gấp bội. Rồi nữa người ta còn so sánh những đồi chè ở đây với Sa Pa, Đà Lạt hay Mộc Châu, Thái Nguyên để rồi tự rút ra rằng. Đồi chè ở Đà Lạt, Sa Pa đẹp mơ màng trong sương giăng phố núi. Đồi chè ở Mộc Châu, Thái Nguyên nức tiếng với những luống chè tươi non, mướt mát của màu lục bảo tựa như những vòng hoa tay của tạo hóa. Như thế mỗi nơi một vẻ. Còn những đồi chè ở Long Cốc lại hội tụ và sở hữu cả hai thế mạnh của từng nơi. Bởi thế những đồi chè ở Long Cốc mùa nào cũng đẹp. Đất trời thoáng đãng, không khí trong lành lại yên tĩnh, không ồn ào bởi những tiếng còi xe, không bị bụi mờ che phủ, không có những công trình nhân tạo che mất cảnh quan. Cho nên bảo sao những đồi chè Long Cốc cứ hút hồn những trai thanh nữ tú, nhất là vào dịp cuối tuần thanh niên nô nức đưa nhau đến đây để check in hòng lưu giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

          Vẻ đẹp của đất chè Long Cốc không chỉ có sắc màu sinh thái mà còn là tinh hoa của trà ngon thượng hạng. Có lẽ ngoài đôi bàn tay cần cù chịu khó trên những lưng đồi hôm sớm, cây chè ở Long Cốc vốn là những cây chè Bát Tiên (dùng để sản xuất trà Ô Long) có gốc từ Đài Loan được du nhập về đất Mường và sớm hợp thổ nhưỡng nên đã phát triển mạnh mẽ để làm thành thương hiệu cho danh trà đất Tổ. Dường như cây chè ở Long Cốc hấp thụ được tất cả những tinh túy của trời đất nên khi pha nước vào trà có sắc nước trong xanh sóng sánh của màu cốm mới mùa thu; có hương thơm mà chẳng cần tẩm ướp; có đủ cả ba vị đắng, chát, ngọt nhưng uống vào không quá chát, quá đắng mà chỉ còn thanh mát, ngọt ngào vương vấn nơi yết hầu mà làm cho tinh thần trở nên sảng khoái, nhẹ nhõm thân tâm. Cái chất chè như thế không thể làm người ta không mơ ước đến một ngày nào đó danh chè Long Cốc được sánh ngang với những vùng đất chè nổi tiếng của Đài Loan, Trung quốc hay Sri Lanka ... Khi ấy viên ngọc thô Long Cốc đâu chỉ còn còn là những bức ảnh huyền ảo đầy quyến rũ? Hy vong và ước mơ như thế để rồi mai đây xứ chè đất Mường sẽ tề danh cùng với những thắng cảnh chè hảo hạng mang tầm quốc tế xứng tầm với lịch sử ngàn năm nơi đất Tổ của các vua Hùng.

          Đến xứ chè Tân Sơn, ta thấy vẻ đẹp của những đồi chè ở Long Cốc quả là một vẻ hoàn mỹ của tự nhiên ban tặng cùng đôi bàn tay cần cù, khéo léo của người dân bản địa vùng đất Tổ mà làm thành. Cái không gian xanh mát của hàng trăm đồi chè san sát như bát úp cứ nhấp nhô, nối tiếp nhau cùng các lối nhỏ ngang dọc trên các luống chè để tạo thành những lát cắt xinh xắn đầy quyến rũ như thể những lời mời gọi khiến người ta khó cưỡng. Hơn những thế, ẩn hiện nơi xa xa, thấp thoáng những bóng sơn nữ đeo gùi hái chè vào buổi sớm mai trên những triền đồi trong màn sương mờ ảo tạo thành một khung hình đầy thơ mộng trong ánh mắt càng làm mê mẩn người lãng khách. Long Cốc như thế bảo sao không gây thương nhớ. Thế thôi, cũng đủ để khắc sâu một nỗi nhớ miên man về vùng quê chè đất Tổ.

du-khach-thich-thu-voi-nhung-trai-nghiem-tren-nhung-doi-che-o-long-coc-1700582453.JPGDu khách thích thú với những trải nghiệm trên những đồi chè ở Long Cốc
 

 

*Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

 

 

 

 

 

 

Phan Anh*

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xu-che-long-coc-a21857.html