Tản mạn về công cụ thay cho đôi chân

Chiếc xe đạp cà tàng ấy gắn bó suốt quãng đời sinh viên của tôi và tung tăng khắp Hà thành với những bao sách chất nặng. Có lần chở người yêu đi chơi (bà lão nhà tôi bây giờ), đến Cầu Giấy - thuở ấy còn dốc lắm; tôi hỏi đùa người yêu: Dốc này là dốc gì nhỉ? Bà lão nhà tôi trả lời: Dốc cố lên anh! (câu nói cửa miệng của sinh viên khi đi qua nơi đây). Ấy, nhưng định cố thì xe tuột xích – có lẽ nó thương cậu chủ gầy gò tong teo thì phải… Lắp xong xích, thì dắt cho vui vậy!

xe-dap-1700665930.jpg
 

      Thời xưa, khi mà khoa học chưa phát triển; các công cụ để giải phóng sức lao động chỉ là niềm mơ ước, hầu hết người Việt chúng ta phải sử dụng đôi chân - gọi là “xe căng hải” để đi khắp nơi. Họ trèo đèo lội suối với mục đích đổi đời bằng khoa cử mà cứ mãi long đong, lận đận. Cao Bá Quát (1808 – 1855) một danh sĩ thời Tự Đức trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Sa hành đoản ca” –gặp bao gian nan, khó nhọc trên con đường vào kinh đô Huế qua những trảng cát trắng mênh mông đầy nắng và gió Quảng Bình, Quảng Trị với bao giọt nước mắt trào dâng rồi giận mình, giận đời khi chưa tìm ra con đường lập nghiệp. Mãi sau này, đến đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của khoa học kỹ thuật từ phương Tây, người Việt mới biết đến chiếc xe đạp rồi ôtô, xe máy…

    Mặc dù nhà nghèo, ông nội tôi mất sớm; bà nội tần tảo nuôi bố tôi từ tấm bé; nhưng đến khi bố tôi đi dạy học được khoảng 4,5 năm thì bà nội đã giục mua chiếc xe cuốc Liên Xô. Thời kỳ năm 1967 - 1968 ấy, có được chiếc xe cuốc Liên Xô là niềm kiêu hãnh lớn. Nhưng, chiếc xe cũng khá bất tiện - người ta gọi đùa là xe “kẹt xỉ” bởi nó là xe nam, khung gióng ngang; chẳng có gác - ba – ga để chở người ngồi sau. Tôi vẫn được bố cho lên gióng ngang xe vi vu khắp nơi, kể cả thành phố Nam Định. Nhớ lại, khi ấy cứ đi chơi về là kêu đau mông khiến cho bà nội cứ xuýt xoa thương cháu! Khôi hài nhất là hôm anh con bác tôi cưới vợ; chú rể lớn (bố tôi) để “chú rể cháu” (anh tôi) ngồi lên gióng xe đi đón dâu. Lúc đón dâu ra đến ngõ, anh tôi kêu đói. Đoàn đón dâu đi bộ, bố tôi đèo thẳng chú rể lên Giao Cù làm bát phở rồi về luôn nhà. Tới ngõ nhà, cũng vừa lúc đoàn đón dâu có mặt! Ấy vậy mà chỉ hơn năm sau (1974), ông anh tôi đã tòi ra đứa con gái đầu lòng… Đến cuối năm 1974, do yêu cầu tăng cường giáo viên cho vùng giải phóng Bình Trị Thiên, ông cụ bị điều động vào tận bản La Tó xã Húc Nghì, thuộc huyện Hướng Hoá (thuộc Quảng Trị ngày nay) dạy chữ cho con em dân tộc Pa - cô, Vân Kiều. Chiếc xe đầy ắp kỷ niệm ấy đành phải bán đi và mua được đến 6.000 viên gạch đỏ Nam An. Sau này, năm 1978 khi ông cụ trở về quê dạy học, ì ạch mãi mới mua được cái xe đạp nữ Nam Hà. Tuy nhiên, thời bao cấp, chất lượng xe quá kém; chỉ mua được vài tháng đã bị hỏng đủ thứ. Đi xe mà nơm nớp; thủng săm, lốp “chửa” – do lớp cao su phân bố không đều; thế là đành lấy dây đèo hàng quấn quanh lốp. Mỗi lần ngồi lên xe, cứ như được nhảy lambada… Xe như thế, nhưng được trưng dụng phục vụ đủ mọi việc mỗi khi đến vụ trồng cấy và thu hoạch: thồ lúa, thồ phân…

   Sau này, khi trở về từ Trường Sa, tôi thi đỗ và đi học Đại học. Mất gần 1 năm - chỉ có xe “căng hải”. Mỗi lần đi dự đêm thơ (và đọc thơ) ở các trường Đại học quanh thành phố là phải mượn bạn bè. Sau, may mắn được Giáo sư Đặng Thanh Lê giới thiệu và bảo lãnh cho lấy giáo trình và sách tham khảo từ NXB GD về bán cho sinh viên khoa, hưởng chiết khấu từ 15 – 25% mới mua nổi cái xe đạp cũ. Chiếc xe đạp cà tàng ấy gắn bó suốt quãng đời sinh viên của tôi và tung tăng khắp Hà thành với những bao sách chất nặng. Có lần chở người yêu đi chơi (bà lão nhà tôi bây giờ), đến Cầu Giấy - thuở ấy còn dốc lắm; tôi hỏi đùa người yêu: Dốc này là dốc gì nhỉ? Bà lão nhà tôi trả lời: Dốc cố lên anh! (câu nói cửa miệng của sinh viên khi đi qua nơi đây). Ấy, nhưng định cố thì xe tuột xích – có lẽ nó thương cậu chủ gầy gò tong teo thì phải… Lắp xong xích, thì dắt cho vui vậy! Đến khi về, đọc 2 câu kiểu ca dao biến thể để đỡ xấu hổ: “Anh đèo em trên chiếc xe đạp cọc cà cọc cạch/ Nhưng không vì thế mà tình ta xộc xà xộc xệch”…

    Khi chuẩn bị ra trường, tôi và bà lão chỉ ước: mỗi người mua được chiếc xe đạp Vĩnh Cửu và Phượng Hoàng của Tàu là vui lắm rồi!

   Tôi tốt nghiệp ĐHSP và về dạy học ở ngôi trường cấp 3 cũ, nơi mà tôi là học sinh những năm đầu thập kỷ 80. Và, mong ước cũng thành hiện thực khi mua được chiếc xe đạp Vĩnh Cửu. Được mấy tháng, sau chuyến “tai nạn giao thông” đấu đầu xe thồ trong đêm tối, ki cóp 3 tháng lương dạy thêm, mua chiếc xe Babeta đã cũ. Mỗi lần lên xe là phải có người đẩy chạy đà mới nổ. Hầu như ngày nào dạy xong, ra khỏi trường là lũ học trò xúm nhau đẩy cái “ba bét nhè” đến mệt…

   Mấy lần thay xe, hàng chục năm nay cũng yên ổn với anh chàng Jupiter. Nhiều người đã chuyển sang loại 4 bánh, nhưng mình cứ trung thành với nó. Tôi tự an ủi mình: âu cũng chỉ là phương tiện thôi!

   Thế mới biết, cuộc cách mạng từ cái sự vận động bằng hai chân – hay “xe của Bộ” đến vận động bằng động cơ cũng cam go biết nhường nào…

 

 

 

 

Vĩnh Nguyên Nguyễn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tan-man-ve-cong-cu-thay-cho-doi-chan-a21871.html