Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch biển Cửa Lò

Cửa Lò (Nghệ An) là một trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến tắm biển và nghỉ dưỡng vào mùa hè.

Bên cạnh đó, Cửa Lò còn phong phú về nguồn hải sản để phát triển du lịch ẩm thực; có nhiều di tích lịch sử văn hoá để phát triển du lịch văn hoá tâm linh và lễ hội, nhất là về mùa xuân; có khu du lịch sinh thái Cửa Hội và sân golf thu hút du khách qanh năm… Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác triệt để tiềm năng, khắc phục hạn chế mang tính mùa vụ, đưa du lịch Cửa Lò ngày càng phát triển?   

Lịch sử ra đời và phát triển của du lịch Cửa Lò

Có nhiều giả thiết về tên gọi “Cửa Lò”, nhưng thuyết phục nhất là xuất phát từ cách gọi chệch đi của từ “Cửa Lùa” trước đây. Do chỗ con sông Cấm chảy ra biển giữa một bên là dãy núi của xã Nghi Thiết, một bên là dãy núi Lô Sơn thuộc phường Nghi Tân, khi gió biển thổi vào cũng như gió từ hướng Tây thổi ra biển giống như một cửa gió lùa. Sự cảm nhận này được đặt tên cho cửa biển và vì thế nó có tên là “Cửa gió lùa”. Từ Cửa gió lùa người ta gọi gọn lại là “Cửa Lùa”, sau Cửa Lùa được gọi thành Cửa Lò.

12412354235235562356236-1621222384.jpg
Với Slogan “An toàn, thân thiện và mến khách”, du lịch biển Cửa Lò sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới, thú vị và hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Bờ biển Cửa Lò dài chừng 12km, trong đó 8,2km là bãi cát trắng phẳng mịn với độ dốc thoai thoải, nước trong và sạch. Từ xưa, đây là nơi cư trú của ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên biển. Ngoài giờ đi đánh bắt cá, họ thường ra đây vá lưới, tắm biển, nghỉ ngơi và dạo chơi.  

Cuối thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam. Để phục vụ cho bộ máy hành chính viên chức người Pháp, người Việt, chúng lần lượt khám phá và xây dựng nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng như: SaPa (1903), Bà Nà, Tam Đảo (1904), Ba Vì, Mẫu Đơn, Bạch Mã (1906), Sầm Sơn và Cửa Lò (1907)…

Tại Cửa Lò, người Pháp cho xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh từ Vinh đi Cửa Lò và các điểm nghỉ dưỡng, trong đó có một khu biệt thự cho người Pháp và đội ngũ viên chức người Việt làm việc ở các nhà máy công nghiệp và hành chính Vinh - Bến Thuỷ (khu này đã bị phá hủy trong chiến tranh). 

Trước đây, khu vực Cửa Lò gồm 01 thị trấn và 04 xã thuộc huyện Nghi Lộc. Năm 1994, Cửa Lò được tách ra và nâng cấp thành thị xã với 05 phường và 02 xã.

Trải qua hơn 100 năm hình thành nhưng diện mạo đô thị du lịch biển Lửa Lò thực sự phát triển mới hơn 20 năm lại nay. Cơ sở hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn cao tầng hiện đại và nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng.

Hàng năm, mùa du lịch chính thường được khai trương vào dịp 30/4 và 1/5 bằng Lễ hội Sông nước Cửa Lò với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc cùng với tiết mục bắn pháo hoa và kết thúc vào cuối tháng 8.

Từ đầu năm 2020 lại nay, mặc dù cả thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Dịch Covid-19, nhất là ngành du lịch, nhưng Cửa Lò đã làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Phòng chống dịch bệnh và từng bước đưa ngành Du lịch phát triển. Năm 2020, tổng lượng khách đến Cửa Lò đạt 1.811 nghìn lượt người, bằng 56,9% so với năm 2019, đạt 52% kế hoạch năm. Trong đó khách lưu trú đạt 878 nghìn lượt người, đạt 52% so với năm 2019, đạt 48% kế hoạch năm; khách quốc tế đạt 122 nghìn lượt người. Doanh thu đạt 1.759 tỷ đồng, đạt 51% so với  năm 2019, đạt 42% kế hoạch năm. Thu thuế, phí dịch vụ du lịch đạt gần 13 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, Cửa Lò xây dựng mới và mở rộng thêm 03 cơ sở lưu trú, với 200 phòng, nâng tổng số toàn thị xã có 300 cơ sở lưu trú, khả năng phục vụ 30.000 lượt khách lưu trú/ngày đêm. Trong đó, nổi bật như: Vinpearl Discovery Cửa Hội (5 sao); Khách sạn Mường Thanh, Holiday (4 sao); Hải Đăng, Sài Gòn Kim Liên Resort, Daewoo, Golf Resort, Sonnet, Summer, Thái Bình Dương, 3D, Thanh Nam, Hoàng Nam, Hòn Ngư (3 sao)…

