Đó là cặp đảng viên CCB tầu không số Nguyễn Công Viên và đảng viên Dương Thị Luận nguyên trưởng trạm Y tế Nông Trường Chí Linh cũ.
Họ là cặp đồng chí - vợ chồng rất đặc biệt.
Cuối năm học cấp 2. Khi giặc Mỹ tạo ra " Sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1965 đánh phá miền Bắc. Cậu học sinh trường cấp 2 (nay là Trung học cơ sở) Phố Thiên, Chí Linh mới 17 tuổi, nặng 43 kg háo hức đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Anh trúng tuyển, lên đường nhập ngũ và tập luyện tại cụm đảo Đông Bắc, Quân khu Đông Bắc.
Ngày 29/7/1968 anh được kết nạp vào Đảng ở khu phòng thủ 5 Quân khu Đông Bắc khi vừa tròn 22 tuổi . Cũng thời gian đó toàn bộ tuyến đảo Đông Bắc được Quân chủng Hải quân tiếp nhận. Tại đây Anh được tuyển chọn về học trường Cơ yếu Quân đội vì hoàn thành tốt nhiệm vụ và thành phần cơ bản" ba đời ăn củ chuối".
Học xong Anh được điều động về đoàn vận tải quân sự có tên đoàn 125 Hải quân làm chiến sỹ Cơ Yếu trên con tầu vận tải mang số hiệu 655 và cơ động sang nhièu con tàu không số khác.
CƠ YẾU là người biến các báo cáo, mệnh lệnh bằng chữ của thuyền trưởng, của cấp trên thành nhóm ký hiệu mật mã ( mã hóa ) để nhân viên BÁO VỤ theo các ký hiệu đó mà tạch tè manip chuyển về Bộ tư lệnh Hải Quân và ngược lại. CƠ YẾU phải đảm bảo mấy nguyên tắc cơ bản sau: TUYỆT ĐỐI BÍ MẬT - CHÍNH XÁC - NHANH CHÓNG KỊP THỜI. Nhờ có CƠ YẾU mà các thông tin về chuyến chở hàng chi viện vào chiến trường miền Nam được bí mật đến cùng. CƠ YẾU góp phần không nhỏ vào chiến công của đoàn tàu không số. Vi dụ những mệnh lệnh ngắn gọn được chuyển đi như: Chuyển hướng vào bờ. Gặp địch tại tọa độ, Xin hủy tàu v v... vai trò của chiến sỹ CƠ YẾU đặc biệt quan trọng trong chuyến đi biển.
Tầu không số là tên gọi của những con tầu vận tải của Hải quân, làm nhiệm vụ đặc biệt bí mật, chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Tầu không có biển số cố định. Khi đi trên hải phận miền Bắc tầu mang số hiệu của Việt Nam và treo cờ đỏ sao vàng. Khi lọt vào hải phận VNCH thì mang số hiệu GIẢ và treo cờ của VNCH. Khi đi trên hải phận Philippin thì treo số hiệu GIẢ và treo cờ Philipin. Khi đi trên hải phận Malaysia thì mang số hiệu GIẢ và treo cờ Malaysia vân vân. Khi đi trên đường hàng hải Quốc tế thì đeo biển và treo cờ các nước khác nhau.
Cuối tháng 11 năm 1972. Tầu V625 của anh nhận nhiệm vụ đi trinh sát mở tuyến mới với đích tới là vùng biển Cà Mau. Tầu đi theo lịch trình được vạch trên hải đồ là: Từ căn cứ ở Hải Phòng đến đảo Hải Nam Trung Quốc, chuyển hướng qua Philipin, Malaysia, Indonexia, Singapor và cuối cùng đến vị trí X rồi chờ thời điểm thích hợp để thả hàng xuống biển. Đánh dấu tọa độ, báo cho du kích, bộ đội địa phương vớt hàng mang về.
Hành trình này là điều bất ngờ đối với tình báo Mỹ.
Con tầu đi trên đường Hàng hải Quốc tế thật bé tẹo, mong manh so với những con tầu hàng sừng sững đồ sộ. Có những lúc, từng đàn cá heo bơi theo tầu. Biển xanh ngắt, nồng nồng mùi đại dương. Đến vùng biển Pilipin, nơi bốn mùa bão tố, vào thời gian này đang mùa biển lặng. Gọi là biển lặng nhưng sóng vẫn to tương đương với bão cấp 7, cấp 8. Con tầu chồm lên đỉnh con sóng, rồi chúi xuống, mất hút như đi vào lòng biển. Chân vịt quay xè xè trong không trung. Rồi nó lại chồm lên, cưỡi lên đỉnh sóng như con tầu ma trong phim " Cướp biển Caribe".
Đến ngày thứ 18 của chuyến đi, vùng biển Cà Mau đã hiện ra. Thuyền trưởng Đỗ Bé nhìn ống nhòm thấy ngọn Hải đăng Hòn Khoai trên hải đồ gần địa điểm X. Theo kế hoạch, tầu sẽ chuyển hướng vào điểm X thả hàng. Nửa đêm là thời điểm thuận lợi nhất tầu sẽ thả hàng. Nhưng cùng lúc đó Cơ yếu Nguyễn Công Viên mã hóa bức điện vừa nhận được: " Khu vực X đang có tầu chiến địch đón lõng tầu ta. Tầu đã bị lộ, chuyển hướng về miền Bắc ngay! " .
