Đỗ Trung Lai là một người rất đa tài. Làm thơ, vẽ tranh, dịch thơ chữ Hán …, ở mảng nào ông cũng để lại những ấn tượng khó phai. Nhưng với tôi có lẽ sức hút của Đỗ Trung Lai là thơ. Vào những năm đầu của thập niên tám mươi ở thế kỷ trước tôi từng được biết nhà thơ với tư cách là tác giả của bài thơ tình “Đêm sông Cầu” được cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng có tên “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Sau này, khi làm giáo viên tôi lại được gặp ông trong những bài thơ “Nếu trái đất thiếu trẻ em” (Tiếng Việt lớp 5, tập 2) và đặc biệt là bài thơ “Mẹ” trong sách Ngữ văn lớp 7 (bộ sách Cánh Diều, tập 1 và bộ sách Chân trời sáng tạo, tập 2). Đó là một bài thơ bốn chữ kiệm lời nhưng hàm súc và ẩn chứa biết bao tình ý sâu xa. Giống như một lời tâm sự vừa nhẹ nhàng, dung dị vừa đằm thắm, chân thành mà gợi cho người ta một nét buồn phảng phất về nỗi cô đơn hay sự mong manh của kiếp người trước tạo hóa. Bài thơ như sau:
“Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng
Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!
Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.”
Đọc bài thơ người ta nhận thấy Đỗ Trung Lai đã rất khéo léo mượn chất liệu từ mạch nguồn văn hóa dân gian kết hợp với nghệ thuật tương phản để tạo thành một tứ thơ rất độc đáo gây ám ảnh cho người đọc về tiếng lòng quặn thắt, đau xót của người con khi phải chứng kiến cảnh người mẹ thân yêu của mình ngày một già yếu và xa rời chúng ta theo quy luật của đời người.
Thứ nhất, ta hãy bàn về ý nghĩa của chất liệu của bài thơ. Đỗ Trung Lai đã sử dụng cặp hình ảnh tương phản giữa cây cau, tục ăn trầu cau và mẹ để khắc họa hình ảnh một người mẹ đang già theo năm tháng trong sự xót thương, bất lực của người con. Hẳn mỗi chúng ta, người Việt Nam, ai mà chẳng biết “Sự tích trầu cau ” và văn hóa ăn trầu. Chúng ta đã từng lớn lên và mang trong mình ký ức về một huyền thoại “trầu cau” của bà, của mẹ kể cho nghe từ thủa lọt lòng như thế nên cây cau trong mỗi vườn nhà chẳng có gì xa lạ; phong tục ăn trầu và triết lý nhân sinh đầy nghĩa tình của cái màu đỏ thắm khi hòa quyện trầu cau vào nhau đã hằn in trong từng nếp nghĩ: “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “miếng trầu nên dâu nhà người” … Bởi vậy, chọn cây cau và chuyện ăn trầu để nói về mẹ và quy luật đời người của mẹ phải chăng Đỗ Trung Lai muốn tôn vinh mẹ, vĩnh cửu hình ảnh mẹ. Cây cau và tục ăn trầu có ý nghĩa như thế nào đối với văn hóa Việt Nam thì người mẹ cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như thế đối với cuộc đời của mỗi người con, không phải chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có cả ý nghĩa tinh thần to lớn. Lựa chọn cây cau để nói về mẹ cũng là sự cảm nhận rất tinh tế của nhà thơ. Hình ảnh cây cau không chỉ thể hiện được dáng hình của con người mà còn gợi tả được bước đi của thời gian đời người trên từng gióng đốt. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã từng có một bài thơ rất hay có tên “Qua hàng trầu nhớ mẹ”. Bởi thế việc Đỗ Trung Lai liên tưởng và sử dụng cây cau trong sự tương phản với người mẹ để khắc họa người mẹ há chẳng phải là một sự tìm tòi đầy tính sáng tạo đó chăng?
Thứ hai, xét từ giác độ triển khai mạch cảm xúc và cấu tứ của bài thơ để thấy được thông điệp của nhà thơ muốn gửi đến người đọc. Nhìn tổng thể, bài thơ là tâm sự của một người con bộc lộ nỗi xót xa, thương cảm khi thấy người mẹ yêu quý của mình đang ngày một già đi theo năm tháng. Mạch cảm xúc này được nhà thơ thể hiện qua cấu tứ của bài thơ gồm có hai phần. Phần một: hai khổ thơ đầu - Hình ảnh giữa cây cau và mẹ; phần hai: ba khổ thơ còn lại - Nỗi niềm thương cảm của người con khi thấy mẹ ngày càng một già yếu.