Năm 2021, Cửa Lò phấn đấu đón 3.150 nghìn lượt khách, tăng 42,5% so với năm 2020, trong đó 1.610 nghìn lượt khách lưu trú, tăng 46 % so với năm 2020; doanh thu đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 47,7 % so với năm 2020. Xây mới 03 cơ sở với 300 phòng, nâng tổng số cơ sở lưu trú lên 303, có khả năng phục vụ  30.500 lượt khách lưu trú/ ngày đêm. Giải quyết việc làm cho khoảng 10.500 lao động. Xây dựng, thẩm định và công nhận từ 03 - 05 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài các khu rerost và khách sạn cao cấp, sân gofl, công viên thế giới tuổi thơ, thể thao nước, khu liên hợp du lịch - thương mại - thể thao, Cửa Lò sẽ có thêm Làng Du lịch Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương học…

Tiềm năng phát triển du lịch biển Cửa Lò

Nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam là bãi biển Cửa Lò, cách thành phố Vinh 16km về phía Đông Bắc, cách Hà Nội 288km, và cách thành phố Hồ Chí Minh 1402km. Cửa Lò được nối với Lào (cách thủ đô Viêng Chăn 468km) và Bắc Thái Lan bởi Quốc lộ 7 qua cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), Quốc lộ 8 qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Hệ thống giao thông đến Cửa Lò rất thuận lợi bằng: Đường bộ (cách quốc lộ 1A 15km), đường sắt (cách ga Vinh 17km), đường hàng không (cách cảng hàng không Quốc tế Vinh 7km), đường biển (cảng Quốc tế Cửa Lò). Từ Vinh xuống biển Cửa Lò bằng nhiều con đường như: quốc lộ 46, đường 72m, đường Tỉnh 535, đường Ven Sông Lam… Chạy song song với bãi tắm và cách mép nước khoảng 100 - 200m là con đường Bình Minh dài hơn 10km.

Bãi biển Cửa Lò dài 12km gồm 3 bãi tắm: Lan Châu ở phía Bắc, Xuân Hương ở giữa và Song Ngư ở phía Nam, được đánh giá vào loại hấp dẫn nhất Việt Nam bởi độ phẳng, thoải, cát trắng mịn và sạch, nước trong và mặn vừa phải. Hai đầu bãi là hai cửa biển: Cửa Hội (Sông Lam) ở phía Nam và Cửa Lò (Sông Cấm) ở phía Bắc. Phía ngoài biển cách bờ 4 km là đảo Ngư, cách 20km là đảo Mắt... Du khách có thể đi tàu du lịch, ca nô ra thăm đảo Ngư, nghỉ dưỡng, tắm biển, vãn cảnh chùa Song Ngư…

Đảo Lan Châu nằm ngay sát bờ biển, còn được gọi là Rú Cóc, vì đảo có hình dáng giống con cóc khổng lồ đang vươn mình ra biển khơi. Đảo chia bãi tắm thành hai khu vực riêng biệt. Điều đặc biệt là khi thuỷ triều lên, tất cả chân đảo chìm dưới mực nước biển, khi thủy triều xuống, phía Tây hòn đảo nối với đất liền thành bán đảo, phía Đông là những vách đá lô nhô trải dài phía biển. Trên đảo đã được quy hoạch và xây dựng thành khu du lịch cao cấp với hệ thống nhà hàng, khách sạn sang trọng, khu thể thao nước, cảng du lịch phục vụ khách tham quan đảo Ngư, đảo Mắt và các tuyến du lịch biển. 

Đảo Ngư cách bãi tắm Song Ngư (Cửa Hội) 4km, gồm 2 hòn lớn, nhỏ. Hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Đến đây, ngoài viếng đền Song Ngư trên đảo, du khách còn tắm biển, tham gia leo núi, du ngoạn bằng thuyền quanh đảo, thăm khu nuôi cá Giò... 

