1. Đặt vấn đề
Phố nghề là một trong những yếu tố văn hóa quan trọng làm nên nét đẹp của văn hóa Hà Nội. Bản thân mỗi phố nghề trong quá trình hình thành, phát triển đều mang những nét đặc trưng riêng. Tìm hiểu nghiên cứu về các phố nghề cũng như diễn biến, sự phát triển của nó trong lịch sử là một việc làm hết sức ý nghĩa. Việc làm đó không chỉ ca ngợi, biểu dương cái đẹp, tài khéo của các nghệ nhân mà còn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách bảo tồn, phát triển khu phố cổ trong tương quan với sự phát triển kinh tế của thủ đô.
Nhưng hiện nay, theo xu thế của thị trường, phố nghề Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Phác họa bức tranh phố nghề trong hiện tại, ta không còn thấy bóng dáng Kẻ Chợ năm nào. Nghề truyền thống là những nghề tiểu thủ công nghiệp được hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời trong lịch sử, được sản xuất tập trung tại một vùng hay một làng nào đó, từ đó hình thành nên các làng nghề. Đặc trưng cơ bản nhất của mỗi nghề truyền thống là phải có kỹ thuật và công nghệ truyền thống, đồng thời có các nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề. Sản phẩm làm ra vừa có tính hàng hóa, vừa có tính nghệ thuật và mang đậm bản sắc dân tộc.
Những nghề truyền thống thường được lưu truyền trong phạm vi một làng. Mỗi nghề bao giờ cũng có ông tổ nghề được dân làng thờ phụng, ghi ơn. Trong các làng nghề truyền thống, đa số người dân đều làm nghề đó, ngoài ra, họ cũng có thể làm những nghề khác nhưng tỉ lệ này nhỏ hơn rất nhiều so với số người làm nghề truyền thống.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc sản xuất các sản phẩm có tính truyền thống được hỗ trợ bởi quy trình công nghệ mới với các nguyên liệu mới. Do vậy, khái niệm nghề truyền thống cũng được nghiên cứu và mở rộng hơn. Khái niệm nghề truyền thống có thể được hiểu:
Nghề truyền thống bao gồm những nghề thủ công nghiệp xuất hiện từ lâu trong lịch sử, được truyền từ đời này sang đời khác còn tồn tại đến ngày nay, kể cả những nghề đã được cải tiến hoặc sử dụng những loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ công nghệ truyền thống, và đặc biệt sản phẩm của nó vẫn thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Mặc dù làng nghề ở Việt Nam xuất hiện từ cách đây hàng nghìn năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm chính thức về “làng nghề”.
Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì “làng nghề (như làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Phủ Lãng, Hương Canh làng đồng Bưởi, Vó, Hè Nôm, Thiện Lý, Phước Kiều ..., làng giấy vùng Bưởi, Dương Ổ…, làng rèn sắt Canh Diễn, Phù Dực, Đa Hội…) là làng ấy tuy vẫn có trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi (lợn gà…), cũng có một số nghề phụ khác (đan lát, làm tương, làm đậu phụ…) song đã nổi trội một nghề cổ truyền , tinh xảo với một tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường (cơ cấu tổ chức), có ông trùm, có ông phó cả…cùng một số thợ và phó nhỏ, đã chuyên tâm, có quy trình công nghệ nhất định “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, sống chủ yếu bằng nghề đó và sản xuất ra những mặt hàng thủ công, những mặt hàng này có tính mĩ nghệ, đã trở thành sản phẩm hàng hóa và có quan hệ tiếp thị với một thị trường là vùng rộng lớn xung quanh và với thị trường đô thị, thủ đô (Kẻ Chợ, Huế, Sài Gòn…) và tiến tới mở rộng ra cả nước rồi có thể xuất khẩu ra nước ngoài.”.
Định nghĩa này của giáo sư Trần Quốc Vượng hàm ý nói về các làng nghề truyền thống, những làng nghề đã nổi tiếng và có thời gian tồn tại từ hàng nghìn năm. Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Vượng trong cuốn “Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam” thì làng nghề được hiểu “là làng cổ truyền làm nghề thủ công. Ở đây không nhất thiết tất cả dân làng đều sản xuất hàng thủ công. Người thợ thủ công nhiều trường hợp cũng là người làm nghề nông (nông dân). Nhưng yêu cầu chuyên môn hóa cao đã tạo ra những người thợ chuyên sản xuất hàng truyền thống ngay tại quê hương mình, hay ở làng nghề, phố nghề nơi khác. Khi nói đến một làng nghề thủ công truyền thống, ta chú ý đến nhiều mặt, trong cả không gian và thời gian, nghĩa là quan tâm đến tính hệ thống, toàn diện của làng nghề đó, trong đó, yếu tố quyết định là: nghệ nhân, sản phẩm, kĩ thuật sản xuất, thủ pháp nghệ thuật” .
Thực tế cho thấy, làng nghề thủ công là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời. Ở các làng này có sự liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, bán sản xuất theo kiểu phường hội, kiểu hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cùng tổ nghề, các thành viên luôn có ý thức tuân thủ ước chế xã hội và gia tộc. Sự liên kết, hỗ trợ nhau về nghề kỹ thuật, đào tạo thợ trẻ giữa các gia đình cùng dòng tộc, cùng phường nghề trong quá trình lịch sử hình thành, phát triển nghề nghiệp đã hình thành làng nghề ngay trên đơn vị cư trú, làng xóm truyền thống của họ.
Tiến sĩ Dương Bá Phượng trong cuốn “Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa” đã đưa ra khái niệm “làng nghề là làng ở nông thôn có một (hoặc một số) nghề thủ công tách hẳn ra khỏi nông nghiệp và kinh doanh độc lập”. Tác giả còn đưa ra một vài số liệu cụ thể như: “Về mặt định lượng, có thể hiểu làng nghề là một làng ở nông thôn có từ 35% - 40% số hộ trở lên chuyên làm một (hoặc một số) nghề thủ công nghiệp mà các hộ có thể sinh sống bằng chính nguồn thu nhập từ nghề” .
