Khoai lang là loại cây nông nghiệp có nguồn gốc ở châu Mỹ được biết đến và trồng để phục vụ cuộc sống cách đây khoảng 5.000 năm. Nó là loài cây thân thảo dạng dây leo sống lâu năm, có các lá mọc so le hình trái tim hay xẻ thùy chân vịt, các hoa có tràng hợp và kích thước trung bình.
Rễ củ phình to, chứa nhiều tinh bột, được sử dụng làm thức ăn cho loài người hay gia súc gia cẩm, hoặc chế biến thành các loại đồ ăn cao cấp theo bàn tay khéo léo của mỗi người như hiện nay: khoai lang sấy, sấy dẻo, salat, chiên giòn... Củ khoai lang có hình dáng thuôn dài và thon, lớp vỏ nhẵn nhụi có màu từ đỏ, tím, nâu hay trắng. Lớp cùi thịt có màu từ trắng, vàng, cam hay tím…. Ngọn khoai lang và lá non được dùng làm rau phục vụ cho các bữa ăn của người nông dân từ bao đời nay, thậm chí còn góp phần lèn chặt cái dạ dày trong thời đói kém!
Những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi mà gạo – lương thực chính của người Việt còn vô cùng thiếu thốn thì củ khoai lang là thức ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngọn và dây khoai lang cũng được tận dụng một cách triệt để: sau khi thu hoạch sẽ ngắt lấy ngọn và lá non để luộc, xào đưa vào mâm cơm của gia đình, phần dây khoai bánh tẻ cắt thành đoạn tầm 30 xentimet ươm trồng cho vụ tiếp theo, loại già hơn thì băm ra nấu thành thức ăn cho lợn.
Cứ gần Tết, các gia đình nông dân quê tôi lại nao nức đi dỡ khoai, kĩu kịt gánh từng gánh củ, gánh dây về. Nhà nào không dùng hết dây khoai, hoặc không nuôi lợn thì đem đi chợ bán. Nhà tôi trồng được khoảng 2 sào khoai nhưng lúc nào dây khoai lang cũng chất thành đống trong sân, bởi ngoài số dây mà nhà thu hoạch thì còn là của mấy nhà trả công mẹ tôi dỡ củ giúp. Dây khoai lang chất đống ngoài sân. Sáng sớm dù trời mưa phùn gió bấc, rét cắt da cắt thịt nhưng mẹ tôi lại chất đầy gánh còng lưng đem đi khắp các chợ quanh vùng để bán. Cả gánh dây khoai lang, mẹ tôi phải ngồi ở chợ đến xế trưa mới bán hết. Thực ra, giá trị của gánh dây khoai chỉ đủ mua mấy bơ gạo, nhưng vì đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn; mẹ cứ phải tảo tần.
Nhiều lúc, nhìn tấm thân gầy guộc của mẹ, lòng tôi nhói lên một nỗi đau khôn tả; bởi cái nghèo đè nặng mà mẹ ngược xuôi ngày này qua ngày khác. Có lần tôi xin gánh thay cho mẹ. Bà cười bảo: anh lo học hành đi. Con trai gánh dây khoai đi chợ bán, gặp bạn gái thì xấu hổ lắm. mẹ còn khoẻ, mẹ làm được! Và, bà kiên quyết chối từ!
Từ đó, năm nào cũng vậy; cứ đến mùa khoai lang mẹ tôi lại ì ạch cùng mớ dây khoai lang đến các chợ quanh vùng. Những năm tôi vào quân ngũ, chắc điệp khúc ấy vẫn không rời đôi vai gầy của mẹ! Sau này, mẹ kể ngày 29 Tết năm 1993, con rể tương lai ra chơi; thấy mẹ gánh cả gánh dây khoai lang bán ế về, mới hỏi: mẹ lấy dây khoai về làm gì thế? Ngượng quá, bà phải nói đem về cho lợn ăn!...
Bây giờ, rau khoai lang đã thành thứ đặc sản cho các bàn nhậu. Người ta thích ăn rau khoai lang vì nó là thứ rau sạch, còn dây khoai đã già chỉ dùng để làm phân bón trả lại cho ruộng đồng. Cuộc sống gia đình đã khá hơn, nhưng ký ức về một thời xưa cũ cứ cuồn cuộn trào dâng khi nhìn thấy những mớ dây khoai lang sau mùa thu hoạch…
Tản văn Nguyễn Hoàng Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ganh-day-khoai-lang-chieu-cuoi-nam-a22438.html