Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 82)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                                                                                                                       

Kỳ 82

3. Vai trò của công xã nông thôn đối với sự ra đời của nhà nước:

           Vai trò kinh tế của công xã nông thôn đã làm tiền đề cho nhà nước ra đời. Chúng ta đã biết rằng công xã nguyên thuỷ tan rã là do những công cụ sản xuất mới ra đời làm tăng năng suất lao động. Sang thời kỳ công xã nông thôn, công cụ sản xuất càng phát triển mạnh mẽ, đồ đá mới trở thành công cụ thứ yếu, đồ đồng và sau đó là công cụ đồ sắt trở thành phổ biến vào khoảng 4000 năm TCN ở phương Đông. Công cụ cải tiến làm cho năng suất lao động cao, người dân không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa. Nền sản xuất nông nghiệp phát triển, sản xuất dư thừa là một tiền đề kinh tế quan trọng cho sự ra đời của nhà nước. Vì nhà nước là thượng tầng kiến trúc ăn bám phi sản xuất, kinh tế của cải có dư thừa mới có đủ điều kiện nuôi sống một bộ máy ăn bám đông đúc như nhà nước. Công xã nông thôn đã có năng suất lao động cao, sản phẩm dư thừa. Sự phát triển này đạt được khoảng 3000 năm TCN ở phương Đông là tiền đề quan trọng để nhà nước ra đời.

Về mặt lãnh thổ quốc gia, các công xã nông thôn đã liên kết với nhau sớm hình thành những tiểu vương quốc do nhu cầu trị thuỷ các con sông lớn như sông Nin ở Ai Cập, Hằng Hà ở ấn Độ, Tigơrơ, Ơ Fơrat ở Lưỡng Hà, Hoàng Hà, Trường Giang ở Trung Quốc, do nhu cầu chống ngoại xâm, nhu cầu chiến tranh xâm lược. Các công xã nông thôn liên kết thành các tiểu quốc còn là để giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tộc người và giữa các vùng với nhau. Từ các tiểu quốc đã thống nhất lại thành quốc gia, thành vương quốc. Trong khuôn khổ định hình biên giới lãnh thổ quốc gia nhà nước xuất hiện.

           Công xã nông thôn còn góp phần vào sự hình thành những đặc trưng cơ bản của nhà nước. Đặc trưng thứ nhất là cai trị dân cư theo khu vực hành chính. Công xã thi tộc vốn dĩ dựa trên cộng đồng quan hệ huyết thống mà tồn tại. Nhưng đến công xã nông thôn do sự di cư đi những nơi khác làm ăn mà dân cư xáo trộn, không thể cấu kết nhau theo huyết thống. Công xã nông thôn là cộng đồng, là đơn vị mà cư dân sống với nhau trên cơ sở công hữu về ruộng đất. Sự xáo trộn này tạo điều kiện cho nhà nước phân chia khu vực hành chính để cai trị, góp phần tạo nên sự hình thành đặc trưng thứ nhất của nhà nước.

           Công xã thị tộc vốn dĩ không có nhà nước, quyền lực thời kỳ này chỉ là quyền lực xã hội. Các tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh liên minh bộ lạc, thủ lĩnh quân sự chỉ là những người đại diện cho tất cả những thành viên công xã, không đại diện cho một giai cấp, một tầng lớp nào trong xã hội. Khi xuất hiện nhà nước, quyền lực xã hội chuyển thành thứ quyền lực công cộng, các “quan chức” thời kỳ công xã nguyên thủy chuyển thành quan chức trong bộ máy nhà nước chiếm hữu nô lệ- thành Vua, quan. Công xã nông thôn còn là nơi sản sinh ra lực lượng vũ trang cho nhà nước. Ở thời kỳ công xã nguyên thủy những người cầm vũ khí chỉ là những dân binh bảo vệ làng xã. Khi có nhà nước họ biến thành lực lượng vũ trang- quân đội chuyên nghiệp phục vụ cho một giai cấp.

           Công xã nông thôn cũng đã tạo nên cơ sở xã hội cho nhà nước cổ đại. Trong công xã nông thôn vốn dĩ đã phân hoá xã hội thành giai cấp nghèo khổ và giai cấp giàu có. Khi xuất hiện nhà nước, giai cấp giàu có trở thành giai cấp chủ nô cầm quyền, giai cấp nghèo khó trở thành nông dân bị nhà nước chủ nô áp bức bóc lột, thành một thứ “nô lệ phổ biến ” (Các Mác). Giai cấp chủ nô còn tiến hành chiến tranh với các bộ lạc khác, những bộ lạc bại trân bị chúng cươp đoạt tài sản và ruộng đất, còn thân phận bị biến thành nô lệ. Trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo, các thầy cúng, tăng lữ trong công xã nông thôn biến thành tăng lữ quý tộc khi có nhà nước, làm nhiệm vụ ca tụng nhà vua, thần thánh hoá nhà vua, thần thánh hoá chế độ. Tôn giáo dân gian của công xã nguyên thuỷ, công xã nông thôn trở thành tôn giáo nhà nước (đa thần giáo) , tạo nên hình thái ý thức trong kiến trúc thượng tầng, giúp cho giai cấp cầm quyền dùng tôn giáo để mê hoặc, hù dọa nhân dân, tô vẽ bộ mặt thần thánh cho nhà vua, cho chế độ chuyên chế. Nhà nước còn tiếp thu những giá trị văn hóa thời kỳ nguyên thuỷ, thời kỳ công xã nông thôn: Giá trị văn hoá tinh thần, giá trị văn hoá vật chất, giá trị văn hoá xã hội để tạo nên những hình thái xã hội mới trong kiến trúc thượng tầng mới. Đặc biệt nhà nước đã tiếp thu phong tục tập quán lâu đời của công xã nông thôn- những tiền lệ pháp nâng lên thành những quy phạm pháp luật mượn bàn tay cưỡng chế của nhà nước để buộc nhân dân phải tuân theo, khuất phục ý muốn của giai cấp thống trị.

(Còn Nữa)

CVL        

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-82-a22839.html