Như vậy, có thể thấy có rất nhiều định nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau về làng nghề thủ công nói chung. Mỗi tác giả đều dựa trên những tiêu chí riêng, những cứ liệu và dẫn chứng cụ thể để đưa ra được định nghĩa về làng nghề. Tuy nhiên, mỗi làng nghề lại có đặc điểm riêng, do vậy khó có thể lấy một định nghĩa thống nhất cho tất cả các làng nghề. Trên thực tế, hiện nay hầu như ở các làng nghề không chỉ có những người chuyên làm nghề thủ công và cũng không có làng nào chỉ buôn bán đơn thuần như trước kia.
Giống như làng nghề, các phố nghề đã xuất hiện, tồn tại ở nước ta từ rất lâu đời và cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, tuy vậy, cho đến nay, chưa có một khái niệm, định nghĩa nào nhất quán về phố nghề.
Để làm rõ khái niệm “phố nghề”, trước hết ta hãy làm rõ gốc tích và sự phát triển của từ “phố”. “Phố” nguyên nghĩa là nơi bán hàng, ngày nay là các cửa hiệu. Song do các “phố” đó tập trung chen sát nhau thành một dãy dài nên cái dãy gồm nhiều “phố” ấy cũng được gọi là “phố”. Dần dần, theo thời gian, từ “phố” với nghĩa là một dãy các cửa hàng lấn át từ “phố” nguyên nghĩa là một cửa hàng, chính vì thế mới có tên “phố Hàng Bạc” để chỉ con đường mà hai bên có dãy cửa hàng bán vàng bạc, “phố Hàng Mã” để chỉ con đường mà hai bên có dãy cửa hàng bán đồ vàng mã, hương giấy…
Ở mỗi phố lại có các hiệp thợ thủ công ra Thăng Long để cư trú, làm theo thời vụ. Dần dà, họ định cư hẳn, kẻ trước người sau tụ tập ở một góc phường (trong số 36 phố phường), bám lấy hai bên một con đường để mở cửa hàng (tức phố) vừa sản xuất, vừa bán buôn, bán lẻ.
Kể từ khi ra đời cho đến ngày nay, sự phát triển của các phố nghề đã có nhiều thay đổi cùng với những biến thiên của lịch sử. Có nhiều phố nghề đã tồn tại và phát triển mạnh, đồng thời còn mở rộng và có sự lan tỏa sang các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cũng có những phố nghề phát triển cầm chừng, không ổn định, thậm chí có phố nghề đã và đang dần bị mai một, bị suy vong và mất đi. Chính vì vậy, tìm hiểu về sự biến đổi văn hoá phố nghề là một việc làm vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống của làng nghề, phố nghề đất Việt.
Trước khi đến với văn hoá phố nghề cần tìm hiểu về khái niệm phố nghề: Phố nghề là nơi tập hợp phần lớn các hộ sản xuất và kinh doanh cùng một mặt hàng thủ công nào đó trên cùng một tuyến đường phố.
Đối với các phố nghề ở Hà Nội, đa phần những người thợ thủ công vừa sản xuất, vừa bày bán các sản phẩm thủ công của mình ở trên phường phố. Và thường mỗi phố chỉ bày bán duy nhất một hoặc hai sản phẩm thủ công nhất định nên tên phố thường được gọi theo tên của các mặt hàng thủ công có mặt ở trên phố đó, như phố Hàng Trống, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Đào… là những ví dụ tiêu biểu.
2. Giới hạn, vị trí địa lý phố Hàng Mã
Hàng Mã là một phố nhộn nhịp nằm trong khu 36 phố phường của Hà Nội, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Mã có chiều dài khoảng 350m, đường phố rộng khoảng 8 m, diện tích là 27,52 m2 nối phố Hàng Chiếu đến phố Phùng Hưng, cắt ngang hàng Lược - Chả Cá, Hàng Đồng - Hàng Rươi, Hàng Gà - Hàng Cót. Phố Hàng Mã là đất cũ của thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Hai thôn xưa bị ngăn cách nhau bởi đoạn sông Tô Lịch đi từ Thụy Khuê ra sông Hồng. Do vậy, trước thế kỉ XX, ở Hàng Mã đã có lợi thế phát triển kinh tế đường sông. Ngày nay, sông đã bị lấp nên hai đoạn phố ở hai bên bờ đối diện tưởng như vẫn liền với nhau. Thời Pháp thuộc, đường phố được đặt tên chung là Rue du Cuivre (Hàng Đồng), hiện nay nó được gọi là Hàng Mã. .
Dân cư
Phố Hàng Mã trước đây chia làm hai đoạn, bị ngăn cách bởi sông Tô Lịch. Đoạn phố phía Đông trên đất thôn cũ Vĩnh Hanh vẫn có tên gọi thông thường là Hàng Mã. Dân ở đây chủ yếu là người làng Tân Khai (Hàng Sắt và Cổng Đục) dọn đến mở cửa hàng bán giấy, đồ mã nhỏ, đó là đồ hàng giấy dùng trang trí hoặc và đồ mã để cúng lễ.
Các nghề thủ công
Trước thời Pháp thuộc, Hàng Mã là nơi bán các đồ mã nhỏ (ở phía Đông phố), các sản phẩm đồ đồng (ở đoạn phía Tây) và có một mặt hàng đặc biệt chỉ bày bán vào khoảng thời gian cố định từ 20 đến 30 tháng Chạp hàng năm, đó là các món đồ cổ. Tuy nhiên, trong ba mặt hàng này thì đồ đồng là hàng đúc sẵn đặt tại các lò đúc của phường Ngũ Xã, đồ cổ do dân chơi các tỉnh (chủ yếu là dân Nam Định và Hưng Yên) mang đến bán, chỉ có hàng mã là sản phẩm mà dân Hàng Mã đã có thời gian tự tay làm ra, và cho đến nay, phố vẫn mạnh về kinh doanh mặt hàng này. Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát sự biến đổi văn hóa ở phố nghề Hàng Mã, người viết chú trọng đến sự biến đổi văn hóa trong sản xuất và kinh doanh hàng mã.
3. Quá trình phát triển và hiện trạng sản xuất
Hàng mã là những đồ làm bằng giấy hoặc tre nứa, bên ngoài dán giấy trang trí, bắt chước đồ thật, dùng để cúng cho người chết theo tập tục dân gian có từ lâu đời ở Việt Nam. Đối với những người thợ làm hàng mã, từ thời xa xưa các cụ ta có danh từ gọi tên họ là thợ “hoa man” (hoa: có nghĩa là đẹp, tinh tế; man: làm giả; hoa man có nghĩa là người làm ra những thứ hàng giả đẹp và tinh tế), còn những sản phẩm họ làm ra được gọi là hàng mã có nghĩa là hàng chỉ có vẻ đẹp bên ngoài. Ngày nay, tên gọi hàng mã vẫn còn thông dụng nhưng riêng tên gọi thợ “hoa man” thì đã mất đi, thay vào đó, họ gọi bằng một tên chung đó là thợ thủ công.
