Tác giả và tác phẩm từng đạt giải A cuộc thi thơ năm 1981 - 1982 của báo Văn nghệ; được tặng thưởng Bài thơ hay nhất năm 1992 của tạp chí Văn nghệ quân đội và giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 - 2003. Bài thơ cũng được tuyển chọn trong chương trình Ngữ văn lớp 6 của bộ sách Cánh Diều. Có lẽ đây không chỉ là cái duyên mà căn cốt phải là cái hay, cái tài của bài thơ cũng như của nhà thơ.
Viết về đề tài tình mẫu tử không dễ, để có một thi phẩm hay quả thực là rất khó. Bởi đề tài này vốn có rất lâu đời, từ thơ ca dân gian cho đến thơ ca trung đại rồi đến hiện đại đã có biết bao tác phẩm rất hay cho nên người đến sau sẽ rất khó vượt qua để có một chỗ đứng và cũng rất dễ bị nhàm chán. Ấy vậy mà Đinh Nam Khương lại gây được bất ngờ, ngạc nhiên cho người đọc khi lựa chọn đề tài đó và thể hiện thành công nó bằng những chất liệu và thể thơ rất truyền thống. Có thể nói, với cảm xúc chân thực, xúc động và sự kính trọng, biết ơn mẹ tha thiết Đinh Nam Khương đã lạ hóa được những cái tưởng như sáo mòn bằng một tứ thơ rất sáng tạo để khắc họa được hình ảnh về một bà mẹ nghèo lam lũ, tần tảo nhưng rất giàu tình thương yêu con; đồng thời cũng thể hiện được cái nhìn thấu cảm và những nỗi nghẹn ngào, rưng rưng của người con dành cho mẹ.
Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.
Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn …
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.
Bài thơ là tiếng lòng của người con, thể hiện trực tiếp nỗi niềm xót xa và cảm thương người mẹ yêu quý của mình trước một cuộc đời đầy lam lũ, vất vả. Trong truyền thống thi ca, nội dung này thực ra chẳng có gì mới mẻ cả nhưng với cách nhìn và thể hiện vấn đề một cách điêu luyện như của Đinh Nam Khương thì chủ đề tưởng đã cũ ấy lại được hiện lên một cách tươi mới, đầy cảm xúc. Nhà thơ đã bộc lộ tình cảm của mình và ngợi ca người mẹ nghèo khổ thân thương bằng cách tạo ra một tứ thơ độc đáo và rất xúc động: người con ở xa về thăm mẹ vào một buổi chiều mùa đông nhưng mẹ không có nhà. Người con thơ thẩn đi ra đi vào và quan sát được mọi thứ trong nhà. Từ sự quan sát đó người con đã suy tư và bộc lộ những nỗi niềm tình cảm của mình với mẹ. Chỉ giản dị như thế bằng mấy vần thơ lục bát rất tài hoa mà nhà thơ đã neo đậu vào lòng người đọc, thức tỉnh người đọc một khối tình vô cùng to lớn của con người. Đây chính là nét hiện đại và giá trị nhân bản sâu sắc mà Đinh Nam Khương đã sáng tạo và đóng góp vào kho tàng thi ca của dân tộc.