Anh chuyển bức điện cho thuyền trưởng Đỗ Bé. Thuyền trưởng rất phân vân. Đích đến còn không xa, tầu sắp hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người đều tiếc công chịu sóng gió gian khổ, mà địa điểm giao hàng ngay trước mặt. Cấp ủy hội ý khẩn cấp. Tiếp tục chờ thời cơ để giao hàng hay chấp hành mệnh lệnh quay về?
Chính trị viên phân tích tình hình. Đây là chuyến đi trinh sát, tìm tuyến đường mới. Nếu để lộ, toàn bộ kế hoạch lâu dài sẽ sụp đổ. Chúng ta không vì thành tích của tầu mà làm hỏng nhiệm vụ chiến lược của cấp trên. Chi ủy nhất trí cho tầu quay về.
Sau 24 ngày vất vả vượt sóng gió trên biển cả đi và về. Ngày 19/2/1973 tầu V625 về đến cảng K20 Hải Phòng. Nhiệm vụ trinh sát thành công.
Những năm tháng sau hiệp định Pari được ký kết( 27/1/1973), tầu anh tham gia vận chuyển hàng trăm chuyến chở vũ khí đạn dược trong chiến dịch VTV5 vào cảng Sông gianh Nhật lệ, Cửa Việt và tiếp tế cho bộ đội đảo Cồn Cỏ. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng hai, huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 2.
Cô gái Bến tắm Dương Thị Luận học cùng thanh niên Nguyễn Công viên ở trường cấp 2 Phố Thiên, Chí Linh. Sau đó cô vào học trường Trung cấp Y Hải Dương. Tại trường, cô thi đua với người bạn trai là lính Hải quân, quyết tâm học tập phấn đấu. Ngày 28 tháng 6 năm 1968 cô được vinh dự dứng trong Hàng ngũ của đảng ngay trong trường học. Ra trường, Cô mang kiến thức của mình ra chữa bệnh phục vụ bà con quê nhà.
Trước khi nghỉ hưu bà là Trưởng trạm Y tế Nông trường Chí Linh cũ( Nông trường đã giải thể) thành phố Chí Linh.
Tình yêu của đôi bạn cùng chung một lớp qua những cánh thư vượt sóng đến với nhau. Họ hẹn nhau, họ chờ nhau, họ ngấm ngầm thi đua với nhau, hứa với nhau phấn đấu vào đảng. Anh ở trên con tầu lênh đênh trên biển cả. Em ở hậu phương chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Năm 1971, thượng sỹ Hải quân về quê xin cưới cô bạn cùng chung một lớp. Đám cưới lính giản dị nhưng rất vui. Hai đơn vị cử đại diện về dự. Phông nổi bật đôi Hải âu tung cánh trên biển và dòng chữ màu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Đơn vị tặng quà là khăn mùi xoa. Đêm tân hôn của họ có một không hai. Nhà nghèo chỉ có hai chiếc giường tre. Mẹ anh dành cho khách một chiếc( Bố anh đã mất). Cô dâu mới nằm với mẹ chồng. Chú rể xuống bếp ngủ trong ổ rơm. Họ đã nên vợ nên chồng. Họ có với nhau 5 người con, 2 trai 3 gái. Đến nay họ có 8 cháu, chắt nội ngoại. Đại gia đình ông bà Viên Luận sống quây quần, hạnh phúc cùng các con cháu tại khu Bến Tắm TP Chí Linh Hải Dương.
Ông về hưu với quân hàm đại úy. Những năm tháng trong Quân đội Anh học bổ túc văn hoá hết cấp 3. Tham gia viết báo là , Anh là Thông tín viên (TTV ) báo Hải quân.
Năm 1968 đã viết tin, làm thơ đăng trên báo" Quân Bạch Đằng " tờ báo của Quân khu Đông Bắc. Những năm 70
Anh có thơ đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội; viết tin cho báo Quân đội nhân dân. Bài thơ " Đêm ở đảo " đăng báo Hải quân , đăng Tạp chí văn nghệ Quân đội năm 1981, được các chiến sỹ say mê đón đọc.
Nhân tháng của lính, ngày 15 tháng 12 năm 2023 ông làm bài Thơ Cánh Võng tặng các CCB.
Hiện ông là Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Hải Hưng( Hải Dương và Hưng Yên). Là Ủy viên BCH Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam.
Một vinh dự lớn lao đã đến với ông bà.
Ngày 28/12/2023 Đảng bộ phường Bến Tắm đã làm lễ trao huy hiệu 55 năm tuổi đảng cho vợ chồng họ.
Trong lời phát biểu cảm tưởng, ông cảm ơn Đảng bộ TP Chí Linh, Đảng bộ phường Bến Tắm đã trao cho vợ chồng ông vinh dự lớn lao này. Kết thúc bài phát biểu, ông giơ tay chỉ người bạn học, người vợ người đồng chí, mắt rưng rưng, ông nói:
- 55 năm nay, có được vinh dự này, tôi xin phép được CẢM ƠN đồng chí DƯƠNG THỊ LUẬN người bạn đời đã đồng hành suốt 55 năm qua cùng tôi.
Cả hội trường hoan hô, vỗ tay nhiệt liệt chúc mừng đôi vợ chồng cùng nhận huy hiệu 55 tuổi đảng. Con cháu họ chạy ùa lên tặng hoa ông bà. Giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má đôi vợ chồng già 77 tuổi.
Hà Nội, ngày 30/12/2023.
T.H.Q
Tống Hồng Quân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hai-tam-huy-hieu-55-tuoi-dang-a22580.html