Sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách
Từ cuối năm 2020, giới trẻ Hà Nội đã rỉ tai, rủ nhau tham gia trải nghiệm tour đêm di tích nhà tù Hoả Lò “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”.
Khác với tour ban ngày, tour đêm tại di tích Hỏa Lò có những hoạt cảnh được dựng công phu, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong nhà tù Hoả Lò xưa kia. Tham gia chương trình “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; cảm nhận sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục…
Là một du khách trẻ tuổi, sau khi xem xong tour đêm “Lửa thanh xuân”, chị Hà Anh xúc động: “Vở kịch tràn ngập cảm hứng. Những lời thoại khiến tôi trào dâng tình yêu cháy bỏng với đất nước nghìn năm văn hiến. Những hình ảnh, âm thanh đã khơi dậy những cảm xúc trong tôi chưa từng có”.
Còn bạn Đinh Quang Nhật chia sẻ: “Sau buổi tối trải nghiệm nhiều cảm xúc này, tự bản thân thấy những khó khăn trong cuộc sống cá nhân trở nên nhỏ bé”.
Trong khi đó, Dư Hào, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thật sự bất ngờ về độ chỉn chu của chương trình. Từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi đã có cảm xúc chân thật về lịch sử đất nước sau khi xem các hoạt cảnh của tour đêm”.
Em Vũ Quỳnh Trang, một học sinh trường THCS tại Hà Nội chia sẻ: “Em được tham quan và trải nghiệm tại nhà tù Hoả Lò, chốn linh thiêng và ngập tràn cảm xúc. Những câu chuyện khiến em trào dâng những cảm xúc diệu kì, khơi dậy trong em lòng biết ơn sâu sắc đến những anh hùng bất khuất, những chiến sĩ quả cảm đã hy sinh tính mạng, tuổi thanh xuân đẹp của mình cho Tổ quốc, cho nền độc lập của dân tộc”.
Đó là những cảm nghĩ của du khách sau khi trải nghiệm tour đêm di tích Hoả Lò. Thay vì chỉ là những thuyết minh đơn thuần về các hiện vật, cách truyền tải câu chuyện về những chiến sĩ cách mạng, về hiện vật nơi đây đã đem lại cảm xúc đặc biệt cho du khách.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Hiện nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức chương trình Đêm thiêng liêng 2 chủ đề “Sống như những đóa hoa” vào các tối thứ 6 hằng tuần; chương trình Đêm thiêng liêng 3 chủ đề “Lửa thanh xuân” vào tối thứ 7 hằng tuần. Nhờ làm tốt các chương trình, trong 10 tháng đầu năm 2023, di tích đón hơn 550.000 lượt khách tham quan ban ngày và kín lịch tour đêm”.
Từ mô hình tour đêm di tích Nhà tù Hoả Lò, đến nay, một số điểm di tích, bảo tàng tại Hà Nội cũng đã hình thành tour đêm đem lại những trải nghiệm mới cho du khách.
“Chọn tour đêm vì tôi muốn có không gian yên tĩnh, được xem trình diễn nghệ thuật và nhất là trò chơi tìm hiểu về kiến trúc các triều đại phong kiến còn ghi dấu ấn tại Hoàng Thành Thăng Long. Không gian đêm, kết hợp với ánh đèn tạo nên không gian huyền ảo, cho du khách hiểu hơn về thời kỳ lịch sử, sự huy hoàng của cung điện xa xưa”, chị Diệu Linh ở Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.
Trong khi đó, tham gia tour đêm Bảo tàng Văn học, em Phan Long, học sinh trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) có thêm một góc nhìn mới từ việc hình thành các tác phẩm văn học đã được học. “Ấn tượng nhất là vở kịch Chí Phèo - Thị Nở được biểu diễn trích đoạn sinh động, dễ cảm thụ hơn so với đọc sách”, em Phan Long chia sẻ.
Từ tháng 11/2023, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào hoạt động tour đêm với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Đây là sản phẩm du lịch đêm thứ 4 của Hà Nội khai thác yếu tố di tích lịch sử để tạo thành sản phẩm thu hút khách. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Điểm khác biệt của tour trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ở chỗ sử dụng công nghệ và ánh sáng, không dùng hình thức sân khấu hóa. Từ cổng chính tới nhà Thái Học, mỗi khu vực đều có câu chuyện gắn với đạo học Việt Nam. Điểm nhấn của tour nằm ở phần sân Thái Học khi du khách được xem trình diễn 3D Mapping (kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D) về những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam khi thể hiện các chủ đề: Trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt...
