…Đầu những năm 70, khi tôi cũng tuổi 17, 18, tay súng tay đàn đi dọc những cánh rừng miền Tây Nghệ An, qua Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Mường xén, Nậm Cắn…cũng từng bắt gặp trên con đuờng hành quân “Con chim rừng hót vang, Con nai rừng lắng nghe, Cây tre cây lim nhường lối cho tiếng cuốc, tiếng chòng vang vang. Lối ấy có ánh trăng rọi đường, Có tiếng suối trong ban mai, tiếng giã gạo trong sông này ” … thế mà rồi tâm hồn người lính của tôi như lơ đễnh để cho qua, chỉ đến một ngày bất chợt nghe “Em đã chọn lối này” của một người lính trẻ có tên gọi An Thuyên, mới giật mình đầy tiếc nuối, bởi mình đã chẳng đủ tài năng và xúc cảm như anh ấy để có thể làm ra những bài ca tuyệt vời như thế!
… Tôi đã biết người lính trẻ An Thuyên buổi đầu như thế. Như đã gặp anh từ những cánh rừng già thầm lặng của miền Tây Nghệ An bước ra, và bừng sáng, khi “Em đã chọn lối này, em đã chọn lối này thôi”…
Vâng, một người lính rất trẻ, một nhạc sỹ rất trẻ lớn lên từ những câu ví dặm xứ Nghệ. Và yêu anh hơn qua những bài hát anh sáng tác sau này, như càng thêm muối mặn gừng cay, càng say đắm lòng người, càng vò xé trái tim chúng ta vì một tình yêu xứ Nghệ, vì một tình yêu quê hương xứ sở và người con gái mà ta “ Đứt ruột nhớ mong" “Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn/Cho ta yêu nhau vầng trăng không lẻ bạn"….
*
Tôi nhớ một chiều kia ở Tokyo, không hiểu sao tôi lại được nghe một bài hát về quê mẹ của tôi " Chiều Hiền Lương" của anh An Thuyên trên đất Nhật. Sững sờ..
Chiều Hiền Lương như tranh
và mây nước trong lành
Một ngọn khói mong manh
Ai nhen bếp lửa bên bờ tre xanh
Cho tôi nhớ lại câu hò năm xưa
Hò ơi ơi hò ơi
Câu hò ngày xưa bến cách sông ngăn
Xao động lòng tôi bến nước quê hương
Đôi bờ máu đổ
Tình em vẫn không phai mờ
Đôi bờ cách trở
Tình em vẫn đợi vẫn chờ
Tôi gọi điện thọai về Hà Nội cho anh, và thốt lên: Tôi yêu bài hát của anh quá, không chỉ từ đời lính miền Tây Nghệ an của tôi với "Chân em chọn lối này,", mà cả chiều nay trên đất Nhật, tôi càng yêu anh hơn từ tình yêu với mẹ tôi, người nghệ sỹ quê hương Quảng Trị đã từng hát rất hay bài hát: “Câu hò trên bến Hiền lương” năm xưa.
Tôi kể anh An Thuyên nghe: Quê hương mẹ tôi cũng ở một làng nhỏ huyện Gio Linh Quảng Trị, nơi có con sông Hiền lương cắt đôi đất nước chảy qua. Đây chính là nguồn cảm xúc để năm xưa, mẹ tôi cất lên tiếng hát “ Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…” lay động lòng người. Thế mà hàng chục năm sau, thật bất ngờ, một người nhạc sỹ trẻ là anh lại có “Chiều Hiền Lương” xúc động đến thế
“Tôi về quê mẹ Quảng Trị yêu thương,
Đi trên chiếc cầu mà nước mắt rơi…”
Vâng, chiều ấy trên đất Nhật tôi đã khóc khi nghe bài hát . Bởi trong bài hát ấy có tất cả, có cả “bên ven bờ Hiền lương năm xưa”, có Quảng trị quê Mẹ tôi , có con sông Hiền Lương nơi có những năm tháng ngày bắc đêm nam đầy thương nhớ, và có cả tiếng hát mẹ tôi mà lúc nào tôi cũng thương nhớ vô vàn....
…Một lần khác, giữa Sài gòn, cũng lại An Thuyên một lần nữa vò xé trái tim tôi bằng một ca khúc khác- Hà Tĩnh mình thương:
Gửi Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ
Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay
Lẫn trong sữa thơm, mẹ nuôi tôi lớn
Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ
Trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi
Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn
Cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn
Đứt ruột nhớ mong…
Đây chính là quê cha của tôi. Ôi quê cha … Năm xưa cũng đã từng có một bài hát rất hay về miền quê này của nhạc sỹ Nguyễn văn Tý, hay đến mức cả nước phải hát, hay đến mức đã tưởng không ai còn dám viết về đề tài này nữa, thế mà rồi hàng chục năm sau lại lại có một “Hà Tĩnh mình thương” gần như ngang ngửa:
Như Núi Hồng sông La
Sông cứ chảy trong ta
Núi cứ lớn trong ta
Đi xa lại muốn về
Khổ đau càng muốn về
Như lòng mẹ ấp iu…
...Cũng xin được nói thêm rằng, có một ngày , tôi đi cùng hai người bạn là Trần Minh Văn và Nguyễn Hiệp lại thăm nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khi ông tròn 88 tuổi. Tôi đã mở cho tác giả " Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" nghe bài hát “Hà Tĩnh mình thương” của lớp trẻ sau mình. Nhạc sỹ lim dim đôi mắt lắng nghe, tay gõ nhịp theo bài hát, cho đến khi kết thúc, đôi môi già của ông chỉ thốt lên một chữ:” Hay!”.
*
...Nếu như đội ngũ văn nghệ sỹ quân đội của chúng ta có ba vị Tướng viết văn, là Thiếu tướng Dũng Hà, Thiếu tướng Hồ Phương,Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, thì trong âm nhạc, nhạc sỹ đầu tiên được phong tướng chính là An Thuyên (và sau này có thêm Nhạc sỹ Đức Trịnh).
Những vị tướng trong âm nhạc. Cũng là những người "xưa nay hiếm" thay...
Sông cứ chảy trong ta/ Núi cứ lớn trong ta…
Trái tim người lính
CCB Châu La Việt
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-vi-tuong-am-nhac-a22354.html