3. Quá trình phát triển
Chỉ trong vòng một thế kỉ, tính từ đầu thế kỉ XX đến nay, việc sản xuất hàng mã trên phố Hàng Mã đã có nhiều thay đổi. Có thể tạm chia quá trình phát triển của hàng mã ra làm ba giai đoạn chính:
Tuy nhiên, việc phân chia giai đoạn này chỉ mang tính chất tương đối, bởi hàng mã là sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh, tinh thần của con người, dù cho bộ mặt kinh tế, xã hội, chính trị có thay đổi, văn hóa tâm linh vẫn có một sức ỳ lớn hơn, lại không dễ gì thể hiện sự thay đổi ở trên bề mặt.
Trước đây, khoảng những năm đầu thế kỉ XX, hàng mã đúng như tên gọi của nó là những sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh, các mặt hàng cũng tương đối đơn giản.
Ở Hà Nội, có một phố được người dân biết đến là trung tâm của vàng mã, đó là phố Hàng Mã. Thực ra từ trước đến nay, hoạt động sản xuất ở phố Hàng Mã không nhiều, thậm chí, vào những năm đầu thế kỉ XX, Hàng Mã vẫn chỉ là một đoạn phố nhỏ chuyên làm và bán các đồ mã nhỏ và đồ mã để cúng lễ (mũ thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy…) do dân làng Tân Khai (Hàng Sắt và Cổng Đục) dọn đến làm và bán. Đồ mã nhỏ thì được làm tại đây còn những đồ mã lớn dùng cho tang lễ (minh tinh nhà táng) hoặc đám làm chay, đám lễ cầu mát đầu hè (hình Quan Ôn, voi ngựa, thuyền rồng, lính tráng…) thì được đặt làm bên phố Mã Mây (gần phố Hàng Bạc). Phân tích việc sử dụng hàng mã trong giai đoạn này, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã ghi lại trong những trang viết về Tết: “Lòng thành kính của những người giầu cũng như của những người nghèo, trong vấn đề thuộc về ăn uống, vì rằng người ta chỉ dâng lên cho tổ tiên những thứ mà họ có thể dành cho bản thân họ. May thay, những người đã chết chỉ ăn một cách tượng trưng những thứ mà người sống dâng lên. Chi phí phụ thêm trong những ngày đầu năm mới, dành cho tổ tiên, như vậy chỉ có tiền mua đồ mã: quần áo, mũ nón, giầy dép, lụa là, vải vóc và những tiền âm phủ đủ các loại, những đồ mã đại diện cho những giá trị giầu có hơn nhiều so với giá tiền mua nó và gia đình chỉ mất công lựa chọn những chủng loại thích hợp”. Đoạn văn này không chỉ cho chúng ta biết một số loại đồ mã thường dùng mà còn khắc họa vai trò của nó đối với cuộc sống của những người dân nghèo thành thị, và còn nói rõ lí do người ta thích mua đồ mã: trong khi thức ăn dâng cúng phải là thức ăn thật thì “đồ mã đại diện cho những giá trị giầu có hơn nhiều so với giá tiền mua nó”.
Từ khoảng những năm 1930 đến trước đổi mới, hàng mã ở phố Mã Mây tàn, các gia đình ở phố Mã Mây chuyển sang phố Hàng Mã gần Đồng Xuân và tiếp tục làm hàng mã. Khi các gia đình này chuyển tới phố Hàng Mã mang theo cả kĩ thuật và cách làm đồ mã lớn đến đây. Tuy nhiên, vào thời đó, việc thờ cúng rất đơn giản nên các đồ mã cũng chỉ có quần áo, ấm chén, nồi niêu… Chỉ vào các dịp lễ tiết như lễ “cầu mát” đầu hè, rằm tháng bảy, hầu hết các gia đình đều đốt đồ mã cho thân nhân mới chết nên thuở đầy đủ các vật dụng trong nhà, đến cả gia súc, hình nhân nô bộc… để gửi xuống âm phủ thì các cửa hàng ở phố Hàng Mã mới làm nhiều hàng hơn gấp hai, ba lần bình thường.
Vào giai đoạn đó, phố Hàng Mã đã rất nhộn nhịp vào những ngày giáp Tết trung thu. Bác Nguyễn Văn Hiệp - thành viên trong Hội Người cao tuổi phường Hàng Mã - rất xúc động khi nhớ lại kỉ niệm thời ấu thơ: “Mỗi dịp Tết Trung thu, phố Hàng Mã rất lộng lẫy, chỉ đi ngắm thôi cũng đã rất thích, những người thợ thủ công làm và bán đèn xếp, đèn kéo quân, đèn sư tử ngay ở hai bên đường phố...”.
Giai đoạn từ sau 1986 đến nay, hoạt động sản xuất ở phố Hàng Mã giảm dần, có giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng mã gần như bị “xóa sổ” do chính sách bài trừ mê tín dị đoan của Đảng và Nhà nước ta. Trong vòng mười năm trở lại đây, số lượng các gia đình vừa sản xuất, vừa kinh doanh ở Hàng Mã rất ít. Theo kết quả khảo sát, hiện nay, trên toàn tuyến phố Hàng Mã chỉ có duy nhất một hộ vừa sản xuất, vừa kinh doanh mặt hàng mã. Sản phẩm chính mà họ làm là đèn lồng và đầu sư tử. Tuy nhiên, gia đình này cũng không sản xuất ngay tại cửa hàng trên phố Hàng Mã mà làm tại cơ sở sản xuất ở vùng ngoại thành Hà Nội.
