Kỳ 35
V. Tổng quan lịch sử châu Phi
Châu Phi nằm ở phía Nam châu Âu và phía Tây Nam châu Á, cách châu Âu bởi Địa Trung Hải, cách châu Á bởi Hồng Hải, là châu lục lớn thứ nhì thế giới sau châu Á. Diện tích châu Phi tính cả các đảo khoảng 30.340. 592km2, dân số 232 triệu người và 55 quốc gia lớn nhỏ. Toàn bộ lục địa châu Phi bị biển bao bọc, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Tây là Đại Tây Dương, phía Nam và Đông Nam giáp Ấn Độ Dương, phía Đông có dải đất hẹp Xuyê nối với châu Á, sau này tạo nên kênh đào Xuyê nổi tiếng quan trọng chiến lược nối Địa Trung Hải với Hồng Hải, cửa ngõ đi vào ba châu lục. Từ Bắc Phi xuống Nam Phi khoảng 8.000 km, từ Đông sang Tây theo đường xích đạo khoảng 3.500km. 14 nước trong tổng số 55 nước châu Phi không có biển. Hầu hết các con sông ở miền Nam Phi đều chảy vào hồ Sát thay vì chảy ra biển. 4 con sông chảy qua châu Phi là trong số những con sông lớn nhất thế giới, sông Nin, sông Daizơ, sông Nigiê, trong đó sông Nin là dài nhất 6.688 km. Châu Phi được thiên nhiên ưu đãi giầu tài nguyên, nhiều gỗ quí, cây có dầu, cao su, bông, ca cao, cà phê, mía, mỏ quặng (măng gan, crôm, đồng, phốt pho, dầu lửa, vàng, platin, uran, kim cương). Châu Phi nhiều động vật quý hiếm và lạ như hươu cao cổ, voi, ngựa vằn, tê giác...
Châu Phi được chia làm hai miền rõ rệt. Bắc Phi kéo dài từ sa mạc Sa ha ra đến Địa Trung Hải. Dân cư thuộc người A’rập và các dân tộc bị A’rập hoá, đa số theo đạo Hồi. Trước khi bị chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược Bắc Phi gồm nhiều chế độ xã hội khác nhau, một số thành phố hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, có nơi còn tồn tại cộng đồng bộ lạc nhưng bao trùm và chủ đạo ở Bắc Phi là chế độ phong kiến. Nam Phi là miền từ sa mạc Sa ha ra đến mũi Cáp, có tới 1.300 ngôn ngữ, vì cùng nguồn gốc nên người da đen có thể nói 6 ngôn ngữ khác nhau. Miền Đông Bắc-Đông Xu đăng, Êtiôpi và các nước ở ven bờ Hồng Hải thuộc các tộc người theo ngữ hệ Ha mit xê mít. Người da đen theo ngữ hệ Xu đan sống dọc theo miền nhiệt đới Nam Phi, theo ngữ hệ Pôlinêdi thường cư trú ở Mađagasca. Ở miền cực Nam bao gồm các tộc người Khoi Khoi (Hốttentôt và người Pymeen). Trước khi bị chủ nghĩa thực dân xâm lược, cơ cấu xã hội, chính trị Nam Phi phát triển không đồng đều và khác biệt rõ rệt. Miền Tây Xu đăng, Mađagatsca chủ yếu là xã hội phong kiến nhưng vẫn còn tàn dư nô lệ và công xã nguyên thuỷ. Ở Êtiôpi, Uganđa, Imêrina thì có trình độ cao hơn, hình thành các quốc gia phong kiến tập quyền. Ở vùng nhiệt đới Tây Phi, DuLu còn tồn tại cộng đồng liên minh bộ lạc. Khu vực này không có biên giới quốc gia rõ rệt nên thường xuyên xẩy ra các cuộc xung đột giữa các quốc gia mang tính chất liên minh bộ lạc để tranh giành quyền lực, đất đai.
