Cô Bé Suối Ngang là vị Thánh cô tọa trên Tòa Sơn Trang, theo hầu cận Mẫu Thượng Ngàn. Danh xưng Suối Ngang xuất phát từ địa danh thờ cúng Cô ở thôn Suối Ngang, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dân gian tin rằng Cô Bé là hiện thân của Thánh Cô Bé Thượng Ngàn. Các Cô về mặc áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo vòng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi, cai quản các cửa rừng lớn nhỏ. Cô Bé Thượng Ngàn là cô út trong Tứ phủ Thánh Cô, nên tính tình vui nhộn, đành hanh. Dân gian tin rằng Cô Bé mang lại nhiều tài lộc và may mắn cho những ai nhất tâm cửa cô. Khi về ngự đồng, Cô Bé Thượng Ngàn diện trang phục truyền thống và múa mồi như các Thánh cô khác trong Thập nhị tiên nàng.
Di tích Đền Suối Ngang có lịch sử lâu đời, được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh (Tín ngưỡng thờ Mẫu) cho bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Thời sơ khai, đền có kiến trúc hình chữ "Nhất" với diện tích nhỏ hẹp khoảng 20m2 tường trình đất, mái lợp cỏ tranh, trong đền đồ thờ tự sơ sài. Vào đầu thế kỷ XX (năm 1926 - 1928) thời Nguyễn, đời vua Bảo Đại đền được trùng tu. Kiến trúc mới của đền theo kiểu chữ "Công," gồm Tiền Tế - Đại Bái - Hậu Cung. Trong đền, thờ thần linh bao gồm: Thánh Mẫu; hàng Quan; Chầu Bà; và vị chủ thể là "Cô Bé Suối Ngang". Năm 1990, nhà đền đã tu sửa một số hạng mục. Năm 2002, xây thêm một gian mới riêng để thờ "Cô Bé Suối Ngang”. Ngày 02 tháng 10 năm 2002, Đền Cô bé Suối Ngang được xếp hạng Di tích Tín ngưỡng - Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 41 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Năm 2006, đền xuống cấp nghiêm trọng, và sau đó được tôn tạo và tu sửa hoàn thành vào năm 2008, để bảo tồn di tích và duy trì giá trị lịch sử, văn hóa. Đến nay, nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp cần được trùng tu tôn tạo lại.
“Thời gian vừa qua, được sự giúp đỡ, gia tâm công đức của nhân dân, du khách thập phương, trong đó, tiêu biểu phải kể đến gia đình đồng thầy Nguyễn Việt Hà (phụ trách hương đăng tại đền) đã cung tiến, sang sửa, trang trí cung sở. Từ đó, đền trở nên tố hảo hơn rất nhiều; đặc biệt Đồng thầy Nguyễn Việt Hà đã phối hợp cùng với Ban quản lý (BQL) tổ chức thành công Đản tiệc Thánh cô vào tháng 9 âm lịch vừa qua - sự kiện chưa từng có trong tiền lệ. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tâm đức của gia đình ông Nguyễn Văn Quân, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã công đức nhiều phẩm vật và ngân xuyến, để đền ngày một khang trang, uy linh tố hảo. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu, đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp nặng, ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan; công năng sử dụng và tính an toàn, kể đến như: hệ thống điện; nhà khách; nhà ăn; công trình vệ sinh,… Đó là những hạng mục cần được trùng tu, tôn tạo. Trong khi đó, tài chính của BQL cũng có hạn. Vì vậy. BQL rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, gia tâm công đức của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, để hoàn thành những hạng mục kể trên, sớm đưa công trình vào sử dụng”. Ông Lê Viết Vinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Thắng (Hữu Lũng - Lạng Sơn); Trưởng BQL đền Cô Bé Suối Ngang chia sẻ.
Đồng thầy Nguyễn Việt Hà - Phụ trách hương đăng đền Cô Bé Suối Ngang cho biết: “Từ đầu năm 2023, nhà đền hân hạnh được đón tiếp nhiều đoàn khách thập phương đến tham quan vãng cảnh và bái yết, đông hơn rất nhiều so với thời gian trước. Tôi và BQL, cùng tổ giúp việc của đền luôn động viên nhau cố gắng, để đón tiếp khách thập phương một cách chu đáo nhất. Khi đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của đền; một trải nghiệm tâm linh thú vị, điểm giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, cũng là cơ hội để du khách thư giãn, tìm kiếm bình an trong tâm hồn”.
Chia sẻ với phóng viên, NNDG - TS Nguyễn Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam, chỉ ra: “Quyết định trùng tu tôn tạo một ngôi đền, phải dựa trên một số yếu tố như: giá trị lịch sử, tình trạng bảo tồn, và nhu cầu của cộng đồng. Việc này cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ di sản văn hóa và tôn trọng giá trị lịch sử ngôi đền. Khi đảm bảo những yếu tố trên, thì việc trùng tu tôn tạo sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng; góp phần vào công tác duy trì và bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn giá trị lịch sử của ngôi đền. Qua quá trình trùng tu, có thể cải thiện một phần cấu trúc, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong thời gian dài. Việc trùng tu cũng tạo ra cơ hội cho việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, cũng như vai trò của ngôi đền gắn với địa phương và quốc gia qua từng thời kỳ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của BQL cũng như đồng thầy Nguyễn Việt Hà trong công tác bảo tồn và phát triển ngôi đền nói riêng và đạo Mẫu - Đạo của người Việt nói chung”.
Việc trùng tu tôn tạo một ngôi đền được coi là cách bảo tồn, giữ gìn, khôi phục di tích lịch sử văn hoá, nghệ thuật, và tín ngưỡng tâm linh của một cộng đồng. Qua quá trình này, không chỉ bảo vệ kiến trúc cổ kính mà còn duy trì, lưu truyền giá trị văn hóa, tín ngưỡng theo thời gian. Tuy nhiên, quá trình trùng tu phải được thực hiện cẩn thận và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính chân thực và nguyên bản của di tích một cách tối đa nhất.
Một số hình ảnh loan giá phụng hành cầu Phong điều vũ thuận, Quốc thái dân an của NNDG - TS Nguyễn Thị Hương Lan, tại Đền Cô Bé Suối Ngang vô cùng uy linh tố hảo:
Bình An
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lang-son-den-co-be-suoi-ngang-xuong-cap-can-duoc-quan-tam-a21901.html