Cũng như mọi miền quê khác, những người con Quảng Trị dẫu ở phương xa vẫn luôn đau đáu nhớ những ngày Tết đến, xuân về, mùi vị quê nhà, hít hà, cảm nhận mùi ruộng đồng, khói bếp, phiên chợ quê ngày cuối năm và cùng gói bánh chưng, bánh đòn (bánh tét) chuẩn bị đón tết.
Vì điều kiện đi lại và kinh tế gia đình chưa được khá giả nên có những người con xa quê đã không thể trở về sum họp cùng gia đình, vui xuân đón tết tại quê nhà. Nhưng dù ở xứ người họ cũng tổ chức gặp gỡ bà con đồng hương, sắm sửa để có một cái tết cổ truyền ấm áp rất Quảng Trị.
Chị Nguyễn Thị Thúy Ái ở Triệu An (Triệu Phong) nay đang công tác ở phố núi Pleiku cho biết: “Với tuổi thơ của tôi, Tết luôn là nỗi mong chờ. Chỉ những ngày Tết là lúc cha mẹ mới được nghỉ ngơi mà làm bánh trái, nấu nướng món ngon dâng cúng ông bà. Tết còn là lúc chúng tôi được xúng xính trong những bộ quần áo mới, đội chiếc mũ mới, mang đôi dép mới mà nhìn nhau đầy thích thú, tự hào.
Tết là lúc được mẹ dẫn đi chợ Tết dù chỉ để ngắm nhìn là chính những hàng hóa bày la liệt, người người đi lại đông đúc nói cười rôm rả. Lớn dần lên, rồi tôi dần hiểu những chắt chiu của mẹ. Khoảng tháng 9, 10 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, má bắt đầu vun vén những cây trái quanh vườn, trồng thêm những luống hoa, luống rau, nuôi thêm đàn gà, vịt…cho kịp bán Tết. Mẹ dành dụm để lần lượt sắm sửa từng chiếc áo chiếc quần cho mỗi đứa con, cho con có được niềm vui ngày Tết với bạn bè. Mọi thứ đều dành cho Tết. Mỗi ngày đi chợ, mẹ lại gom góp nào bột, nào đường. Trứng gà, trứng vịt cũng được cất dồn lại, một con heo còi được nuôi để làm thịt chia hai ba gia đình anh em cùng ăn Tết.
Càng những ngày sát Tết, việc chuẩn bị lại càng rộn ràng hơn; nhà cửa phải sạch sẽ, mùng mền phải giặt phơi, cứ như thể qua Tết rồi là không làm được những việc đó nữa vậy. Rau trái trong vườn cũng được má nhặt nhạnh đem bán kiếm tiền mua thêm các loại thức ăn dành cho ngày Tết. Tết Giáp Thìn này vì công việc nên tôi không về quê được, nhưng nỗi nhớ tết, nhớ cha mẹ, bà con, bạn bè thì không lúc nào nguôi ngoai, nhất là thời gian trước tết đi chợ làng, chợ Đông Hà để mua sắm, Mùng một đi thăm và chúc tết bà con làng xóm, đi chơi cùng bạn bè.
Với những người con xa quê, việc trở về với gia đình ngày cuối năm, cùng nhau sum họp, chuẩn bị cho cái Tết rộn ràng có lẽ là điều được mong chờ nhất. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy. Khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và nhiều mối lo khác khiến họ đành lỡ “chuyến tàu quê” mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Ngày cuối tuần, trời Gia Lai se lạnh, anh em hội đồng hương Quảng Trị lại hẹn nhau “ly cà phê phố núi”. Trong câu chuyện anh Lê Trang đang cùng gia đình sinh sống ở Ia Sao, Ia Grai (Gia Lai), anh Lê Bá Chiến Tích xúc động: Tôi cùng gia đình đã xa Quảng Trị hơn 50 năm, những năm đầu tiên bất luận trong hoàn cảnh nào tôi cũng về quê cùng gia đình đón Tết. Tết Nguyên đán vui nhất, ý nghĩa nhấ là thời gian đoàn tụ gia đình, được thăm hỏi người thân sau bao ngày tha phương nơi “đất khách quê người”, mong muốn ấy lại càng lớn hơn với những người con xa quê khi Tết đến Xuân về.
