Kỳ 42
Nguyên nhân sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, khoa học lịch sử còn phải nghiên cứu lâu dài, nhưng tổng quát lại trong thiết chế của chủ nghĩa xã hội theo mô hình tập trung vốn có nhiều khuyết tật, qua 40 năm lại không chịu điều chỉnh, cải cách, xem thường đòi hỏi và ý nguyện của nhân dân. Đến khi buộc phải tiến hành cải cách thì phạm nhiều sai lầm. Các Đảng Cộng sản đã sai lầm trong giải quyết sách kinh tế, sai lầm trong quyết sách chính trị, sai lầm trong xây dựng đảng, đảng mất dần uy tín, thất bại trong các cuộc bầu cử và mất chính quyền. Bên cạnh đó, phải thừa nhận sự từ bỏ nghĩa vụ của Liên Xô đối với các hiệp ước tương trợ lẫn nhau với các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, sự đẩy mạnh diễn biến hòa bình theo những kịch bản được vạch ra của chủ nghĩa đế quốc làm các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu càng nhanh chóng sụp đổ.
Như mối quan hệ tương hỗ và biện chứng, sự thờ ơ của ban lãnh đạo Liên Xô đẩy Đông Âu xã hội chủ nghĩa nhanh chóng sụp đổ. Đến lượt mình, Liên Xô lại chịu sự tác động mạnh mẽ của các sự biến ở Đông Âu và cũng nhanh chóng kết liễu sự tồn tại của mình. Đó là những sự kiện mang tính chất bi kịch to lớn làm rung động toàn bộ thế giới hiện đại.
II. Liên Xô khủng hoảng
1. Liên Xô - cường quốc
Trước Cách mạng tháng Mười năm 1917, Nga chỉ là nước chủ nghĩa tư bản trung bình so với các nước tư bản khác vì ở Nga không trải qua cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến Nga Hoàng, mở đường cho chủ nghĩa tư bản Nga phát triển. Chủ nghĩa Tư bản Nga phát triển mang nặng nhiều tàn tích phong kiến vì thế nước Nga là nơi tập trung tất cả các mâu thuẫn của thời đại đế quốc chủ nghĩa. Các mâu thuẫn đó là nguyên nhân dẫn tới bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng 2, lật đổ chế độ Nga Hoàng và sau đó là mạng tháng Mười năm 1917, lật đổ ách thống trị của tư sản địa chủ, đưa giai cấp vô sản lên địa vị cầm quyền, kiến lập nên nhà nước Xô Viết Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Các cường quốc tư bản không thể thừa nhận sự ra đời và tồn tại của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Mười bốn nước tư bản do Anh, Pháp đứng đầu (với sự đồng tình của Mỹ) phối hợp với các thế lực phản động gây ra cuộc nội chiến khốc liệt nhằm tiêu diệt nhà nước vô sản non trẻ. Nội chiến kéo dài từ năm 1918 đến năm 1920 và kết thúc với sự chiến thắng hoàn toàn của nhà nước Xô Viết.
Chiến thắng ra khỏi chiến tranh nhưng nước Nga bị tàn phá nặng nề, Sản lượng nông nghiệp bằng 1/2, công nghiệp bằng 1/7 so với trước chiến tranh, toàn dân bị đói. Nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng. Để phục hồi kinh tế nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Lênin, nước Nga thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Chính sách kinh tế mới triệt để sử dụng kinh tế tư bản chủ nghĩa cho phép nhiều thành phần kinh tế phát triển, thực hiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Nước Nga Xô Viết còn mở cửa cho phép tư bản nước ngoài đầu tư trực tiếp và tô nhượng.
Sau sáu năm thực hiện chính sách kinh tế mới, sản lượng công nghiệp nước Nga Xô Viết tăng 2 lần so với trước chiến tranh, kinh tế đã hoàn toàn hồi phục và tăng trưởng. Nước Nga qua khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị. Theo Lênin, chính sách kinh tế mới không phải là biện pháp tình thế, nhất thời mà phải được thực hiện suốt thời kỳ quá độ, là chính sách bắt buộc đối với tất cả các nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, kể cả đối với các cường quốc tư bản phát triển nhất.
Năm 1924, Lênin mất, Stalin lên lãnh đạo Đảng và nhà nước Xô Viết. Để nhanh chóng biến Liên Xô thành cường quốc thoát khỏi sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc, để có sức mạnh đương đầu với cuộc chiến tranh mà chủ nghĩa phát xít đang nhen nhóm, Stalin chủ trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. năm 1929, Stalin bỏ chính sách kinh tế mới, chuyển sang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội bằng biện pháp hành chính, tập trung và kế hoạch hóa.
Đặc điểm của chế độ xã hội chủ nghĩa tập trung ở Liên Xô là xác lập chế độ công hữu triệt để về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, quản lý kinh tế theo kế hoạch và chỉ tiêu pháp lệnh, phân phối sản phẩm theo hiện vật và qua chế chế độ tem phiếu. Về cơ cấu kĩ thuật, chế độ này triển khai công nghiệp, chỉ chú trọng công nghiệp nặng, chiếm 70%, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp chỉ chiếm 30%. Chế độ kế hoạch hóa tập trung có tính chất pháp lệnh được làm cơ sở cho hệ thống hành chính, mệnh lệnh quan liêu.
Thể chế kế hoạch hóa tập quyền cao đã thể hiện những ưu điểm mạnh mẽ, huy động được khả năng, nhiệt tình sức mạnh của nhân dân Liên Xô vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công nghiệp hóa. Trong hoàn cảnh đất nước cực kỳ khó khăn: Bị tán phá, suy sụp sau đại chiến I (1914-1918) và nội chiến (1218-1920), vốn tích lũy ban đầu nghèo nàn, hạn hẹp, thiếu cán bộ lại bị các nước tư bản bao vây cô lập, mà chỉ một thời gian từ 10 đến 15 năm, Liên Xô đã xây dựng được cơ sở vật chất hùng mạnh, nền quốc phòng vững chắc, đã trở thành một cường quốc vĩ đại trên thế giới.
Từ năm 1928-1941 Liên Xô có bước nhảy vọt to lớn, đã đưa vào sử dụng 9.000 xí nghiệp công nghiệp lớn, tức bình quân một năm có 600 đến 700 công trình[1]. Tiềm lực công nghiệp đất nước xét về cơ cấu ngành, về trang bị kĩ thuật và về năng lực sản xuất các sản phẩm quan trọng về cơ bản đạt được mức của các nước phát triển.
Sự phát triển của kinh tế dẫn đến cơ cấu dân cư thay đổi. Năm 1928 số công nhân viên chức Liên Xô là 9 triệu, năm 1940 đã tăng lên 23 triệu, số lượng công nhân nông nghiệp cũng tăng từ 4 triệu lên 10 triệu[2], nền nông nghiệp vào năm 1937 gần như đã được tập thể hóa hoàn toàn với hai hình thức: sở hữu nhà nước (nông trường quốc doanh) và sở hữu tập thể (nông trang). Đội ngũ cán bộ khoa học, tổ chức và sinh viên đại học cũng tăng lên hàng chục triệu người. Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã trở thành một cường quốc công nghiệp thứ hai thế giới.
(Còn nữa)
CVL
--------------------
[1] Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử - chính trị, Nxb Terra, Matxcova, 1991, trang 23
[2] Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử - chính trị, Nxb Terra, Matxcova, 1991, trang 23
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-42-a22094.html