Tiệm vừa mở cửa trở lại sau ngày giải phóng. Trước cửa tiệm có một tấm ảnh to bằng cái bàn đặt trang trọng trong khung kính, trưng trước của hiệu ai đi qua cũng thấy rõ.
Nhìn bức ảnh chân dung cô Văn công, mọi người ồ lên:
- Tôi có đi coi văn công, hay quá trời! Người khác chỉ chỏ:
- Tôi thấy cô này rồi!
Tấm hình đã hút khách vào chụp nườm nượp. Từ các anh bộ đội giải phóng người Bắc đến các cô gái miền Nam đều chỉ ảnh cô bảo:
- Bác chụp cho em kiểu dáng giống cô gái kia.
Nụ cười tỏa nắng và hàm răng trắng đều tăm tắp trên khuôn mặt trái xoan của cô gái đã hút hồn khách.
Ông chủ hiệu ảnh hãnh diện khoe với khách:
- Cô văn công miền Bắc đấy!
Yên Bái là tỉnh kết nghĩa với Ninh Thuận. Tháng 11/1974 Đoàn Văn công Yên Bái được lãnh đạo tỉnh cử vào biểu diễn cho bà con Ninh Thuận. Họ tập trung về trạm của Ủy Ban Thống Nhất tại Hòa Bình để học tập chính trị và rèn luyện sức khỏe. Sau 3 tháng học tập rèn luyện họ lên đường vượt Trường Sơn. 5/5/1975 họ có mặt ở Ninh Thuận.
Hôm ấy, khoảng cuối tháng 5/1975, mấy anh, mấy cô bộ đội vào chụp ảnh. Sau chiến tranh, bộ đội, nhất là bộ đội miền Bắc thi nhau chụp ảnh gửi về quê hương. Họ muốn cho gia đình, người thân biết họ bằng da bằng thịt vẫn còn sống.
Nghề chụp ảnh bỗng hốt bạc.
Ông chủ tiệm ảnh lịch sự mời cô ngồi xuống ghế, bật đèn phía bên, phía sau, xoay đèn sao cho ánh sáng đạt nhất. Ông ngây người trong giây lát ngắm cô văn công miền Bắc.
Từ khi làm nghề chụp ảnh, mở tiệm ở đây, mấy chục năm qua ông đã chụp biết bao cô gái trẻ. Họ thường hóa trang, tô điểm cho thật đẹp, thuê quần áo nọ, đầm kia để chụp. Một cô gái nhà quê bỗng biến thành bà hoàng. Có cô còn thuê quân phục lính, giơ cánh tay cầm súng chĩa lên trời như CABOY( cao bồi) trong phim Mỹ. Còn cô gái này, vẫn chiếc áo bộ đội giản dị. Cô bước vào tiệm, làm bừng sáng cả tiệm. Các cô nói giọng Bắc líu lo nghe lạ mà vui. Cô bảo:
- Bác chụp cho chúng cháu mấy tấm hình gửi về cho bố mẹ. Cô dè dặt hỏi:
- Bao nhiêu tiền một " Pô " hả bác? Vì... Chúng cháu không có nhiều tiền!
Ông thợ chụp ảnh bỗng thấy cay mắt. Họ đã đội bom, sống sót sau trận chiến ác liệt dài đằng đẵng để chiến thắng, họ vượt Trường Sơn vào đây mà sao nghèo quá ta? Ở trong ni, lính như cô trong quân đội cũ lương đủ nuôi gia đình. Lòng ông dâng lên sự cảm phục. Ông nói với các cô, các anh bộ đội giải phóng:
- Dạ 100 ngàn ( tiền ngụy) một lần chụp. Tôi sẽ giảm một nửa giá cho các bộ đội giải phóng. Cô vỗ tay:
- thế thì cháu phải chụp dăm kiểu mới được.
Ông hướng dẫn cô tư thế ngồi, xoay bên phải, bên trái sao cho đẹp nhất. Ông thả hồn mình vào khuôn mặt tươi tắn, nụ cười tự nhiên hơi chút ngây thơ, làn da trắng không son phấn vẫn ửng hồng trước ống kính. Mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, ông tiến lại thận trọng, gần như thành kính gạt qua bên để đôi mắt được rõ. Qua ống kính mắt cô ánh lên niềm vui, sự hãnh diện tự hào của người chiến sỹ giải phóng. Ông bấm máy xoành xoạch, ông nghĩ phải chụp cho được bức ảnh đẹp nhất. Có lẽ đây sẽ là khuôn mặt đẹp nhất mà ông được chụp.
Dòng chữ phía trên góc phải ảnh: Duy Phước " Kỷ niệm giải phóng miền Nam 1975 "
( Còn tiếp)
T.H.Q
Hà Nội 1/11/2023.
Tống Hồng Quân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tam-anh-co-van-cong-a22675.html