Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 57)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.       

Kỳ 57

 Ba khuynh hướng trong Đảng Cộng sản Liên Xô đấu tranh với nhau kịch liệt, chủ yếu là đấu tranh giành quyền lực.

   Tháng 7-1990 Đảng Cộng sản Liên Xô họp Đại hội lần thứ XXVIII. Văn kiện của Đại hội này thừa nhận sự khủng hoảng của Liên Xô nhưng quy tình trạng này do sự biến dạng của Chủ nghĩa Xã hội trong quá khứ để lại. Cương lĩnh vạch một chương trình hành động của Đảng Cộng sản Liên Xô, cho phép hình thành các loại sở hữu đa dạng của tư liệu sản xuất, cho phép tự do kinh doanh cá thể trong công, nông nghiệp, tách chức năng nhà nước khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện phi độc quyền trong sản xuất, trong hoạt động ngân hàng, trong bảo hiểm. Văn kiện Đảng cũng tuyên bố Đảng từ bỏ độc quyền chính trị và tư tưởng. Từ Đại hội XXVII đến Đại hội XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô thực sự đã bước sang một thời đại khác về chất. Đảng càng chia rẽ phân liệt mạnh mẽ. Lần đầu tiên từ khi Đảng lên cầm quyền, các thành viên của chính phủ và của quân đội không có chân trong Bộ Chính trị gồm 24 thành viên[1]

Tháng 7-1991, Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dự thảo cương lĩnh mới chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XXIX. cương lĩnh đã phủ nhận Chủ nghĩa Xã hội và triển vọng về chủ nghĩa Cộng sản, phủ nhận tiếp tục lý luận và thực tiễn Chủ nghĩa Xã hội của Liên Xô trước đây, vạch rõ chủ nghĩa Mác - Lênin không còn là nền tảng tư tưởng duy nhất của Đảng, tuyên truyền tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội nhân đạo và dân chủ gần với Chủ nghĩa Xã hội dân chủ. Đảng Cộng sản Liên Xô thực tế đã biến thành Đảng nghị viện kiểu Đảng xã hội dân chủ các nước Tây Âu. Vì thế Hội nghị tháng 7-1991 phủ nhận chế độ tập trung dân chủ, phủ nhận kỷ luật nghiêm minh trong Đảng. Đặt công tác trong nghị viện là chủ yếu đối với Đảng.

Như vậy, cải cách cơ cấu Đảng Cộng sản Liên Xô, Ban lãnh đạo Đảng đã làm cho Đảng biến đổi mọi mặt, từ Đảng Cộng sản thành Đảng xã hội dân chủ kiểu Nghị viện, từ một Đảng thống nhất đầy sức mạnh thành một Đảng chia rẽ phân liệt, từ một Đảng cầm quyền, hạt nhân lãnh đạo nhà nước thành một Đảng chính trị như các Đảng đối lập khác, từ một Đảng có uy tín thành một Đảng mất tín nhiệm trước toàn dân. Đường lối cải cách cơ cấu Đảng thực tế là một cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị của các cá nhân đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho số phận bi thảm của Đảng Cộng sản Liên Xô vào những ngày tháng 8-1991. Ngày 25-7-1991 chính Goocbachốp tuyên bố: “Đảng trải qua cuộc khủng hoảng, có thể đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử của mình”.

           Cải cách cơ cấu nhà nước: Việc thay đổi nhân sự trong hạt nhân lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô khi Goocbachốp lên cầm quyền có quan hệ đến việc thay đổi nhân sự trọng yếu của nhà nước.

Hội nghị toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô (28-6 đến 1-7-1988) đã chấm dứt cơ cấu hành chính truyền thống “Lêninnít” của chính quyền Xô Viết dựa trên thể chế song hành gồm Đảng và nhà nước. Hội nghị đã xác định chức năng giữa Đảng không làm thay nhiệm vụ của chính quyền đã thực sự đặt nền tảng cho công cuộc cải cách cơ chế hành chính ở Liên Xô.