Đảo Mắt cách đất liền khoảng 18km, đảo còn có tên là núi Quỳnh Nhai cao 2218m so với mặt nước biển. Núi Quỳnh Nhai gồm hai hòn lớn, nhỏ nối vào nhau, từ đất liền nhìn ra giống như cặp mắt nên gọi là đảo Mắt. Đảo Mắt là vị trí tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sự bình yên cho đất liền. Trên đảo có rừng xanh với nhiều loại chim biển, khỉ, dê, lợn rừng... là tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng thu hút du khách. 

Sân Golf Cửa Lò tiêu chuẩn 72 gậy cho 18 đường golf, được thiết kế với nhiều địa hình dốc phong phú, là thử thách hấp dẫn và ngoạn mục đối với các golf thủ chuyên nghiệp cũng như những người đam mê golf những thử thách thật ly kỳ và hấp dẫn. Sân Golf Cửa Lò được thiết kế hoàn hảo bởi IMG - Mỹ, nhà thiết kế sân golf hàng đầu thế giới. Cỏ sân golf là các giống cỏ Paspalum và Bermuda chuyên dùng cho sân golf loại mới nhất, đẹp nhất trên thế giới được nhập từ các quốc gia chuyên xuất khẩu cỏ giống cho sân golf. Với các loại cỏ này, các đường golf rất đẹp, tạo độ chính xác cao. Với các thảm cỏ xanh mướt, những đường golf uốn lượn quanh co huyền ảo xuyên qua những hàng cọ, hồ nhân tạo và những thác nước, cảnh quan xinh đẹp tạo nên cảnh quan và khí hậu tuyệt vời cho những người chơi golf và cư dân trong sân golf.

Khu du lịch sinh thái Cửa Hội được thành lập năm 2000 trên diện tích 60ha có rừng phi lao xanh mát. Khác với nhiều điểm du lịch khác, náo nhiệt và sôi động thì Cửa Hội lại níu giữ du khách với vẻ bình yên và êm ả. Chỉ cách bãi tắm Cửa Lò 5km về phía Nam, nhưng khi đến với biển Cửa Hội, du khách đã bước đến một không gian khác, thích hợp cho những ai muốn tìm đến điểm nghỉ mát thoát khỏi sự ồn ào. Cửa hội là vùng đất đẹp, đắc địa về phong thủy. Nghỉ dưỡng tại đây du khách sẽ được hòa mình vào không gian tự nhiên, với biển trời bao la. Nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi chợ cá vào những buổi sáng sớm khi mặt trời mới chớm mọc.

Tại đây, Tập đoàn VinGrup đã đầu tư xây dựng Khu du lịch Vinpearl Cửa Hội có quy mô 38,7ha, với vốn đầu tư 900 tỷ đồng, bao gồm khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, các khu tiện ích hàng hàng, mua sắm, ẩm thực, bến thuyền đẳng cấp, cùng các dịch vụ hoàn hảo khác phục vụ nghỉ dưỡng du khách đến đây.

Khu du lịch sinh thái Cửa Hội đã được quy hoạch nằm trong phần đất của dự án “Làng du lịch văn hoá các dân tộc Việt Nam”. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá xứ Nghệ nói riêng, Việt Nam nói chung, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho Cửa Lò. Tại đây cũng sẽ được xây dựng tuyến cáp treo nối bãi tắm Song Ngư với đảo Ngư để thu hút du khách viếng chùa Song Ngư và tham gia các dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm biển, leo núi…

Là một ngư trường phong phú nguồn hải sản, biển Cửa Lò có khoảng 200 loài cá, nhiều loại đặc sản như tôm, mực, cua, rắn biển, cá mú… Du khách đến được thưởng thức các món đặc sản ngay tại bãi biển hoặc trong các nhà hàng với mức giá phù hợp. Đặc biệt các món mực “nhảy” (mực đang bơi) hoặc mực “nháy” (một loại mực ống nhỏ như ngón tay, khi mới vớt từ biển lên có những đốm lân tinh trên lưng), tôm càng, cá mú… còn tươi sống. Du khách thích mạo hiểm có thể theo thuyền nan (thúng) của ngư dân đi câu mực cách bờ chừng một vài cây số. Ngoài thú vui được dập dềnh trên sóng biển còn được thưởng thức món mực nướng hoặc hấp thơm ngon trên thuyền ngay khi vừa được đưa lên khỏi mặt nước...

