"Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt" là tập Trường ca thứ ba của bà. Để bạn đọc có góc nhìn sâu sắc hơn về cuốn sách, xin bà hãy chia sẻ về hành trình sáng tác và ý nghĩa?
Đây là tập trường ca thứ ba của tôi - sau hai trường ca: “Tiếng vọng nơi cửa sông” ra mắt năm 2019 và “Sự sống và lòng biết ơn”- Trường ca viết trong đại dịch covid 19, ra mắt năm 2021. Đây là tập sách văn học thứ 23. Tôi tự đánh dấu kỷ niệm chặng đường viết văn đầy đam mê và nhọc nhằn của mình khi sang 65 tuổi vào đúng năm 2023 với 23 đầu sách, như một con số trùng lặp đáng nhớ.
“Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” là bản trường ca dài 36 chương, sách dày 160 trang, với tranh bìa Giấc Sen kèm cùng với 12 phụ bản tranh vẽ về thiên nhiên, hoa cỏ của chính tác giả tôi vẽ, do NXBHNV cấp phép cuối năm 2023 và Tạp chí Đường Văn tổ chức in ấn.
“Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt”, đưa bạn đọc về với một vùng đất cao nguyên nắng gió mang vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, đầy mộng mị và bí ẩn. Tưởng chừng ở một nơi xa xôi mà lại rất đỗi gần gũi. Đà Lạt hiện lên ở bất cứ nơi nào, dòng nào, trang nào trong từng chương đoạn đều được tác giả nâng niu, trau chuốt. Bởi thế, mỗi địa danh, mỗi câu chuyện đều mang nét ấn tượng, vẻ đẹp đẽ và phiêu lãng.
Tác giả là tôi vốn yêu hoa, yêu sương mù, yêu nắng, yêu mưa, yêu núi, tôi đặc biệt yêu thích những khu vườn và cây lá. Thế nên tôi đã say sưa kể chuyện ngay dưới bóng lá về những địa danh ấy, những vùng đất ấy một cách trìu mến, thân thương như là chính vùng đất máu thịt mà mình được sinh ra. Đó là quê hương tuổi thơ của tôi ở miền biên viễn Lào Cai, nơi có vùng đất Sa Pa nổi tiếng với núi cao Fansipan, quanh năm phủ mây trắng, sông sâu và những dòng suối trong mát, với ngọn thác trắng xoá… Đó là những nét đẹp phóng khoáng và lãng mạn của đất và người, vẻ hoang sơ, lộng lẫy nói chung còn sót lại trước khi bị thời gian tàn phá ở miền núi phía Bắc. Nơi có thông xanh, sương trắng suốt một thời tuổi thơ của tôi cũng mang những nét ảo diệu, khá tương đồng, với vẻ sương khói mênh mang tựa như Đà Lạt. Bởi thế, những câu thơ tôi viết luôn trong nỗi nhớ về tuổi thơ, vừa như gửi gắm tâm tình, rủ rỉ, lại vừa như ngẫm ngợi, ẩn dụ, và sâu xa, với một chút triết lý.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ, với cảnh sắc đất trời tươi đẹp. Tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên là điều bạn đọc dễ dàng nhận thấy, qua ngòi bút của bà. Ở cuốn sách này, phải chăng bà đã sáng tác trong một tâm thế hết sức đặc biệt?
Đó là một tâm thế viết khá tự tin, an nhiên trong sự bình an, tĩnh tâm của một người thơ, một phụ nữ lãng mạn giấu trải nghiệm, luôn nhớ về cội nguồn quê hương mình. Tác giả tôi đã nếm trải đủ những cung bậc của thăng trầm, hạnh phúc, đắng cay khi tĩnh tâm nhìn lại để nâng niu quá khứ, biết ơn cuộc đời và thưởng lãm vẻ đẹp cuộc sống với cái nhìn đầy chiêm nghiệm. Tôi muốn tự khám phá chính mình qua cái nhìn sâu hơn về bản thể, về vẻ đẹp Đà Lạt mộng mơ cùng những cảm thức lay động về cuộc sống muôn màu và sức sống mãnh liệt của con người! Hạnh phúc không chỉ là đích đến, mà hạnh phúc là hành trình trải nghiệm, trong từng khoảnh khắc sống. Chỉ cần đơn giản khi kiếm tìm hạnh phúc chính là giây phút bạn đang sống, ngay bây giờ và ngay ở đây, trong từng sát na và trân trọng mỗi phút giây trôi qua trong hiện tại. Tôi đang viết trong sự thăng hoa chính là tôi đang được hạnh phúc!