3.1 Quá trình phát triển về kỹ thuật sản xuất:
Sở dĩ hiện nay, hàng mã không được làm trực tiếp tại cửa hàng bởi hai lý do chính đó là thiếu mặt bằng sản xuất và độ chuyên nghiệp của nghề. Như ta đã biết, kiểu nhà phổ biến ở Hàng Mã là nhà ống và nhà chồng diêm, hẹp ngang và kéo dài vào bên trong, nhà ở cũng đồng thời là nơi buôn bán kinh doanh, hàng hóa bầy trong cửa hàng nhiều, không có nơi để sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay đội ngũ lao động ở phố Hàng Mã tương đối trẻ, độ chuyên nghiệp trong sản xuất gần như là không có. Chính vì vậy mà phố Hàng Mã hiện nay, kĩ thuật sản xuất gần như đã không còn.
Trước đây, người dân phố Hàng Mã chuyên làm các đồ mã nhỏ trong đó có các loại hoa giấy dùng để trang trí và để thờ cúng. Việc chuẩn bị nguyên vật liệu làm hoa giấy hết sức đơn giản, trước hết là việc chọn mua giấy màu. Bí quyết để làm được bông hoa giấy đẹp là phải chọn mua giấy màu có màu sắc tươi tắn, rực rỡ, chọn mua được càng nhiều màu thì bó hoa càng đẹp. Các loại giấy màu này thường được đặt mua với số lượng lớn từ Nam Định, giấy màu xanh dùng làm lá và cuốn cành còn giấy màu đỏ, màu hồng, màu điều… dùng làm nụ và cánh hoa. Ngoài giấy màu, để làm được hoa giấy thì không thể thiếu các nguyên vật liệu khác như: nứa cây chẻ nhỏ, dây thép để làm cành hoa, hồ dán, dao sắc để chẻ nan và kéo để cắt giấy làm lá và hoa và đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Khi đã có đủ nguyên vật liệu cần thiết, người thợ bắt tay vào thực hiện các công đoạn làm làm cành, lá và cánh hoa. Để làm cành, người thợ chẻ cây nứa ra thành nhiều nan nhỏ có độ dài bằng nhau (khoảng 40 cm) và vót nhẵn các nan, sau đó họ đem đi nhuộm màu xanh lá cây, xanh lục cho các cành nứa này. Cũng có những hộ gia đình không nhuộm màu mà quấn giấy màu xanh lục quanh thân của nan nứa, với cách làm này, cành hoa trông giống thật hơn. Sau khi đã có cành, người thợ tiếp tục dùng giấy màu xanh lá cây để cắt lá. Lá cây được cắt hàng loạt, có những nhà cẩn thận còn tỉa thêm răng cưa để tăng thêm phần sinh động cho chiếc lá.
Nụ và hoa được cắt từ giấy màu hồng, màu đỏ hoặc màu điều, đây là những màu cơ bản giúp cho bông hoa giấy thêm rực rỡ. Hoa được ghép từ nhiều cánh giấy cùng màu, đơn giản thì người ta chỉ cắt cánh hoa rồi xếp chồng các cánh lên nhau, xỏ dây thép qua để làm cuống hoa và nhụy hoa. Muốn đẹp hơn, người ta gập giấy thành từng gợn sóng nhỏ, xếp chồng lên nhau rồi mới đem đi cắt và xỏ dây thép làm cuống và nhụy. Công đoạn cuối cùng để hoàn thành bông hoa là đính lá và nụ hoa lên trên cành bằng hồ dán. Một cành có thể có một, hoặc ba bông hoa tùy thuộc vào cách bố trí của người thợ. Riêng đối với hoa thờ, cánh hoa thường làm to hơn, có thể điểm xen kẽ cả những hoa làm bằng giấy trang kim để bông hoa vừa có màu sắc rực rỡ lại vừa thêm phần tôn nghiêm.
Hiện nay, nghề làm hoa giấy ở Hàng Mã đã không còn và kỹ thuật làm hoa giấy trước đây dường như bị lãng quên. Thay vào đó là các loại hoa được làm bằng giấy trang kim, những cành vàng lá ngọc được nhập về từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các mặt hàng mã phục vụ cho nhu cầu tâm linh được nhập ở hai nguồn chính là làng Cót (Yên Hòa – Cầu Giấy) và làng Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh).
Như vậy, có thể thấy từ nhiều năm trước, khi mà nền kinh tế của nước ta còn trong giai đoạn khó khăn thì việc sản xuất hàng mã chủ yếu mang tính thủ công, do bàn tay khéo léo của người thợ làm nên, và sản phẩm hàng mã cũng hết sức đơn giản. Nghề làm hàng mã cũng đã trải qua những giai đoạn bấp bênh nhưng chưa bao giờ mất bởi nước ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên từ ngàn xưa. Và cho đến những năm gần đây, hoạt động sản xuất hàng mã ngày càng sôi động trở lại. Tính chất của việc sản xuất cũng thay đổi, ngày càng chuyên môn hóa cao và kỹ thuật sản xuất có sự kết hợp giữa hình thức truyền thống và hiện đại. Với những người sản xuất hàng mã thì hàng hóa của họ không bao giờ sợ ế thừa hay không tiêu thụ được bởi vì ở bất cứ đâu, người mua cũng luôn luôn có nhu cầu trong việc cúng bái, giỗ chạp, ma chay.
3.2. Quá trình phát triển về mặt hàng kinh doanh
Những năm đầu thế kỉ XX, Hàng Mã chia làm hai đoạn được ngăn cách bởi dòng sông Tô Lịch, đoạn phía Đông trên đất thôn Vĩnh Hanh chuyên bán đồ mã nhỏ, đó là đồ hàng giấy để trang trí (hoa giấy, đèn giấy với nhiều kiểu dáng) và đồ mã nhỏ để cúng lễ (mũ thổ thần, mũ ông Công ông Táo, vàng giấy..). Những đồ mã lớn dùng cho tang lễ (minh tinh nhà táng) hoặc đám làm chay, làm lễ cầu mát thì người ta đặt làm ở phố Mã Mây (gần Hàng Bạc). Đoạn phía Tây trên đất thôn Yên Phú gần mấy phố Lò Rèn, Hàng Sắt, Hàng Khóa (Hàng Đồng hiện nay) thì lại tập trung nhiều cửa hàng đồ đồng chuyên bán các đồ dùng bằng đồng như: mâm, nồi, sành, siêu đun nước, đỉnh hạc, cây nến, lọ hoa, bát hương… Sở dĩ trong giai đoạn này, các mặt hàng mã không phong phú bởi việc thờ cúng tương đối đơn giản, mỗi gia đình chỉ có một bát hương để thờ cúng gia tiên và các vị thần nên nhu cầu về các đồ vàng mã để thờ cũng không nhiều, tiêu biểu là một số đồ mã như: giấy, tiền âm phủ, lư hương, mũ, giầy, quần áo, ngựa giấy...