Nét tài hoa trước tiên của Đinh Nam Khương trong bài thơ là việc lựa chọn được thời gian để thể hiện. Nhà thơ để người con về nhà vào lúc buổi chiều mùa đông. Lựa chọn thời điểm này để bộc lộ tâm trạng là cách lựa chọn rất khôn ngoan và tinh tế. Sao nhà thơ không chọn buổi sáng mà lại chọn buổi chiều? Và, sao không chọn mùa xuân, hay mùa hè, mùa thu mà lại chọn mùa đông? Đinh Nam Khương chọn buổi chiều chứ không chọn buổi sáng vì buổi chiều con người ta dễ bộc lộ tâm trạng hơn. Buổi chiều là lúc sắp sửa kết thúc các công việc trong ngày, mọi người chuẩn bị nghỉ ngơi để trở về với tổ ấm, gia đình sắp được quây quần bên nhau trong bữa cơm tối. Và, buổi chiều mùa đông rất nhanh tối và nhiệt độ buổi chiều thường xuống thấp hơn so với buổi sáng và buổi trưa. Do vậy mùa đông người ta cũng hay kết thúc công việc sớm hơn để trở về với gia đình, người phụ nữ thường về sớm hơn để lo việc cơm nước cho cả nhà. Chọn thời điểm này nhà thơ sẽ dễ khắc họa hơn nỗi vất vả và sự cần cù, hay lam hay làm của mẹ; đồng thời cũng khơi gợi được nhiều cảm xúc mạnh mẽ hơn. Phải chăng việc lựa chọn thời gian buổi chiều cho tứ thơ của mình là do nhà thơ đã hấp thụ được ít nhiều từ trong sữa nguồn tươi mát của ca dao, ví như: “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về với mẹ mà không có đò”; “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”…
Từ việc bất ngờ có mặt ở nhà vào buổi chiều đông như thế mà nhân vật người con đã được nhìn thấy rất nhiều sự việc, sự vật trong ngôi nhà thân yêu của mình: bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà, cơm mưa bất chợt, chum tương, chiếc nón mê, áo tơi, người rơm, đàn gà, cái nơm, trái na. Những chi tiết, hình ảnh này hoàn toàn là có thực và rất quen thuộc với người con. Nhưng kỳ lạ thay, dưới sự sắp đặt của Đinh Nam Khương những chi tiết, hình ảnh thơ ấy lại nói lên được rất nhiều thứ. Ở tầng nghĩa thứ nhất, đó là những sự việc, cảnh vật tả thực trong ngôi nhà mà người con trông thấy. Ở tầng nghĩa thứ hai, ý nghĩa biểu cảm của các hình ảnh được thể hiện một cách phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều. Trong trường hợp này chúng ta thấy Đinh Nam Khương đã khéo léo sử dụng sáng tạo một loạt các biện pháp tu từ nghệ thuật để diễn tả một cách sinh động những hình ảnh tưởng chừng như rất quen thuộc nhằm gợi lên những lớp nghĩa mới đầy xúc động. Biện pháp tu từ liệt kê: bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà, cơm mưa bất chợt, chum tương, chiếc nón mê, áo tơi, người rơm, đàn gà, cái nơm, trái na cho chúng ta thấy sự việc, cảnh vật trong ngôi nhà ở nông thôn và nổi bật hơn cả là cuộc sống của người mẹ còn bộn bề những vất vả, khó khăn (đến giờ thổi cơm mà mẹ vẫn chưa về - có nghĩa là vẫn đang phải làm việc; chiếc nón mê, áo tơi bị hỏng đáng nhẽ bỏ đi thì phải tận dụng lại để che chum tương, khoác cho bù nhìn rơm; cái nơm bị hỏng cũng được tận dụng lại nhốt gà …). Biện pháp tu từ nhân hóa: “bỗng òa cơn mưa” - có thể là tả cơn mưa thực nhưng cũng gợi lên cơn mưa trong lòng người - tâm trạng nức nở vì thương mẹ của người con; “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa” – gợi hình ảnh cái nón khi xưa mẹ đội ra đồng để làm việc nay đã cũ, bị hỏng được mẹ dùng để che đậy chum tương – chum tương dáng thấp, khum khum đậy nón mê lên trên giống như người đang ngồi; “Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm” – chiếc áo tơi xưa mẹ mặc ra đồng làm việc để che mưa, tránh rét nay cũng đã hỏng nhưng vẫn được mẹ tận dụng, mặc cho người bù nhìn để giả làm người nhằm xua đuổi chim thú phá hoại cây trồng. Rõ ràng ta thấy nhà thơ không có một chi tiết nào miêu tả cụ thể người mẹ nhưng với cách thể hiện gián tiếp thông qua các biện pháp tư từ nghệ thuật như trong bài thơ vừa phân tích ở trên nên người đọc đã hình dung được hình ảnh một người mẹ rất vất vả, lam lũ nhưng cũng rất chu đáo, cẩn thận (đậy chum tương), tiết kiệm, giản dị (tận dụng các thứ đã hỏng để tái sử dụng vào việc khác). Thế đấy, nhìn vật biết người, đây chính là cái tài, cái hay của bài thơ trong cách gợi tả người mẹ. Và chính điều này đã khơi dậy trong lòng người đọc sự đồng cảm, tình yêu thương vô hạn với người mẹ quê nghèo và tạo thành sức hấp dẫn đặc biệt của thi phẩm.