Bà bắt đầu đặt bút viết về Đà Lạt khi nào? Vì sao bà lại chọn Đà Lạt cho tập Trường ca thứ ba của mình?
Tôi đã viết những chương đầu tiên về Đà Lạt từ 10 năm trước đây, ngay trong ngày dự lễ kỷ niệm festival hoa và 120 năm thành phố Đà Lạt vào năm 2013. Kỷ niệm về Ga Đà Lạt ngày ấy còn ghi nhớ mãi khi tôi cùng nhà thơ Phạm Quốc Ca, nhà thơ Tuyết Tuyết… và một số nghệ sĩ núi rừng Tây Nguyên đã đứng đọc thơ trước Ga Đà Lạt và ngay trước ống kính Truyền hình, thật tuyệt. Sau nhiều chuyến công tác đến Đà Lạt cho mãi đến sau này, tình yêu với thành phố ngàn hoa trong tôi ngày một lớn dần. Tìm hiểu từng vùng đất, được gặp gỡ nhiều con người thú vị và những câu chuyện hay ở Đà Lạt dường như vẫn luôn là thách thức và bí ẩn. Tôi muốn khám phá vùng đất cao nguyên xinh đẹp ấy và muốn viết về họ theo cách nghĩ sáng tạo nhất có thể và lối viết của riêng mình. Chủ yếu là sử dụng lối thơ văn xuôi, thơ tự do, câu dài chen câu ngắn, tôi có đan cài thêm một chút thơ vần điệu và thơ truyền thống. Sự sáng tạo trong lối viết luôn là một thách thức. Sự mời gọi bí ẩn với mỗi nhà thơ hiện đại, họ những mong luôn hướng tới sự đổi mới và cách tân của riêng mình. Sự thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời. Thế cũng là niềm hạnh phúc khi được cô đơn trong sáng tạo. Đã yêu từ con tim thì chẳng cần phải tìm lý do, ai đó từng nói một câu hay như thế, thật đúng với tâm trạng tôi khi viết về tình yêu với Đà Lạt.
Có những chương, tôi viết rất nhanh, trong niềm đam mê khôn tả và sự thôi thúc được tuôn chảy từ con tim. Viết ra, trước hết để thỏa mãn chính đam mê của mình. Không sinh ra ở đó, không có mối tình nào ở đó, tôi vẫn yêu say Đà Lạt như yêu một mối tình, một người tình quyến rũ, một “mối tình” bí ẩn cần được khám phá.
Đó là những rung cảm và suy tư trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, con người và đặc biệt sau nhiêu năm, tôi vẫn yêu, vẫn mê say vẻ đẹp sương khói, mộng mị của đất trời Đà Lạt cùng bao cảnh đẹp hữu tình ở Hồ Xuân Hương, Đồi Mộng Mơ, Thác Prent, Đường Hầm Điêu Khắc, Thiền viện Trúc Lâm, Thung lũng Vàng… cùng phố núi, biệt thự cổ, từng tiếng sương rơi, cùng thông xanh, mây trắng và tiếng chuông vang vọng từ Nhà thờ Con Gà …
Nơi ấy, tôi đã đến, đã ở lại thức cùng phố núi và gắn bó với Đà Lạt tự khi nào. Chuyến đi gần nhất, tôi tự chọn cho mình ở một nơi vắng vẻ, thật yên tĩnh, ngay trên một quả đồi đầy gió. Từ nơi ấy, tôi hàng ngày ngồi viết và thả tầm mắt nhìn xuống một thung lũng khá hoang vu, đầy cỏ dại ở ngay dưới kia. Có thể nhìn sang những ngọn đồi phía khác để ngắm nhìn mỗi ban mai rực hổng và những bình minh nơi cao nguyên lộng lẫy.