Từ năm 1930 cho đến những năm trước đổi mới, dòng sông Tô Lịch đã bị lấp đi, phố Hàng Mã được nối liền và có các hoạt động kinh doanh như sau: đoạn đầu phố Hàng Mã giáp với ngã tư Hàng Đường và chợ Đồng Xuân đến Hàng Lược chuyên bán đồ mã, hoa đăng; đoạn giữa từ Hàng Lược đến ngã năm Hàng Cót có các xưởng nhỏ chuyên làm và bán đồ cơ khí; đoạn cuối từ ngã năm Hàng Cót đến phố Phùng Hưng có một số cửa hàng bán đồ tạp vặt (do những người bán đồng nay đã chuyển xuống bán ở chợ Đồng Xuân và một số người di cư vào Nam). Trong giai đoạn này, mặc dù nghề làm hàng mã ở phố Mã Mây đi vào suy tàn và dần mất đi nhưng nghề làm đồ mã ở phố Hàng Mã cũng không khá hơn trước, các cửa hàng trong phố mạnh về bán các loại giấy màu, giấy trắng mộc và làm đèn giấy; đồ mã cúng lễ chỉ sản xuất theo tháng hay vào các dịp lễ như lễ cầu mát vào đầu mùa hè, lễ xá tội vong nhân ngày rằm tháng bảy, mũ ngựa giấy cúng ông Công, ông Táo vào tháng Chạp… Trong dịp Tết Trung thu còn có thêm đèn cá, đèn con thỏ, đèn tiến sĩ giấy, đèn xếp, đèn kéo quân… Như vậy, trong giai đoạn này, việc kinh doanh trên phố Hàng Mã đã có sự biến đổi về các mặt hàng kinh doanh. Riêng đồ mã cũng đoạn đã được bán nhiều hơn do nhiều hộ gia đình làm hàng mã chuyển từ phố Mã Mây về. Đây chính là cơ sở để phố Hàng Mã phát triển việc kinh doanh trong giai tiếp sau.
Từ khi đổi mới đến nay, tình hình kinh doanh trên phố Hàng Mã có sự phân chia cụ thể như sau. Đoạn đầu từ số nhà 01 đến 31 bên dãy lẻ, từ số nhà 02 đến 32 bên dãy chẵn, bắt đầu từ ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân đến Hàng Lược. Đoạn này gồm 42 hộ kinh doanh trong đó có 32 hộ chuyên về bán các sản phẩm hàng mã như vàng mã, hương nến, giấy màu, đồ cúng lễ… Đoạn giữa từ số nhà 33 đến 79 bên dãy lẻ, từ số nhà 34 đến 80 bên dãy chẵn, bắt đầu từ phố Hàng Lược đến ngã năm Hàng Cót. Đoạn này gồm 56 hộ kinh doanh trong đó có 18 hộ chuyên bán vàng mã, giấy màu, hương nến… Trên đoạn này, mỗi dịp Tết đến là nơi bày bán các loại đồ cổ và đồ giả cổ. Trước đây, chỉ khoảng 5 hàng bán, hiện nay, số người bán đồ cổ, giả cổ lên tới khoảng 20 hàng. Những người bán đồ này chỉ tập trung vào khoảng thời gian duy nhất trong năm là từ giữa tháng Chạp đến gần Tết. Đoạn ba từ số nhà 81 đến 95 bên dãy lẻ, từ số nhà 82 đến 96 bên dãy chẵn, bắt đầu từ ngã năm Hàng Cót đến phố Phùng Hưng. Đoạn này có 39 hộ vừa kinh doanh vừa sinh sống nhưng chỉ có duy nhất một hộ ở số nhà 95B là có bán hàng mã tại nhà. Kết quả khảo sát cho thấy trong số 137 cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã hiện nay thì có đến 51 cửa hàng (chiếm 37,2 %) chuyên bán các loại hàng mã: giấy màu, đồ thờ cúng, tiền vàng, hương nến…
Như vậy, có thể thấy rằng việc kinh doanh hàng mã trải qua các giai đoạn tuy có nhiều bước thăng trầm song cho đến nay nó ngày càng được mở rộng.
4. Những biến đổi tại phố nghề
4.1 Những biến đổi về văn hóa tiêu dùng
Đất nước đổi mới, nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, đời sống vật chất của người dân ngày một nâng cao thì nhu cầu về mặt tinh thần của người dân cũng tăng theo. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của tất cả các khách hàng, phố Hàng Mã đã trở thành một trung tâm mua bán hàng mã ở Hà Nội, là nơi tập trung đa dạng các loại hàng mã với mẫu mã phong phú, có thể phân hàng mã ở đây làm ba loại chính là: mặt hàng bán quanh năm, loại bán theo thời vụ và loại hàng mã đặc biệt.
Đến phố Hàng Mã, bất cứ vào thời điểm nào bạn cũng có thể mua các mặt hàng mã như: tiền vàng đủ loại, hương nến, lá ngọc cành vàng, giấy màu, một số đồ mã nhỏ cho người cõi âm như: bộ quần áo, gương lược, điện thoại di động, thẻ ATM của Ngân hàng Âm phủ… trong đó, tiền Âm phủ có lẽ là mặt hàng được tiêu thụ với số lượng lớn nhất bởi tiền là thứ mà cả người sống và người chết đều rất cần. Làng Cót (Yên Hòa – Cầu Giấy) nơi được coi là một “Ngân hàng địa phủ” rất “nhạy bén” trong việc in và phát hành một lượng tiền khổng lồ cho người cõi âm, mỗi ngày ở đây sản xuất không dưới một tỷ đô la tiền âm phủ. Ở làng Cót hiện nay, việc sản xuất các loại tiền giấy, vàng bạc theo kiểu cổ điển đã giảm dần, thay vào đó là những loại tiền khác như đô la Mỹ, tiền Trung Quốc, Hàn Quốc với kiểu dáng và mẫu mã bắt mắt, mệnh giá từ cao xuống thấp để người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn. Đây chính là một nguồn hàng quan trọng để người kinh doanh ở phố Hàng Mã nhập các mặt hàng mã, mà chủ yếu là các loại tiền âm phủ.