30-9-1988, Hội nghị ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô An-đơ-rây Grômưcô từ chức Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô và ra khỏi Bộ Chính trị. Goocbachốp thay thế đứng đầu đoàn Chủ tịch và đứng đầu nhà nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

Thêm một bước nữa trong việc cải biến nhà nước để thâu tóm quyền lực, ngày 1-12-1988 Xô Viết tối cao Liên Xô họp thông qua việc xem xét lại Hiến pháp Liên Xô và đã đưa ra vào 3 thay đổi chính: Thứ nhất, lập Đại hội đại biểu nhân dân là cơ quan tối cao về mặt lập pháp với nhiệm kỳ năm năm. Đó là bước đầu của cơ cấu nghị viện kiểu Cộng hòa Tổng thống, mà cơ quan lập pháp bao gồm một Xô Viết tối cao với hai viện.

Thứ hai, Chủ tịch Xô Viết tối cao là người đứng đầu nhà nước, được Đại hội đại biểu nhân dân bầu với nhiệm kỳ 5 năm.

Thứ ba, lập một ủy ban kiểm soát Hiến pháp bao gồm các luật gia chuyên trách và được Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 10 năm.

Ngày 26-3-1989 vòng bầu cử đầu tiên vào Đại hội đại biểu nhân dân được tiến hành, vòng bầu cử mới sẽ được tổ chức trong 236 khu vực bầu cử vào ngày 14-5-1989[2]. Goocbachốp đã tổ chức mít tinh 10. 000 người, dùng mọi thủ pháp kể cả gian lận để những người ủng hộ cải tổ được bầu. Kết quả bầu được 2. 250 đại biểu, phe những người cánh hữu chỉ chiếm 1/3 số đại biểu, 250 đại biểu của họ trong Quốc hội tạo thành một phe phái đối lập cấp tiến nhất[3]. Các ứng viên ủng hộ cải cách thu được phiếu cao và giành thắng lợi: Phái “Bảo thủ” bị đánh bại. 96% số phiếu của Quốc hội giành cho Goocbachốp vào chức Chủ tịch Xô Viết tối cao-tức là Chủ tịch nước (7-1989). Trước đó ngày 1-12-1988 đã bãi bỏ cơ quan Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao, chỉ còn chức chủ tịch Xô Viết tối cao do Goocbachốp nắm (5-1988). Từ nay, Xô Viết tối cao là nơi tập trung toàn bộ quyền lực. Như vậy 1989 được ghi nhận là năm bắt đầu chuyển giao quyền lực từ Đảng sang nhà nước với sự xuất hiện cơ quan lập pháp mới là Đại hội đại biểu nhân dân, với việc mở rộng một số đặc quyền của người đứng đầu cơ quan lập pháp và của chính phủ. Cho đến tháng 7-1990 trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô họp Đại hội lần thứ XXIX trong ban lãnh đạo mới của Đảng không một ai có chân trong chính phủ Liên Xô. Tuy nhiên ở các địa phương ưu thế của Đảng vẫn được duy trì.

Việc xóa bỏ điều 6 Hiến pháp 1977 về vai trò lãnh đạo của Đảng trong bộ máy nhà nước do Đại hội đại biểu nhân dân quyết định vào tháng 3-1990 là một dấu mốc quan trọng trong sinh hoạt chính trị ở Liên Xô. Sửa đổi Hiến pháp vào tháng 3-1990 là xóa bỏ pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng, đặt cơ sở pháp lý cho sự đa Đảng.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Bí mật của sự kiện 1980-1990, Hà Nội, 1991, trang 100

[2] Viện thông tin Khoa học xã hội, Bí mật những sự kiện 1980-1990, Hà Nội, 1991, trang 52

[3] Trong số đó có Bô rít En xin

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-57-a22391.html