Bà đã nhấn mạnh về tình yêu và sự sống trong tập Trường ca. Điều gì đã thúc đẩy bà viết về những chủ đề này?
Thông qua nhân vật “Nàng” với cách nói phiếm chỉ, tác giả tôi đã tự kể những câu chuyện về Đà Lạt với bao nhiêu niềm say mê, những suy nghiệm về vẻ đẹp cuộc sống và con người Đà Lạt. Nội tâm tôi như được đào sâu, mở rộng hơn, đó là những trăn trở, suy tư triết luận mang đầy cái tôi cá nhân, hướng thiền của bản thể, lối sống chậm luôn hướng về vẻ đẹp của vũ trụ và nhân sinh. Như các thi sĩ đích thực, họ luôn tự truy vấn bản thân mình về sự tồn tại cá nhân và muốn tự khẳng định mình cùng ước mơ, khát vọng sáng tạo bền bỉ trong nghệ thuật và thi ca. Tôi cũng không ngoại lệ khi đi tìm ý nghĩa và giá trị cuộc sống của chính mình. Thông qua những câu chuyện viết về vẻ đẹp khói sương của Đà Lạt như một cách tự chữa lành tâm hồn và lay thức nội tâm.
Đó là những câu chuyện mang nhiều mơ mộng, suy tưởng về vẻ đẹp của thiên nhiên xanh, khí hậu trong lành, nơi những vẻ đẹp và cảm hứng thi ca cất lên tưởng chừng không bao giờ vơi cạn. Những vẻ đẹp về đất và người Đà Lạt, một ban mai rực rỡ từ trên đồi cao, một cơn mưa rào hay một trận sói lở kinh hoàng… của thiên nhiên, cho đến hình ảnh những cô gái đi trên phố núi trong một chiều mưa, vẻ đẹp đậm tính thiền của những người phụ nữ ngồi thêu tranh XQ, những người đàn ông làm vườn, những người đàn bà trồng hoa, những phụ nữ dân tộc Ê Đê, Ba Na... trong vũ điệu lửa ở vùng kinh tế mới Lâm Hà, đặc biệt là gương mặt những văn nghệ sĩ tên tuổi với những sáng tạo nghệ thuật đêm ngày… Tất cả đã làm nên diện mạo và ấn tượng riêng về Đà Lạt, họ thật xứng đáng được văn chương ca ngợi. Hình ảnh họ hiện lên thật lung linh, đẹp đẽ và tất cả như trong bức tranh rộng lớn nơi cao nguyên đang vừa bước ra để nói chuyện cùng chúng ta.
“Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” với lối viết đa dạng đan xen nhiều thể loại: thơ tự do, thơ vần điệu và chủ yếu là thơ văn xuôi, tại sao bà lại chọn lối viết này? Qua đây, bà gửi gắm, truyền tải những thông điệp gì tới bạn đọc?
Lối viết tự cảm nội tâm đầy cảm xúc và sự chiêm nghiệm qua những giấc mơ cũng là một ý thích đầy thách thức. Tôi muốn đi từ ngoại cảnh rộng lớn, từ thiên nhiên trầm lắng, mênh mang, được quay về với bản thể chính mình, tự nói chuyện với mình, đào sâu vào nội tâm chính mình. Ví như “Người bước ra từ bức tranh phố mưa, Đà Lạt xứ sở tình yêu, Đà Lạt - một biển hoa đang trôi, Con đường điêu khắc mang tên Đà Lạt, Câu chuyện về tranh thêu sử quán, Cà phê Đà Lạt, Vườn nơi đỉnh gió, Thông mở lối cho người về Đà Lạt, Nghĩ về sự khác biệt, Giấc mơ chỉ đến một lần… Với lối viết nửa thực nửa ảo, mang đầy nét mộng mơ, ảo diệu, tha hồ bay bổng trí tưởng tượng lại in đậm vẻ sương khói của Đà Lạt trong từng câu thơ. Đúng là thành phố của ngàn hoa, ngàn mưa, ngàn sương, ngàn thông, ngàn thương, ngàn nhớ… Lối viết này có vẻ phù hợp với ý thích sáng tạo, bay bổng, cùng những câu chuyện kể khác lạ về Đà Lạt và tôi rất lấy làm tâm đắc về điều đó.
