Trận càn cuối cùng (1)

Sáng ngày 30/6/1954, từ xa đã thấy lính tráng hùng hổ theo lệnh quan thày Pháp, súng ống lăm lăm trong tay từ đồn bốt Ngọc Đồng rầm rộ đi càn tiến vào làng tôi, hướng đến nhà ông ngoại tôi.

lang-que-1702624282.jpgTranh minh họa

Theo lời kể của Mẹ tôi Nguyễn Thị Nhâm: nữ du kích qua 9 năm thời K/C chống Pháp, (1946-1954). Viết theo quyển lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Thanh, có tên mẹ tôi và trận càn cuối cùng này. Và bà con cô bác dân làng chứng kiến sự kiện trận càn: Ngày 30/6/1954

Làng Duyên Yên, quê tôi, nằm kề Sông Hồng, ca nô Pháp hay đổ bộ vào làng khi chúng từ Hà Nội theo đường thủy bất chợt rẽ vào nhà thờ Ngọc Đồng, thủ phủ của thực dân Pháp đóng quân uy hiếp phong trào cách mạng cả một khu vực rộng lớn ven tả ngạn sông Hồng, kết hợp lính tráng từ đồn bốt Ngọc Đồng tràn xuống, nhằm truy bắt Việt Minh, đàn áp phong trào cách mạng khu vực các xã thuộc huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.

Thôn Duyên Yên: chúng còn phong tỏa thiết lập thành làng tề, chúng kiểm soát nhân khẩu hộ khẩu từng nhà năm 1948, vì thôn kề cạnh giáp nhà thờ Ngọc Đồng thuộc xã Ngọc Thanh, thực dân Pháp xây dựng nhà thờ trong sáu năm (1936-1941) và hệ thống đồn bốt Ngọc Đồng tạo thành trì trú ngụ kiên cố của thực dân Pháp trên đất Hưng Yên, tạo ra vị trí làng Duyên Yên không bình yên.

Sáng ngày 30/6/1954, từ xa đã thấy lính tráng hùng hổ theo lệnh quan thày Pháp, súng ống lăm lăm trong tay từ đồn bốt Ngọc Đồng rầm rộ đi càn tiến vào làng tôi, hướng đến nhà ông ngoại tôi.

Chị Hương 18 tuổi nhanh nhẹn, trèo lên chái nhà được lợp hai lớp rỗng giữa, làm hầm bí mật trên cao ém mình trên đó, mẹ tôi nhanh chóng xuống hầm bí mật ẩn nấp, còn ông ngoại bình tĩnh nhìn ra bọn lính đi càn, ông đã từng đối mặt nhiều lần thành quen, qua nhiều trận càn lớn nhỏ, một phần để bảo vệ cảnh giới cho con gái và cháu gái nội, ông cũng không tiếc thân già dù có thể gặp nguy hiểm.

Nhưng lần đi càn này ông cũng không ngờ là do bọn chỉ điểm dấu mặt, đến nhà lùng bắt Việt Minh: Nguyễn Thị Tỵ là con gái út của ông, mới được trao đổi tù binh theo thỏa thuận một đổi một, tù chính trị giữa chính phủ Việt Nam và Pháp: mới được ra tù từ nhà tù Hoả Lò Hà Nội sau khi bị tòa án binh của thực dân Pháp kết án tù chính trị, sau ba năm tù đến năm (1951-1953) được thỏa thuận trao đổi tù binh với một tên quan ba Pháp.

Nguyễn Thị Tỵ (cán bộ tiền khởi nghĩa) cũng là em gái của cán bộ Việt Minh: Nguyễn Trọng Hy huyện ủy viên huyện Kim Động, hy sinh tại làng Cốc Khê, xã Ngũ Lão trong trận càn lớn, chúng tấn công vào cuộc họp bị lộ do chính đồng chí mình phản bội, quay sang làm chỉ điểm cho Pháp, tên chỉ điểm có tên là Minh làm việc tại trưởng ban thanh niên cứu quốc huyện Kim Động, làm tổn thất cán bộ kháng chiến đầu não huyện Kim Động hy sinh trong trận này vào gần trưa ngày 17/6/1950 của ban chấp hành huyện ủy Kháng chiến huyện Kim Động, họp tại thôn Cốc Khê xã Ngũ Lão, cuộc họp bị lộ và chúng tổ chức vây ráp cán bộ k/c.

Chúng hùng hổ súng lăm lăm trong tay, hơn chục thằng ác ôn, xông vào nhà ông ngoại, lùng sục nhà trên đập phá đồ đạc, soi mói gầm giường rồi xuống bếp sục sạo, một hồi không thấy ai ngoài ông ngoại đối mặt, chúng quay ra quát ông:

- Lão già có mấy đứa con gái, gọi về nhà ngay trình diện các quan.

Ông nói: Con tôi nó đi làm thuê làm mướn từ sớm cho địa chủ, kiếm miếng cơm ăn, chứ ở nhà lấy gì mà ăn, chúng lục soát hồi lâu, tên chỉ huy hất hàm cả lũ kéo nhau ra ngõ, hậm hực tức tối không quên đấm đá dúi dụi ông ngoại tôi, ngã lăn quay ra nhà.

Chị Hương nín thở nằm im nghe ngóng trên đầu chái nhà lợp hai lớp lá cọ, tạo ra căn hầm bí mật trên cao phòng khi bất trắc chạy không kịp.

Thấy bước chân bọn chúng nhỏ dần, xa dần ra khỏi ngõ, chị mới trở mình cho đỡ mỏi và không hay biết rằng vẫn còn một tên lính ăn mảnh, vì đói nó vòng trở lại ăn lấy ăn để vài quả chuối chín cây ngay dưới chái nhà tiếp giáp gian bếp đun nấu của gia đình ông Ngoại...

(Còn tiếp)

12/12/2021 - PTL

PTL                                                                                                              Chuyện quê

Phạm Thị Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-can-cuoi-cung-1-a22261.html