Dường như bấy nhiêu gợi tả về mẹ như thế vẫn chưa đủ cho nên trước khi khép lại bức tranh trong ngôi nhà ở chốn quê nghèo của mẹ Đinh Nam Khương đã trực tiếp thể hiện sự cảm nhận của mình về đức tính thương con, yêu quý con của người mẹ bằng một hình ảnh tuyệt đẹp: “Bất ngờ rụng ở trên cành/ Trái na cuối vụ mẹ dành phần con”. Vẫn chỉ là một phán đoán, suy đoán của người con. Như người ta vẫn thường nói “không ai hiểu mẹ bằng con” cho nên hình ảnh thơ ấy dùng để khép lại cảnh vật của ngôi nhà nhưng cũng là sự bổ sung cần thiết để khắc họa một cách trọn vẹn về hình ảnh người mẹ. Một người mẹ tuy còn rất nhiều vất vả, khó khăn nhưng có tấm lòng rất thương yêu con, luôn chăm chút và dành mọi điều tốt đẹp nhất trên đời cho con - có trái na vẫn dành dụm để phần đợi con. Cái đức tính yêu thương và hy sinh tất cả cho con ấy của mẹ lại làm cho ta nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”, đặc biệt là câu thơ của Nguyễn Duy: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” (Tre Việt Nam). Phải chăng cũng như các nhà thơ khác, với hình ảnh thơ như thế Đinh Nam Khương muốn góp thêm một tiếng nói để một lần nữa khẳng định đức hy sinh cho con là một trong những phẩm chất đẹp đẽ, cao cả nhất của bà mẹ Việt Nam?
Theo mạch cảm xúc tự nhiên, từ việc nhân vật trữ tình trong bài thơ không chỉ nhìn thấy nỗi vất vả của đời mẹ mà còn thấu hiểu và nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con, nhất là tình cảm được thể hiện ở trong hình ảnh “trái na cuối vụ”. Cho nên cảm xúc của người con không thể kìm nén mãi ở trong lòng. Việc phát hiện ra tình cảm cao cả của mẹ ấy giống như một giọt nước tràn ly khiến người con không thể “thơ thẩn vào ra” mãi trong ngôi nhà vắng mẹ được nữa mà đã phải thốt lên bằng một khổ thơ hai dòng rất đặc biệt:
“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn …
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.”
Đây là một trạng thái cảm xúc được bộc lộ trực tiếp. Bình thường mỗi khổ thơ trong bài có bốn dòng nhưng ở khổ thơ kết bài chỉ có hai dòng. Hai dòng thơ ấy như muốn cô nén lại cảm xúc nhưng dường như nhà thơ càng cố ý cô nén thì cảm xúc lại càng bị vỡ òa. Bởi thế hai dòng ấy giống như một trái phá về cảm xúc, làm bùng nổ những kìm nén yêu thương bấy lâu trong lòng người con. Sự bùng nổ mãnh liệt ấy được diễn tả trực tiếp qua các từ láy “nghẹn ngào”, “rưng rưng” và dấu chấm lửng. Nghẹn ngào là trạng thái xúc động nói không lên lời, rưng rưng là nước mắt ứa đọng đầy tròng, dấu chấm lửng đã diễn tả được cái trạng thái nghẹn ngào không dứt, không nói nên lời … Người con nghẹn ngào, rưng rưng vì đã nhìn thấy cái cuộc sống “giản đơn thương ngày” đầy khổ cực hiện lên trong ngôi nhà của mẹ. Đó là cuộc sống còn nhiều vất vả; là đời mẹ còn nhiều lam lũ, nhọc nhằn... Do vậy, hai câu thơ khép lại bài thơ nhưng không đóng lại được dòng cảm xúc và trường liên tưởng trong lòng người đọc. Tình cảm thấu hiểu và thương yêu mẹ của người con đâu chỉ dừng lại ở việc gợi lên nỗi vất vả, nhọc nhằn, tần tảo hôm sớm của mẹ mà còn hay ở chỗ là đã để lại được những dư vị đằm sâu trong tâm hồn người đọc về tình mẫu tử để thức tỉnh lay động trái tim của biết bao người con.
Chỉ cần thế thôi, bài thơ đã và sẽ đi cùng năm tháng; sống mãi trong lòng hàng vạn người đọc.
__________________________________________________________________________
*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội
Thu Hiền*
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-tho-ve-tham-me-mot-khuc-hat-yeu-thuong-a21923.html