Tại Cửa Lò, hệ thống dịch vụ phát triển khá hoàn chỉnh và phong phú. Trong những năm gần đây dọc theo hai bên đường dẫn ra biển, các khách sạn và nhà nghỉ mọc lên san sát. Tuyến đường Binh Minh mỗi khi đêm về, muôn sắc đèn chiếu sáng lung linh. Ngoài các dịch vụ như xích-lô, xe điện, taxi chở khách đi dọc bãi biển hóng gió đêm hoặc xe đạp đôi mang hơi hướng phim Hàn Quốc dành cho các đôi bạn trẻ. Các dịch vụ thể thao cảm giác mạnh như mô-tô nước vun vút rẽ sóng hoặc những cánh dù lơ lửng trên đại dương mênh mông đem lại nhiều nét trẻ trung cho khu vực bãi tắm.

Những hạn chế bởi du lịch thời vụ

Tính thời vụ được hiểu là sự mất cân đối về cung và cầu du lịch trong một không gian cụ thể, là một thực trạng của du lịch và được thể hiện ở sự thay đổi số lượng khách, mức chi tiêu của khách, lao động trong du lịch và tính hấp dẫn của điểm du lịch. Tính mùa vụ có tác động đến tiến trình hoạt động bình thường của ngành du lịch trong thời gian của năm và gây ra những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội, tổ chức- kỷ thuật và tâm lí. Nó gây nên những khó khăn trong kinh doanh du lịch, duy trì nhân lực, giảm hiệu quả đầu tư và gây nên những rủi ro hoặc tạo nên những quá tải về cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch trong mùa vụ du lịch và ngược lại sự lãng phí cơ sở vật chất trong mùa vụ vắng khách. 

Cửa Lò là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách nhưng lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính mùa vụ.Hoạt động chính của du lịch biển Cửa Lò là nghỉ dưỡng và tắm biển. Tuy nhiên, hàng năm do thời tiết của khu vực này, hoạt động tắm biển chỉ diễn ra khoảng 3- 4 tháng mùa hè (từ đầu tháng 5 đến đầu cuối tháng 8 dương lịch), những tháng còn lại do thường xuyên mưa, bão, giá lạnh do gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới… nên các khách sạn, nhà hàng hầu như phải đóng cửa hoặc chỉ có một số cơ sở hoạt động cầm chừng, gây lãng phí về tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực phục vụ, khách du lịch ... 

Trước hết, nguồn lao động trong cơ sở du lịch không được sử dụng hết trong năm dễ gây sự dịch chuyển việc làm. Mối quan tâm của nhân viên trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ bị hạn chế. Cơ sở vật chất kỹ thuật chỉ được sử dụng ít trong năm nên tỉ trọng các chi phí cố định quy định trong giá thành của dịch vụ hàng hoá tăng lên. Điều đó làm giảm khả năng áp dụng chính sách giá linh hoạt, gây khó khăn cho tổ chức du lịch. Vào những ngày cao điểm của mùa du lịch, toàn thị xã có 300 cơ sở lưu trú với hơn 10 nghìn phòng nghỉ đều kín chỗ. Tuy nhiên sau những ngày hè sôi động, các tháng còn lại trong năm thì hoạt động du lịch ở đây gần như ngủ yên. Những điểm vui chơi như quảng trường Bình Minh, công viên Hoa Cúc Biển, sân Golf, sân chơi thể thao cho đến các khu vực bãi tắm đều vắng người qua lại. Toàn thị xã có 300 cơ sở lưu trú, khả năng phục vụ 30nghìn lượt khách lưu trú/ngày đêm được xây dựng với số tiền cho mỗi cơ sở lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng gần như bỏ trống. Chỉ có một số khách sạn lớn như VinPerl Cửa Hội, Sài Gòn Kim Lên, Hạ Long, Hòn Ngư, khách sạn Xanh... là vẫn có khách đặt liên doanh với các công ty lữ hành, cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh. 

Đối với khách du lịch, tính mùa vụ làm hạn chế khả năng tìm chỗ nghỉ thích hợp với thời gian tự chọn theo ý muốn. Ngoài ra vào mùa du lịch chính (tháng 5- tháng 8) luôn xảy ra tình trạng tập trung nhiều khách du lịch gây quá tải đối với phương tiện giao thông và ở các điểm du lịch. Điều đó làm giảm tiện nghi khi đi du lịch, do đó dẫn đến giảm chất lượng phục vụ khách du lịch.Sau mùa du lịch thì lựợng khách đến đây lại bị giảm xuống đột ngột, làm cho hoạt động du hưởng lớn. Mặt khác tính mùa vụ trong du lịch ở Cửa Lò còn ảnh hưởng không tốt đến các ngành kinh tế và dịch vụ có liên quan: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công cộng...

