Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có vị trí, vai trò rất quan trọng, là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với người lao động tự do.
Làm nghề tự do phải đi đây đó nhiều nên anh Triệu Văn Sinh (xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) ít có cơ hội để tìm hiểu về BHXH tự nguyện. Từ khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về phương thức tham gia, các chế độ, chính sách được hưởng, anh đã tự nguyện tham gia và vận động nhiều người thân cùng hưởng ứng. Anh Sinh chia sẻ lý do thuyết phục anh tham gia BHXH tự nguyện bởi đây chính là khoản đầu tư cho tương lai. Anh nói: Khi còn trẻ, khỏe, chỉ cần tiết kiệm chút ít trong chi tiêu là có thể tham gia BHXH tự nguyện, để về già, hết tuổi lao động thì có lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí… không phải phụ thuộc con mà vẫn có cuộc sống thư thái, an nhàn.
Ông Bàn Văn Ba, bí thư đảng ủy xã Lương Mông nhìn nhận: Trước đây chỉ có cán bộ, công chức mới được hưởng chế độ BHXH, nhưng sau này được Chính phủ quan tâm nhân rộng đến người lao động tham gia “làm của để dành”. Tuy nhiên, trên thực tế chính sách nhân văn này vẫn còn nhiều người dân chưa biết nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Không chỉ ngành BHXH, cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc mà ngay cả cán bộ thôn, bản, xã đồng hành vận động, tuyên truyền để mọi người dân hiểu và tham gia.
Tham gia BHXH sẽ đem lại nhiều chế độ, quyền lợi cho bà con khi về già. Đặc biệt đối với đồng bào vùng cao, nhiều người dân tộc thiểu số. Nếu chúng ta làm mà không tiết kiệm thì sẽ tiêu hết tiền nhưng nếu bớt chút chi tiêu thì sau khi hết tuổi lao động sẽ được BHXH chi trả lương hưu hằng tháng, nhất là BHYT được Nhà nước chi trả 100% như cán bộ, công chức.
Chị Lý Thị Hạnh, nhân viên đại lý thu trên địa bàn huyện Tiên Yên, Quảng Ninh thừa nhận, hiện nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về phương thức đóng, các chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Thậm chí có người còn lầm tưởng BHXH chỉ có cán bộ, công chức mới có, còn người dân thì không. “Vì thế, để người dân “thấm” và hiểu rõ về các chế độ, quyền lợi mà BHXH tự nguyện mang lại, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, dựa vào các nội dung của BHXH để tuyên truyền sát vấn đề đó cho người dân” - chị Hạnh nhấn mạnh.
Để có thể nhận định đúng, người dân cần nhìn nhận việc tham gia BHXH tự nguyện như một khoản đầu tư cụ thể với nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó việc dành giụm khoản chi tiêu nhỏ tham gia BHXH hôm nay để hướng đến tuổi già an nhàn ngày mai cho chính mình và cho đối tượng người cao tuổi như bố mẹ, người thân trong gia đình của mình.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/can-dau-tu-cho-tuong-lai-va-suc-khoe-cua-nguoi-cao-tuoi-va-chinh-minh-a22542.html