Bên cạnh những mặt hàng mã bán quanh năm thì ở Hàng Mã còn có những mặt hàng bán theo thời vụ. Tùy từng dịp lễ tết khác nhau mà người bán hàng sẽ có những mặt hàng phù hợp. Thường thì trong nhà các hộ kinh doanh luôn có các đồ mã phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người cõi âm như nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, đài,… nhưng những mặt hàng này không được bày bán nhiều vào những ngày bình thường, ai muốn mua thì chỉ việc hỏi mua hàng mã vào việc gì, người bán hàng sẽ tư vấn và mang ra đủ loại mẫu mã cho khách hàng thoải mái lựa chọn; chỉ đến dịp lễ Tết, hay ngày rằm, mùng một, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn như rằm tháng bảy với lễ Xá tội vong nhân người bán hàng mới đem ra nhiều.
Bên cạnh ngày giỗ, Tết thì lễ Xá tội vong nhân vào rằm tháng bảy là dịp để cho con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Với quan niệm trần sao âm vậy nên họ cố gắng sắm sửa thật nhiều đồ mã giống như những đồ mà người thân mình khi sống thường dùng và thật nhiều tiền gửi xuống cõi âm để cho người thân của mình ở dưới suối vàng được đầy đủ. Chính vì thế, vào dịp rằm tháng bảy, ở Hàng Mã bên cạnh những mặt hàng bày bán quanh năm còn có rất nhiều đồ mã phục vụ cho việc cúng lễ như: voi ngựa, thuyền rồng, nhà cửa, ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm, hình nhân…
Gần rằm tháng bảy là Tết trung thu, đây là tết dành cho thiếu nhi nên phố Hàng Mã lúc này lại nhộn nhịp hẳn lên với các thứ đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân… và rất nhiều thứ đồ chơi của Trung Quốc mang sang như: đèn lồng đủ loại, mặt nạ đủ kiểu, đèn trang trí… Dịp Noel thì có các mặt hàng trang trí, cây thông noel, bóng bay, mũ áo ông già Noel, thiệp mừng, đèn trời…
Đến khoảng giữa tháng Chạp, phố Hàng Mã càng sầm uất hơn với la liệt các loại hàng như: Mũ ông Công, ông Táo, dây hoa trang trí, cành vàng lá ngọc, bóng bay, phong bao lì xì, thiệp mừng năm mới…Tuy nhiên, trừ mũ ông Công, ông Táo và các loại thiệp mừng được làm ở Việt Nam, đa phần các mặt hàng mã trong dịp này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo những người dân ở đây, trong khoảng 20 năm gần đây, hàng hóa Trung Quốc xâm lấn thị trường hàng mã của người bản địa. Hàng Trung Quốc bày bán trên phố Hàng Mã chủ yếu là đồ trang trí trong dịp Noel, dịp Tết và đồ chơi trẻ em. Với mẫu mã đa dạng, màu sắc sặc sỡ, chủng loại phong phú, giá cả lại không quá cao, hàng Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế. Trước tình trạng hàng mã Trung Quốc ngày càng lấn át hàng mã truyền thống của Việt Nam, cụ Trương Thị Trúc, 85 tuổi ở số nhà 50 phố Hàng Mã nói: “Tôi phản đối việc hàng mã Trung Quốc ngày càng nhiều, điều đó làm giảm đi các giá trị văn hóa truyền thống của nước ta…”. Việc để cho hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường nước ta ngay cả với những sản phẩm tinh thần khiến cho chúng ta cần phải suy ngẫm và cần phải đưa ra những biện pháp để khắc phục tình trạng này. Các cửa hàng trên phố Hàng Mã còn là nơi bán các loại hàng mã “đặc biệt”. Gọi là hàng “đặc biệt” bởi vì hàng không bán quanh năm mà cũng không làm vào các dịp lễ mà chỉ làm theo đơn đặt hàng, những thứ đồ mà khách hàng yêu cầu. Cùng là nhà lầu xe hơi nhưng khách hàng có thể đặt nhà hàng làm theo kiểu dáng, kích thước, màu sắc mà mình muốn như: nhà tầng có trang thiết bị hiện đại, có người giúp việc, có cả chó bec-giê gác cửa, những chiếc mô tô đời mới phân khối lớn hình dáng kích cỡ như thật đi kèm với mũ bảo hiểm, hình nhân là những cô gái xinh đẹp có kích cỡ như thật... Những mặt hàng này thường có giá cao hơn tùy theo kích thước và độ phức tạp của sản phẩm.
Ngoài ra, ở phố Hàng Mã hiện nay cũng chuyên bán một số mặt hàng phục vụ đám cưới hỏi như: các hình trang trí, thiệp cưới, hoa giấy, chữ lồng, đèn lồng, ruy băng, cắt xốp trang trí...
Như vậy, dạo qua thị trường hàng mã trên phố Hàng Mã, ta cảm nhận được sự nhộn nhịp và rực rỡ đặc trưng của con phố này. Hiện nay, các mặt hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã ngày một phong phú hơn, bên cạnh những mặt hàng truyền thống là các loại hàng mã, phố Hàng Mã cũng mở rộng các mặt hàng kinh doanh khác như: văn phòng phẩm (16 cửa hàng, chiếm 11,6 %); thời trang làm đẹp (9 cửa hàng, chiếm 6,6 %); ăn uống (6 cửa hàng, chiếm 4,4 %); đồ chơi trẻ em (4 cửa hàng, chiếm 2,9 %),… bên cạnh đó, còn có thêm một số ngân hàng, nhà thuốc tư nhân, công ty du lịch, cửa hàng in, dịch vụ cầm đồ… mới được mở ra. Việc xuất hiện đa dạng các mặt hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã cũng nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của người dân Hà thành.
Tuy nhiên, mặt hàng kinh doanh nổi bật tạo nên đặc trưng của phố Hàng Mã vẫn là các loại hàng mã. Đồ mã ngày càng phong phú và đa dạng, đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc kinh doanh hàng mã phát triển. Bên cạnh sự phát triển của mặt hàng mã thì còn tồn tại một nguy cơ, đó là sự “Trung Quốc hóa” các mặt hàng phục vụ nhu cầu tâm linh.