Giải pháp phát triển du lịch biển Cửa Lò

Mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa thì xu hướng đi du lịch của du khách mang mục đích khác nhau. Mỗi mùa trong năm ở Cửa Lò đều có những điều kiện tốt để có thể phát triển các loại hình du lịch khác nhau hấp dẫn du khách. Để tránh tình trạng du lịch tăng cao điểm trong vài tháng mùa hè và chủ yếu chỉ là du lịch tắm biển, Cửa Lò cần tiến hành thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trong cả bốn mùa với các loại hình du lịch đa dạng, phong phú để khai thác hết tiềm năng du lịch của vùng thu hút khách du lịch. 

Thứ nhất, cùng với việc khai thác triệt để các tiềm năng và lợi thế thì cần phải liên kết hợp tác với các địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế để cùng nhau phát triển du lịch có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, cụ thể là tạo ra các tour- tuyến du lịch. Qua đó, khai thác được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, cũng như bổ sung cho nhau những hạn chế. 

Thứ hai, ngoài hoạt động nghỉ dưỡng và tắm biển vào mùa hè thì Cửa Lò có thể đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực quanh năm bởi đặc sản biển và hải sản ở đây phong phú, dồi dào và ngon nhất cả nước do dòng hải lưu và độ mặn vừa phải của nước biết nơi đây. Đến đây, du khách còn tham quan các làng nghề như: chế biến hải sản Nghi Hải- Cửa Lò, làng đóng tàu thuyền Trung Kiên... 

Thứ ba, Cửa Lò là vùng đất có những nét văn hoá đặc sắc và lịch sử phát triển lâu đời với 35 di tích lịch sử, văn hóa đã được phân cấp quản lý, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, nhà thờ họ Hoàng Văn. Nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, như chùa Lô Sơn, chùa Song Ngư, đền Diên Nhất, đền Yên Lương, đền Bàu Lối, đền Làng Hiếu, nhà thờ họ Hoàng Thế, nhà thờ Phùng Phúc Kiều... Gắn với các di tích lịch sử là các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân thu hút sự tham gia của cư dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Tiêu biểu như lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Sông nước Cửa Lò… Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hoá tâm linh. 

Thứ tư, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được xây dựng đồng bộ, khang trang và hiện đại. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển rất thuận lợi để thu hút du khách đến từ tất cả các nước trên thế giới... Giao thông đô thị, đường ven biển, đường đi dạo bộ đều có cây xanh, điện chiếu sáng. Công viên Hoa Cúc Biển, quảng trường Bình Minh, khu thể thao đa năng, siêu thị, chợ… được xây dựng theo quy hoạch tổng thể, liên hoàn. Với 300 khách sạn, nhà nghỉ, gồm hơn 10 nghìn phòng nghỉ tiện nghi được xây dựng theo kến trúc hiện đại, hài hoà với thiên nhiên. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động trong ngành du lịch có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cũng như nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Thái độ phục vụ nhiệt tình, mến khách của nhân viên phục vụ du lịch và người dân nơi đây luôn làm hài lòng du khách. Với cơ sở vật chất như hiện nay, Cửa Lò đủ điều kiện đăng cai tổ chức tốt các hội nghị, hội thảo, hội thi… cấp quốc gia và quốc tế quanh năm. 

Thứ năm, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân thực sự là một hướng dẫn viên du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Cửa Lò đẹp trong lòng du khách để mỗi du khách sẽ là một tuyên truyền viên hiệu quả cho thương hiệu du lịch Cửa Lò. Xây dựng các điểm đến tại Cửa Lò ấn tượng, hấp dẫn, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh và các sản phẩm du lịch, hạn chế tính mùa vụ và kinh doanh lưu trú là chủ yếu như hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Chương trình hành động số 55-CTr/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2030
2. https://baonghean.vn
3. https://www.nghean.gov.vn
4. https://www.ngheantourism.gov.vn
(*) Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

TS. Đinh Văn Tới (*)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khai-thac-tiem-nang-phat-trien-du-lich-bien-cua-lo-a2223.html