Cư dân châu Phi phần lớn tập trung đông ở miền duyên hải, miền Tây Phi, thung lũng sông Nin (Bắc Phi), quanh khu vực các hồ lớn như hồ Víchtôria, hồ Tagania. Vùng sa mạc Sahara, Kalânli, Nambi rộng lớn nhưng ít người sinh sống. Một nửa cư dân châu Phi theo đạo Hồi, nhất là ở miền Bắc Phi. Ngoài ra còn có đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành và những tôn giáo cổ truyền nguyên thuỷ như bái vật giáo, tôtem giáo, vạn vật hữu linh. Những tôn giáo truyền thống của người châu Phi trình tự hành lễ có kèm theo nhẩy múa, ca hát. Đây là loại hình nghệ thuật quan trọng nhất lục địa.
Trừ một vài nước ở Bắc Phi đời sống kinh tế tương đối cao nhờ nguồn đầu lửa, còn nhìn chung trình độ kinh tế châu Phi kém phát triển hơn so với các châu lục khác. Đa số các quốc gia còn trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu. Tổng sản phẩm quuốc dân GDP và tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người thấp nhất thế giới. Có những cộng đồng người còn trong tình trang săn bắn, hái lượm như tộc người Pích Mê, người Bôt si nam, người Bu sơmen. Có những tộc người còn chăn nuôi di động (du mục) như người Hốt ten tốt, người Hêrê rốt. Đa số các tộc người đã kết hợp chăn nuôi với trồng trọt nhưng chỉ là một nghề nông tự nhiên thuần tuý.
Châu Phi cũng là một trong cái nôi của loài người, là nơi có loài vượn đặc biệt chuyển biến thành người. Ở Đông Phi và Nam Phi, người ta tìm thấy vô số hài cốt của loài vượn phương Nam (Ôxtralôit) thuộc các loại hình khác nhau. Môi trường để vượn tiến hoá thành người đã dược chuẩn bị cách ngày nay khoảng gần 5 triệu năm gắn với quá trình biến động của trái đất. Tổ tiên của con người ở Châu Phi tồn tại cách ngày nay khoảng gần 2 triệu năm. Các nhà khoa học đã đi đến kết luận: Họ khỉ hết sức cổ xưa có những đặc trưng của loài Homo có mặt ở châu Phi cách ngày nay khoảng 2 triệu năm. Các công cụ bằng đá và bằng xương cho niên đại tương đương. Các hóa thạch rải rác khắp lục địa từ Sa ha ra đến Đông Phi, từ Ma gơ rét đến Nam Phi, minh chứng ở đây con người đã đạt đến đặc trưng cuối cùng qua quá trình tiến hoá. Châu Phi còn lại những công cụ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, công cụ của người cổ xưa hết sức đa dạng về hình dáng, về chất liệu chế tác. Tiếp theo người thời đại đồ đá cũ là người thời đại đá mới với những công cụ rải rác khắp lục địa châu Phi.
Ở vùng Bắc Phi công xã nguyên thuỷ tan rã sớm, xã hội phân hoá thành giai cấp và nhà nước được hình thành khoảng 3000 năm trước CN. Đó là nhà nước chiếm hữu nô lệ Ai Cập với sự tồn tại của 30 triều vua Pha ra ông trải qua gần 3 nghìn năm. Ai Cập là một quốc gia hùng mạnh, từng tiến hành những cuộc xâm lược sang Cận Đông, chiếm Xiri, Palextin, Pênixi, Atxiri, Babilon. Thế lực Ai Cập thời đó còn bao trùm cả bờ Tây sông Nin, chiếm Libi, Êtiôpi. Theo vết chân xâm lược đó, chế độ nô lệ được thiêt lập hầu khắp Bắc Phi. Năm 334 trước CN, Ai Cập bị hoàng đế Alêchxanđơrơ của Maxêđônia chinh phục. Năm 225 trước CN, Ai Cập bị đế quốc Ba Tư xâm chiếm, quốc gia chiếm hữu nô lệ độc lập diệt vong. Ngoài Ai Cập, trên lãnh thổ ngày nay của Tuynidi vào thế kỷ thứ III trước CN đã hình thành quốc gia chiếm hữu nô lệ thương mại giầu có Cáctagiơ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-35-a21979.html