4.2 Những biến đổi về hình thức và phương thức kinh doanh.
4.2.1 Những biến đổi về hình thức kinh doanh.
Theo khảo sát đối với một số hộ kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã, những cửa hàng này thì từ xưa đến nay vẫn tồn tại hai hình thức kinh doanh chính là bán buôn và bán lẻ đối với tất cả các mặt hàng. Tuy ở Hàng Mã hiện nay các gia đình không tự sản xuất hàng mã nữa nhưng họ vẫn có những nguồn nhập hàng tương đối lớn đó là: Làng Cót (Cầu Giấy - Hà Nội), làng Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh), và hàng nhập từ Trung Quốc. Trong đó, làng Cót chuyên cung cấp các loại tiền, vàng, đôla âm phủ, làng Đông Hồ cung cấp quần áo, xe hơi, đồ dùng sinh hoạt cho người cõi âm, còn hàng Trung Quốc chủ yếu là đồ chơi, đồ điện tử cho trẻ em, đèn lồng và đồ trang trí.
Hàng ngày, ở phố Hàng Mã có nhiều xe thồ nhỏ đến mua buôn hàng mã về bán ở khắp các tỉnh. Những người này thường mua buôn về bán lẻ, đặt mối ở các cửa hàng nhỏ gần nơi họ sinh sống. Ưu điểm của hình thức bán buôn đó là bán được cùng lúc một số lượng hàng lớn, bán hàng theo lô. Nhưng mặt khác, bán buôn hàng thường là bán cho các mối quen nên đôi khi người mua hàng chỉ đặt cọc một số tiền nhất định để lấy hàng. Giá bán buôn cũng thấp hơn giá bán lẻ, lợi nhuận của việc bán buôn tính theo số lượng của từng lô hàng hóa. Bên cạnh việc bán buôn cho những người chủ yếu ở ngoại tỉnh thì các cửa hàng bán hàng mã đa phần bán lẻ cho khách hàng trong thành phố Hà Nội. Giá bán lẻ của các cửa hàng gần như tương đương nhau, chênh lệch trên dưới 2000 đồng/ sản phẩm. Hình thức bán lẻ có ưu điểm là người bán có thể nâng giá của mặt hàng lên cao tùy thuộc vào đối tượng mua hàng, lợi nhuận tính theo từng mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, bán lẻ có nhược điểm là chậm thu lãi, hàng bán mang tính thời vụ. Chính vì vậy, việc kết hợp hai hình thức bán buôn và bán lẻ giúp người kinh doanh thu được lợi nhuận tối đa.
Về giá cả các mặt hàng, các hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã thường nhập hàng ở các mối quen với số lượng lớn, giá thành rẻ. Đối với mỗi mặt hàng mã bán lẻ trên thị trường, họ được lãi ít nhấp là gấp ba lần, chẳng hạn như giá nhập một bộ quần áo cho người cõi âm là 3000 đồng/bộ, một cây rừng cho người nặng căn kiếp giá 12.000 đồng/cây, hình nhân cho những nam thanh nữ tú còn vướng tiền duyên giá 4.000 đồng/hình nhân…Những hàng này khi về tới Hàng Mã bán lẻ có giá như sau: bộ quần áo có giá từ 50.000 đồng đến 65.000 đồng/bộ, cây rừng giá 100.000 đến 200.000 đồng/cây và một hình nhân giá 90.000 đồng. Tuy nhiên, cũng tùy đối tượng khách mua mà chủ cửa hàng có thể nói tăng lên hoặc bớt đi giá thành của mặt hàng. Đối với khách quen, giá có giảm đi một chút.
Riêng đối với các loại hàng mã đặc biệt, làm theo yêu cầu của khách hàng thì giá cả tùy thuộc vào sự đơn giản hay phức tạp trong cách làm mà món hàng đó có giá cao hay thấp. Ví như một chiếc xe máy Dream II kích cỡ như thật có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng, một nhà lầu trệt giá trên một triệu, một biệt thự từ 2 đến 2,5 triệu đồng, một hình nhân kích cỡ như người thật có giá 400.000 đồng…
4.2.2 Những biến đổi về hình thức và phương thức kinh doanh.
Mỗi cửa hàng lại có những phương thức riêng để thu hút sức mua khách hàng. Tùy từng thời điểm mà phương thức kinh doanh có thể linh hoạt thay đổi. Thời bao cấp, khi mà mọi thứ đều được phân phối bằng tem phiếu, cuộc sống của người dân còn vất vả, phải lo từng bữa cơm thì những nhu cầu về mặt tinh thần của người dân chưa nhiều. Bên cạnh đó, chính sách bài trừ mê tín dị đoan của Đảng và Nhà nước đã kìm hãm sự phát triển của mặt hàng mã.
Hiện nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, phương thức kinh doanh ngày càng có vai trò to lớn, giúp cho người kinh doanh bán được nhiều hàng hóa hơn, lợi nhuận thu về nhiều hơn cũng như quyết định việc đặt mối quan hệ lâu dài với khách. Chính vì vậy, mỗi cửa hàng đều chọn cho mình một phương thức kinh doanh riêng biệt.
Với tiêu chí khách hàng là thượng đế, chất lượng tốt, giá cả phải chăng, lấy số lượng để tăng lợi nhuận, các cửa hàng kinh doanh luôn cố gắng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của khách, đây chính là phương thức kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Qua cuộc khảo sát thị trường hàng mã những ngày giáp Tết nhận thấy những khách hàng sống ở tại phố Hàng Mã và khu vực xung quanh phố Hàng Mã đều rất thích mua hàng ở số nhà 21. Tại đây, đơn cử như bộ sản phẩm quần áo mũ ông Công, ông Táo cỡ trung và cỡ lớn loại đẹp có giá 1000.000 đồng/bộ, cỡ nhỏ loại đẹp giá 65.000 đồng/bộ đến 80.000 đồng/bộ, trong khi giá bán ở các cửa hàng khác cũng tương đương như vậy mà mẫu mã lại không đẹp bằng. Khi được hỏi nguyên do vì sao lại chọn mua hàng mã ở số nhà 21, cô Nguyễn Thị Quý (Số nhà 82 Hàng Mã) cho hay: “Mỗi năm chỉ có một lần nên tôi muốn chọn mua loại đẹp nhất. Tôi cũng giới thiệu cửa hàng này cho bạn bè nữa”. Chị Oanh, chủ của hàng cho biết: “Cửa hàng tôi lấy uy tín làm đầu nên chúng tôi luôn đặt những hàng tốt nhất mà giá bán các mặt hàng này lại tương đương so với các cửa hàng khác”. Như vậy, nhà chị Oanh đã sử dụng phương thức kinh doanh với tiêu chí lấy chất lượng tốt, giá thành hợp lý để thu hút khách hàng. Đối với mỗi sản phẩm bán ra, lãi có thể không nhiều như các cửa hàng khác, nhưng với số lượng hàng bán ra nhiều hơn gấp đôi những của hàng trong cùng khu phố thì đây chính là phương thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho hộ kinh doanh.
