Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm và các chiến sỹ Tàu 43 Tàu không số 

Cơ duyên nào đưa đến quan hệ chị em giữa thủy thủ Lưu Công Hào và Bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Ngược dòng thời gian về những năm đánh Mỹ cứu nước.

Chàng trai người Hải Phòng Lưu Công Hào nhập ngũ và được điều động về con tầu mang số hiệu 43 của đoàn tầu không số.

Để có thêm vũ khí đạn dược cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy chiến dịch xuân Mậu thân 1968. Đoàn 125 nhận một nhiệm vụ tuyệt mật:

- Đưa vũ khí đạn dược từ miền Bắc đảm bảo cùng vào bến trong miền nam một đêm.

b1quaan-1-1703900194.jpg

Thuyền trưởng Lưu Công Hào (bên phải) và tác giả tại Đài kỷ niệm K15 Đồ Sơn - Hải Phòng.

Từ ngày 25/2/1968 đến ngày 27/2/1968, 4 tầu của đoàn tầu không số gồm tầu 43, tầu 56, tầu 165, tầu 235 được lệnh chở vũ khí, đạn dược, thuốc men vào 4 địa điểm khác nhau phục vụ chiến dịch Mậu thân xuân 1968.

4 con tầu ra đi, chỉ 1 tầu 56 trở về. 3 tầu còn lại đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đau thương nhất là tầu 165. 18 cán bộ thủy thủ tan cùng con tầu. Có hai thủy thủ vợ con hiện đang sinh hoạt trong hội Tầu không số Hà Nội đó là Vợ con báo vụ Lý Khánh Hồng ở số 40 Phố Vĩnh Hồ Đống Đa Hà Nôi. Vợ con thợ máy Nguyễn Văn Thị ở Phường Tư Thế Thị Xã Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

b1-quan-b1a-1703924336.jpg

Tác giả bài viết  Tống Hồng Quân (ngoài cùng bên trái) cùng vợ chồng PGS.TS Vũ Ngọc Loãn dâng hương bàn thờ tại gia Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nhân ngày TBLS 27/7/2023. Mẹ LS Đăng Thuỳ Trâm ngồi xe lăn.

 

Tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng người Cần Thơ chỉ huy. Anh Lưu Công Hào là Thủy thủ. Tầu đã ra đường hàng hải Quốc Tế, qua quần đảo Hoàng Sa thì bị tầu chiến Mỹ phát hiện, đeo bám. 1 giờ sáng ngày 1/3/1968 đến vùng biển Quảng Ngãi. máy bay Mỹ trờ tới thả pháo sáng. Một mình con tầu trong đêm hiện rõ như con cá đặt trên mâm cỗ.

Gần sáng chúng điều thêm máy bay trực thăng Hu -1A đến bắn pháo 20 ly xuống tầu 43.

Hai tầu Mỹ chạy cắt chéo mũi tầu 43 áp đảo và bắn xối xả vào tầu. Khoảng cách từ tầu vào bờ còn xa.

Biết không kịp vào bờ lẩn tránh được. Chi ủy hội ý thống nhất phương án vừa tấn công vừa di chuyển vào bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh nổ súng đánh địch!

Tầu vừa chạy ngoắt ngéo hình chữ chi về phía bờ, vừa đốt khói mù che mắt địch, kết hợp thả bom chìm phía sau tầu ngăn tầu địch đuổi theo.

Chờ hai tầu chạy sát, vào tầm B41, thủy thủ trên tàu phóng B41 và DKZ, thủy thủ phụ trách 12ly 7 giương nòng bắn máy bay. Trận nhả đạn đầu một máy bay HU - 1A bị hạ rơi xuống biển. Một chiếc tầu chạy cắt ngang bị bắn cháy.

Trên tầu 43, chiến sỹ lái tầu Vũ Xuân Ruệ trúng đạn gục xuống, máu ướt cả vòng vô lăng lái. Chính trị viên Trần Quốc Tuấn lao tới, một tay đỡ Ruệ, một tay giữ vô lăng tầu. Thủy thủ Lưu Công Hào lao tới giữ vô lăng lái tầu hướng vào bờ. Một viên đạn bắn vào thành sắt đánh keng rồi bật trở lại cắm vào người khiến anh bị thương. Thủy thủ Võ Tòng Nho hy sinh, nhiều thủy thủ khác bị thương. 4 giờ sáng tầu đâm được mũi vào doi cát gần bờ. Thương binh, tử sỹ được đưa lên bờ. Không để vũ khí rơi vào tay địch. Chỉ huy tàu đặt giờ điểm hỏa hủy tầu rồi bơi vào bờ. Bộc phá nổ, hơn một tấn bộc phá xé tan con tàu 43 thành ngàn mảnh chìm xuống. Trên bờ lính bộ binh và hai xe tăng tràn tới bao vây định cướp tầu nhưng tầu đã nổ tan tành. Thủy thủ trên tầu được bà con Đức Phổ, che chở, dẫn đường vượt vòng vây về căn cứ. Những đồng chí hy sinh được bà con chôn cất.

Thủy thủ đoàn và những người bị thương được về trạm xá Đức Phổ. Tại đây các thủy thủ được bác sỹ Đặng Thùy Trâm trực tiếp băng bó điều trị vết thương. Đó là cơ duyên anh Hào cùng thủy thủ đoàn thân thiết với nữ Bác sỹ người Hà Nội Đặng Thùy Trâm. Ngày ra viện, lên đường vượt Trường Sơn ra Bắc, về đơn vị. Bác sỹ gửi lá thư và quà về gia đình. Do phải giữ bí mật nên anh không thể đến nhà Bác sỹ Trâm được. Lá thư đó anh đã gửi cho Bảo Tàng Hải Quân.

Nhiều năm qua đi, anh trưởng thành và là thuyền phó tầu 608 và về hưu với quân hàm trung tá. Vợ chồng anh sinh sống ở Hải Phòng.

Những năm gần đây anh yếu mệt.

Một lần lên Hà Nội thắp hương nhân ngày giỗ Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, anh gọi tôi và Vũ Ngọc Loãn đến cùng. Năm xưa Vũ Ngọc Loãn( Hà Nội ) Hà Minh Thanh ( Phú Thọ), Thắng sẹo ( Thái Bình ) là các sinh viên nhập ngũ 5/1972 được điều động về tầu Nhật lệ 606 mà anh Hào là thuyền phó( từ 1972 đến sau 30/4/1975).

Còn tôi là thủy thủ tầu 649.

Anh giới thiệu chúng tôi như có ý bàn giao. Từ đó Vũ Ngọc Loãn rồi cả vợ anh, chị Trần Thị Tuyết thường xuyên đến nhà Đặng Thùy Trâm vào những ngày giỗ, ngày TBLS, ngày tết thắp hương cho liệt sỹ và thăm bà mẹ liệt sỹ. Thay mặt cho anh Lưu Công Hào và các chiến sỹ Tầu 43 năm xưa.

Nghĩa tình ấy bây giờ không chỉ gói nhỏ trong tình chị em của Thủy thủ Lưu Công Hào và LS Đặng Thùy Trâm nữa mà là nghĩa tình của những những CCB đoàn tầu không số với gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

 

 Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/liet-sy-dang-thuy-tram-va-cac-chien-sy-tau-43-tau-khong-so-1-a22570.html