“Đơn vị đã nghiên cứu và bàn bạc kỹ để việc áp dụng công nghệ chiếu sáng không tác động đến kết cấu của di tích nhưng vẫn tạo không gian trải nghiệm mới với du khách. Ngôn ngữ của công nghệ sắc màu ánh sáng giúp du khách cảm nhận về ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam cũng như việc học, thi và trọng dụng nhân tài của các thời kỳ trước”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Sản phẩm đêm thúc đẩy lượng du khách ban ngày
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội, người đã tham gia hình thành ý tưởng và tổ chức 3 sản phẩm tour đêm đầu tiên Hà Nội (tại di tích Hoả Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Việt Nam) chia sẻ: “Tour đêm đầu tiên về di tích Hoả Lò được hình thành vào năm 2020, trong giai đoạn dịch COVID-19. Lúc đó, cả đơn vị di tích và du lịch đều mong muốn có sản phẩm mới để thu hút khách bởi lúc đó chỉ có khách nội địa".
Trước đó, khách tới di tích Hoả Lò vốn chủ yếu là khách quốc tế. Sau khi bàn thảo, cả đơn vị thực hiện đều nhận định muốn thu hút khách nội địa phải có cách làm mới sản phẩm theo “ngôn ngữ” trẻ để hấp dẫn khách. Trong cái khó bó cái khôn, sản phẩm tour đêm xây dựng trên các hoạt cảnh từ chính những câu chuyện những chiến sĩ cách mạng từng bị giam tại nhà tù Hoả Lò đã tạo những hiệu ứng rõ nét.
Cùng hợp tác và xây dựng chương trình giữa di tích và du lịch đã cho ra đời một chương trình tour đêm không quá nặng thông tin hàn lâm, mà phù hợp với khung thời gian của du khách. “Do đó, các hoạt cảnh thường phải cô đọng và nêu bật chủ đề. Các nhân vật tham gia hoạt cảnh đều là nhân viên của di tích nên mang tới “cái hồn” của hoạt cảnh và từ đó mang lại nhiều giá trị cảm nhận với du khách”, ông Phùng Quang Thắng kể lại thời gian đầu khi làm về tour đêm.
Từ thành công của tour đêm Hoả Lò, ông Phùng Quang Thắng cùng các đơn vị lữ hành trong hiệp hội tiếp tục xây dựng chương trình hợp tác với Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam. Quan trọng nhất với tour đêm tại di tích là phải nghĩ được chủ đề và xâu chuỗi các hoạt động theo chủ đề đó để khách cảm nhận và trải nghiệm.
Mỗi di tích có giá trị văn hoá riêng nên không thể rập khuôn. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của đơn vị di tích trên cơ sở lắng nghe tư vấn để có sản phẩm hợp “khẩu vị” của từng nhóm đối tượng khách. Tuy nhiên, việc đầu tư tour đêm thường rất tốn kém hơn so với tour ban ngày từ chi phí nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất.
“Điều này dẫn tới giá tour đêm bao giờ cũng cao hơn tour đi tham quan ban ngày. Với điểm di tích, xây dựng tour đêm thường mang ý nghĩa về làm thương hiệu. Từ tour đêm được nhiều người biết đến, khách lại đến tham quan ban ngày. Điển hình như cả 3 di tích trên, lượng khách đến ban ngày tăng mạnh khi có tour dêm”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Hiện nay, làm tour đêm có 2 hình thức: Hợp tác, chuyển giao và hợp tác cùng đầu tư. “Từ 3 mô hình đã triển khai thời gian qua, tôi thiên nhiều về hình thức hợp tác rồi chuyển giao công nghệ, để di tích tự làm. Lúc đó doanh nghiệp chỉ hỗ trợ một phần và liên kết bán sản phẩm đưa khách đến”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Wondertour cho rằng: “Để khai thác dòng khách trẻ, các di tích phải làm mới mình. Không còn cách nào khác, hướng tới nhóm đối tượng trẻ thì đơn vị tổ chức phải nói theo ngôn ngữ của giới trẻ. Các tour đêm vừa rồi Hà Nội khai thác tốt là nhờ sự truyền tải các thông điệp của di tích thông qua ngôn ngữ của giới trẻ. Điển hình như tại di tích Nhà tù Hoả Lò, du khách được trải nghiệm cách làm tour mới, có thể nhập vai thông qua các vở diễn để biết được những cảnh tù đày của những chí sĩ yêu nước trước đây. Hoặc sử dụng công nghệ ánh sáng để trình chiếu về không gian xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tái hiện việc học, thi ngày xưa.
TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: Thông qua phát triển du lịch đêm sẽ đạt được 2 mục tiêu: Trước tiên là lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội đến đông đảo công chúng. Thứ hai là tạo ra nguồn thu để hỗ trợ trở lại cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Với hoạt động du lịch, các tour đêm sẽ mở rộng không gian trải nghiệm mới và kéo dài thời gian trải nghiệm, tạo ra những sự kiện văn hóa, không gian trải nghiệm vô cùng phong phú.
Cách làm du lịch khai thác các giá trị văn hoá, từ đó mang lại giá trị kinh tế đóng góp vào ngân sách Nhà nước và được chi tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn. Việc hỗ trợ tương tác giữa khai thác du lịch và di tích văn hoá đáp ứng chủ chương của Hà Nội phát động về xây dựng một thành phố thông minh, sáng tạo.
Xuân Cường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-phat-trien-du-lich-dem-mang-toi-su-trai-nghiem-moi-ve-di-tich-a22088.html