Ở phần một, nhà thơ đã để mạch cảm xúc được triển khai qua cặp hình ảnh tương phản sóng đôi với nhau: mẹ và cau. Mẹ: lưng còng, đầu bạc trắng, ngày một thấp, gần đất - cau: vẫn thẳng, ngọn xanh rờn, ngày càng cao, gần giời. Phải nói rằng ở chỗ này Đỗ Trung Lai rất tinh trong việc lựa chọn các chi tiết về hình dáng và sắc màu để đối sánh nhằm làm nổi bật những ý niệm cần biểu đạt. Theo thời gian, cây cau ngày một phát triển với dáng thẳng vươn lên trời cao cùng những lá cành xanh tốt. Ngược lại, mẹ ngày càng lão hóa với tấm lưng còng sát xuống mặt đất cùng với mái đầu tóc bạc trắng xóa. Hình ảnh tương phản này đã mang tới cho chúng ta một bức tranh rất chân thực, sinh động nhưng cũng bao hàm cả những triết lý nhân sinh về quy luật của thời gian đời người. Theo lẽ thường của tạo hóa mọi vật có sự phát sinh và phát triển rồi lụi tàn. Đời người cũng vậy. Không ai bước qua được quy luật sinh tử. Nhìn thấy cây cau xanh tốt ngày càng phát triển tràn trề sự sống trong khi mẹ không còn được khỏe mạnh và ngày càng già yếu theo vòng đời sinh hóa nhà thơ không khỏi giật mình đau đớn, xót xa và phải thốt lên: “Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất!”. Tiếng thơ như thể một sự kìm lòng nhưng không nén nổi. Một nỗi chua xót trào dâng trước một thực tế phũ phàng được biểu đạt bằng cách sử dụng nghệ thuật nói giảm, nói tránh để giấu đi một hiện thực đang không muốn gọi tên: mẹ sắp rời khỏi thế giới trên mặt đất. Cái thực tế đau xót ấy trong câu thơ của Đỗ Trung Lai lại làm người ta nghĩ đến câu thành ngữ “gần đất xa trời” nên càng khiến lòng người không khỏi ngậm ngùi, thoảng thốt. Câu thơ tựa như một tiếng kêu xé lòng, trách giận thời gian. Cái hình ảnh thơ ấy thật đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi thế nhìn thấy mẹ đang hắt héo mà lòng con không khỏi chộn rộn bao điều tiếc nuối. Quỹ thời gian của mẹ trôi đi ngày càng nhanh, tựa như chuối chín cây, đồng nghĩa với thời khắc con không còn được ở bên mẹ đang ngày một đến gần. Cứ thế bảo sao lòng dạ không khỏi bồn chồn, hốt hoảng, cuống quýt, âu lo. Ý thơ của Đỗ Trung Lai chứa đựng bao nhiêu yêu thương xen lẫn vô vàn đau xót và đã chạm đến được những huyệt đạo thiêng liêng nhất trong lòng người: tình mẫu tử nên đã tạo ra những rung chấn, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Nó càng làm cho ta yêu và thương mẹ ta hơn bởi sự trưởng thành lớn lao của ta gắn liền với biết bao nhọc nhằn đắng cay của đời mẹ trên tấm lưng còng và mái đầu bạc. Nỗi đắng đót này Đỗ Trung Lai không trực tiếp nói ra nhưng cùng tâm trạng ấy có lần nhà thơ Trương Nam Hương đã từng thổ lộ: “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao” (Trong lời mẹ hát).
Ở phần hai, nhà thơ kể về việc ăn trầu của mẹ để diễn tả sự thay đổi của con người theo thời gian. Mạch cảm xúc được thể hiện qua dòng hồi tưởng bằng việc đan xen giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật nỗi niềm đau đớn, thương cảm của người con khi thấy mẹ ngày càng một già yếu và đang đứng trước ngưỡng cửa của sự sinh tử của cuộc đời. Từ hiện tại trước hình ảnh “Lưng mẹ còng rồi”, “Mẹ - đầu bạc trắng”, “Mẹ thì gần đất” nhà thơ nhớ lại thời “Ngày con còn bé”. Khi ấy mẹ vẫn còn trẻ, răng còn đầy đủ chắc bền nên “Cau mẹ bổ tư”. Bây giờ mẹ đã già, sức khỏe không được như xưa, răng có khi cũng không còn đủ đầy, ăn miếng trầu quả cau bổ làm tám mà mẹ vẫn còn ngại to. Trong khổ thơ này, để nói về sự thay đổi của con người trước thời gian, Đỗ Trung Lai rất tinh tế khi chọn hình ảnh ẩn dụ cau bổ tư, bổ tám cùng cách thể hiện tương phản để cho người đọc thấy được quá khứ và hiện tại sức khỏe của mẹ. Đứng trước sự thay đổi ấy người con lòng nào chẳng thương, lòng nào chẳng xót. Đấng sinh thành thương yêu nhất của đời mình đang hiện hữu trước mắt kia rồi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ bỏ ta mà đi. Người mẹ son trẻ, khỏe mạnh, sung sức thủa nào nay thời gian bào mòn trở nên héo hắt, già nua, móm mém tựa như miếng cau khô khiến cho con cắt lòng “không cầm được lệ”. Đỗ Trung Lai đã ví von mẹ như miếng cau khô để diễn tả hình hài của mẹ khô gầy của mẹ rất chính xác. Cách so sánh ấy không chỉ nói lên được sự già yếu mà còn gợi cho người đọc thấy được cả một dáng hình gầy gò, héo mòn theo bước đi của thời gian cùng những vất vả, giao lao của cuộc đời mẹ. Đứng trước người mẹ yêu quý như thế người con không khỏi thương yêu, đau xót để mà cung kính, nâng niu cái tấm thân tàn: “Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ”. Từ nâng được nhà thơ dùng rất hay. Nó vừa diễn tả được hành động cung kính vừa thể hiện được sự nhẹ nhàng trong từng thao tác đưa trầu dâng cho mẹ. Từ nâng ấy đâu chỉ là nâng miếng trầu. Có khi là đang nâng cả đôi bàn tay mẹ đang run run cầm miếng trầu mà chính mình vừa dâng lên mẹ. Quả là biết bao xúc động, biết bao yêu thương của người con trong một hành động. Và trong nỗi niềm ấy người con đã không khỏi bất lực thốt lên trong một lời oán trách thời gian:
“Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.”