Gia đình chị Oanh cũng là hộ duy nhất trên phố Hàng Mã còn kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh hàng mã. Việc kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh của gia đình có một số mặt thuận lợi: Trước hết, việc làm này giúp bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống của nghề làm hàng mã (mặc dù hiện nay hoạt động sản xuất của gia đình đã có sự kết hợp giữa sản xuất thủ công và máy móc); tiếp nữa, việc tự sản xuất sẽ giúp cho cửa hàng có những sản phẩm mang đặc trưng riêng biệt, không giống với đa phần hàng hóa bán trên thị trường; mặt khác, cửa hàng có thể trở thành nguồn cung cấp hàng cho chính các hộ kinh doanh trên cùng phố nghề. Tuy nhiên, việc kết hợp sản xuất và kinh doanh cũng có một số hạn chế, cơ sở sản xuất và kinh doanh xa nhau, do vậy cần phải chi thêm một khoản tiền chi phí cho việc đi lại; thêm nữa cần thuê nhân công, những thợ thủ công lành nghề phục vụ cho việc sản xuất; nguồn nguyên liệu cũng phải được cung cấp thường xuyên và đầy đủ để duy trì việc sản xuất. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù việc kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh hiện nay khiến cho chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh phải quản lý thêm nhiều khâu nhưng họ cũng thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.
Bên cạnh phương thức kinh doanh lấy uy tín chất lượng làm đầu, cũng có một số cửa hàng sử dụng các phương thức kinh doanh khác như: Phương thức kinh doanh “chụp giật”, coi lợi nhuận là trên hết, mua rẻ bán đắt, lợi dụng niềm tin tâm linh của khách hàng để bán những mặt hàng có chất lượng kém, và vì là mặt hàng phục vụ tâm linh nên dễ rơi vào tình trạng “buôn thần, bán thánh”... Phương thức kinh doanh “chụp giật” này thường áp dụng với những khách chỉ mua một lần. Với phương thức này, chủ cửa hàng có thể thu được lợi nhuận cao hơn gấp 5, 6 thậm chí mười lần so với giá nhập hàng. Tuy nhiên, việc “buôn gian bán lận” này chỉ giúp cho chủ hàng thu được lợi nhuận một lần từ khách mua hàng. Mặt khác, chủ hàng cũng không thể dùng phương thức này làm phương thức kinh doanh chính cho cửa hàng được bởi khách hàng sẽ không bao giờ quay lại lần thứ hai.
Đối với những hàng chất lượng kém, giá rẻ, việc tiêu thụ ở thành phố tương đối khó khăn, chủ hàng có thể xuất đi các tỉnh, nơi có yêu cầu về chất lượng cũng như mẫu mã chưa cao để bán hàng, với hình thức kinh doanh này, chủ hàng vẫn thu được nguồn lợi nhuận nhất định.
Mặc dù hiện nay, phương thức kinh doanh ngày càng phong phú, nhưng các hộ gia đình kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã không sử dụng duy nhất một phương thức kinh doanh nào. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mà họ có những phương thức kinh doanh riêng: đối với khách hàng quen thì phương thức chủ yếu vẫn là lấy uy tín, chất lượng làm đầu; đối với khách mua một lần, phương thức chính là “chụp giật”. Tuy nhiên, tất cả các phương thức kinh doanh này đều hướng vào mục đích thu lợi nhuận cao nhất cho người bán hàng.
4.2.2 Những biến đổi về mối quan hệ xã hội qua kinh doanh
Quan hệ kinh doanh là mối quan hệ giữa những người cùng buôn bán với nhau và quan hệ giữa người buôn bán với khách hàng, trước đây, những người buôn bán trên phố Hàng Mã cũng giống như bao phố nghề Hà Nội khác thường truyền tụng nhau câu “buôn có bạn, bán có phường”. Đây chính là mối quan hệ kinh doanh theo kiểu phường hội rất phổ biến ở các phố nghề Hà Nội. Những người trong cùng phường nghề chủ yếu là người cùng làng, thậm chí là cùng họ hàng ở quê. Khi ra kinh đô, họ mang theo những bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp để sản xuất, bán hàng, mở phố. Họ cùng thờ ông tổ nghề và có quan hệ giúp đỡ nhau về kĩ thuật sản xuất, mẫu mã; giá thành sản phẩm cũng thường có sự thống nhất. Đây chính là đặc trưng quan trọng của mối quan hệ kinh doanh theo kiểu phường hội.
Những năm gần đây, nền kinh tế thị trường kéo theo sự biến đổi của các mối quan hệ kinh doanh. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, có những người vẫn kinh doanh nghề cũ trên phố cũ, có người đã đổi nghề và chuyển sang sống ở phố khác. Trong số 50 hộ kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã hiện nay, cũng chỉ có 4 hộ kinh doanh là nối tiếp nghề của cha ông để lại, còn phần lớn hoặc là người nơi khác chuyển tới hoặc là người ở cùng phố Hàng Mã nhưng mới chuyển sang buôn bán hàng mã vì đây là nghề truyền thống của phố và mang lại thu nhập khá cho người kinh doanh. Chính sự phức tạp về thành phần các hộ kinh doanh như vậy nên đã dẫn đến thực trạng hiện nay những hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã thay vì mối quan hệ phường hội thân thiết là mối quan hệ cạnh tranh để cùng phát triển.
Các phố nghề Thăng Long – Hà Nội đã trải qua bao bước thăng trầm cùng với những biến thiên của lịch sử và trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, phố nghề đã mang đến cho Thăng Long – Hà Nội những nét độc đáo riêng.
*Viện nghiên cứu Văn hóa
_________________________________
THƯ MỤC THAM KHẢO
Nguyễn Thị Huệ*