Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 75)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                                                                                                                                    

Kỳ 75.

2. Con đường đi của các nước đang phát triển

Sau khi giành được độc lập, ở các nước đang phát triển, tùy theo giai cấp cầm đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà hướng đất nước đi theo cương lĩnh chính trị của giai cấp đó ở giai đoạn xây dựng đất nước.

Ở một số nước châu Á như Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào, ở châu Mỹ (Cuba), cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo. Sau khi kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giai cấp vô sản lãnh đạo đã đưa các nước này đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa theo học thuyết "cách mạng không ngừng" và lời di huấn của Lênin: "Với sự giúp đỡ của vô sản đã cầm quyền ở các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa".

Nhưng ở các nước này, khi đi lên chủ nghĩa xã hội, sự sao chép mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, nói đúng hơn là theo mô hình chủ nghĩa xã hội Stalin. Mô hình này đã bác bỏ hoàn toàn các loại hình thành phần kinh tế khác, chỉ chấp nhận hình thức sở hữu công cộng đối với tư liệu sản xuất, chỉ có một cơ chế bao cấp, bác bỏ cơ chế thị trường, gạt bỏ quy luật giá cả hàng hóa, tiền tệ, sản xuất theo kế hoạch của nhà nước để nhằm mục đích cung cấp cho nhân dân chứ không vì mục đích kinh doanh. Tính chất bao cấp quan liêu hành chính mệnh lệnh từ hạ tầng cơ sở lan ra cả thượng tầng kiến trúc, tạo ra một sức kìm hãm sự tiến bộ, sự trì trệ máy móc và tha hóa ở nhà nước và ở Đảng cầm quyền. Việc đi trái quy luật, sự sai lầm ở những bước đi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước có nền kinh tế lạc hậu làm cho biểu hiện của cuộc khủng hoảng đến sớm, dễ nhận thấy hơn và cũng dễ sửa chữa hơn. Điều đó cắt nghĩa một số nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á khủng hoảng sâu sắc hơn, nhân dân khổ cực hơn nhiều nhưng đã chuyển hướng được nhanh hơn và khỏi bị sụp đổ như ở Liên Xô và Đông Âu. ở những nước này, âm mưu diễn biến hòa bình "để xóa sổ chủ nghĩa xã hội" của các nước Tây Âu và Mỹ không có kết quả còn là vì ở đây công nhân đã nắm vững chuyên chính vô sản, không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng, nhân dân chịu đựng gian khổ và bình tĩnh, thận trọng. Đảng và nhà nước ở các nước này đã đổi mới nhanh chóng và có kết quả, làm dịu bớt phần nào sự căng thẳng của xã hội, nhất là giải quyết được việc ổn định giá cả, giải quyết được các mặt hàng thiết yếu của đời sống hàng ngày và việc giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên các nước xã hội chủ nghĩa này thành tựu đổi mới, cải cách mới chỉ là bước đầu (riêng Bắc Triều Tiên và Cuba cự tuyệt cải cách đổi mới), vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng và còn nhiều khó khăn, thành tựu bước đầu chưa có cơ sở vững chắc lâu dài. Sở dĩ như vậy là vì ở bên trong cuộc đấu tranh để khắc phục những khuyết tật của mô hình xã hội chủ nghĩa cũ ít hiệu quả, nạn tham ô tham nhũng trong chính bộ máy nhà nước ăn chặn mất phần lớn viện trợ nước ngoài, công quỹ thuế má của nhà nước, đóng góp của nhân dân, làm cho ngân quỹ nhà nước luôn thiếu hụt, không giải quyết được các công việc lợi ích chung của toàn xã hội. Ở bên ngoài, chính sách thù địch phong tỏa cấm vận của đế quốc Mỹ làm cho việc mở cửa kêu gọi đầu tư của nước ngoài gặp nhiều khó khăn, còn khó khăn của việc vay tiền vốn ở các ngân hàng quốc tế, ở việc hợp tác  với thế giới bên ngoài. Việc đổ vỡ của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu làm cho các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á và Cuba mất một chỗ dựa về tinh thần, một thị trường giao dịch buôn bán giúp đỡ nhau, một nguồn viện trợ to lớn về vốn và về các mặt hàng chiến lược quan trọng, một chỗ dựa hùng mạnh về quân sự và mất sự phối hợp nhau trong cuộc đấu tranh trên trường quốc tế. Ngay cả các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, có những bước tiến về bình thường hóa quan hệ với nhau nhưng cũng không phải trở thành những đồng minh sống chết với nhau như trước đây nữa. Giai đoạn quan hệ giữa các nhà nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa đã qua rồi.

Ở đa số các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do giai cấp tư sản lãnh đạo. Sau khi cách mạng dân tộc dân chủ thành công, họ đã đưa nước nhà đi lên con đường tư bản chủ nghĩa. Ở một số nước, do nhiều nguyên nhân khác đã thành công trong việc xây dựng phát triển nền kinh tế nước nhà đến phồn vinh và thịnh vượng, trở thành những nước công nghiệp mới như Malaysia, Singapore, Nam Triều Tiên v. v...

Ví dụ như Malaysia có dân số 18 triệu người, năm 1970-71 bắt tay vào phát triển kinh tế với kế hoạch dài hạn 20 năm (1971-1990), từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển kinh tế văn hóa. Nhờ đó Malaysia có nhịp độ phát triển kinh tế rất cao: 1971-1990 mỗi năm kinh tế nước này tăng trưởng 6, 7%; 1990 thu nhập bình quân tính theo đầu người là 2. 280 đô la Mỹ, dự tính mức thu nhập này sẽ tăng 4 lần theo kế hoạch. Chính phủ Malaysia thi hành một chính sách nhất quán: Tất cả giành cho sự phát triển. Để làm điều đó, chính phủ đề ra kỷ luật nghiêm minh và rất tiết kiệm, ra sức bảo vệ môi trường. Chính phủ Malaysia cho rằng muốn phát triển hơn nữa phải có mối quan hệ và liên kết giữa các nước trong khu vực. Thủ tướng Malaysia viết: "Người ta (chỉ các cường quốc phương Bắc) đang tìm cách cô lập chúng ta từng nước một cho nên chúng ta cần liên hiệp các nước phương Nam, cần hiểu biết nhau hơn... Tôi tin rằng các nước phương Nam đoàn kết lại có thể tác động đến tình hình thế giới" (Tuần tin tức số 10, 7-3-92, tr. 13).

Nhìn chung, sau khi giành được độc lập, các nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, trừ một số nước phồn vinh, còn lại đa số nước chủ yếu là ở châu Phi, Mỹ La Tinh chưa giải quyết được toàn bộ nhu cầu xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tóm lại, ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dù là vô sản hay tư sản lãnh đạo, họ đã hoàn thành được nhiệm vụ giành được độc lập dân tộc và hoàn thành ở mức độ khác nhau nhiệm vụ dân chủ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-75-a22708.html