Trường Mầm non Tân Trịnh có các góc hoạt động cho trẻ được xây dựng trong và ngoài lớp học, thiết kế khá đẹp mắt, tạo môi trường tăng cường sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Góc chơi với cát sỏi, góc vận động…được tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để thiết kế, qua đó trẻ được vui chơi, giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt. Môi trường giáo dục được xây dựng phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy tăng cường tiếng Việt nói riêng.
Kết thúc mỗi năm học, trường tổ chức đánh giá những tiêu chí cần phát huy, chỉ ra những những tiêu chí chưa đạt, đưa ra hướng khắc phục.
Trường xây dựng môi trưởng tiếng việt cho con em dân tộc thiểu số, bổ sung học liệu, trang thiết bị dạy, đồ dùng, đồ chơi. Đồng thời lựa chọn nội dung và hình thức phát triển lời nói tăng cường tiếng Việt để dạy trẻ, hướng dẫn phát âm đúng, rõ ràng; phát triển vốn từ ; rèn luyện ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
Đối với các nhóm, lớp mẫu giáo, trường tổ chức các giờ học tiếng Việt vào các buổi chiều trong tuần, tổ chức lồng ghép, tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt qua các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác trong ngày, cho trẻ giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo và với những người xung quanh. Riêng đối với lớp mẫu giáo ghép, môi trường tiếng Việt giáo viên phải quan tâm đến tính phù hợp với sự khác biệt về nội dung giáo dục của các độ tuổi, về văn hóa của các dân tộc có trong lớp. Đối với các nhóm lớp nhà trẻ, việc tổ chức dạy lồng ghép tiếng Việt tăng cường vào các hoạt động học hoặc hoạt động vui chơi trong ngày. Trong quá trình thực hiện, lựa chọn các từ bắt đầu từ dễ cho đến khó phù hợp với từng độ tuổi, nhận thức của học sinh phù hợp với từng chủ đề, chủ điểm.Tùy thuộc vào nhận thức học sinh, mỗi tuần dạy trẻ không quá 8 từ.
Các hình thức dạy tiếng Việt tăng cường cũng được linh hoạt qua hoạt động học, hoạt động vui chơi, lao động và trong sinh hoạt hằng ngày. Hằng năm, Trường Mầm non Tân Trịnh đều khảo sát, đánh giá chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ và cuối học kỳ I và học kỳ II với các kỹ năng theo từng độ tuổi như: Kỹ năng giao tiếp,kỹ năng nghe,kỹ năng đọc,kỹ năng phát âm chuẩn, nhận biết chữ cái, đọc thuộc thơ, ca dao, đồng dao… Nhờ thực hiện tốt dạy tiếng Việt tăng cường cho trẻ đã nâng cao khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.
Đình Thơm