Một câu hỏi vô vọng gửi vào trong hư không: “Sao mẹ ta già?”. Câu hỏi tu từ ấy không cần lời đáp đã diễn tả tột cùng sự xót xa của người con khi đang phải chứng kiến từng giây từng phút cái quỹ thời gian hiếm hoi của người mẹ dần trôi trước mắt. Nó cũng thể hiện sự bất lực đến chết lặng của người con khi biết thời gian của mẹ không còn nhiều mà không thể quay ngược trở lại được để giữ mẹ ở lại mãi bên mình. Ranh giới giữa cái hữu hạn và cái vô hạn là vậy. Ai cũng biết mình và những người thân của mình rồi cũng phải già đi theo thời gian nhưng vẫn đành phải chấp nhận. Từ ngàn năm xưa đã có không ít người khao khát tươi trẻ, mong muốn trường sinh bất lão mà tìm cách luyện đan nhưng vẫn chỉ là những chuyện không tưởng. Đầu khổ thơ là một câu hỏi vô vọng. Cuối khổ thơ là hình ảnh một đám mây bay ở cuối phương trời khép lại khổ thơ đồng thời cũng khép lại bài thơ. Hình ảnh “Mây bay về xa” sao buồn và ảm đạm đến vậy? Phải chăng đó là điều người con nghĩ đến nhưng chẳng dám nói ra. Câu thơ của Đỗ Trung Lai ấy lại làm ta nhớ đến hình ảnh đám mây trong bài “Bên mộ mẹ” của nhà thơ Phạm Quốc Ca: “Làm sao tin có thể/ Mẹ đã hóa mây trời?/ Mẹ đã thành nấm đất/ Mẹ đã thành xa xôi?”. Như thế bảo sao câu thơ không trĩu nặng. Một nỗi buồn mênh mang từ lòng người tỏa vào đất trời. Nó có gì như nghẹn ngào, quặn thắt.
Từ xưa đến nay tình mẫu tử thiêng liêng và hình ảnh người mẹ luôn được các nhà thơ nâng niu trân trọng và có một vị trí đặc biệt trong kho tàng thi ca. Đề tài tưởng chừng rất dễ viết ấy hóa ra lại khó vô cùng. Khó ở độ cảm đã đành nhưng còn khó ở cả sự khác biệt. Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai đã tìm ra được con đường đi riêng trong cái dễ và khó của cái đề tài muôn thủa ấy. Chỉ bằng một vài hình ảnh rất chân thực, bình dị được thể hiện trong sự tương phản giữa mẹ và cau nhưng những nỗi niềm của Đỗ Trung Lai đặt ra đã chạm tới tận cùng trái tim người đọc. Nhà thơ đã khắc họa thành công tâm trạng buồn đau, bất lực của người con trước gã thời gian khổng lồ đang tước dần đi sự tồn tại trân quý của người mẹ. Đó là một nỗi đau buồn đầy tính nhân bản. Nỗi đau buồn đó vừa thể hiện tấm lòng hiếu thảo biết ơn công lao to lớn của mẹ vừa thức tỉnh những ai còn thờ ơ, vô tâm với mẹ. Đó cũng là tiếng lòng tha thiết nhắc nhở mọi người hãy quan tâm, thương yêu quý trọng mẹ khi thời gian hãy còn chưa muộn. Đây chính là bức thông điệp nhân văn mà Đỗ Trung Lai muốn gửi đến người đọc.
______________________________________
*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội
Thu Hiền*
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-tho-me-buc-thong-diep-thoi-gian-cua-do-trung-lai-a22151.html