Tết năm nay gia đình tôi không về quê được, những hương vị Tết quê hương vẫn được vợ chồng tôi chuẩn bị chu đáo. Mấy cây mai vàng được chăm sóc cẩn thận để Tết đến phái được nhiều bông, rồi con cháu tập trung gói bánh đòn, làm bánh in, bánh bột lọc. Trong câu chuyện tôi thường hay kể cho con cháu nghe truyền thống của quê hương Quảng Trị, tiếng nói – những ngôn từ riêng biệt nét văn hóa của quê hương, rồi phong tục ngày Tết ở quê...để giữ mãi hương vị, truyền thống quê nhà cho con cháu.
Khi đất trời nhít dần đến Tết, bắt đầu bừng lên sắc mai vàng, bông thọ, đồng tiền…phố phường tất bật người mua sắm, những con ngõ nhỏ thơm nồng nước rau gò, tờng ơ, cải cay đang ngồng…những người con xa lại càng nhớ về quê hương. Ký ức đón xuân đầm ấm bên gia đình lần lượt ùa về. Với họ, Tết Nguyên cổ truyền là những ngày đi chợ sắm Tết, đi chợ hoa ở thị xã Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, thị trấn Cửa Việt…là khoảng trầm lặng yên bình nét văn hóa “rất chi Quảng Trị” mà nơi khác không có được trong buổi sáng tân niên, là những góc đường làng, gõ phố thấm đẫm mưa xuân.
Chị Nguyễn Thị Hoan nguyên gốc ở Hà Tĩnh, gia đình lập nghiệp ở Đăk Lắc nhưng lại mần du Quảng Trị. Gặp chúng chúng tôi chị chia sẻ Tết vô cùng thiêng liêng và đặc biệt. Mỗi khi nhắc đến Tết, tôi may mắn được mần du Quảng Trị, cứ hết năm là vợ chồng tôi lại về quê chồng đón Tết. Năm nay có cháu nội đang nhỏ, Tết không về được nên cảm thấy bồi hồi, xúc động. Đến nay tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm ngày Tết ở Quảng Trị. Tết trong tôi là những ngày dậy sớm đi chợ hoa cùng với mẹ, chị gái và chị du con trai đầu. Những lúc đó nhìn thấy sự vui vẻ, hạnh phúc giản đơn trên gương mặt mẹ khi chọn được cành mai, chậu bông ưng ý, là thấy hình ảnh mẹ tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ cúng ông bà tiên tổ chiều 30. Đó còn là không khí ấm cúng khi cả gia đình quây quần ngồi nấu bánh đòn, xem Táo Quân, đi chúc Tết họ hàng”.
Ở nơi cách xa vạn dặm, điều buồn nhất đối với chị Hoan là năm nay mẹ chồng không còn nửa, nhưng hình ảnh của mẹ ngày Tết, kỷ niệm những ngày đón Tết ở quê hương Quảng Trị vẫn ẩn hiện mãi trong tôi. Những lúc này, tôi cảm thấy thèm Tết quê hương Quảng Trị hơn bao giờ hết.
Dù sinh sống xa quê hương, nhưng khi Tết đến, Xuân về những gia đình con em Quảng Trị sẽ mua sắm chu tất, rồi cùng nhau ngâm gạo nếp, rửa lá chuối để gói bánh đòn, bánh bột lọc hay trang trí nhà cửa đậm chất tết cổ truyền. Cái hay đến nay là bà con mình vẫn giữ phong tục của cha ông khi cúng ông bà vào ngày 30, cùng thôi (đưa) từ ngày mùng Hai đến ngày 6, hay chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên để hướng về quê hương về bà con và ông ông bà tiên tổ rồi chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vào năm mới.
Lê Hân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-tet-o-que-huong-a22431.html