Đó là những giấc mơ được tái hiện bằng thơ, xen lẫn sự suy tưởng, sự chiêm nghiệm của chính tác giả. Những câu thơ dài, ngắn đầy trăn trở, đan xen nhiều tiếc nuối trước những đổi thay mạnh mẽ cùng nhịp sống hội nhập, nơi một TP du lịch hiện đại phải đối mặt nhiều thách thức. Những câu chuyện về mỗi địa danh du lịch nổi tiếng, nơi mang nhiều vẻ đẹp độc đáo, phù hợp với cảm thức sống chậm, sống thiền, sống nghiệm sinh, sâu lắng trước nhân sinh và kiếp người. Trong đó tác giả tôi thể hiện những trăn trở, suy tư trước thực tại đô thị hoá đang làm cho Đà Lạt bị mai một những vẻ đẹp xưa cũ và có nguy cơ mất dần những vẻ đẹp sơ khai của thiên nhiên thuần khiết. Qua đó gửi đi thông điệp về bảo tồn sinh thái thiên nhiên xanh và ý thức bảo vệ môi trường bền vững cho một thành phố du lịch.
Tình yêu Đà Lạt thể hiện qua sự chiêm nghiệm, những câu chuyện nhiều ngẫm ngợi từ đất và người, tình yêu cuộc sống được tác giả kể bằng thơ từ một miền đất Ba zan nơi cao nguyên đẹp đẽ, về thiên nhiên trong lành, về nhưng con người Đà Lạt bình dị hiền hoà và mến khách… Tất cả hiện lên rất ấn tượng trong từng khúc trường ca. Với người chưa từng được đặt chân đến vùng đất này, có thể hiểu thêm nhiều nét đẹp của Đà Lạt mà thêm yêu thành phố mù sương và những con người bình dị nơi ấy. Một vài thông điệp được tôi gửi gắm về khát vọng được sống và cống hiến của những người nghệ sĩ chân chính, về những giấc mơ chỉ đến có một lần, tôn trọng sự khác biệt, tự truy vấn về sự tồn tại và ý nghĩa, giá trị sống của mỗi người. Bởi mỗi người là một cá thể, mỗi người luôn là một, là duy nhất trong vũ trụ này…
Thật vui khi tác phẩm trường ca Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt của tôi đã kịp thời ra mắt vào tháng 12/ 2023, nhân kỷ dịp tỉnh Lâm Đồng kỷ niệm 130 năm tuổi của thành phố Đà Lạt vào tháng 12/ 2023. Trân trọng cảm ơn BBT ĐƯỜNG VĂN đã đồng hành và NXBHNV đã cấp phép cho sự ra đời của cuốn sách.
Cuộc trò chuyện với Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về hành trình sáng tác và tình cảm đặc biệt của bà dành cho Thành phố ngàn hoa - Đà Lạt. "Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt" không chỉ là một cuốn Trường ca giàu tính văn học, mà còn là một bản tình ca đầy tình yêu và triết lý về cuộc sống.
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo, sinh năm 1959 tại Lào Cai, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Bà đang là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội VHNT các dân tộc Thiểu số Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo đã nhận được 9 giải thưởng Văn học của Trung ương và địa phương; xuất bản 11 tập thơ; 5 tập ký, tuỳ bút, tản văn; 3 tập Trường ca; 2 tập Thơ thiếu nhi; 1 tập Thơ song ngữ Anh – Việt.
Bình An – Nguyễn Quân